Mấy chục năm sống lênh đênh trên sông Sài Gòn, dù thiếu thốn về vật chất nhưng vợ chồng ông Chúc luôn hạnh phúc, nhận được sự kính trọng của nhiều người.
Chiếc ghe (thuyền) rộng hơn 3m2 của vợ chồng ông Nguyễn Văn Chúc (tên gọi khác là Ba Chúc), 63 tuổi, đậu dưới chân cầu Bình Lợi, phường 13, quận Bình Thạnh, TP.HCM.
Bên trong, chỉ có quần áo, các vật dụng nhà bếp và một vài đồ dùng cần thiết do các nhà hảo tâm gửi tặng.
Vợ chồng ông Chúc và các con gái đang ăn cơm trên chiếc ghe. |
Ông Chúc cho biết, chiếc ghe này là nơi ở của vợ chồng ông hơn 40 năm qua. “Trước đây, vợ chồng tôi và 5 con gái sống ở đây nên khá chật. Giờ, các con có gia đình riêng, chỉ có vợ chồng tôi và đứa cháu ngoại nên rộng hơn”, miệng cười xòa, người đàn ông sinh năm 1957 nói.
Ông Chúc quê gốc ở Vĩnh Phúc. Năm 1954, ba mẹ ông vào Sài Gòn lập nghiệp bằng nghề chài cá. Vì vậy, từ ngày còn bé xíu ông đã làm quen với việc sống trên thuyền.
Cũng vì sống như vậy nên từ khi còn là cậu thanh niên, ông Chúc đã cùng ba làm việc thiện nguyện bằng cách vớt xác người chết và ngăn người nhảy cầu tự tử.
Sau khi chồng ngăn được một người nhảy cầu tự tử, bà Hinh sẽ ngồi bên nghe họ kể chuyện rồi khuyên nhủ. |
Đến nay, người đàn ông này đã cứu vớt hơn 400 người trên sông Sài Gòn. Đối với ông và vợ, công việc vớt xác, cứu người dường như là định mệnh gắn chặt với cuộc đời.
Năm 1977, ông Chúc 18 tuổi thì gặp bà Nguyễn Thị Hinh (bằng tuổi với ông) rồi nảy sinh tình cảm.
Được hai gia đình tác hợp, họ nên duyên vợ chồng. Đám cưới của hai người diễn ra đơn sơ đến mức không có nổi một cặp nhẫn cưới. Thế nhưng, họ vẫn nắm chặt tay nhau mỉm cười hạnh phúc.
Mới đây, vợ chồng ông Chúc tham gia chương trình Mảnh ghép hoàn hảo. Ở đó, ngoài chia sẻ câu chuyện làm thiện nguyện của mình họ còn chia sẻ những câu chuyện tình yêu, cuộc sống hơn 43 năm lênh đênh trên sông Sài Gòn.
Bà Hinh cho biết, lúc mới cưới bà nghĩ ông chỉ làm nghề chài lưới bình thường. Khi biết ông Chúc còn đi giúp người ta vớt xác, cứu người tự tử từ khi còn nhỏ, bà Hinh rất sợ. Thậm chí, bà còn thừa nhận, nếu như bà biết việc ông đang làm ngay từ đầu chắc hẳn bà đã không đồng ý cưới ông.
“Lúc đầu tôi cứu một người thì bà ấy không nói gì nhưng khi tôi vớt thêm một cái xác thì bà ấy sợ. Bà ấy nói nếu biết trước thì dù có đưa bao nhiêu tiền bà ấy cũng không lấy tôi”, ông Chúc cười hiền.
Bà Hinh chia sẻ, khi biết chồng làm nghề vớt xác, bà rất sợ. |
Sau vài lần chứng kiến chồng vớt xác, bà Hinh cũng thấy quen dần và đỡ sợ hơn. Người phụ nữ này cũng thấy tự hào về công việc của chồng. Từ đó, bà âm thâm theo ông lênh đênh trên sông nước, nguyện gắn cuộc đời mình cùng những việc mà chồng đang làm.
Thế nhưng, cuộc sống chật vật trên chiếc ghe nhỏ không ít lần khiến người phụ nữ này tủi thân. Đặc biệt là khoảng thời gian sinh con, bà khóc rất nhiều vì kinh tế gia đình quá khó khăn, không đủ để chăm lo cho các con.
Có lúc suy nghĩ nông cạn, bà Hinh chỉ muốn bỏ đi nhưng không nỡ để người chồng luôn thương yêu mình ở lại. “Ông ấy rất thương tôi, lúc nào cũng động viên tôi “ráng lên”. Nếu chồng không thương, chắc tôi sống không nổi thật”, bà Hinh nói.
Cứ như vậy, dù bữa đói bữa no nhưng hai vợ chồng ông bà cũng đồng hành cùng nhau hơn 43 năm, vất vả nuôi 5 con gái trưởng thành.
Cuộc sống hiện tại của ông bà vẫn như vậy, lênh đênh trên sông nước. Ông Ba Chúc vớt xác thì bà Hinh phụ một tay, ông cứu người nhảy sông tự tử thì bà bất đắc dĩ trở thành chuyên gia tâm lý, tâm sự khuyên bảo họ. Cứu xong một mạng người, vợ chồng họ cười xòa.
Bà Hinh cho biết, mấy chục năm qua, cuộc sống của vợ chồng bà không dư giả nhưng cả hai vợ chồng không suy nghĩ quá nhiều về những khó khăn trong quá khứ. Bản thân bà hạnh phúc vì gia đình bây giờ vẫn vui vẻ, con cháu đề huề. Bà cũng cảm thấy thanh thản hơn và thoải mái hơn vì vẫn được cùng chồng làm việc tốt giúp người.
“Nhiều người nói, làm không có lương rồi lấy gì ăn nhưng tôi trả lời có ai mướn đâu mà có lương. Vợ chồng tôi làm vì lương tâm chứ không hề nghĩ gì đến tiền bạc. Đã nghèo thì cũng nghèo rồi, chúng tôi không tính toán vật chất gì cả, chỉ mong có thể cứu người, giúp người”, bà Hinh chia sẻ.
Đến nay, ông Chúc đã vớt được hơn 400 người trên sông. |
Biết vợ chịu nhiều thiệt thòi khi phải sống cảnh không nhà cửa, tiền bạc, ông Chúc chỉ biết nguyện dành tình yêu trọn vẹn cho bà. "Hơn 43 năm qua, bà ấy luôn đồng hành cùng tôi, chăm sóc tôi và cùng tôi vượt qua mọi khó khăn", người chồng quê Vĩnh Phúc nói.
Ước mơ duy nhất của vợ chồng ông Ba Chúc giờ đây là có được một mái ấm trên cạn, để có nơi nghỉ ngơi đàng hoàng khi không còn đủ sức làm công việc cứu người vớt xác trên sông nữa.
“Ai cũng muốn đi làm tích góp tiền bạc mua nhà, lớn nhỏ gì cũng được. Nhưng số phận vợ chồng tôi với công việc này chẳng thể nào mua nhà được, ao ước cũng chẳng nổi nữa rồi”, bà Hinh chia sẻ đầy xót xa.
Phía sau những đêm trắng mát-xa cho khách bên vỉa hè Sài Gòn
Đôi chiếu nhựa, bộ lọ thuỷ tinh, chai dầu cù là và một ít cồn đựng trong chai, những người hành nghề mát-xa vỉa hè mời gọi khách qua đường ghé vào thư giãn.
Tú Anh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét