Lei là một trong số hàng ngàn tình nguyện viên lái xe giúp cư dân đang sống ở TP. Vũ Hán - trung tâm của dịch bệnh corona - di chuyển trong thành phố.
Zhang Lei - một trong số hàng ngàn tình nguyện viên ở TP. Vũ Hán, Trung Quốc. |
Mặc bộ đồ bảo hộ màu xanh, đeo mặt nạ và kính bảo hộ, Zhang Lei, 32 tuổi làm một công việc đặc biệt vào thời điểm này - đưa những người dân Vũ Hán, đặc biệt là người già đi mua nhu yếu phẩm, thuốc men và đến bệnh viện.
Anh là một trong số hàng ngàn tình nguyện viên lái xe giúp cư dân đang sống ở TP. Vũ Hán - trung tâm của dịch bệnh corona - di chuyển trong thành phố.
Với Lei, những ngày này rất dài. Anh dành 12 giờ/ngày để di chuyển khắp thành phố, đưa người dân đi mua đồ sinh hoạt, thuốc men và tới bệnh viện. Những con đường anh đi qua hầu hết đều vắng vẻ kể từ khi thành phố bị cách ly, các phương tiện giao thông công cộng dừng hoạt động, xe tư nhân bị cấm trong nỗ lực nhằm ngăn chặn virus corona lây lan.
Một chiếc xe chạy trên đường như của Lei là cảnh tượng hiếm thấy ở TP Vũ Hán.
Khi dịch bệnh chưa bùng phát, Lei là một lái xe taxi ở thành phố có hơn 11 triệu dân này. Nhưng sau khi chính quyền thành phố đột ngột ‘bế quan toả cảng’ vào cuối tháng trước, Lei trở thành một trong số hàng ngàn tình nguyện viên tham gia vào cuộc chiến chống dịch bệnh.
Mặc trên mình bộ quần áo bảo hộ và các trang thiết bị kín mít, Lei vừa tìm kiếm đường trên Google vừa lái xe. Lei không được phép chở các bệnh nhân nghi nhiễm corona. Đó là nhiệm vụ của xe cứu thương.
Hầu hết các vị khách của anh đều là người nghèo, già cả và không có con cái, hoặc người thân của họ không sống ở Vũ Hán. Cũng có trường hợp là công dân nơi khác nhưng chưa kịp về với gia đình.
‘Thật đau lòng. Không có ai chăm sóc cho họ’ - Lei nói.
Những chuyến xe miễn phí này được sắp xếp bởi các tổ dân phố. Trong cuộc khủng hoảng hiện tại, các tổ dân phố chịu trách nhiệm phân bổ nguồn lực từ cộng đồng để giúp đỡ và phối hợp với các bệnh viện.
Có khoảng 1.000 tổ dân phố như vậy ở Vũ Hán, trung bình mỗi tổ có 11.000 người.
Giống như những tài xế tình nguyện khác, Lei không được trả công cho các chuyến đi. Anh tự bỏ tiền túi để đổ xăng, và anh tin rằng chính phủ sẽ chi trả khoản tiền này cho anh sau.
Nhiều người Trung Quốc dành những lời ca ngợi cho đội ngũ tình nguyện viên ở Vũ Hán, rằng họ đã rất dũng cảm và nhân ái khi dành thời gian và công sức của mình để giúp đỡ cộng đồng.
Thế nhưng, Lei - một người đàn ông vui tính - đã không cố tình che giấu nguyên nhân mình làm công việc này.
‘Vì ngồi không thì chán thôi’ - anh giải thích khi được hỏi tại sao quyết định làm công việc này.
‘Lý do thứ hai là để giúp đỡ mọi người’ - anh bổ sung. ‘Ai cũng muốn ở nhà cả ngày nên tôi cũng muốn làm gì đó để đóng góp cho xã hội’.
Lei nói, mọi người đang cần dịch vụ của anh. Trung bình, cứ 4 tài xế được giao phụ trách một khu phố. Nhiều người dân cho biết, rất khó để gọi được một chuyến xe của các tình nguyện viên. Một số bệnh nhân cao tuổi chọn cách đi bộ 2 tiếng để đến bệnh viện.
Hầu hết người dân Vũ Hán đều cố thủ trong nhà những ngày này. Sự im lặng kỳ lạ bao phủ thành phố, đôi lúc bị xé toạc bởi tiếng còi xe cứu thương và tiếng chó sủa.
‘Tất nhiên, chúng tôi lo bị nhiễm bệnh chứ’ - Lei trả lời. ‘Gia đình rất lo cho chúng tôi. Chẳng ai muốn chúng tôi ra khỏi nhà’.
Lei hiện đang sống cùng bố mẹ, vợ và 2 con - một đứa 3 tuổi, một đứa 7 tuổi. Làng của Lei ở ngoại ô thành phố Vũ Hán vừa gửi cho anh một thông báo đề nghị anh không về quê. Họ nói rằng anh sống quá gần chợ hải sản Huanan - nơi được cho là nguồn gốc của loại virus này.
Anh nói rằng, dân làng anh đang hết sức thận trọng vì họ chưa có bất cứ trường hợp nào nhiễm corona.
Lei cũng thẳng thắn đề xuất chính phủ nên bổ sung trang thiết bị và đồ ăn cho các tình nguyện viên như anh. Nhiều tình nguyện viên tài xế cho biết họ chỉ có duy nhất một bộ đồ bảo hộ và vài đôi găng tay thậm chí còn không vừa với mình.
‘Chúng tôi đọc được thông tin chỗ này, chỗ kia ủng hộ, nhưng những người làm việc ở tuyến đầu như chúng tôi lại chẳng nhận được gì trong số đó. Ngày nào cũng là mỳ ăn liền’ - anh kể.
Giữa dịch corona, nhiều người Sài Gòn không đeo khẩu trang
Ở chỗ đông người như trung tâm thương mại, quán cá phê, chợ... nhưng nhiều người vẫn không mang khẩu trang.
Nguyễn Thảo (Theo Theo New York Times)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét