Thứ Sáu, 17 tháng 12, 2021

Người phụ nữ khỏi Covid-19 nhưng không muốn xuất viện về nhà

Được lực lượng y tế chăm sóc tận tình, bệnh nhân đối xử như người thân, bà Nga cảm thấy buồn khi biết tin sắp được xuất viện về nhà. Bà muốn có thêm thời gian giúp đỡ những người ở lại, bệnh nhân mới đến.

Không muốn về nhà

Trưa, nắng ấm phủ vàng khoảng sân rộng khu cách ly của Bệnh viện dã chiến phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp do nCov, huyện Củ Chi, TP.HCM. Bà Vũ Thị Nga (SN 1957, quận Tân Phú, TP.HCM) cùng bạn ra sân hít thở không khí trong lành dưới những tán cây rợp bóng mát.

Bà Nga đã điều trị Covid-19 tại đây hơn 13 ngày và sắp được xuất viện. Tuy vậy, khi nhắc đến việc sắp được về nhà, bà không mấy vui. Ngược lại, bà rưng rưng xúc động vì không muốn rời bệnh viện.

Bà không muốn đi xa khỏi những bệnh nhân, y bác sĩ mà bấy lâu bà đã xem như người thân sau nhiều ngày gắn bó. Bởi thế, những ngày qua, bà nhiều lần rơi nước mắt khi chứng kiến hình ảnh y bác sĩ đứng xếp hàng dõi theo dòng người được xuất viện về nhà.

{keywords}
Một khu cách ly tại Bệnh viện dã chiến phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp do nCov tại huyện Củ Chi.

Trong phút giây ấy, cả bệnh nhân và lực lượng y tế đều luyến lưu, bịn rịn không muốn rời nhau. Họ vẫy tay chào như cách những người thân trong gia đình từ biệt nhau trước lúc chia xa.

Bà Nga chia sẻ: “Mỗi lần thấy hình ảnh ấy, tôi lại rơi nước mắt. Tôi khóc không phải vì mình chưa được về, lo sợ bệnh tình nặng thêm. Tôi khóc vì hình ảnh ấy xúc động quá”.

“Có cảm giác như ở đây đang là một gia đình ấm cúng giờ các thành viên lại phải chia xa nên ai cũng lưu luyến, không muốn rời bước. Bản thân tôi cũng không muốn về nhà dù sắp được xuất viện”, bà nói thêm.

Bà Nga và chồng được chuyển đến Bệnh viện dã chiến Củ Chi cách đây nửa tháng. Cả hai nhanh chóng yêu thích không gian điều trị bệnh tại đây.

{keywords}
Bà Nga đã điều trị tại đây được nửa tháng và sắp được xuất viện.

Bệnh viện gần như lọt thỏm trong cánh rừng với nhiều cây xanh, đảm bảo cho người bệnh có không gian thoáng mát, trong lành.

Những bệnh nhân đến từ các quận nội đô TP.HCM đều sống trong nhà cao tầng, chung cư, khu nhà trọ chập hẹp, bức bí. Thế nên, khi vào bệnh viện, được sinh hoạt trong không gian thoáng đãng, rợp bóng cây xanh, ai cũng cảm thấy rất thoải mái. Có người còn nói vui là mình đang được đi nghỉ dưỡng chứ không phải đang bị cách ly, điều trị bệnh.

Người đến trước giúp người đến sau

Nhiều bệnh nhân cho biết, sau khi trở về nhà, họ bị người thân kỳ thị, xa lánh. Trong khi đó, tại bệnh viện, dù đang là F0, bệnh nhân luôn có cảm giác được chăm sóc, lo lắng từ những người xung quanh, lực lượng y bác sĩ.

Bà Nga là một ví dụ điển hình. Khi biết tin bà nhiễm bệnh, nhiều người thân chọn đứng cách xa bà từ 5-7m. Tuy vậy, khi vào bệnh viện, bà không cảm nhận được khoảng cách ấy nữa.

Các bác sĩ, điều dưỡng, lực lượng tình nguyện viên đều tận tình, nhiệt huyết đến bên vợ chồng bà mỗi khi hai người lên cơn khó thở, tụt oxy...

{keywords}
Tuy vậy, bà khẳng định không muốn về nhà vì có được cảm giác như đang ở trong gia đình mình.

Bà Nga tâm sự: “Các bác sĩ yêu thương và lễ phép với bệnh nhân có tuổi dù đôi khi họ không nhất thiết phải làm điều đó. Các bệnh nhân già yếu, neo đơn… đều do một tay các bác sĩ, điều dưỡng chăm lo”.

“Các chú bộ đội ở đây cũng xem bệnh nhân như người nhà. Các em tắm giặt, thay tã cho cụ ông, cụ bà … điều có lẽ các em cũng chưa có dịp làm khi còn ở nhà. Thế nên các bệnh nhân ở đây đều nói bệnh viện này là bệnh viện không muốn về”, bà Nga nói thêm.

Những ngày điều trị tại bệnh viện, bà Nga ấn tượng với tình cảm giữa các bệnh nhân dành cho nhau. Mọi người đều đề cao tinh thần tương thân tương ái, yêu thương giúp đỡ lẫn nhau.

Dù đang mang bệnh, phải dốc hết sức lực chống chọi với những cơn ho thắt ngực, các bệnh nhân đều cố gắng hỗ trợ người yếu hơn mình. Ngày PV có mặt, bà Nga dù chưa thực sự hồi phục cũng đã chủ động giặt quần áo cho một cụ ông cao tuổi, phải thở máy.

{keywords}
Tại các khu cách ly, bệnh nhân đều yêu thương, xem nhau như người nhà để cùng nhau vượt qua bệnh tật.

Trong khi đó, một người bạn của bà lại tất tả chuẩn bị đút cơm cho một bệnh nhân cao tuổi khác không thể tự chăm sóc mình. Ngoài sân, một số phụ nữ trẻ tuổi hơn đảm nhận nhiệm vụ chăm sóc, trông giữ, chơi cùng đám trẻ con khi cha mẹ các bé đang tắm giặt, uống thuốc…

Bà Nga chia sẻ: “Ở đây, phòng bệnh nào cũng vậy. Các bệnh nhân ở chung phòng rất thương yêu, đùm bọc nhau. Người đến trước giúp đỡ, chăm lo cho người đến sau từ những việc nhỏ nhất”.

“Khi có một bệnh nhân mới đến, chúng tôi sẽ quét dọn phòng, xếp giường chiếu, lấy cơm nước cho họ ăn. Được giúp đỡ như vậy, khi họ khỏe hơn, họ cũng tự động giúp lại những người khác đến cách ly, điều trị sau mình”, bà nói thêm.

{keywords}
Nhiều bệnh nhân neo đơn, không có người thân khi vào viện đã tìm được bạn để chia sẻ, chăm sóc lẫn nhau.

Mọi người tâm lý, chu đáo đến nỗi, khi được xuất viện, họ để lại toàn bộ đồ dùng của mình. Các bệnh nhân chỉ mang về quần áo và để lại đường, sữa, nước sát khuẩn, trái cây, thau, ly tách… cho người sau sử dụng.

Họ vội về, chưa kịp rửa, vệ sinh sạch sẽ các dụng cụ trên, những người chưa được về như bà Nga sẽ làm việc đó. Bà cùng mọi người cọ rửa, sát khẩn, vệ sinh sạch sẽ các vật dụng này để người sau vào là có sử dụng.

“Chỉ mới gắn bó ít ngày, nhưng chúng tôi quý nhau lắm. Trong lúc khó khăn, tình người luôn nảy nở. Chính những tình cảm tốt đẹp ấy khiến các bệnh nhân như chúng tôi lạc quan, tự tin hơn trong quá trình điều trị bệnh”, bà Nga chia sẻ.

Bài, ảnh: Nguyễn Sơn

Bé gái mồ côi bịn rịn chia tay ông ở cổng bệnh viện dã chiến

Bé gái mồ côi bịn rịn chia tay ông ở cổng bệnh viện dã chiến

Vì ông ngoại vẫn dương tính với Sars-Cov-2, bé gái 7 tuổi phải xuất viện một mình. Ngày rời bệnh viện, hai ông cháu bịn rịn, không chịu rời đi khiến nhiều người nghẹn ngào.


Blog được phát triển bởi https://chamsocnhacuahiendai.blogspot.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét