Thứ Sáu, 16 tháng 7, 2021

Nữ đạo diễn người Việt trải lòng về những ngày lockdown ở Toykyo

Những ngày qua đọc tin về Sài Gòn bùng dịch và xem những chia sẻ của các bạn ở Việt Nam trên Facebook, tôi nhìn thấy mình của hơn một năm trước, khi Tokyo bắt đầu bị Covid-19 bủa vây.

LTS:  Lockdown- cách ly xã hội có thể khiến bạn khó chịu. Và việc bỗng nhiên trở thành F1 cũng sẽ khiến bạn trở nên bất an. Dạ Thảo Linh, nữ đạo diễn người Việt đang sống và làm việc tại Tokyo (Nhật Bản) từng trải qua cảm giác đó và đã vượt qua để thích nghi với trạng thái "bình thường mới”.

Dưới đây là câu chuyện trải nghiệm của cô:

Dạo này Sài Gòn bùng dịch, bạn bè hỏi thăm nhiều nên tôi xin phép chia sẻ trải nghiệm của mình ở Tokyo (Nhật Bản). Tôi sinh sống và làm việc ở Tokyo đã gần 10 năm. Những ngày này nhớ nhà lắm nhưng Covid-19 đang chặn đường về quê của mình. Ghét ghê! 

Đợt đó, tôi về Việt Nam thăm gia đình và quay trở lại Nhật Bản vào đầu tháng 1. Sau đó ít lâu, tin tức về virus corona ở Trung Quốc bắt đầu âm ỉ trên các mặt báo, tưởng chừng như xa xôi lắm nhưng chỉ hơn tháng sau là Tokyo “dính chưởng”. 

{keywords}
Đạo diễn Dạ Thảo Linh

Nên nhớ, Tokyo là một trong những thành phố lớn nhất thế giới, mật độ dân số cao ngất ngưởng kèm theo mức độ đa dạng hoá người đến từ nhiều quốc gia. Việc bị cuốn vào guồng lây nhiễm dịch bệnh của thế giới là điều không thể tránh khỏi.

Được cái, người Nhật vốn dĩ có ý thức cộng đồng cao, hơn nữa ít có văn hóa đụng chạm cơ thể trong giao tiếp như người phương Tây. Bình thường, bị cảm là họ tự giác đeo khẩu trang y tế.

Hồi mới qua Nhật, tôi không biết nên có lần bị cảm ho, đến lớp không đeo khẩu trang đã bị giáo viên nhắc. Tuy nhiên, một khi con virus này đã phát tán ra cộng đồng thì không có cách gì ngăn chặn được nó. Kẻ thù vô hình thì lúc nào cũng đáng sợ hơn kẻ thù hữu hình. 

Tokyo tiến hành “lockdown” (cách ly xã hội) đợt đầu tiên. Nhiều công ty lớn nhỏ tại Tokyo bắt đầu hưởng ứng lời kêu gọi của chính quyền cho nhân viên làm việc tại nhà. Vì Tokyo chủ yếu di chuyển bằng tàu điện, nhiều người cùng nhét vào mấy toa tàu mỗi sáng thật là thiên đường cho con virus corona.

{keywords}
Đường phố tại quận Itabashi, Toykyo Nhật Bản hiện nay (ảnh: tác giả cung cấp)

Ở Nhật, “lockdown” nhưng không có lệnh cấm, chỉ có kêu gọi và khuyến khích doanh nghiệp cũng như người dân thực hiện giãn cách thôi. Công ty tôi cũng bắt đầu cho làm việc tại nhà, lúc đó còn nghĩ: Ôi! Tầm 1-2 tháng nữa chắc sẽ hết thôi! Nhưng không, từ đó đến nay đã hơn 12 tháng rồi! 

Thời kỳ đầu khi Tokyo “lockdown”, người dân cũng lo lắng nên mua đồ ăn nhiều hơn bình thường. Nhưng lương thực ở các siêu thị thì không bao giờ thiếu. Chỉ một thứ duy nhất hết hàng trong vài ngày là giấy vệ sinh. Vì có lời đồn thiếu nguồn cung giấy để sản xuất giấy vệ sinh, thế là người ta đổ xô mua giấy vệ sinh. Người Nhật sợ dơ chứ người Việt Nam như mình... tạm xài nước cũng được. 

Tuy nhiên, con số lây nhiễm cứ lên rồi lại xuống nên tình trạng “lockdown” của Tokyo cứ đóng rồi lại mở.

Người ta bắt đầu nhận ra những suy nghĩ như “đợi hết dịch rồi làm” cần phải thay đổi. Chính phủ cũng nhận ra cần phải tìm cách sống chung với dịch, đi đường dài với nó mới là lựa chọn khôn ngoan.

Bên ngoài nhìn vào, người ta có thể nghĩ Nhật quá dễ dãi trong công tác phòng chống dịch nhưng cá nhân tôi nhận ra có nhiều lý do, nhiều khía cạnh khiến họ phải cân nhắc trước khi đưa ra quyết định nào đó. 

Thứ nhất là việc đảm bảo phòng dịch nhưng vẫn phải tôn trọng quyền cá nhân, ranh giới mong manh của việc vi phạm nhân quyền rất dễ xảy ra. Vì điều này liên quan đến hiến pháp và luật pháp.

Thứ hai là việc đảm bảo phòng dịch nhưng vẫn phải giữ cho nền kinh tế không tiêu điều để còn chiến đấu lâu dài với Covid-19. Trước khi chết vì nó, người dân không chết vì đói. Thật sự đây là giai đoạn khó khăn vì mọi thứ quá mới, tất cả đều phải mò mẫm đường đi và xem tình hình để thay đổi cho phù hợp. 

Cá nhân tôi cũng có nhiều thay đổi trong những ngày tháng ở nhà đi ra đi vô với bốn bức tường, bắt đầu học thêm cái này cái kia, rồi mua cây về trồng, mua hoa về cắm… nhưng đặc biệt nhất là bắt đầu “workout” (luyện tập) và “eatclean” (ăn kiêng).

Trước đó, tôi có tập yoga nhưng chỉ tập tuần 1 lần, mà đến lớp yoga cũng sợ lây virus nên lại nghỉ. Phòng tập gym hay yoga thời kỳ này cũng lao đao vì nhiều người huỷ hợp đồng. Nhưng bây giờ thì có vẻ mọi người bắt đầu đi tập lại nhiều hơn rồi.

Nhiều người nói, ai khoẻ mạnh thì dù có nhiễm Covid-19 cũng khó chết. Tôi cũng sợ chết vì Covid-19 nên tôi tự nhủ, điều cần thiết lúc này là tự tạo cho bản thân một hệ miễn dịch tốt.

Hơn nữa, cứ ở nhà suốt ngày vì sợ Covid-19 thì dịch xong chắc “lăn” chứ đi không nổi. Thế là, tôi càng quyết tâm tập thể dục thể thao. Tôi  bỏ ra 2 tuần tìm hiểu kiến thức, rồi mua dụng cụ về nhà bắt đầu tập. Thời đại này lên mạng là tìm được hầu hết thông tin cần thiết, các bài tập thì trên kênh Youtube có đầy đủ. Thật sự không khó nếu bạn quyết tâm làm. Kết quả ngoài việc trở nên khoẻ hơn còn được khuyến mãi thêm cái body đồng hồ cát. Thiệt mừng hết lớn!

{keywords}
Góc ban công đầy hoa của Dạ Thảo Linh trong những ngày lockdown ở Toykyo (Ảnh: tác giả cung cấp)

Kể thêm chuyện này, không biết là nhờ tôi khoẻ hay là may mắn, nhưng tầm nửa năm trước, một người bạn đến nhà chơi và ngủ lại. Tối đó, nó than đau mình không ngủ được, hai ngày sau nó báo dương tính Covid-19.

Rồi xong, tôi chắc mẩm kỳ này dính Covid-19 rồi. Tôi tự cách ly tại nhà 2 tuần. Ở Nhật, F1 (theo cách gọi ở Việt Nam) là tự cách ly tại nhà chứ không cách ly tập trung. Trước đó, tôi cũng được biết vài người bạn của mình nhiễm Covid-19 và đã tự khỏi tại nhà.

Nhưng dù sao, cũng khá là lo lắng. Ngày đầu tiên. tâm trạng rất bất ổn, thậm chí nghĩ đến tình huống xấu nhất là không bao giờ gặp được gia đình thì buồn lắm!

Ngày thứ hai, tôi bắt đầu tìm cách để bình tĩnh hơn, tập thêm yoga và thiền buổi sáng để bình ổn tâm trạng. Những ngày tiếp theo, tôi vẫn tiếp tục như vậy và dùng thêm một số thực phẩm bổ sung vitamin C, xông hơi sả gừng theo các bài thuốc chữa cảm mạo trong dân gian.  

Tôi cũng không biết có tác dụng gì không nhưng ít nhất nó cũng giúp tôi an tâm hơn. Điều quan trọng lúc đó là vượt qua cảm giác sợ chết và cô đơn. Sau đó, tôi mua bộ lấy mẫu để test Covid-19 về, tự làm và gửi đi.

Thời điểm đó, ở Nhật, đã có vài công ty sản xuất bộ dụng cụ tự lấy mẫu test Covid-19 gửi đến tận nhà, trả kết quả sau 1 tuần đến 10 ngày. Hiện giờ, sản phẩm này được bán rất nhiều và thời gian trả kết quả cũng chỉ vài ngày.

May mắn sao, tôi không bị gì cả. Thật sự cũng không dám nói là tôi không nhiễm Covid-19 vì tôi khoẻ nhưng nếu ai vẫn đang có suy nghĩ: “đợi dịch xong mới làm…” thì đừng đợi nữa. Dịch không hết trong ngày một ngày hai đâu.

Tokyo vẫn lockdown hết đợt này đến đợt khác, đặc biệt trong nỗ lực của Chính phủ tổ chức Olympic an toàn thì hiện nay Tokyo lại lockdown đến hết tháng 8. Nhưng người dân khá là bình thản tiếp tục cuộc sống vì đã quen rồi. Chích ngừa cũng bắt đầu được triển khai trên diện rộng cho nhiều độ tuổi.

Sài Gòn bây giờ mới bùng dịch cũng là quá giỏi rồi, có một thuận lợi là đi sau thì có thể tham khảo các nước khác để tìm hướng đi cho mình. 

Thôi thì, mọi người rộng lòng một chút giúp đỡ nhau qua giai đoạn khó khăn này. Thấy người dân mình thương nhau mà ấm lòng ghê!

Dạ Thảo Linh (Toyoky, Nhật Bản)

Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả. Mọi ý kiến trao đổi gửi về email: gocnhinthang@vietnamnet.vn. Xin cảm ơn!

Sài Gòn của tôi, cả thành phố đang gồng gánh vượt qua cơn 'đại phẫu'

Sài Gòn của tôi, cả thành phố đang gồng gánh vượt qua cơn 'đại phẫu'

Tôi đã dành cả tuổi trẻ để chen mình giữa những con đường kẹt xe đầy bụi khói để kịp giờ làm. Tới mức có những khi khát vọng lớn nhất của tôi chỉ là chuyển được nhà về khu Quận 1, TP.HCM.  


Blog được phát triển bởi https://chamsocnhacuahiendai.blogspot.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét