Thất nghiệp, tiền tích cóp vơi cạn, các tài xế, tiếp viên uống nước mưa, ăn ngủ trên xe buýt chờ ngày bến xe hoạt động trở lại.
"Không còn lựa chọn nào khác"
Trời nhá nhem tối, anh Thạch Chăm Pa (37 tuổi, tiếp viên một tuyến xe buýt tại bến Đại học Quốc gia TP.HCM, TP.Thủ Đức, TP.HCM) ra bờ rào bẻ vài tép sả để chuẩn bị bữa cơm chiều. Mấy hôm nay, anh được người trong bến xe dẫn đi làm phụ hồ nên về trễ.
Anh Pa vốn có bệnh tim bẩm sinh. Bác sĩ khuyên anh không được làm việc nặng. Nhưng hiện tại, anh không còn lựa chọn nào tốt hơn. Sau 4 tháng kẹt lại bến xe, anh đã không còn đồng nào để trang trải.
Những chiếc xe buýt nằm im lìm trong bến, trở thành mái nhà bất đắc dĩ của một số tài xế, tiếp viên. |
Khi phố lên đèn, anh Chăm Pa dọn bữa tối ra chiếc bàn dựng tạm bằng những chiếc lốp xe buýt hỏng. Ngồi ăn cùng anh còn có anh Trần Phú Quý (41 tuổi) và cậu con trai 4 tuổi, anh Trần Thanh Phong (47 tuổi, tài xế tuyến xe buýt số 56). Cũng như anh Pa và khoảng 50 tài xế, tiếp viên khác, anh Quý, anh Phong cũng kẹt lại bến xe trong đợt dịch vừa qua.
Bữa ăn chỉ có đĩa cá kho và tô dưa hấu đã cắt sẵn thành miếng. Dẫu vậy, đây là bữa ăn thịnh soạn của Chăm Pa và mọi người.
Trước đó, các tài xế, tiếp viên tại bến xe này đều tin rằng, dịch bệnh sẽ sớm được khống chế. Thế nên, khi hợp tác xã thông báo bến xe ngưng hoạt động, mọi người đều cố trụ lại.
Anh Chăm Pa (trái) và anh Phong ăn bữa cơm đạm bạc trước đầu xe của mình. |
Anh Phong kể: “Ai cũng tưởng chỉ nghỉ chạy khoảng 1-2 tháng thôi nên ai còn tiền thì ra ngoài thuê phòng trọ để ở tạm. Số khác tiết kiệm hơn chọn cách ăn, ngủ trên xe”.
“Không ngờ dịch kéo dài suốt 4 tháng khiến mấy anh em ra ở trọ cũng không còn tiền đóng cho chủ, đành trở vào bến, lên xe ở tạm. Ai cũng biết ở trên xe nhiều điều bất tiện, khó khăn, đặc biệt là khi thành phố thực hiện lệnh giãn cách. Nhưng chịu thôi, chúng tôi không còn sự lựa chọn nào khác”, anh Phong nói thêm.
Không giống Chăm Pa đã quen với việc ngủ trên xe, những ngày đầu, nhiều tài xế gần như không thể chợp mắt. Dù trời đêm, không khí bên trong xe vẫn rất bí và ngột ngạt. Các tài xế cũng không thể mở cửa xe bởi không chịu nổi cảnh muỗi hoang thi nhau đốt, chích.
Anh Quý và cậu con trai hơn 4 tuổi của mình cũng ăn, ngủ trên xe ròng rã 4 tháng dịch. |
Ban ngày, không khí trong xe càng nóng nực, ngột ngạt hơn. Không chịu được cái nóng như phòng xông hơi, các tài xế phải tìm đến tán cây có bóng mát để mắc võng, trải áo mưa nghỉ tạm.
Trồng rau, hứng nước mưa, ăn mì gói độn cơm… sống tạm
Nhóm anh Quý, Chăm Pa, Phong cố gắng kết thúc bữa ăn thật nhanh. Sau đó, anh Quý dẫn cậu con trai mới học lớp chồi của mình đi tắm, còn anh Pa mời PV lên “tham quan” nơi ăn, ngủ của mình.
Không còn tiền, anh Tâm phải tự tay sơn, sửa chiếc xe buýt. |
Anh biến chiếc xe thành căn bếp nhỏ. Trên dãy ghế sát cửa lên xuống, anh sắp xếp gọn gàng mấy chai nước tương, dầu ăn, muối, bột nêm. Phía hàng ghế đối diện là thùng gạo.
Ngay giữa 2 hàng ghế, anh kê chiếc bếp gas mini cùng một cái nồi nhỏ. Vị trí này cũng là giường ngủ của anh sau mỗi 20h đêm.
“Trước đây, tôi có cái quạt điện. Nó quay 24/24 suốt 4 tháng qua nên hỏng rồi. Bây giờ, dù nóng nực, ngột ngạt, tôi cũng phải ngủ mùng thôi. Mở cửa ra muỗi nhiều lắm”, anh nói rồi giũ cái áo còn lấm lem vôi, vữa, ra hiệu cho tôi biết mình sắp đi tắm.
Chăm Pa giới thiệu không gian sống chật hẹp trên chiếc xe buýt. |
Sống trên những chiếc xe chỉ nằm phơi mưa, phơi nắng trong bến, các tài xế, tiếp viên gặp đủ mọi khó khăn. Khi thành phố thực hiện lệnh giãn cách, những người bị kẹt lại không thể mua thực phẩm.
Rất may, hợp tác xã có gói hỗ trợ tiền mặt và gạo nên các tài xế, tiếp viên không lo đói. Thế nhưng, không thể mua thực phẩm, họ bắt đầu làm quen với việc ăn mì tôm trường kỳ.
Nhắc đến mì gói, anh Dương Minh Tâm (32 tuổi, tiếp viên xe buýt tuyến 53) dù đang sơn lại chiếc xe của mình cũng thoáng giật mình. Sau 4 tháng luẩn quẩn trong vòng quay cơm trắng - mì tôm, mì tôm - cơm trắng, anh thật sự ngán ngẩm và “ghê sợ”.
Các tài xế phải trữ nước mưa để uống, nước giếng có trong bến xe chỉ có thể để tắm gội, giặt giũ. |
Thậm chí, anh ăn mì nhiều đến nỗi các tài xế tại đây nói vui rằng, Tâm có thể chế biến được 7 món ăn khác nhau chỉ từ mì gói. Trong khi đó, anh Pa sớm chuẩn bị cho mình một khu vườn rau xanh nho nhỏ ngay trong bến xe để “chống ngán mì gói”.
Từ đầu tháng 7, anh mua hạt giống, phân bón rồi xới đất, lên liếp trồng cải, mồng tơi, rau muống, bí đỏ, bầu... Anh còn tận dụng các khay, thùng nhựa hỏng tại bến xe để trồng thêm các loại rau thơm.
Nếu không mưa, mỗi đêm, các tài xế thường treo đèn, pha trà, cùng nhau nói chuyện giết thời gian, xua đi cảm giác cô đơn, nhớ vợ con. |
Nhờ mảnh vườn nhỏ này, các tài xế bị kẹt lại vì dịch có rau xanh để cải thiện bữa ăn. Mấy hôm nay, khi khu vườn già cỗi, rau củ úa tàn, anh Pa lại “thủ sẵn” hũ dưa mắm, lọ mắm bồ hóc. Khi có thể đi lại, anh còn vay mượn tiền, mua ít gạo nếp về độn vào gạo tẻ để nấu cơm ăn cho đỡ ngán.
Sống tạm tại bến xe, ngoài thiếu rau củ, thịt cá, các tài xế còn đối mặt với tình trạng thiếu nước sạch. Bởi, nước giếng tại đây có mùi hôi nên chỉ có thể dùng để tắm, giặt hàng ngày. Để có nước uống, nấu ăn, các tài xế phải mua từ các nhà xung quanh hoặc hứng, trữ nước mưa bằng chai, thùng nhựa.
Dẫu vậy, đó không phải là những điều các tài xế, tiếp viên xe buýt tại đây lo sợ nhất. Nỗi nhớ nhà, nhớ vợ con trong những đêm nằm một mình trong thân xe leo lét ánh đèn từ màn hình điện thoại mới khiến họ sợ hãi.
20h đêm mỗi tối, các tài xế bắt đầu thu vén đồ đạc để chuẩn bị lên xe đi ngủ. |
Một tài xế xin được giấu tên chia sẻ, anh không muốn kể cảnh sống tại bến xe của mình với PV. Anh sợ vợ con biết rồi lại lo lắng, buồn phiền. Những lúc cảm giác cô đơn tràn về, anh lại tìm đến các tài xế cùng cảnh ngộ. Họ sẽ đun nước, pha trà rồi cùng nhau trò chuyện cho vơi nỗi nhớ nhà.
“Bây giờ, chúng tôi chỉ mong bến xe hoạt động trở lại. Tết đã sắp đến rồi, ai cũng lo không có tiền về quê đón Tết với gia đình, người thân. Thất nghiệp suốt 4 tháng qua, chúng tôi gần như chẳng còn gì cả”, anh này nói.
Bài, ảnh: Nguyễn Sơn
Xe buýt trang trí hàng trăm thú bông, khách quên mệt mỏi
Hơn một năm qua, anh Sang và tài xế biến chiếc xe buýt tuyến 146 thành “vương quốc” thú bông. Cách trang trí xe độc đáo, đáng yêu của hai người khiến hành khách thích thú.
Blog được phát triển bởi https://chamsocnhacuahiendai.blogspot.com/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét