Chủ Nhật, 27 tháng 6, 2021

'Khoe ảnh để cổ động tiêm vắc xin Covid-19, sao lại bảo khoe mẽ'

Nhờ những lợi ích từ vắc xin, chúng ta đã thoát khỏi những đại dịch khủng khiếp từng cướp đi sinh mạng hàng triệu người.

Cuối thế kỷ thứ 18, bác sỹ Edward Jenner đã tìm ra vắc xin chữa bệnh đậu mùa. Đến nay, trên nền tảng nghiên cứu đó, nhiều loại vắc xin khác nhau đã ra đời để phòng ngừa bệnh trên con người. Nhờ những lợi ích từ vắc xin, chúng ta đã thoát khỏi những đại dịch khủng khiếp từng cướp đi sinh mạng hàng triệu người.

Covid-19 xuất hiện, làm đảo lộn cuộc sống của tất cả mọi người trên thế giới, tạo nên sự hoang mang, lo lắng, bất an cho chúng ta.

Những lo lắng này thật sự chỉ được giảm bớt một phần khi chúng ta có thể điều trị thành công cho các ca nhiễm và đặc biệt là khi một số quốc gia trên thế giới phát triển thành công vắc xin.

{keywords}

Mặc dù vắc xin không phải là giải pháp tuyệt đối cho mọi vấn đề, nhưng sự phát triển của vắc xin đã đưa chúng ta đến gần hơn với một cộng đồng khỏe mạnh, an toàn.

Tháng 5, tháng 6 năm 2021, đợt dịch mới của Covid-19 lại bùng phát tại thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh thành tạo nên sự lo lắng của người dân khắp cả nước. Trong bối cảnh đó, bằng các mối quan hệ ngoại giao của nhà nước, Việt Nam nhận được vắc xin và triển khai tiêm chủng mở rộng miễn phí với quy mô lớn nhất từ trước đến nay.

Báo chí, cộng đồng mạng đã liên tục cập nhật diễn biến ở các điểm tiêm chủng, bên cạnh những câu chuyện, những hình ảnh rất sống động, còn là những chia sẻ rất thực tế của những người đã được tiêm, những tình nguyện viên, những bác sỹ... Thông qua các chia sẻ này, những người chưa bao giờ có trải nghiệm tiêm vắc xin Covid-19 trong đời sẽ biết được các bước cần làm trước khi tiêm, thủ tục trong khi tiêm, những việc cần lưu ý sau tiêm...

Với góc độ của một người tiếp cận truyền thông, tôi cho rằng việc chia sẻ hình ảnh, thông tin cá nhân đã được tiêm chủng là việc nên làm, vì những lý do sau đây:

Thứ nhất, ở bình diện chung, mặc dù cả nước chúng ta chỉ ở bước đầu của việc tiêm chủng, chưa triển khai được việc tiêm chủng toàn dân, nhưng những hình ảnh của việc tiêm vắc xin được báo chí đăng tải, được cộng đồng chia sẻ đã tạo nên một tâm lý tích cực nhất định.

Người dân khi tiếp cận qua truyền thông, mạng xã hội sẽ thấy rằng cơ hội an toàn đang được mở ra cho chúng ta, thấy được sự lao động của toàn hệ thống chính trị, sự chung tay góp sức, tinh thần đoàn kết của người dân đã có hiệu quả ở bước đầu.

Kể cả ở góc độ quốc tế, khi nhìn vào những kết quả chống dịch của chúng ta, thế giới sẽ càng khẳng định niềm tin với Việt Nam chúng ta rằng đây hoàn toàn không phải là sự may mắn.

Đây chính là nỗ lực và quyết tâm cao độ của chúng ta với mục tiêu đảm bảo sức khỏe cho người dân, ngăn ngừa sự lây lan của dịch bệnh, vừa chống dịch hiệu quả, vừa đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội và rồi Việt Nam sẽ lại là điểm đến tin cậy và yêu thích của các nhà đầu tư và khách du lịch.

Thứ hai, hiện nay vẫn có một số người ngại tiêm, sợ kim tiêm, sợ bị lây nhiễm khi tiêm... dù thuộc nhóm đối tượng được tiêm, đủ điều kiện sức khỏe để tiêm.

Nhà nước chúng ta chưa bắt buộc, chủ yếu vẫn là động viên, vậy thì việc chia sẻ hình ảnh của những người đã được tiêm chủng, những lời khuyên, những hướng dẫn trên báo chí, trên mạng xã hội chính là cách thuyết phục hữu hiệu nhất, thuyết phục bằng người thật, việc thật.

Thông qua việc này, chúng ta khuyến khích nhau tiêm, làm cho những người còn phân vân, còn lo lắng có thể yên tâm hơn, vững tin hơn để tiêm vì sức khỏe bản thân, vì sức khỏe cộng đồng mà không cần phải thông qua mệnh lệnh hành chính.

Thứ ba, xét về yếu tố kiến thức, báo chí và mạng xã hội cũng đang góp phần để hình thành và phát triển kiến thức cộng đồng, từ kiến thức cộng đồng tạo nên nhận thức cộng đồng để từ đó phát triển cộng đồng.

Thử đặt ra ví dụ, một người đi tiêm ngừa vắc xin về bị sốt do phản ứng của thuốc, họ không biết trước để chuẩn bị thuốc hạ sốt, thực phẩm để dùng khi sốt... Họ có trải nghiệm chưa tốt trong việc này do họ không có kinh nghiệm, không có kiến thức và sau khi tiêm họ đã có kinh nghiệm, rồi họ giữ cho riêng họ, họ không muốn, không thích, không thèm chia sẻ với bất cứ ai, vậy có phải là kiến thức, thông tin không thể lưu thông?

{keywords}

May mắn là thời gian qua, trên báo chí, mạng xã hội đã có nhiều dòng chia sẻ với nhau những việc cần làm trước, trong và sau khi tiêm như phải mang theo giấy tờ tùy thân, hồ sơ khám bệnh (nếu có vấn đề về sức khỏe), phải ăn no hay phải chuẩn bị thuốc hạ sốt..., nhờ kiến thức cộng đồng đó mà nhiều người đã đỡ phải mất thời gian, công sức và an toàn hơn trong việc tiêm chủng.

Thứ tư, hãy nhìn vào một số quốc gia, ngay khi họ có đủ vắc xin cho người dân, nhưng người dân còn rất e ngại, thậm chí có quan điểm “anti vắc xin” (chống tiêm chủng).

Đây là một phong trào nguy hiểm, những hội, nhóm theo phong trào này cho rằng việc sử dụng vắc xin có thể sẽ gây nguy hiểm cho sức khỏe, tính mạng con người, họ dựa vào một vài sự cố khi tiêm chủng (các sự cố này dù có nhưng rất ít) hoặc những viễn cảnh suy đoán để làm lý do từ chối cho chính bản thân họ.

Và nguy hiểm hơn, họ lôi kéo những người khác tham gia vào nhóm, họ lan truyền những thông điệp tiêu cực, những năng lượng xấu đến cộng đồng.

Nếu những người được tiêm không công bố thông tin, thậm chí phải giấu giếm việc mình được tiêm, chắc chắn sẽ là cơ hội tốt cho những đối tượng thích suy diễn.

Với những người dân đang chưa thuộc nhóm đối tượng được tiêm chủng, hãy hết sức bình tĩnh và tin tưởng. Điều 2, Nghị quyết số 21/NQ-CP, ngày 26 tháng 02 năm 2021 của Chính phủ đã nêu rõ đối tượng ưu tiên tiêm là lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch, gồm: Người làm việc trong các cơ sở y tế; Người tham gia phòng chống dịch (Thành viên Ban chỉ đạo phòng, chống dịch các cấp, người làm việc ở các khu cách ly, làm nhiệm vụ truy vết, điều tra dịch tễ, tổ covid dựa vào cộng đồng, tình nguyện viên, phóng viên...); Quân đội; Công an.

Nhân viên, cán bộ ngoại giao của Việt Nam được cử đi nước ngoài; hải quan, cán bộ làm công tác xuất nhập cảnh; Người cung cấp dịch vụ thiết yếu: hàng không, vận tải, du lịch; cung cấp dịch vụ điện, nước...; Giáo viên, người làm việc tại các cơ sở giáo dục, đào tạo; người làm việc tại các cơ quan, đơn vị hành chính thường xuyên tiếp xúc với nhiều người; Người mắc các bệnh mạn tính, người trên 65 tuổi; Người sinh sống tại các vùng có dịch; Người nghèo, các đối tượng chính sách xã hội; Người được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cử đi công tác, học tập, lao động ở nước ngoài; Các đối tượng khác do Bộ Y tế quyết định căn cứ yêu cầu phòng chống dịch.

Dùng từ tuyến đầu là rất chính xác vì những người này là người dễ bị nhiễm và có thể lây nhiễm cho người khác do tính chất công việc phải tiếp xúc với nhiều người. Đây hoàn toàn là sự phân công lao động trong xã hội được thể hiện bằng công việc cụ thể của từng người. Khi tuyến đầu ổn định thì chắc chắn sẽ triển khai đến các nhóm đối tượng và khu vực khác.

Tóm lại, việc đăng tải hình ảnh, chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình được tiêm vắc xin theo tôi là việc nên làm. Tuy nhiên cũng cần lưu ý hai việc sau đây:

Một là, thông tin đăng tải. Các thông tin đăng tải cần đúng quy định của pháp luật, những thông tin cá nhân nên được che lại khi đăng để tránh bị các đối tượng lợi dụng khai thác cho mục đích khác. Nếu thông tin đăng tải có liên quan đến những người khác thì phải xin ý kiến.

Hai là, tinh thần đăng tải. Việc đăng tải cần thực hiện với tinh thần tích cực nhất, mang tính chất chia sẻ thông tin, cung cấp kiến thức. Vấn đề ở đây không phải là tôi được, anh được, tôi sớm, anh muộn, mà là chúng ta đều được, một người trong cộng đồng an toàn thì sẽ góp phần tạo nên cộng đồng an toàn.

Hiện nay, có ý kiến cho rằng “Đăng thông tin tiêm chủng là khoe mẽ”, cách nghĩ này thật sự phiến diện và nguy hiểm, về góc độ cá nhân có thể dẫn đến tâm lý e ngại khi đi tiêm, về góc độ cộng đồng có thể tạo ra sự mâu thuẫn không đáng có. Việc loại trừ đi các suy nghĩ tiêu cực, thiển cận như thế này cũng là việc cần thiết của người viết và người đọc thông minh trong xã hội của chúng ta ngày nay.

Chúng ta đã cùng nhau thành công trong việc lan tỏa thông điệp 5K đến cộng đồng thông qua báo chí, mạng xã hội, chúng ta đã có những kết quả ban đầu trong công tác phòng chống dịch, vậy thì hãy tiếp tục cùng nhau lan tỏa thông điệp về vắc xin an toàn và hiệu quả bằng những việc thực tế nhất.

Độc giả Phúc Dương

Độc giả có thể gửi bài về địa chỉ email: bandoisong@vietnamnet.vn. Ý kiến của bạn không nhất thiết trùng với quan điểm của VietNamNet. Xin chân thành cảm ơn!
Tiêm vắc xin Covid-19 không phải là trào lưu để khoe mẽ

Tiêm vắc xin Covid-19 không phải là trào lưu để khoe mẽ

Trào lưu khoe ảnh đã được tiêm chủng vắc xin có thể kéo những suy nghĩ lệch lạc cho một bộ phận cư dân còn lại về chính sách của nhà nước hiện tại. “Tại sao người đó được tiêm mà không phải tôi?”.

Khoe ảnh tiêm vắc xin Covid-19: Sao lại là khoe mẽ?

Khoe ảnh tiêm vắc xin Covid-19: Sao lại là khoe mẽ?

Là người đã tham gia tiêm phòng Covid-19, tôi thấy mình nên có trách nhiệm chia sẻ với cộng đồng những hiểu biết cá nhân về việc tiêm vắc xin phòng chống dịch bệnh.


Blog được phát triển bởi https://chamsocnhacuahiendai.blogspot.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét