Thứ Năm, 23 tháng 7, 2020

Sự thực về lão nông kiếm 12 tỷ/năm nhờ tái chế lốp cao su cũ

Cách đây vài năm, thông tin người nông dân kiếm được 12 tỷ/năm nhờ tái chế lốp cao su cũ gây xôn xao. Cuộc sống của ông hiện tại khiến nhiều người bất ngờ. 

5 năm trước, thông tin ông Nguyễn Lương Thông (SN 1959 - Ý Yên, Nam Định) kiếm được 12 tỷ/năm nhờ tái chế lốp cao su cũ thành các sản phẩm, xuất khẩu đi nước ngoài được nhiều người biết đến.

Chúng tôi tìm về nhà người đàn ông này, hi vọng được nghe ông chia sẻ về câu chuyện khởi nghiệp. 

Con ngõ dẫn vào nhà ông đất đá mấp mô. Nhà xưởng nằm im lìm, hai vợ chồng ông Thông ra ngồi trước cổng hóng gió.

“Năm nay vướng dịch Covid -19 nên hàng đi chậm, con trai tôi cũng chuyển xưởng sản xuất sang nơi khác lâu rồi”, ông Thông lý giải chuyện xưởng không có ai làm việc.

{keywords}
Ông Nguyễn Lương Thông.

Khởi nghiệp với lốp cao su cũ

Ông Thông đi bộ đội, tham gia chiến đấu ở chiến trường Tây Ninh, Đông Nam Bộ. Năm 1976, ông ra quân, về quê lấy vợ và gắn bó với nghề nông.

Quanh năm bươn chải với đồng áng, nuôi gà vịt, cuộc sống của gia đình ông chỉ tạm bợ qua ngày. Gần 30 năm trước, ông cùng con trai út ra Hà Nội học nghề đóng giày dép cao su, hi vọng có thêm nghề, trang trải cuộc sống.

Sau 4 năm, hai cha con quay về quê, mở tiệm đóng dép. Lúc này, ông quen biết chủ một doanh nghiệp trong TP.HCM.

{keywords}
Sản phẩm tái chế từ lốp cao su của ông Thông được xuất khẩu sang thị trường châu Âu.

Người ta đưa ông một số sản phẩm làm từ cao su như: Giỏ đựng rác, xô, chậu và các mặt hàng phục vụ cho nông nghiệp, đặt ông gia công thử.

Các sản phẩm ông làm vượt mong đợi của khách. Họ mang mẫu sang châu Âu triển lãm. Từ đây, các đơn hàng liên tục đến với hai cha con.

Công việc tay trái không ngờ trở thành nghề chính, nuôi sống gia đình. Số lượng đơn hàng ngày càng lớn, ông Thông đầu tư mở rộng sản xuất, thuê thêm người làng đến làm. Giai đoạn cao điểm, xưởng nhà ông Thông có khoảng 20 - 30 lao động.

Ngoài con trai út, vợ và người con trai lớn của ông cũng tham gia sản xuất. Ông dựng xưởng ngay trên mảnh đất của gia đình.

Nguyên liệu sản xuất chính là lốp xe ô tô cũ, thay vì tốn chi phí đưa đi xử lý lốp như 1 loại rác thải, qua bàn tay của cha con ông Thông, chúng được tái chế thành những chiếc giỏ xinh xắn, xô, chậu, giá treo gương…

Mỗi kg lốp, người thu mua phế liệu chỉ trả vài nghìn đồng. Thế nhưng, khi được ông Thông tái chế, chúng có giá trị kinh tế cao hơn. 

{keywords}
Chiếc giỏ được ông Thông làm từ cao su.

Vợ ông Thông chia sẻ: “Các sản phẩm tái chế làm hoàn toàn thủ công. Công đoạn vất vả nhất là thục lốp”. Bà cho biết, thục lốp là bóc tách các miếng cao su dày thành nhiều mảnh mỏng. Độ mỏng tùy theo yêu cầu của sản phẩm.

Công việc này tốn nhiều sức, đòi hỏi sự khéo léo. Nếu không cẩn thận, cả miếng cao su có thể bị hỏng. Lương nhân công làm việc này dao động từ 200 nghìn đồng - 300 nghìn đồng/ngày công.

Sau công đoạn bóc tách cao su, ông Thông làm sạch rồi bắt đầu các công đoạn làm ra sản phẩm mới.

Sản phẩm là chiếc túi đan, thợ sẽ cắt miếng cao su thành các sợi có kích thước như nhau và đan giống như mây tre. Với sản phẩm thùng đựng rác, túi đựng đồ… sau khi dựng khung, ông khâu lại bằng chỉ cước dày và bắn ghim.

Mỗi sản phẩm hoàn thiện, có mức giá dao động từ 40 nghìn đồng - 80 nghìn đồng. Tuy nhiên, có những sản phẩm đắt hơn do tốn nhiều công.

Sự thật về thu nhập 12 tỷ/năm

Theo ông Thông, những năm trước, đơn hàng nhiều nhưng sau khi trừ đi các khoản nguyên liệu đầu vào, nhân công, thu nhập của gia đình ông cũng chỉ đủ chi tiêu sinh hoạt chứ không giàu.

Trước thông tin mình kiếm được tiền tỷ mỗi năm, ông mỉm cười nói: “Từ ngày làm đồ gia dụng từ cao su, kinh tế nhà tôi khá hơn xưa nhưng thông tin tôi kiếm được 12 tỷ/năm là không đúng. Nếu có tiền, chúng tôi đâu phải ở căn nhà cũ như thế này”.

{keywords}
Xưởng sản xuất trước cửa nhà ông Thông nay đã vắng người làm.

Chỉ tay vào căn nhà nhỏ, có bờ tường loang lổ phía sau xưởng sản xuất, ông Thông khẳng định, nhiều năm nay, gia đình ông vẫn ở trong căn nhà cũ. Ông bà có dự định xây lại cho khang trang nhưng điều kiện kinh tế chưa cho phép.

{keywords}
Vợ ông Thông là nhân công đắc lực trong xưởng tái chế cao su.

Giọng có phần không vui, ông nói: “Giờ gia đình tôi bám trụ với công việc tái chế lốp xe nhưng nhìn chung chỉ đủ ăn. Năm nay, vướng dịch bệnh, đơn hàng không xuất đi được nên sản xuất cầm chừng. Tôi tuổi cao, túc tắc hỗ trợ hai con, thu nhập chính của hai vợ chồng tôi vẫn từ vài sào ruộng”.

Bà 78 tuổi gây sốt nhờ khả năng nhảy múa, xoạc chân

Bà 78 tuổi gây sốt nhờ khả năng nhảy múa, xoạc chân

Ngay khi mới 14 tuổi, Bà Wang Biyun đã tham gia vào đoàn hát và nhảy múa Hàng Châu. Bà tiếp tục thực hiện niềm đam mê này trong hơn 60 năm.

Minh Khuê - Hải Minh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét