Thứ Ba, 31 tháng 12, 2019

Huỳnh Như và giây phút quyết tâm mang vinh quang về cho Tổ quốc

'Khi vào sân thi đấu, chị em chúng tôi nắm tay nhau bảo, gắng lên, phải thắng để mang vinh quang về nước'.

Cù Thị Huỳnh Như - Đội trưởng đội bóng đá nữ Việt Nam, hiện 28 tuổi, quê huyện Châu Thành, Trà Vinh. Hôm 1/1/2020, cô được vinh danh trong lễ tuyên dương công dân tiêu biểu TP.HCM năm 2019 vì có những đóng góp cho các thắng lợi của đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam và những việc làm thiện nguyện.

Trên trang cá nhân, nữ cầu thủ sinh năm 1991 viết: ‘Huỳnh Như xin cảm ơn thầy cô, anh, chị, bạn bè và những người bạn trên khắp mọi miền đất nước đã dành tình cảm cho Như. Nhất định Như sẽ cố gắng để xứng đáng với những tình cảm yêu thương mà mọi người dành cho mình’.

{keywords}

Đội trưởng Huỳnh Như trong trận gặp Thái Lan mới đây.

Huỳnh Như sinh ra trong gia đình có mẹ bán hàng ở chợ. Từ khi chập chững biết đi, cô đã có niềm đam mê đặc biệt với quả bóng.

4 tuổi, Như được mẹ cho ra chợ chơi mỗi ngày. Bà Lài - mẹ Huỳnh Như cho biết, mỗi khi bà hỏi con thích mua gì, cô bé Như đưa tay chỉ về những quả bóng nhựa. Biết bóng là đồ chơi của con trai, nhưng vì bản thân cũng mê bóng đá, bà chiều theo ý con.

Năm lên 6 tuổi, Như được bố tặng cho những quả bóng nhựa đủ màu sắc. Hàng ngày, đi học về, Như lại mang bóng ra sân đá. 

Trước nhà Như là một con sông lớn. Sợ con gái mải chạy theo bóng sẽ gặp nguy hiểm, bố Như dùng dây cột cố định quả bóng trước cửa nhà cho con chơi.

{keywords}
Huỳnh Như cho biết, từ sau SEA Games 30, cô được nhiều người biết đến, đi đâu cũng có người xin chụp hình.

Sự nghiệp ‘quần đùi áo số’ của Như bất đầu từ năm cô 9 tuổi. Khi đó, xã Lương Hòa A và những xã lân cận tổ chức giải bóng đá nam. Như là con gái nhưng vẫn được điền tên vào danh sách thi đấu.

‘Bố mẹ giới thiệu tôi cho ban tổ chức. Sau khi kiểm tra năng lực, tôi được chọn’, Như nhớ lại.

Khi con gái mặc quần đùi áo số vào sân thi đấu, vợ chồng bà Lài gọi các anh chị em trong nhà đến cổ vũ cho con. ‘Ba mẹ tôi rất mê bóng đá. Trận nào tôi đá ba mẹ cũng gọi hết các cậu dì đi cổ vũ. Tôi ghi được bàn thắng là được cả nhà tuyên dương, thưởng tiền’, Như kể.

Giải đấu đó, xã Như giành cúp vô địch. Còn Như đoạt danh hiệu vua phá lưới vì ghi được 4 bàn thắng. Tiền thưởng cô nhận được là 20.000 đồng.

Năm 2006, tỉnh Trà Vinh thành lập một đội bóng đá nữ. Các huấn luyện viên đi về các trường tuyển chọn vận động viên. Như được chọn vào đội tuyển. Tuy nhiên, do kinh phí của tỉnh hạn hẹp, đội bóng nhanh chóng tan rã.

Hai năm sau, Như được thầy giới thiệu cho vào đội bóng nữ Sài Gòn. Đang học lớp 12, lẽ ra phải tập trung cho việc học để hoàn thành tốt kỳ thi tốt nghiệp, nhưng vì mê bóng đá và được ba mẹ ủng hộ, Như một mình lên thành phố theo nghiệp cầu thủ. 

‘Khi mới gia nhập đội bóng, tôi chỉ là vận động viên thử việc’, Như nhớ lại. Sợ con gái xa nhà, không tập trung tập luyện, bố mẹ Như liên tục gọi lên hỏi thăm. Rồi dăm bữa nửa tháng, bà Lài lại đóng cửa hàng, mang con gà, con vịt, ít trái cây bắt xe đò lên Sài Gòn thăm con. ‘Tôi được như hôm nay, ngoài công lao dẫn dắt của các thầy, còn có công rất lớn của bố mẹ’, Như nói bằng lòng biết ơn.

Những năm sau đó, Như chơi bóng bùng nổ trong vai của một tiền đạo ở đội tuyển quốc gia và câu lạc bộ. Cô cùng đồng đội đã mang nhiều huy chương vàng về cho nước nhà, nhưng phải đến mùa SEA Games 30 vừa qua họ mới nhận được sự quan tâm đặc biệt của người hâm mộ.

{keywords}
29 tuổi, Như mới có một mối tình thời học sinh, còn lại suốt những năm qua, cô chỉ tập trung cho bóng đá.

‘Từ sau mùa giải, tôi được nhiều người biết đến. Nhiều hôm tôi đi ăn, các chủ quán họ không lấy tiền. Mấy cô bán rau củ ngoài chợ, nhìn thấy tôi thì gọi đến nói chuyện, xong họ cho khoai, bắp, rau củ để mang về nhà', Như nói và cho biết, trang cá nhân của cô bây giờ rất nhiều người vào kết bạn, nhắn tin chúc mừng, xin làm quen, nhưng vì bận cô chưa trả lời hết được. 

Nhớ lại khoảng thời gian đội tuyển nữ liên tục giành chiến thắng, mang nhiều vinh quang về cho nước nhà, nhưng không được quan tâm, nước mắt cô rưng rưng.

'Chị em chúng tôi được như hôm nay là phải trải qua không biết bao nhiêu khó khăn, nước mắt và tủi phận. Nhưng khi vào sân thi đấu, chúng tôi nắm tay nhau bảo, gắng lên, phải thắng để mang vinh quang về nước.

{keywords}
Như cho biết, ba mẹ ở quê luôn thúc giục con gái lấy chồng, sinh con, nhưng cô vẫn chưa nghĩ đến điều đó. Hiện tại, cô vẫn tập trung cho bóng đá và hoàn thành việc học dở dang ở trường Đại học Sư phạm TP.HCM.

Nhiều lần, vào sân thi đấu mà khán đài vắng lắm. Lên máy bay về nước chị em tôi cũng lặng lẽ. Thắng mà buồn lắm. Lúc đó, thật sự tôi rất nản. Tôi từng nghĩ, hay giải nghệ về quê nuôi vịt, ra chợ bán hàng phụ mẹ, không bóng banh gì nữa’, Như kể.

Khi trấn tĩnh lại, Như lại tự nhủ, phải cố gắng hơn nữa. Nếu mình đã cố gắng hết sức mà thất bại thì không việc gì phải buồn. Và thế là niếm vui đã đến. Tới đây, đội tuyển nữ sẽ có nhiều giải đấu, Như và các đồng đội tự hứa sẽ thi đấu hết mình để mang niềm vui cho người hâm mộ. 

Người phụ nữ Việt được vinh danh 'Công dân danh dự của Seoul 2019'

Người phụ nữ Việt được vinh danh 'Công dân danh dự của Seoul 2019'

Lê Nguyễn Minh Phương (sinh năm 1987) là người Việt Nam đầu tiên được vinh danh là ‘Công dân danh dự của Seoul năm 2019’.  

Tú Anh - Thanh Tùng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét