Ô nhiễm không khí nghiêm trọng đang đảo lộn cuộc sống người dân Hà Nội, TP.HCM và các thành phố lớn. Một cuộc cách mạng giao thông xanh là điều cần thiết khi một trong các thủ phạm chính được chỉ rõ là khí thải từ phương tiện chạy xăng.
Nhiều trẻ phải đi “lánh nạn” vì không khí ô nhiễm
Hơn một tuần nay, chị Anh Đào (Hoàng Mai, Hà Nội) phải gửi 2 con về quê ở Thái Bình. Không phải các con đang trong kỳ nghỉ mà chỉ vì Hà Nội đang trong những ngày ô nhiễm nghiêm trọng.
“Từ sáng mở mắt ra đã thấy bầu trời mù mịt, không khí ngột ngạt nồng nặc mùi khói xe. Người lớn còn không chịu nổi thì trẻ nhỏ sao chịu được”, chị Anh Đào chia sẻ.
Tại Hà Nội, mức độ “khó thở” lên cao tới mức, nhiều trường tiểu học phải chủ động hoãn việc tổ chức các hoạt động ngoài trời vì lo ngại không khí ô nhiễm.
Trong cuộc họp ngày 18/12/2019 bàn về giải pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường trên địa bàn, ngành giáo dục TP Hà Nội đã phải đưa ra đề xuất cho học sinh các trường mầm non, trường tiểu học nghỉ học trong những ngày không khí chạm ngưỡng nguy hại.
Khoa nhi các bệnh viện những ngày qua cũng thường xuyên quá tải vì trẻ nhập viện do các bệnh về đường hô hấp. Theo nghiên cứu do Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) thực hiện, trẻ em sống trong khu vực có nhiều khí thải bị suy giảm chức năng phổi đến 40% so với những em ở vùng nông thôn.
“Trẻ thở nhanh gấp đôi, các hạt mịn thấm vào phổi, đi vào máu và tác động đến sự phát triển não bộ. Nghiên cứu hiện nay cho thấy rằng việc tiếp xúc nhiều với ô nhiễm không khí ảnh hưởng tới kết quả học tập ở trường của trẻ”, bà Rana Flowers, Trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam, cảnh báo.
Chưa bao giờ ô nhiễm không khí ở các thành phố lớn của Việt Nam đáng báo động như hiện nay. Theo thống kê của Tổng cục Môi trường, trong năm 2019, riêng Hà Nội đã trải qua ít nhất 5 đợt ô nhiễm bụi mịn, trong đó có 3 đợt kéo dài trên 15 ngày, rơi vào các tháng 1, 3 và 9. Bộ Y tế cũng phải lần đầu tiên ban hành khuyến cáo 14 cách đối phó ô nhiễm không khí.
Tại buổi họp do Bộ Tài TN&MT chủ trì với đại diện một số Bộ, ngành trung ương, Hà Nội và TP HCM diễn ra vào ngày 19/12/2019 nhằm đánh giá thực trạng vấn đề ô nhiễm môi trường không khí, Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định: Khí thải từ số lượng lớn các phương tiện cơ giới là nguyên nhân chính gây phát sinh ô nhiễm bụi trong môi trường!
Forbes: Xe máy điện là giải pháp cho ô nhiễm không khí
Như nhiều người Việt Nam, chị Anh Đào cũng sử dụng xe máy. Tuy nhiên gần đây, sau bao lần phải giam chân giữa dòng phương tiện chen chúc, nhả khói đen nồng nặc chị mới thực sự ngộ ra rằng những chiếc xe máy chạy xăng chính là thủ phạm đầu độc bầu không khí.
“Bây giờ đến hít thở thôi cũng thấy ốm rồi. Tôi nghĩ nếu không giảm bớt xe máy thì sẽ mãi mãi không thể giải quyết vấn đề hiện tại”, chị Đào chia sẻ.
Các chuyên gia về môi trường cho rằng để cải thiện chất lượng không khí ở các đô thị cần triển khai đồng bộ rất nhiều giải pháp, trong đó, căn cơ vẫn là giải quyết nguồn thải từ các phương tiện giao thông.
“Ô nhiễm bụi PM2.5 và PM10 là do khí đốt nhiên liệu của phương tiện chạy xăng, dầu sinh ra. Nên nguyên nhân cơ bản nhất là do lưu lượng phương tiện giao thông quá lớn so với khả năng hấp thu ô nhiễm của môi trường không khí”, GS.TSKH. Phạm Ngọc Đăng, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam (VACNE), nhận định.
Cũng theo GS. Đăng, hạn chế phương tiện cá nhân là giải pháp đúng đắn mà cả thế giới đều theo. Nhưng để cấm thì phải có phương tiện thay thế bởi đi lại là nhu cầu thiết yếu, nhu cầu sống của người dân.
“Trong khi chưa phát triển được giao thông công cộng ở mức tối thiểu là 30 - 40% thì để giải quyết mâu thuẫn trên, trước mắt nên khuyến khích người dân chuyển từ phương tiện dùng xăng, dầu sang phương tiện thân thiện môi trường như xe chạy khí hóa lỏng CNG hay xe điện”, Phó Chủ tịch VACNE đề xuất.
Đồng quan điểm, tờ Forbes (Mỹ) mới đây nhận định, trong bối cảnh ô nhiễm không khí tại những thành phố lớn của Việt Nam đang ngày một trầm trọng như hiện nay, một trong những giải pháp chính là xe điện.
“Ô nhiễm không khí mở lối cho xe máy điện thâm nhập thị trường Việt”, tờ báo uy tín hàng đầu nước Mỹ nhận định.
Forbes cũng dẫn lời Ryan Citron, chuyên gia phân tích cấp cao của Công ty nghiên cứu Navigrant Research (Canada), cho rằng, các hãng sản xuất xe điện tại Việt Nam như VinFast đang đi đúng hướng khi cung cấp giải pháp tốt để cải thiện sức khỏe chung cho toàn cộng đồng.
“Quy mô thị trường xe máy điện tiềm năng vẫn còn rất lớn trong dài hạn nhờ lực lượng dân số đông vốn đang di chuyển bằng xe máy. Nếu số lượng trạm sạc ngoài trời tăng lên, nhiều người sẽ lựa chọn loại phương tiện này”, vị chuyên gia người Canada nhận định.
Đây cũng là điều mà hãng xe Việt đã nghĩ tới. Theo kế hoạch, VinFast sẽ thiết lập từ 30.000 - 50.000 trạm sạc và thuê pin trên toàn quốc vào năm 2020, đáp ứng gần như triệt để nhu cầu về sự thuận tiện trong trường hợp người dân sẵn sàng đổi sang đi xe điện như một cuộc cách mạng vì sức khỏe của chính họ và gia đình.
“Tôi sẽ mua một chiếc xe máy điện bởi đã quá khổ sở vì cảnh ô nhiễm rồi. Chi phí vận hành cũng rẻ nữa”, chị Anh Đào chia sẻ.
Giờ đây, giữa làn khói xe mù mịt, mơ ước lớn nhất của những người dân Hà Nội như chị Anh Đào là được hít thở bầu không khí trong lành, là không phải một năm vài lần đưa con về quê “lánh nạn” vì ô nhiễm.
Minh Tuấn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét