Thứ Năm, 27 tháng 2, 2020

‘Xây mộ càng to càng thể hiện lòng hiếu thảo sâu đậm’

 Mẹ tôi mất đã 10 năm. Có muốn mua quần áo đẹp, món ngon… bà cũng chẳng thể hưởng. Chúng tôi chỉ còn biết xây một ‘ngôi nhà’ khang trang cho người đã khuất.

Mấy hôm nay tôi theo dõi tất cả các bài viết trên VietNamNet - những bài tranh luận về việc cải táng cho người đã khuất thế nào cho hợp lý.

Mỗi người một ý kiến và tôi thấy ý nào cũng hợp lý, khách quan. Tuy nhiên mỗi cây mỗi hoa mỗi nhà mỗi cảnh, việc lo hậu sự cho người thân qua đời nên tùy thuộc vào quan điểm, điều kiện kinh tế của từng gia đình.

Gia đình nào đông con, kinh tế ổn định có thể làm ma chay, xây lăng mộ tươm tất cho người mất. Gia đình nào điều kiện khó khăn hoặc ít con, cháu để lo phần hương hỏa có thể làm ma chay, xây mộ đơn giản hoặc hỏa thiêu.

Với bản thân tôi, dù kinh tế vững vàng hay chưa dư giả nhưng với người thân đã khuất tôi không bao giờ so đo, tính toán.

‘Sống cái nhà - già cái mồ’ là quan niệm đã ăn sâu vào máu thịt của người Việt từ xa xưa. Ông cha ta cho rằng, khi còn sống con người phải phấn đấu xây được một mái nhà khang trang, tử tế để sinh hoạt.

Khi chết đi, người mất cũng phải được an táng ở một nơi khang trang, đẹp đẽ. Người xưa cũng cho rằng, có như vậy mới khiến người cõi âm thanh thản nơi chín suối, con cháu làm ăn mới phát tài phát lộc.

Không chỉ vậy, nhiều gia đình còn quan niệm ‘cuộc sống trần gian chỉ là tạm gửi, cuộc sống bên kia thế giới mới là vĩnh cửu’ vì vậy họ không tiếc thời gian, công sức đầu tư ‘chốn ở’ cho thế giới bên kia ngay từ khi còn sống.

Gia đình tôi có 3 người con, 2 trai và 1 gái. Ngày trước, bố tôi đi chiến trường và hi sinh. Mẹ tôi không đi bước nữa, một mình nuôi 3 con khôn lớn. Bà vừa làm ruộng vừa quần quật buôn bán ở chợ để đủ tiền lo cho các con ăn học.

Nghĩ lại hình ảnh ngày thơ ấu - mẹ tôi về nhà khi trời sập tối, cái dáng gầy gầy ngoài cửa với một xe đầy hàng hóa, đến giờ vẫn khiến tôi cay mắt.

Bà cứ cặm cụi, chịu thương chịu khó như vậy đến khi chúng tôi lớn lên. Ngày mẹ còn sống, kinh tế của ba anh em chưa dư giả nên không báo đáp bà được nhiều.

Khi bà mất, chúng tôi cũng không xây được cho bà nấm mộ khang trang. Đó là điều khiến tôi day dứt suốt bao năm. 10 năm sau, kinh tế các con ổn định, ngày cải táng cho mẹ, 3 anh em chúng tôi ngồi lại để bàn bạc.

Chẳng ai bảo ai, các anh em đều nhất trí xây cho bà một ‘mái nhà’ thật tử tế để tỏ lòng hiếu kính của các con.

Nay mộ của mẹ tôi nổi bật giữa nghĩa trang của địa phương với chi phí không dưới vài trăm triệu. Xây được 'chỗ ở' mới cho mẹ, anh em tôi thở phào nhẹ nhõm.

Sau này tôi không ép các con mình xây mộ lớn cho mình nhưng tôi muốn chúng nhìn vào đó để biết về lòng hiếu thảo, biết ơn công sinh thành dưỡng dục của cha mẹ.

Vì vậy, xin các bạn đừng tranh cãi về việc cải táng như thế nào mà làm người đã khuất đau lòng. Xin các bạn hãy tùy vào hoàn cảnh gia đình, quan niệm của từng nhà để có quyết định hợp lòng nhất.

Bài viết trên thể hiện quan điểm riêng của độc giả. Bạn nghĩ gì về quan điểm này? Hãy gửi ý kiến của mình bằng cách viết bình luận bên dưới bài hoặc gửi về địa chỉ mail: Bandoisong@vietnamnet.vn. Những ý kiến hay sẽ được biên tập và đăng tải trên báo VietNamNet. Trân trọng cảm ơn!
Tôi muốn vay 400 triệu xây mộ cho bố mẹ nhưng vợ phản đối

Tôi muốn vay 400 triệu xây mộ cho bố mẹ nhưng vợ phản đối

Tôi muốn xây khu mộ đàng hoàng cho ông bà, bố mẹ nhưng vợ tôi nói chỉ cần thể hiện lòng thành là được.   

Độc giả Phùng Hòa (Ninh Bình)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét