Thứ Sáu, 23 tháng 4, 2021

Những ngôi nhà vắng mẹ

Một buổi tối không như thường lệ, anh Khiêm luống cuống chạy ra cửa hàng tạp hoá để làm một việc mà anh chưa từng làm trước đây.

Một buổi tối không như thường lệ, anh Khiêm luống cuống chạy ra cửa hàng tạp hoá để làm một việc mà anh chưa từng làm trước đây -  mua gói băng vệ sinh cho con gái.

Trong lúc đó, ở nhà, con gái anh đang học lớp 7, gọi video cho mẹ để thông báo về kỳ kinh nguyệt đầu tiên của cô bé.

Chị Thư, mẹ của em đang ở cách nhà 1.700km. Hơn 1 năm nay, bỏ lại chồng con và công việc đồng áng, chị Thư sang Đài Loan làm giúp việc.

Ở quê chị - xã Yên Lư, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang có hàng trăm phụ nữ như chị Thư. Xa chồng con, họ đi xuất khẩu lao động vài năm với hy vọng vực dậy kinh tế gia đình.

Với gia đình anh Khiêm, chỉ sau hơn 1 năm vợ đi nước ngoài, anh có tiền sửa lại căn nhà cũ, cất mái lên 2 tầng. Kinh tế gia đình họ đã khấm khá hơn nhiều so với trước đây, khi chỉ phụ thuộc chủ yếu vào nghề thợ mộc của anh.

Sự thay đổi ấy hai người con của anh chị cảm nhận được rõ nhất. Đổi lại những đêm nằm trên chiếc giường vắng mẹ là bữa cơm hằng ngày tươm tất hơn, là chiếc xe đạp mới được bố mua cho để đi học... 

Anh Khiêm nói, gia đình anh còn may mắn hơn nhiều nhà khác vì các con đã lớn và ngoan ngoãn. Ở quê anh, địa phương nổi tiếng “phất lên” nhờ xuất khẩu lao động (XKLĐ), có nhiều gia đình, người mẹ đi làm từ lúc con mới được 2-3 tuổi. Có nhà cả hai vợ chồng cùng xuất ngoại, bọn trẻ được giao lại cho ông bà.

Cũng có những trường hợp sau một thời gian người vợ đi nước ngoài, gia đình tan vỡ, con cái hư hỏng.

“Tất cả cũng vì miếng cơm manh áo. Chúng tôi quyết định hy sinh vài năm con cái thiếu bố, thiếu mẹ để tạo dựng kinh tế trước” - anh Khiêm chia sẻ.

Không thể phủ nhận việc người dân đi XKLĐ giúp cho những vùng quê nghèo như Yên Lư trước đây “thay da đổi thịt”. Tuy nhiên, đâu đó vẫn còn những hệ luỵ, những đánh đổi không thể tránh khỏi bên trong cánh cửa mỗi gia đình.

Những ngôi nhà vắng mẹ-1
Số liệu từ Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội), năm 2019.

Theo thống kê của Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), năm 2019, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 147.387 người, trong đó có 49.324 lao động nữ - chiếm 33,4%. 

Một nghiên cứu có tên Phụ nữ nông thôn đi lao động ở nước ngoài phân tích từ góc độ giới do Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới thực hiện năm 2010 chỉ ra những tác động nhiều mặt của di cư lao động từ các góc độ khác nhau: kinh tế, văn hoá, xã hội.

Kết quả khảo sát tại xã Đông Tân, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình - nơi có khoảng 300 lao động di cư mỗi năm - cho thấy, 81% lao động đi XKLĐ là nữ; 93,6% trong số đó có con nhỏ.

70,7% số người tham gia khảo sát cho biết, họ gặp khó khăn trong việc chăm sóc trẻ em; 37,4% cho rằng, con khó bảo hơn, nghịch ngợm hơn; 18,7% cho rằng, họ thực sự gặp phải khó khăn trong việc giáo dục, đôn đốc con học hành và 16,4% người được hỏi nói rằng, con cái họ học kém hơn khi mẹ đi XKLĐ. Cũng có hơn 40% gặp khó khăn về công việc nhà nói chung.

“Việc thiếu người mẹ trong việc chăm sóc trẻ nhỏ là khó khăn không nhỏ đối với các ông bố. Phải sống thiếu sự chăm sóc của người mẹ trong thời gian trung bình từ 2-3 năm khiến những đứa trẻ không thể tránh khỏi hụt hẫng, khủng hoảng” - nghiên cứu viết.

Ngoài ra, việc sống xa cách có thể là nguyên nhân dẫn đến vợ chồng không hiểu nhau, gây rạn nứt  hôn nhân. Kết quả nghiên cứu cho thấy, có đến gần 70% những người chồng có vợ đi XKLĐ luôn có cảm giác buồn nhớ xen lẫn lo lắng do nhiều nguyên nhân khác nhau.

Số người trả lời có cảm giác nghi ngờ, lo sợ vợ không chung thủy chiếm tỷ lệ - 5,3%. Tuy nhiên, có gần 50% các hộ gia đình được phỏng vấn cho rằng khi đi di cư một mình không cùng gia đình, quan hệ gia đình trở nên lỏng lẻo hơn.

Những ngôi nhà vắng mẹ-2
Số liệu từ khảo sát Phụ nữ nông thôn đi lao động ở nước ngoài phân tích từ góc độ giới do Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới thực hiện năm 2010

Đề cập đến vấn đề này, bà Dương Thị Ngọc Linh - Giám đốc Trung tâm Phụ nữ và Phát triển cho rằng, đây là một thực tế phổ biến trong các gia đình thiếu vắng người mẹ. 

Để giải quyết những vấn đề này, bà Linh đề xuất các tổ chức phụ nữ ở địa phương và trung ương nên triển khai chương trình tập huấn cho thành viên ở lại về cách thức tổ chức cuộc sống khi người phụ nữ vắng nhà.

Việc tuyên truyền về các nguy cơ, khó khăn sẽ đến với phụ nữ XKLĐ và gia đình họ cũng là biện pháp hữu ích. Các cán bộ phụ nữ ở địa phương cũng nên động viên, hỗ trợ thường xuyên các gia đình có phụ nữ đi XKLĐ, hướng dẫn và khuyến khích gia đình họ xây dựng kênh thông tin chia sẻ thường xuyên với nhau để vẫn duy trì được sự gần gũi, xoá đi khoảng cách về địa lý.

Đồng thuận với ý kiến này, bà Hà Thị Thanh Vân - Phó Giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam nhận định, chúng ta phải chấp nhận thực tế là phụ nữ sẽ còn tiếp tục tham gia thị trường lao động ngoài nước. 

Bà đề xuất các tổ chức hỗ trợ phụ nữ nên thể hiện vai trò bằng cách hỗ trợ phụ nữ cách chăm sóc gia đình từ xa, giải quyết mâu thuẫn với chồng phát sinh trong thời gian lao động ở nước ngoài…”. 

Đặc biệt, trong bối cảnh các ứng dụng công nghệ thông tin phát triển như hiện nay, chúng ta có thể kêu gọi các tổ chức phụ nữ, các công ty công nghệ vào cuộc để hỗ trợ, hướng dẫn người lao động sử dụng các ứng dụng trên điện thoại di động, giao tiếp với gia đình, trực tiếp hướng dẫn, hỗ trợ người thân trong việc tổ chức công việc ở nhà.

Đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp công nghệ, doanh nghiệp viễn thông mở rộng thị trường, phát triển các sản phẩm mới, phục vụ đối tượng khách hàng này. 

“Công nghệ sẽ giúp thu hẹp khoảng cách giữa các thành viên trong gia đình, hạn chế những khúc mắc và khó khăn khi người phụ nữ đi làm xa nhà” - bà Thanh Vân nêu ý kiến. 

Tuy nhiên, ở một số quốc gia, các chi phí cho dịch vụ Internet vẫn còn khá cao, nên nếu có thể, các công ty viễn thông của Việt Nam nên có chính sách hỗ trợ cho lao động Việt Nam làm việc tại nước sở tại, trong đó có ưu tiên hơn với phụ nữ tùy điều kiện thực tế, bà Thanh Vân đề xuất. Ngược lại, Nhà nước nên có những ưu đãi cho các công ty này theo cách tiếp cận các ưu đãi đang thực hiện đối với các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ trong nước hiện nay. 

Nguyễn Thảo


Blog được phát triển bởi https://chamsocnhacuahiendai.blogspot.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét