Thứ Sáu, 26 tháng 6, 2020

Xe hoa quả nặng trĩu nỗi niềm của tiểu thương chợ Long Biên

Anh Tùng cho biết, những người bán hoa quả như anh lo ngại nhất là việc mua phải nhiều hoa quả bị dập, thối.

Một ngày bình thường của anh Lê Văn Tùng (SN 1986, quê ở Ba Vì, Hà Nội) - người bán hoa quả, bắt đầu từ 3 giờ sáng.

Từ khu trọ lụp xụp có khoảng hơn 30 phòng (ở Phúc Xá, quận Ba Đình, Hà Nội), anh đi ra chợ đầu mối Long Biên lấy hàng.

5h sáng, sau khi mua đủ hàng, anh chất lên chiếc xe máy và đi về hướng Bắc Ninh. Một ngày bán hoa quả rong của anh bắt đầu.

“Với khoảng 2 tạ hoa quả, tôi bán từ sáng đến 1, 2h chiều nhưng cũng có những hôm ế hàng, 7-8h tối, tôi mới về đến phòng trọ.

Tuy nhiên hôm nay, hoa quả ở chợ đầu mối quá đắt. Mận mua theo thùng có giá 50 nghìn/kg, hàng đẹp phải 60-70 nghìn/kg. Với giá đó, chúng tôi không có lời nên đành nghỉ”, anh nói.

{keywords}
Xóm trọ dưới chân cầu Long Biên - nơi vợ chồng anh Tùng thuê ở.

Xóm trọ nơi anh ở có có hơn 20 gia đình cùng quê, rủ nhau xuống Hà Nội thuê trọ, làm nghề bán hoa quả. Mỗi ngày, họ đưa hoa quả ra các tỉnh, chỉ đến khi hết hàng, trời tối mới quay về phòng.

Dãy trọ lợp fibro xi măng, vào những ngày nóng đỉnh điểm, không ai có thể ở trong nhà. Người ta phải ra gốc cây để tìm bóng mát, chờ cho qua giờ trưa.

Anh Tùng nói, nhiều khu vực khác có phòng trọ đẹp, sạch sẽ hơn nhưng xóm trọ này gần chợ, tiện cho việc lấy hàng nên anh lựa chọn.

Anh Tùng đã có 3 năm ở Hà Nội thuê trọ và làm nghề bán hoa quả. Vợ anh cũng làm cùng nghề. Địa bàn của anh là vùng Bắc Ninh còn chị lại đi bán rong hoa quả trong nội thành bằng chiếc xe đạp. Họ chỉ gặp nhau vào bữa cơm tối mỗi ngày.

Vợ chồng anh có 3 con và đang gửi ông bà nội ở quê chăm sóc. Mỗi tháng, hai vợ chồng chỉ về thăm con một lần, thời gian còn lại, họ dành cho việc đi bán hàng.

“Ốm, mệt, chúng tôi cũng chẳng dám nghỉ vì mỗi ngày nghỉ là không có tiền. Những ngày hoa quả ở chợ đầu mối quá đắt không mua được, tôi mới nghỉ đi bán”, anh nói.

Hàng ngày, anh Tùng đi khoảng hơn 100km, chở phía sau số hoa quả đi bán khắp các nẻo đường ở Bắc Ninh. Quả anh hay bán nhất là xoài, cam sành… nhưng tùy vào “mùa nào quả nấy” và giá gốc rẻ là anh chọn bán.

{keywords} 
Anh Tùng trong phòng trọ giá 1,2 triệu/tháng.

Có những ngày may mắn hết hàng, anh được về nghỉ sớm. Nhưng có những hôm hàng ế, anh phải gửi lại nhà dân ở Bắc Ninh, hôm sau quay trở lại bán tiếp.

“Hôm nào không gửi được, tôi phải tìm chỗ khuất, vắng rồi vùi hàng xuống. Sau đó tôi về, ngày mai quay lại bán tiếp, bởi hoa quả di chuyển nhiều sẽ bị hỏng, dập”.

Anh Tùng cho biết, những người bán hoa quả như anh lo ngại nhất là việc mua phải nhiều hoa quả bị dập, thối.

Theo anh Tùng, mỗi thùng hàng, người mua chỉ được xem phía trên và trong nhiều thùng hàng, người mua cũng chỉ được xem một thùng. May mắn anh sẽ được những thùng nhiều quả ngon, đẹp mắt. Nhưng cũng có những thùng phía trên là hàng đẹp, phía dưới lại nhiều quả hỏng.

“Việc mua này đầy tính may rủi. Nhưng nếu đòi xem hàng, mặc cả hay đòi trả, giữa người mua và người bán sẽ xảy ra cãi vã, thậm chí là xô xát”.

Anh nhớ lại vụ va chạm của một bà cụ mua nhãn diễn ra vào năm ngoái. Bà cụ làm nghề bán hoa quả bằng gánh dọc các con phố ở Hà Nội. Lần đó, tại chợ đầu mối Long Biên, bà mua một thùng nhãn với giá 550 nghìn đồng.

{keywords}
Một sạp bán hoa quả ở chợ đầu mối Long Biên.

Sau khi trả tiền, bà cụ nhận hàng, mở ra và ngỡ ngàng phát hiện chỉ khoảng 3-4 kg phía trên của thùng là quả đẹp còn phía dưới là số lượng nhãn bị nứt, hỏng, thối. Bà bật khóc xin được trả hàng nhưng không được người bán chấp nhận.

“Thậm chí, bà còn bị người ta mắng lại và bị trút cả thùng nhãn lên đầu khi cố gắng đòi trả hàng. Câu chuyện gây ầm ĩ cả một góc chợ, nhìn bà cụ rất thương nhưng dường như nó là quy định ngầm ở đây. Bạn có tiền, bạn là người mua nhưng bạn lại phải chấp nhận sự may rủi. Nhiều hôm lấy phải thùng hàng xấu, mình bán cả ngày cũng không bù nổi vốn”, anh nói.

Anh Tùng chia sẻ, việc xe hỏng dọc đường với số hàng rất nặng trên xe cũng là nỗi ám ảnh của cánh bán hoa quả rong.

Lần gần đây nhất, anh lấy hàng tại chợ lúc 4h sáng. Sau khi di chuyển đến Yên Viên (Gia Lâm), xe anh bị thủng săm. 5h sáng, không có quán nào mở, anh phải ngồi chờ. Đến khoảng 7h sáng, khi các cửa hàng mở cửa, anh mới đẩy xe đến một tiệm sửa xe gần nhất.

“Những lần đó, tôi phải dỡ hàng xuống sau đó gửi nhờ nhà người dân ven đường. Khi sửa xe xong, tôi quay lại lấy hàng đi bán tiếp. Có hôm không gửi được đồ, tôi đành phải đẩy cả xe lẫn hàng đi tìm chỗ sửa”.

Anh cũng nhớ lại những ngày mưa gió, đi bán hàng vô cùng vất vả. Vừa lấy hàng xong, trời đổ mưa, không bán được nên đến chiều vẫn đầy một xe hàng.

“Hàng bị ế cũng đành phải chấp nhận bởi nghề nào cũng có sự vất vả riêng”, anh nói.

Nhưng công việc cũng cho anh nhiều niềm vui. Ngoài khoản tiền để nuôi các con ăn học, anh có cơ hội được gặp nhiều người tử tế.

“Có những người thấy chúng tôi đi mệt, sẵn sàng mời một cốc nước mát, có gia đình cho nhờ chỗ râm mát để bán hàng. Thậm chí, có lần tôi bị hỏng xe, phải gửi hàng ở một gia đình. Lúc sửa xe xong quay lại, chủ nhà đã bán hộ hàng chục cân hoa quả. Họ cứ gọi hàng xóm, người đi qua đường… mua giúp để tôi được trở về nhà sớm”, anh nhớ lại.

Xóm nghèo Hà Nội: Phủ chăn lên mái nhà, làm ướt giường để tránh nóng

Xóm nghèo Hà Nội: Phủ chăn lên mái nhà, làm ướt giường để tránh nóng

Không chịu được cái nóng trong căn phòng lợp bằng fibro xi măng, người dân trong xóm trọ nghèo tìm đến gốc cây và làm mát bản thân bằng những cách đặc biệt.

Nam Phương - Minh Anh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét