Thứ Sáu, 25 tháng 10, 2019

Hạnh phúc của cụ bà Sài Gòn 82 tuổi lần đầu được làm giấy khai sinh

Ở cô nhi viện đến năm 8 tuổi, bà Nữ trèo tường bỏ trốn. Từ đó, bà sống cảnh lang thang, không có giấy tờ tùy thân.

Ngày 19/4 vừa qua, được UBND phường Thạnh Lộc, Quận 12, TP.HCM thông báo đến để làm giấy khai sinh, bà Châu Ngọc Nữ, 82 tuổi, làm nghề nhặt ve chai và bán vé số dạo reo lên vì vui.

Chạy một vòng đi khoe với mấy bà bạn trong xóm, bà đạp chiếc xe đạp cũ đến ủy ban phường làm theo hướng dẫn của cán bộ hộ tịch. Không biết chữ, cụ bà cứ lóng nga lóng ngóng. May mắn, bà được chị cán bộ hướng dẫn tận tình.

Đến trưa, mọi thủ tục giấy tờ cũng xong. Trên đường về căn phòng trọ rộng chỉ 10 m2, bà rẽ vào chợ mua con gà, cá, ít trái cây để đến chiều làm cái tiệc nhỏ mừng mình có giấy khai sinh.

{keywords}
82 tuổi, lần đầu tiên bà Nữ được cầm giấy khai sinh của mình trên tay. Ảnh: N.H.

Chiều hôm đó, bà nghỉ đi nhặt ve chai một bữa, cả buổi chiều bà đến chơi hết nhà này đến nhà khác khoe chuyện vui của mình. Mấy bà bạn già trong xóm cũng mua trái cây sang chia vui cùng bạn.

‘Cả cuộc đời tôi sống không nhà, không cha mẹ, không giấy tờ tùy thân. 82 tuổi, cầm được tờ giấy khai sinh, tôi mừng lắm’, bà Nữ nói, giọng run run.

Bà Nữ mất mẹ khi mới 16 tháng tuổi. Năm bà 3 tuổi thì bố mất. Không còn bố mẹ, bà được người ta đưa đến một cô nhi viện ở Sài Gòn nhờ nuôi giúp. ‘Tôi trở thành trẻ mồ côi như vậy’, giọng chậm rãi cụ bà kể về mình.

Sống ở cô nhi viện đến năm 8 tuổi, bà theo nhóm bạn trèo tường bỏ trốn. ‘Tôi nghe lời mấy chị lớn tuổi hơn. Các chị nói, ra ngoài sống sướng hơn’, bà Nữ nhớ lại.

{keywords}
Người phụ nữ tóc bạc, da mồi này đã sống một cuộc đời chan đầy nước mắt với gầm cầu, đường phố, không giấy tờ tùy thân.

Rời cô nhi viện, bà Nữ sống lang thang. Ban ngày bà đi theo nhóm trẻ lang thang đi xin ăn ở khu vực Chợ Lớn. Tối, cả nhóm ngủ ở gầm cầu, có khi ngoài đường, hoặc ở một căn nhà hoang nào đó.

Không đi học, không biết chữ, 8 tuổi bà Nữ không biết mình tên gì, quê ở đâu, tại sao mình lại trở thành trẻ mồ côi. ‘Là trẻ mồ côi lang thang, tủi thân lắm. Nhiều hôm không có cơm ăn, mấy đứa tụi tui lượm lặt đồ ăn thừa cho vào bụng. Rồi đứa nào cũng đau bụng, bị tiêu chảy, đứa nào cũng gầy trơ xương’, cụ bà sinh năm 1937 kể về tuổi thơ của mình, giọng ngắt quãng.

Đến tuổi trưởng thành, bà Nữ được người ta cho mượn tiền làm vốn bán rau ở chợ Cầu Muối (Quận 1) kiếm sống. Một hôm, bà gặp một người phụ nữ miền Tây, nói có họ hàng với bà.

{keywords}
Chị Thanh - con gái bà Nữ cũng không có giấy tờ tùy thân như mẹ. Hai cháu trai bà Nữ cũng không có chứng minh nhân dân, hộ khẩu.

‘Lúc đó, tôi mới biết tên mình là Châu Ngọc Nữ, sinh năm 1937, quê Cần thơ, bố mẹ đã mất khi còn nhỏ’, bà Nữ kể. Biết được nguồn cội của mình, bà bắt xe về quê, đinh ninh sẽ đi thăm mộ bố mẹ nhưng không còn gì nữa.

34 tuổi, bà chung sống với một người đàn ông quê Cần Thơ, sinh được một người con gái. Chồng bà cũng là trẻ mồ côi. Vợ chồng sống được ba năm thì ông mất. ‘Ba con bé mất, tôi đưa con đi hết nơi này đến nơi khác. Cuộc sống lang thang của mẹ con tôi nhiều nước mắt lắm’, bà kể.

Đến lượt con gái bà lấy chồng, anh cũng là trẻ mồ côi. Thành ra, mấy chục năm qua, cả gia đình bà Nữ sống cảnh không hộ khẩu, không chứng minh nhân dân.

‘Tôi chuyển chỗ trọ liên tục, nhưng may mắn ở đâu cũng được người ta thương. Mấy anh cảnh sát khu vực biết hoàn cảnh của tôi nên tạo điều kiện lắm’, giọng cụ bà vui vẻ.

{keywords}
Bà Nữ thấy mình may mắn khi nhận được sự giúp đỡ của nhiều người, trong đó có ông Định.

Ở tuổi gần đất xa trời bà Nữ muốn làm giấy tờ tùy thân để được làm bảo hiểm y tế, khi đi khám bệnh sẽ được giảm tiền. Bà đến Ủy ban phường Thạnh Lộc - nơi đang thuê trọ xin làm thẻ bảo hiểm y tế, nhưng không có bất cứ giấy tờ tùy thân nào cả.

‘Nếu năm xưa tôi không trốn khỏi cô nhi viện thì cuộc đời có khi sẽ khác, không phải khổ cực vì giấy tờ như bây giờ. Tôi không có giấy tờ rồi, con cháu tôi cũng không luôn. Tất cả là do việc làm dại dột của tôi năm 8 tuổi’, bà Nữ tự trách mình. Sau đó, bà đạp xe đi đến các cơ quan chức năng, các cơ quan báo chí nhờ giúp đỡ, hi vọng mình sẽ có giấy tờ tùy thân.

Ông Phạm Quý Định là cán bộ công an nghỉ hưu. Biết câu chuyện của bà Nữ, ông đứng ra giúp đỡ. ‘Tôi may mắn hơn bà ấy là có gia đình, có đầy đủ giấy tờ và có nhà để ở. Câu chuyện của bà ấy thật tội nghiệp’, ông Định nói.

Song song với việc làm đơn nhờ các cơ quan giúp đỡ, ông giúp bà Nữ làm các thủ tục hành chính như bên Ủy ban phường Thạnh Lộc hướng dẫn là xác nhận nơi sinh ra, quê ở đâu, những nơi bà Nữ từng ở.

Ông Trương Thanh Tú, Chủ tịch UBND phường Thạnh Lộc cho biết, sau khi tiếp nhận đơn của bà Nữ cùng với sự hướng dẫn của Phòng Tư pháp Quận 12, Phường đã cấp giấy khai sinh cho bà Nữ.

Ông Định cho biết, hiện ông đang làm các thủ tục cho mẹ con bà Nữ được nhập hộ khẩu. Ngày 25/10, bước đầu, Công an Quận 12 đã gặp mẹ con bà Nữ để nghe trình bày về hoàn cảnh, lý do không có giấy tờ tùy thân.

‘Hiện tôi đang tiếp tục làm các thủ tục do phía công an yêu cầu. Mong tới đây mẹ con bà ấy sẽ làm được giấy tờ’, ông Định nói.

Người mẹ nghèo gửi con 4 tuổi cho người lạ, 15 năm sau bất ngờ cuộc trở lại

Người mẹ nghèo gửi con 4 tuổi cho người lạ, 15 năm sau bất ngờ cuộc trở lại

 Ở với bố mẹ nuôi, con trai chị Thanh (TP.HCM) được đi học và nhập hộ khẩu. Thi thoảng, cậu bé lại về thăm mẹ và bà ngoại.  

Tú Anh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét