Hoàng hậu không sinh được con nhưng vị vua thứ 5 của Bỉ vẫn một lòng yêu thương bà cho tới khi qua đời.
Vua Baudouin và hoàng hậu Fabiola |
Hoàng tử Baudouin được miêu tả là một chàng trai quý tộc gầy gò cao tới trên 1,8 mét – người từng mong muốn trở thành một nhà sư.
Baudouin có một tuổi thơ bất hạnh khi những người thân trong gia đình lần lượt qua đời. Năm 3 tuổi, ông nội mà ông yêu quý – vua Albert I qua đời trong một tai nạn leo núi ở Ardennes.
Ngay trước sinh nhật lần thứ 5, mẹ ông – hoàng hậu Astrid thiệt mạng trong một vụ tai nạn ô tô do chính cha ông – vua Leopold lái xe và đâm phải một cái cây. Bà chết trong vòng tay của chồng. Cái chết của người phụ nữ được cho là đẹp nhất châu Âu đã phủ một đám mây đen lên thời thơ ấu của của Baudouin.
Năm 9 tuổi, ông cùng gia đình trốn sang Bồ Đào Nha khi cuộc xâm lược của Đức bắt đầu. Năm 1945, ông bị những kẻ bắt giữ đưa qua Áo trước khi gia đình ông được giải cứu bởi quân đội. Gia đình ông cũng dành 5 năm tiếp theo ở Thuỵ Sĩ trước khi trở về Bỉ. Có thể nói, tuổi thơ của vị vua tương lai không hề êm đềm.
Năm 1951 – khi bước vào tuổi 20, ông trở thành vị vua thứ 5 của Bỉ sau khi cha ông thoái vị.
9 năm sau đó, người ta quyết định rằng ông cần có một hoàng hậu bên cạnh. Một nữ tu đã được giao nhiệm vụ tìm kiếm cho đức vua một cô dâu phù hợp. Nhà vua đưa ra 2 điều kiện: một là phải có dòng dõi quý tộc, hai là phải là người theo đạo Công giáo giống như ông.
Nữ tu O’Brien đã gặp hiệu trưởng của một ngôi trường ở Madrid để đề xuất nguyện vọng. Vị hiệu trưởng này đã giới thiệu cho nữ tu con gái của một trong những chủ đất lớn nhất Tây Ban Nha. Lúc này, Fabiola đang là một y tá.
Trong một bức thư, nữ tu miêu tả Fabiola có ‘hơi thở của không khí trong lành, cao, thon thả, xinh đẹp, nổi bật, tràn đầy sức sống và thông minh’.
Hoàng hậu Fabiola được đánh giá là một người phụ nữ thanh lịch, hài hước và thông minh |
Fabiola sinh ra trong một gia đình có dòng dõi quý tộc. Cha cô là hầu tước xứ Casa Riera – người thừa kế gia sản từ công việc khai thác mỏ của gia đình. Cô là con gái đỡ đầu của nữ hoàng Victoria Eugenie. Mẹ cô có họ hàng gần với gia đình hoàng gia Tây Ban Nha.
Chính vì thế, cô được giáo dục tử tế ngay từ nhỏ. Cô thông thạo 5 thứ tiếng: tiếng Hà Lan, tiếng Pháp, tiếng Đức, tiếng Ý và tiếng Anh.
Fabiola cũng được học tập để trở thành một y tá. Cô sống trong căn hộ riêng nhưng ngày nào cũng ăn tối ở cung điện. Bạn bè miêu tả cô là một người nhút nhát và ngoan đạo. Sau khi cô từ chối lời cầu hôn của một chàng trai quý tộc với lý do ‘không đủ nghiêm túc’, một tờ tạp chí của Tây Ban Nha đã nhận xét cô là mẫu con gái ‘không thể kiếm được một người đàn ông nào cả’.
Cô kết hôn với đức vua Baudouin ở Brussels vào năm 1960. Để chào mừng lễ cưới, các thợ làm bánh Tây Ban Nha đã tạo ra một loại bánh mỳ theo tên cô – la fabiola – mà cho đến nay người ta vẫn còn ăn ở đất nước này.
Ở Bỉ, Fabiola được người dân yêu mến và đặt cho danh hiệu ‘nữ hoàng của người dân Bỉ’. Nhà thám hiểm Guido Derom từng đặt tên một dãy núi ở Nam Cực là Dãy núi Nữ hoàng Fabiola vào năm 1961 để vinh danh bà.
Tuy nhiên, một nỗi buồn lớn của nhà vua và nữ hoàng Tây Ban Nha là họ không thể sinh được người thừa kế ngai vàng. Nữ hoàng Fabiola từng có bầu 5 lần nhưng đều bị sảy thai. ‘Tôi đã mất 5 đứa con. Tôi học được một số điều từ trải nghiệm đó. Tôi gặp vấn đề trong tất cả những lần mang thai, nhưng cuối cùng tôi vẫn nghĩ rằng cuộc đời này thật tươi đẹp’.
Họ tuyên bố tất cả trẻ em Bỉ đều là con cái mình. Bất cứ nơi nào có trẻ con, nhà vua và hoàng hậu đều dành thời gian chơi với chúng.
Cả hai đều là những người rất sùng đạo. Họ cùng nhau đi nhà thờ mỗi ngày. Các cố vấn thân cận nhất của nhà vua cũng là những thành viên của nhà thờ.
Trong quá trình nắm giữ ngai vàng, nhiều người cho rằng đức vua Baudouin bị ảnh hưởng khá lớn do niềm tin vào tôn giáo khi vào năm 1990, ông từ chối thông qua dự luật cho phép phá thai đã được Quốc hội phê chuẩn. Một số người cho rằng có nhiều lý do khiến nhà vua đưa ra quyết định này: một phần là vì niềm tin tôn giáo của ông, một phần khác xuất phát từ việc ông và hoàng hậu không thể có con.
Theo luật thì nhà vua buộc phải ký đạo luật này khi Quốc hội đã thông qua. Vì thế, giải pháp mà ông đưa ra là xin từ chức 1 ngày để chính phủ được phép thông qua đạo luật.
Sau khi nhà vua qua đời, hoàng hậu Fabiola chuyển ra khỏi cung điện hoàng gia để sống cuộc đời giản dị |
Sau khi đức vua qua đời vào năm 1993 do một cơn đau tim sau 42 năm trị vì, em trai ông lên kế nhiệm. Hoàng hậu Fabiola chuyển ra khỏi cung điện hoàng gia để sống cuộc đời giản dị ở lâu đài Stuyvenberg. Bà cũng hạn chế xuất hiện trước công chúng để không làm hình ảnh của hoàng hậu mới bị mờ nhạt.
Bà được người dân ghi nhận sự đóng góp trong các hoạt động xã hội, đặc biệt là các vấn đề liên quan tới sức khoẻ tâm thần, trẻ em và phụ nữ.
Năm 2001, Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực của Liên Hợp Quốc đã trao tặng Huân chương Ceres cho bà nhờ những đóng góp cho phụ nữ nông thôn ở các nước đang phát triển. Bà cũng viết một cuốn truyện cổ tích dành cho trẻ em và hiến tặng tiền bản quyền cuốn sách này cho Tổ chức Trẻ em quốc gia Bỉ.
Là một nguời có nhiều đóng góp cho công tác xã hội, nữ hoàg Fabiola cũng được đánh giá là một người có khiếu hài hước xuất sắc. Năm 2009, một số tờ báo cho rằng bà đang gặp những mối nguy hiểm đe doạ tới tính mạng, theo đó dự đoán bà sẽ bị bắn bằng nỏ. Bà đã đáp lại những tin đồn này trong các buổi lễ cấp quốc gia của Bỉ bằng cách vẫy một quả táo trước đám đông.
Chuyện tình đẹp như cổ tích của 'công chúa tóc mây' gốc Việt
Bên nhau trong những tháng ngày tuổi trẻ sôi nổi, cùng nhau nỗ lực xây dựng sự nghiệp cá nhân, chuyện tình 'dắt nhau đi khắp thế gian' của công chúa tóc mây gốc Việt Sarah Trần và người bạn đời Tob Tobias khiến nhiều người ngưỡng mộ.
Nguyễn Thảo (Theo Independent, New York Times)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét