Nhận được thông tin từ cô giáo, người mẹ đã phải nghỉ việc, đi từ Hà Nội vào TP.HCM để giải cứu con bị bố đẻ đánh đập, bạo hành.
Sáng 26/12, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam tổ chức hội nghị chia sẻ thông tin về hoạt động bảo vệ trẻ em trong năm 2019.
Ông Nguyễn Văn Hùng, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em, cho biết, năm 2019, hội tiếp nhận 32 đơn thư và gửi 27 đơn kiến nghị tới cơ quan chức năng liên quan tới các vụ việc xâm hại, bạo hành trẻ em, tranh chấp nuôi con…
Bà Ninh Thị Hồng, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam phát biểu |
Các vụ việc xảy ra tại Lạng sơn, Hải Phòng, Bắc Giang, TP.HCM… Hội cũng cử luật sư tham gia hỗ trợ pháp lý tại tòa cho nhiều trường hợp trẻ em bị xâm hại, bạo hành trên cả nước.
Bà Ninh Thị Hồng, Phó CT Hội Bảo vệ quyền trẻ em, cũng chia sẻ một số vụ việc khiến những người làm công tác bảo vệ trẻ em phải trăn trở.
Đó là trường hợp vợ chồng gia đình chị A. kết hôn và có 1 đứa con. Cuộc sống hôn nhân không hòa thuận, họ quyết định chia tay. Khi ly hôn, tòa quy định người mẹ (ở Hà Nội) được nuôi con và người bố (ở TP.HCM) có quyền chăm sóc, thăm nom.
Dịp nghỉ hè, người mẹ đồng ý cho con vào TP.HCM chơi cùng bố nhưng sau đó bố không cho con ra Hà Nội. Người bố này tìm cách thuyết phục vợ cho con ở TP.HCM cùng mình, buộc bà phải đồng ý.
Quá trình cháu bé được bố nuôi dưỡng ở TP.HCM, cô giáo phản ánh với mẹ là cháu bị bố liên tục đánh đập.
Người mẹ nghe tin con bị đánh bầm tím ở lưng, mông, chân đã vội vã đi máy bay từ Hà Nội vào TP.HCM chụp ảnh làm bằng chứng và đưa con đi khám.
Người mẹ nghỉ việc, ‘gõ cửa’ các cơ quan ban ngành tìm cách đòi lại quyền nuôi con. Nhận được thông tin, Hội Bảo vệ quyền trẻ em đã gửi công văn đến các ban ngành tố cáo hành vi của người bố và yêu cầu giao đứa trẻ cho mẹ nuôi dưỡng.
Hơn 1 tháng kiên trì, cuối cùng người mẹ cũng đón được con về trong nước mắt.
Cũng theo bà Hồng, quyền nuôi con sau khi ly hôn là vấn đề nhận được sự quan tâm của hầu hết các cặp vợ chồng khi giải quyết ly hôn.
Đây cũng là vấn đề khó khăn khi thỏa thuận bởi ai cũng muốn mình giành được quyền nuôi con, ai cũng cho rằng mình chăm sóc con sẽ tốt hơn người còn lại…Nên tranh chấp xảy ra là không thể tránh khỏi.
Thậm chí có trường hợp bố/mẹ tranh quyền nuôi con chỉ vì ấm ức với đối phương. Nhưng sau khi con về lại không quan tâm chăm sóc, thậm chí là bạo hành con khiến đối tượng thiệt thòi nhất luôn là trẻ em.
Ngoài công tác bảo vệ trẻ em trước vấn đề bị xâm hại, bạo hành, trong tháng 12/2019, Hội bảo vệ quyền trẻ em cũng tặng quà Tết cho 350 trẻ em với tổng trị giá 300 triệu đồng.
Hội cũng trao 100 suất quà Tết cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn tại Quảng Ninh (trị giá 100 triệu đồng)…
Năm 2020, hội sẽ tiến hành rà soát văn bản pháp luật liên quan đến trẻ em, đánh giá tìm ra điểm cần sửa đổi, bổ sung và chủ động đưa ra kiến nghị, chính sách với các ban ngành.
Đồng thời, hội nâng cao năng lực cho các hội viên nhằm nâng cao hiệu quả trong công tác tư vấn, hỗ trợ bảo vệ quyền trẻ em.
'Trang trại trẻ em' - nơi phụ nữ bị bắt cóc, hãm hiếp để thành 'máy đẻ'
Cảnh sát mới đây đột kích một 'trang trại trẻ em' và giải cứu nhiều thiếu nữ, phụ nữ trẻ đang mang thai bị bắt cóc, hãm hiếp để trở thành những 'cỗ máy biết đẻ'.
Ngọc Trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét