Thứ Năm, 2 tháng 12, 2021

Kẹt lại Việt Nam vì dịch, người phụ nữ mua đất trồng trái cây sạch

Khi lên chuyến bay giải cứu về Việt Nam, chị Mai không nghĩ sẽ phải xa con lâu đến vậy. Tuy nhiên, với tinh thần lạc quan, chị tận dụng thời gian mắc kẹt để làm nhiều việc ý nghĩa.

Khi đại dịch Covid-19 càn quét châu Âu, chị Vũ Ngọc Mai (38 tuổi, quê Bắc Giang), sống tại thành phố Karlovy Vary, Cộng hòa Czech, bị ốm, trầm cảm vì mất người thân và phải ở trong nhà suốt 7 tháng do dịch bệnh lẫn giãn cách xã hội liên miên.

Nhiều đám tang vì Covid-19 ảm đạm khi người mất không có ai bên cạnh, chị mong được về với mẹ.

Tháng 7/2020, chị Mai về tới Việt Nam cùng hơn 300 kiều bào trong chuyến bay giải cứu. Tất cả đều an toàn, không ai mắc Covid-19.

“Tôi sống ở châu Âu 20 năm nay và làm nghề nail, phun xăm thẩm mỹ, xăm hình nghệ thuật. Vì tính chất công việc phải không ngừng nâng cao tay nghề, năm nào tôi cũng về Việt Nam vài tháng. Khi lên chuyến bay, tôi chỉ định về vài tháng học nghề và tránh dịch vì có bệnh nền. Hơn nữa, tôi vẫn còn con trai ở Czech. Tôi không nghĩ sẽ mắc kẹt đến giờ”, chị Mai nói với Zing.

Ket lai trong dich anh 1

Ket lai trong dich anh 2

Chị Ngọc Mai sinh sống ở Karlovy Vary - thành phố nghỉ dưỡng và điện ảnh thuộc hàng đẹp nhất châu Âu.

Bỏ phố về rừng

Sau 28 ngày cách ly và ở nhà tự theo dõi hậu chuyến bay, chị Mai đi học nâng cao tay nghề. Chị cũng kết nối với nhóm thiện nguyện ở Tây Nguyên để đi cứu trợ trong đợt lũ lụt miền Trung.

Trong quá trình làm việc sau đó, chị Mai đến Tây Nguyên và thích khí hậu dễ chịu, cây trái tươi tốt, con người sảng khoái ở nơi đây. Được đi trải nghiệm vườn cam ở Măng Đen, chị mơ ước có khu vườn như vậy.

Cái duyên cũng đưa chị Mai đến với công việc cứu trợ động vật hoang dã ở mảnh đất đầy nắng và gió. Chị thậm chí muốn thành lập trung tâm bảo vệ động vật hoang dã nhưng khó thực hiện vì thủ tục pháp lý phức tạp.

Khi công việc này phải tạm dừng do dịch, chị Mai cùng một người bạn quyết định vay ngân hàng mua lại vườn trái cây hữu cơ ở thị trấn Phước An, huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk.

Ket lai trong dich anh 3

Chị Ngọc Mai cùng một người bạn mua lại khu vườn trái cây ở Đắk Lắk trong dịch.

“Tôi không biết gì về nông nghiệp, xe máy còn không biết đi, bạn đồng hành thì mất một tay do tai nạn. Bởi vậy, khi chúng tôi mua khu vườn hơn 6.000 m2, nhiều người nói liều lĩnh. Tháng 4, khi dịch lan rộng, vườn được chính thức sang lại, tôi đóng cửa để học chăm sóc cây và trồng thêm hoa, rau, củ quả”, chị nhớ lại.

Được nhiều người trợ giúp và tự mày mò, chị Mai dần xây dựng được thương hiệu trái cây organic. Chỉ trong thời gian ngắn, những trái cam xoàn, quýt đường, bưởi da xanh... của vườn chị được chuyển đi nhiều nơi, mọi người ủng hộ, khen có vị khác biệt.

Mong làm điều ý nghĩa

Tại Czech, chị Mai sống ở chung cư, không có đất trồng trọt. Chị chưa từng nghĩ một ngày sẽ làm nông dân, bán nông sản hay tự tay trồng rau, củ, quả.

“Khi tôi nhận khu vườn, nơi này không có điện, nước và nhà vệ sinh, chỉ là căn nhà trông rẫy đơn sơ. Tôi phải chỉnh sửa, thiết kế lại gần hết để có thể ở được. Sau đó tôi trồng thêm hoa, rau và thả cá, nuôi gà để cải tạo không gian sống. Cũng nhờ đó, tôi phần nào vơi đi nỗi nhớ con”, chị nói.

Không chỉ trồng nông sản phục vụ bữa ăn hàng ngày, chị Mai còn đem bán để thêm vào quỹ từ thiện của mình. Ước mong của chị là giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, đồng thời hướng mọi người tới cuộc sống chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau và lan tỏa lối sống xanh.

Ket lai trong dich anh 4

Ket lai trong dich anh 5

Ket lai trong dich anh 6

Từ không biết gì về trồng trọt, chị Mai học hỏi để tạo không gian sống xanh trong dịch.

Vì ban đầu không chủ định về Việt Nam lâu đến vậy, chị Mai coi hơn một năm qua là trải nghiệm thú vị trong đời.

Từ việc phát triển vườn trái cây organic, chị hy vọng người dân xung quanh thấy trồng hữu cơ không hề mất giá và cũng đi theo hướng này.

Bên cạnh đó, chị Mai cũng sửa chữa lại căn nhà khang trang hơn để mọi người có thể đến trải nghiệm thiên nhiên, nâng cao ý thức về vấn đề bảo vệ môi trường.

“Khi ở Czech, tôi tham gia hội người Việt, tổ chức nhiều lễ hội văn hóa để gìn giữ truyền thống. Dù ở đâu, tôi cũng hướng về cộng đồng và mong có thể tạo cho mọi người lối sống xanh, sạch, bớt dùng chất hóa học”, chị nói.

Người mẹ chia sẻ thêm: “Tôi tin rằng mỗi người ý thức chút thôi thì việc bỏ phố về rừng sẽ là những hành trình xanh, đẹp cho bản thân, gia đình và mảnh đất mình chọn”.

Theo Zing

Cuộc sống tự cung tự cấp của gia đình tiết kiệm tiền tỷ mỗi năm

Cuộc sống tự cung tự cấp của gia đình tiết kiệm tiền tỷ mỗi năm

Quyết tâm bỏ phố về quê cách đây hơn một thập kỷ, Misty và Bryce tìm thấy bình yên, hạnh phúc nơi vùng nông thôn hẻo lánh.


Blog được phát triển bởi https://chamsocnhacuahiendai.blogspot.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét