Thứ Năm, 6 tháng 2, 2020

Bác sĩ khuyên người già nên đi khám cúm corona khi có triệu chứng sau

'Với người cao tuổi mắc các bệnh mãn tính, nếu nhiễm virus corona sẽ làm cho các bệnh mãn tính trầm trọng hơn và chủ yếu nguyên nhân tử vong là do các bệnh mãn tính này', TS. BS Trần Quang Thắng nói.

Bác sĩ khuyến cáo người cao tuổi

Trước con số 80% bệnh nhân tử vong vì dịch corona ở Trung Quốc là người trên 60 tuổi, có tiền sử nhiều bệnh lý, bác sĩ Bệnh viện Lão khoa Trung ương đã đưa ra một số khuyến cáo.

{keywords}
Giọt bắn chứa virus corona mới có thể bắn xa 3 m khi hắt hơi. Loại virus này sống được ít nhất 12 tiếng trên bề mặt kim loại.

Chia sẻ với VietNamNet, TS. BS Trần Quang Thắng, Trưởng khoa Cấp cứu và Đột quỵ, Bệnh viện Lão khoa Trung ương nhận định, tính tới thời điểm này tỷ lệ người tử vong so với số người nhiễm virus corona ở Trung Quốc là khá thấp. Tuy nhiên, có tới 80% số ca tử vong rơi vào đối tượng bệnh nhân trên 60 tuổi, có nhiều bệnh lý sẵn có.

‘Chính vì thế, theo chỉ đạo của Bộ Y tế, Bệnh viện Lão khoa Trung ương không phải là nơi thu dung những bệnh nhân nghi ngờ hoặc được chẩn đoán là nhiễm bệnh. Vì nó sẽ làm tăng nguy cơ lây lan cho những bệnh nhân lão khoa khác đang nằm viện, sẽ rất nguy hiểm’, BS. Trần Quang Thắng cho biết.

BS. Thắng cũng chia sẻ, với người cao tuổi khi mắc các bệnh mãn tính, nếu nhiễm virus corona sẽ làm cho các bệnh mãn tính trầm trọng hơn và chủ yếu nguyên nhân tử vong là do các bệnh mãn tính này.

‘Chúng tôi khuyến cáo người cao tuổi hạn chế ra ngoài, tập trung chỗ đông người vào những ngày trời lạnh, độ ẩm cao. Trong trường hợp bắt buộc phải ra ngoài thì phải trang bị các dụng cụ phòng hộ như khẩu trang, nước rửa tay, sau đó phải vệ sinh sạch sẽ…’

‘Chế độ ăn uống, nghỉ ngơi của người cao tuổi cũng phải hợp lý, đầy đủ chất dinh dưỡng, cung cấp đủ vitamin, uống đủ nước, trời lạnh mặc đủ ấm’.

Theo bác sĩ Thắng, trong trường hợp người cao tuổi có triệu chứng ho, sốt nhưng không kèm yếu tố dịch tễ như: sống ở vùng dịch, tiếp xúc với đối tượng bị bệnh, hoặc mới di chuyển từ vùng dịch về… thì chỉ nên đến bệnh viện khám thông thường, đúng tuyến, không cần thiết phải khám sàng lọc virus corona.

Số bệnh nhân đến khám ở Bệnh viện Lão khoa giảm 50%

Bác sĩ Thắng chia sẻ: 'Những ngày này, chúng tôi chủ yếu nhận các bệnh nhân có bệnh lý cấp tính, bắt buộc phải vào viện và những bệnh nhân đến khám do có các triệu chứng ho, sốt. Các bệnh nhân mắc bệnh mãn tính cần đi kiểm tra định kỳ đã tránh đến bệnh viện vào thời gian này'.

Hiện tại, lãnh đạo Bệnh viện Lão khoa trung ương đã đưa ra một số biện pháp phòng và đối phó trong trường hợp bệnh dịch lan tràn.

Cụ thể, bệnh viện đã thành lập Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp nCoV 2019 do Giám đốc Bệnh viện làm Trưởng ban. Ban chỉ đạo gồm 3 tổ: Tổ chuyên môn, Tổ thông tin truyền thông và Tổ hậu cần.

Tổ chuyên môn làm nhiệm vụ cập nhật tình hình chẩn đoán, điều trị, phát hiện bệnh sớm, số ca mới mắc, tỷ lệ tử vong cũng như các yếu tố nguy cơ phòng bệnh, giúp Tổ thông tin truyền thông đưa ra các thông tin phòng, khuyến cáo cho cộng đồng và các bệnh nhân đang nằm viện. Tổ hậu cần thực hiện mua các trang thiết bị theo yêu cầu của Tổ chuyên môn.

Theo quan sát của BS. Trần Quang Thắng, nhờ thông tin trên các phương tiện truyền thông chính thống, nhiều bệnh nhân đến khám đã có một số hiểu biết nhất định về dịch bệnh. ‘Tại bệnh viện, chúng tôi cũng cung cấp thông tin trên các màn hình ở khu vực chờ nhằm nâng cao hiểu biết cho người cao tuổi trong việc phòng chống dịch’.

BS. Thắng ghi nhận, những ngày qua có nhiều bệnh nhân có triệu chứng ho, sốt đến khám tại bệnh viện, nhưng phần lớn chẩn đoán là viêm phổi do vi khuẩn, virus thông thường. ‘Đến thời điểm này, bệnh viện chưa phát hiện bệnh nhân nào có yếu tố nguy cơ cần phải cách ly cũng như phải chuyển đến những nơi thu dung theo khuyến cáo của Bộ Y tế’.

Khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới WHO về cách phòng ngừa virus corona:

1. Rửa tay sạch sẽ

Việc giữ đôi tay sạch là điều vô cùng quan trọng, bởi tay bạn thường xuyên phải tiếp xúc trực tiếp với các virus, vi khuẩn bên ngoài cuộc sống. Nên nhớ thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch, có thể rửa tay bằng nước rửa tay có cồn giúp sát khuẩn.

Các thời điểm nên nhớ vệ sinh tay sạch:

- Trước, trong và sau khi nấu ăn

- Trước khi ăn

- Sau khi đi vệ sinh

- Sau khi tiếp xúc với động vật hoặc phân động vật

- Sau khi chăm sóc người bệnh

- Sau khi ho, hắt hơi

2. Bảo vệ bản thân và cộng đồng

Nếu nghi ngờ bản thân có dấu hiệu mắc virus corona, cần tự cách ly và tránh tiếp xúc với người khác.

Sử dụng khăn giấy hoặc khuỷu tay che miệng khi ho hoặc hắt hơi, sau đó vứt ngay khăn giấy này vào thùng rác.

Đặc biệt, bạn nên tránh việc ho hoặc khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng, đông người qua lại và nhanh chóng tới cơ sở y tế nếu nhận thấy triệu chứng ho, sốt, khó thở…

3. Giữ gìn vệ sinh an toàn thực phẩm

Vệ sinh an toàn thực phẩm là điều mà mọi lúc, mọi nơi nên đảm bảo. Bởi việc này không chỉ ngăn ngừa virus, dịch bệnh mà còn giúp bạn luôn khỏe mạnh. Tổ chức Y tế Thế giới WHO khuyến cáo các gia đình nên sử dụng 2 loại thớt riêng, dao thái riêng khi nấu ăn cho hai loại thực phẩm sống - chín.

Rửa tay trước khi chạm vào thực phẩm chín và sau khi chạm vào thực phẩm sống. Virus hoàn toàn được tiêu diệt nếu qua quá trình chế biến nấu chín, vì vậy bạn có thể yên tâm nếu giữ thói quen ăn chín, uống sôi lành mạnh.

Bên cạnh đó, hãy tránh xa các loại thịt từ động vật chết, không rõ nguồn gốc và không đảm bảo chất lượng.

4. Giữ ấm cơ thể, tăng cường sức khỏe bằng ăn uống, nghỉ ngơi, sinh hoạt hợp lý, luyện tập thể thao.

5. Tăng cường thông khí khu vực nhà ở bằng cách mở các cửa ra vào và cửa sổ, hạn chế sử dụng điều hòa. Thường xuyên lau nền nhà, tay nắm cửa và bề mặt các đồ vật trong nhà bằng các chất tẩy rửa thông thường, như xà phòng và các dung dịch khử khuẩn khác.

Những tài xế thầm lặng giữa thành phố Vũ Hán

Những tài xế thầm lặng giữa thành phố Vũ Hán

Lei là một trong số hàng ngàn tình nguyện viên lái xe giúp cư dân đang sống ở TP. Vũ Hán - trung tâm của dịch bệnh corona - di chuyển trong thành phố.  

Nguyễn Thảo - Ngọc Trang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét