Có những người bạn gọi anh là Lâm “hâm” nhưng anh biết họ gọi anh như thế với sự tôn trọng và yêu mến.
Điều quan trọng nhất với anh là đồng nghiệp, người thân và những người khuyết tật được thụ hưởng biết anh đang làm gì.
Đi để hiểu hơn về người khiếm thị
Do ảnh hưởng của Covid-19 nên kế hoạch đạp xe xuyên Việt của anh Đặng Thế Lâm, 36 tuổi - người sáng lập tổ chức hỗ trợ cộng đồng người khiếm thị Việt Nam và những người bạn (VAF) - bị trì hoãn từ sau Tết âm lịch cho đến giữa tháng 3 năm nay.
Ngày 15/3, với chiếc xe đạp đã được trang bị đầy đủ, anh Lâm bắt đầu hành trình xuyên Việt từ địa đầu tổ quốc Hà Giang. Anh chạm đích tại Cà Mau vào ngày 11/5 và trở lại Hà Nội vào ngày 15/5 sau đúng 60 ngày.
Anh Lâm chia sẻ: “Thời điểm tôi thực hiện hành trình thì dịch bệnh lắng xuống. Sau khi hoàn thành hành trình cũng là lúc dịch bệnh bắt đầu bùng phát trở lại”.
Là một người yêu thích bộ môn đạp xe, anh Lâm đã sử dụng chính sở thích của mình để thực hiện mục đích gây quỹ 200 triệu đồng cho dự án Thư viện sách nói miễn phí cho người khiếm thị trên điện thoại thông minh.
Anh Đặng Thế Lâm bắt đầu hành trình tại Hà Giang và kết thúc ở Cà Mau. Ảnh: NVCC |
Sau 11 năm đồng hành cùng người khiếm thị, anh nhận ra rằng cơ hội giáo dục chính là khoảng cách lớn nhất giữa người khiếm thị và người bình thường. Thư viện sách nói ra đời một phần với mong muốn được thu hẹp khoảng cách đó.
Trong hành trình 60 ngày, anh Lâm đã dành thời gian ghé thăm Hội người khiếm thị ở các tỉnh mình đi qua để trò chuyện, tìm hiểu thêm về cuộc sống, những khó khăn của người khiếm thị.
‘Điều khó khăn nhất với người khiếm thị tại các tỉnh mà tôi đi qua vẫn là khó khăn để tiếp cận với giáo dục và cơ hội việc làm để có thể dần dần độc lập về tài chính, đỡ phụ thuộc hay là gánh nặng cho những người thân. Người khiếm thị trong độ tuổi lao động thì phải mưu sinh xa nhà tại các trung tâm thành thị hay thành phố lớn để kiếm thêm thu nhập.
Còn một nhóm đối tượng gặp vô cùng khó khăn là những người khiếm thị lớn tuổi. Họ không được tiếp cận với giáo dục, phục hồi chức năng khi họ còn trẻ, về già lại thiếu thốn về các đời sống tinh thần”.
Giải thích về việc chọn hoạt động đạp xe xuyên Việt để gây quỹ, anh Lâm cho biết, mục đích chính của hành trình là tìm hiểu về cuộc sống của người khiếm thị tại những nơi mà anh đi qua. Phần khác, đây cũng là cơ hội để anh khám phá đất nước, gặp gỡ mọi người trên đường đi. Còn việc gây quỹ hoàn toàn được anh thực hiện trên mạng xã hội Facebook.
“Tôi chia sẻ mục đích của hành trình, nhật ký hành trình với mọi người thông qua kênh này. Đầu tiên chỉ những người bạn biết đến, dần dần là những người bạn của bạn, sau đó là những người mà tôi chưa từng gặp mặt. Tôi hoàn toàn không gây quỹ trên đường.
Tôi đã vượt mục tiêu gây quỹ trong 55 ngày với số tiền hơn 206 triệu. Số tiền này sẽ giúp VAF duy trì được nền tảng ứng dụng, máy chủ trong vòng 2 năm và giúp chúng tôi sản xuất được 100 cuốn sách nói”.
Hành trình cảm nhận sự tử tế
Anh Lâm dành thời gian ghé thăm những người khiếm thị trên đường đi. Ảnh: NVCC |
Anh Lâm là một người thích đạp xe, chạy bộ và sử dụng xe đạp như một phương tiện để đi làm hằng ngày. Nhưng để sẵn sàng cho hành trình dài ngày này, anh Lâm cũng phải chuẩn bị thể lực và phương tiện rất kỹ càng.
Anh mang theo dụng cụ sửa xe để tự sửa những hỏng hóc nhỏ. Tính đến thời điểm dừng chân ở TP.HCM, chiếc xe đạp chỉ bị thủng săm 3 lần. Ngoài ra, anh cũng mang đủ dụng cụ cắm trại để có thể hạ lều ở bất cứ địa điểm nào.
“Khó khăn lớn nhất đối với đạp xe đường dài, đặc biệt tôi lại đi một mình là bạn cần chuẩn bị kỹ về thể lực, bởi vì thời tiết thay đổi liên tục theo địa hình từ lạnh trên vùng núi miền Bắc đến nắng nóng gay gắt tại miền Trung. Kỹ năng sửa xe cũng là một yếu tố cần thiết. Và đặc biệt là phải đối mặt với sự cô đơn trong cả hành trình vì không có bạn đạp cùng. Bạn phải tự tìm thấy niềm vui cho chính mình trong cả hành trình” - anh Lâm chia sẻ.
Rất nhiều kỷ niệm đẹp anh đã được trải nghiệm trong suốt 60 ngày từ Hà Giang tới mũi Cà Mau. Nhưng có 2 kỷ niệm đặc biệt nhất mà anh muốn chia sẻ. Đó là sự khó khăn mà ít người biết đến của những người khiếm thị sinh ra và lớn lên ở vùng sâu vùng xa. “Không chỉ là những khó khăn về địa lý, họ còn vấp phải những khó khăn về dân trí, tư tưởng lạc hậu khi cho rằng khiếm thị là do con ma nó làm. Tư tưởng đó khiến họ khó tiếp cận với sự chăm sóc y tế và giáo dục”.
Một kỷ niệm khác lại cho anh cảm nhận rõ ràng hơn bao giờ hết sự ấm áp giữa người với người khi được 2 cậu bé tặng 2 quả dưa hấu giữa cái nắng chang chang của vùng đất Quãng Ngãi.
“Chuyến đi này mang lại cho tôi rất nhiều thứ ngoài ngân sách gây quỹ được. Nó cho tôi thấy sự tử tế của con người dọc đất nước. Đó cũng là một hành trình ‘chậm chạp’ mà không phải lúc nào bạn cũng làm được”.
Thư viện sách nói đã sản xuất được hơn 720 file âm thanh trên ứng dụng Open Road Audiobooks ở hai nền tảng iOS và Android. Người khiếm thị có thể đăng ký sử dụng ứng dụng qua các Hội người mù mà mình sinh hoạt hoặc tự đăng ký trên ứng dụng. Tuy nhiên, với các trường hợp tự đăng ký, người khiếm thị cần cung cấp thông tin để xác minh mình chính là đối tượng thụ hưởng của dự án, ví dụ như giấy xác nhận là người khuyết tật… |
Nguyễn Thảo
Chuyện tình của chàng trai Hà Nội ‘cãi’ gia đình, cưới cô gái khiếm thị
Khi nhận được lời tỏ tình từ một anh chàng điển trai, hiền lành, vì mặc cảm, chị Kim Dung đã tìm cách ‘chạy trốn’.
Blog được phát triển bởi https://chamsocnhacuahiendai.blogspot.com/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét