Thứ Sáu, 24 tháng 7, 2020

Trải nghiệm khó quên của du học sinh ở Sydney

Chuyến du lịch từ Melbourne đến Sydney (Úc) của chúng tôi được lên kế hoạch từ tháng 6. Đây vốn chỉ là một chuyến đi đơn giản nhưng hành trình trở nên khó khăn hơn do dịch Covid-19.

Để thực hiện chuyến đi, chúng tôi chọn tàu, bởi máy bay có thể bị hoãn hoặc hủy chuyến, dù quãng thời gian di chuyển bằng tàu là hơn 11 tiếng đồng hồ.

Xong, điều tệ nhất đã ập tới chỉ sau một đêm chúng tôi đặt chân tới Sydney là 2 bang Victoria và New South Wales (bang của 2 thành phố Melbourne và Sydney) thông báo đóng cửa do những lo ngại về số ca lây nhiễm tăng cao tại Victoria.

Đây cũng là lần đầu tiên sau 100 năm hai bang này đóng cửa biên giới, cho thấy đây là sự kiện có một không hai.

Sau khi gọi điện kiểm tra với dịch vụ cung cấp giao thông công cộng tại New South Wales và nhận được thông tin chưa có thông báo về việc dừng các chuyến tàu, chúng tôi yên tâm rằng nhiều người khác cũng có nhu cầu đi lại từ New South Wales về Victoria, và dịch vụ vẫn sẽ được tiếp tục.

Sau một buổi chiều dạo quanh Sydney, chúng tôi lại gọi điện kiểm tra tình trạng tàu thì hay tin dịch vụ sẽ được tiếp tục nhưng do đóng biên giới nên tàu sẽ chỉ dừng lại ở thành phố Albury thuộc bang New South Wales, giáp với ranh giới bang Victoria kể từ thứ Tư ngày 8/7.

Dù muốn đổi vé về sớm một ngày, nhưng tất cả vé đã được đặt cho 4 ngày liên tiếp và chỉ còn cách giữ vé hiện tại thì chúng tôi mới đi về được. Chị nhân viên trực điện thoại rất tận tình chỉ rằng dịch vụ VLine Train của bang Victoria có đường tàu từ Albury về Melbourne và giới thiệu mua vé tàu của bên này để đi tiếp từ Albury.

Tôi lập tức gọi điện cho bên đặt vé và họ xác nhận rằng dịch vụ vẫn chạy bình thường. Chắc chắn sẽ về được Melbourne, chúng tôi yên tâm đi chơi tiếp một ngày cuối tại Sydney.

{keywords}
Tàu Vline, dịch vụ tàu của bang Victoria.

Khi đang đi dạo trên khu phố mua sắm George Street, một người quen gửi thông tin rằng nếu không ra khỏi bang New South Wales trong hôm đó (tức ngày 7/7) là sẽ không có cơ hội trở về Victoria trong thời gian lock down.

Cả đoàn đều rất hoang mang, lo lắng. Tất cả cùng gọi điện cho gia đình để bàn về các phương án quay lại Victoria cũng như hỏi nhiều nguồn từ những người đang sống tại Úc.

Tất cả thông tin đều khá mù mờ về chuyện có quay lại được Victoria sau ngày lock down hay không, dù các trang tin đều nói rằng chỉ chặn hướng đi từ New South Wales đến Victoria, còn chiều về thì không.

Để đảm bảo chắc chắn, tôi gọi điện kiểm tra với bên dịch vụ tàu và nhận được câu trả lời rằng họ vẫn sẽ vận hành các chuyến tàu bình thường. Thôi thì "đâm lao phải theo lao", không còn lựa chọn nào khác, chúng tôi phải chờ đến chuyến tàu đã mua vé để về nhà.

Với hành lý và vài món đồ ăn dắt bụng, vài gói mỳ tôm cho trường hợp khẩn cấp, đoàn "vượt biên" lên tàu trong trạng thái thấp thỏm vào 7h30 sáng ngày 8/7.

Tôi nghĩ, thôi thì lên được tàu là cũng chắc được 50% hành trình.

Đến tầm 3 giờ chiều, có thông báo rằng, tàu sắp dừng ở ga Albury và không đi tiếp do việc đóng cửa 2 bang.

Tôi gọi điện kiểm tra lần cuối với bên tàu VLine để chắc chắn về việc tàu có đến đón tại ga Albury. Bất ngờ, tin xấu ập đến, người trực đường dây nói rằng tàu VLine sẽ không đến Albury mà thay vào đó chỉ đi đến ga Wodonga - 1 ga trước ga Albury, thuộc thành phố Wodonga tại biên giới với bang New South Wales.

Họ cũng nói luôn rằng người đi tàu sẽ phải tự tìm đường đi từ ga Albury đến ga Wodonga nếu muốn bắt tàu, vì hiện tại không có phương tiện giao thông công cộng nào đi lại giữa hai ga này.

Trên bản đồ, hai bang cách nhau bởi một dòng sông, và nếu muốn tới ga Wodonga thì cách duy nhất là đi bộ gần 9 cây số. Chuyến tàu sẽ dừng ở Albury lúc 3h10, tàu tại Wodonga sẽ khởi hành lúc 5h30, vậy là đoàn chúng tôi có khoảng 2 tiếng để đi bộ. Đến đây, kế hoạch vẫn gọi là tạm ổn.

{keywords}
Cảnh sát tại Albury hỏi người đi đường về lý do đến bang New South Wales, chỉ những người có giấy thông hành mới được qua.

Tàu cập bến tại Albury đúng giờ, điểm giao giữa hai bang cách đó khoảng 1 cây số. Với niềm tin rằng qua được biên giới hẳn sẽ có taxi hay uber để tiện đi lại, đoàn ‘vượt biên' tay xách nách mang tiến về phía trước. Đi một hồi thì chúng tôi thấy bóng các cô chú cảnh sát.

Tôi chạy lại hỏi xem có qua được không. Các bác cảnh sát rất tử tế dắt tôi qua đường, có một cô cảnh sát đến lấy thông tin (nghe chúng tôi từ Victoria qua thì cô liền lùi về sau 3 bước).

Sau khi lấy vài thông tin đơn giản và hỏi một bác cảnh sát nữa, cô nói chúng tôi có thể đi thoải mái và đưa chúng tôi về phía bên kia đường. Vậy là chúng tôi đã đi qua biên giới trót lọt.

Đến đây, chúng tôi chỉ còn một bước cuối là lên được tàu để về nhà. Nhưng để lên được tàu, chúng tôi còn quãng đường hơn 7 cây số và chỉ còn hơn 1 tiếng đồng hồ để đi.

Tưởng chừng có thể gọi được xe Uber hay taxi nhưng Wodonga như chốn đồng không mông quạnh mà xung quanh chẳng có lấy một bóng người.

Sức cả đoàn cũng đã khá kiệt do ngồi lâu trên tàu và đi bộ một quãng dài. Bỗng dưng có một chiếc xe kiểu xe du lịch 10 chỗ đi đến và trên xe có dán chữ taxi. Tôi liền chạy ra hỏi người lái xe rằng có thể chở đến ga Wodonga được không thì bác đồng ý với giá 20 đô.

Không chần chừ, chúng tôi lên xe đi một mạch 10 phút là đến nơi.

Hành trình 3 ngày thấp thỏm không biết có về nhà được hay không đã hoàn thành được 80%. Đến đây thì chúng tôi chỉ cần ngồi đợi tàu đến là về đến nhà.

{keywords}
Ga Wodonga về chiều.
{keywords}

Hành khách đang chờ ở ga.

{keywords}

 Khung cảnh vắng lặng vì ít người đi tàu.

Sau một chuyến tàu gần 6 tiếng, hành trình ‘vượt biên’ đầy thử thách của chúng tôi đã kết thúc thành công.

Dù phải chuyển xe ba lần, đi bộ thêm vài cây và kiệt sức khi về đến nhà nhưng đây là một trải nghiệm đáng nhớ, có một không hai mà ít ai có được.

Gia đình Hà Nội đi xuyên Việt 30 ngày, chi tiêu 80 triệu đồng

Gia đình Hà Nội đi xuyên Việt 30 ngày, chi tiêu 80 triệu đồng

Vợ chồng chị Thuý An mang theo 2 cậu con trai trong chuyến đi xuyên Việt đáng nhớ này.

 Minh Khuê 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét