Chủ Nhật, 18 tháng 7, 2021

Tiệm bánh phố núi của cậu bé 'mặt sẹo' từng được sang Đức phẫu thuật

23 tuổi, ngồi trong căn phòng ký túc xá giữa thủ đô Hà Nội, Ngô Quý Hải học cách viết chữ.

Đó là những chữ cái đầu tiên chàng trai người Kon Tum đặt bút viết lên giấy kể từ khi cậu bỏ dở lớp 1 cách đây 17 năm.

Chính xác là chưa hết một học kỳ, Hải đã bỏ học. Tất cả những gì có trong đầu Hải là bảng chữ cái 29 chữ và cách ghép một số vần đơn.

“Hồi đó, tôi còn trẻ con đâu biết gì. Thấy bạn bè trêu chọc, kỳ thị nên tôi không muốn đi học nữa” - Hải bùi ngùi kể về lý do thất học.

Nhưng chỉ sau một vài năm, chỉ vì thích thú với mấy cuốn truyện tranh mà anh trai mang về, Hải đã tự mày mò để đọc chữ thành thạo. Nhưng Hải chỉ biết đọc mà không hề biết viết cho đến 17 năm sau - khi ra Hà Nội học nghề.

{keywords}
Khuôn mặt của Hải (thứ 3 từ trái sang) bị biến dạng sau tai nạn bỏng lửa lúc 6 tháng tuổi.  

Cuộc đời Hải cho đến năm 22 tuổi là những ngày tháng dài thu mình trong nhà. Ngoài phụ ba mẹ bán hàng tạp hoá, cậu chỉ có mỗi 2 việc ăn và ngủ. Bi kịch đến với Hải từ lúc cậu còn quá nhỏ, đến mức cậu không thể nhớ được rằng mình đã từng là một đứa trẻ bình thường.

Sáu tháng tuổi, trong một khoảnh khắc ngoài tầm mắt của người lớn, Hải bị ngã vào bếp lửa đang cháy đỏ rực, khiến cả khuôn mặt, ngực, tay cậu bé sơ sinh lúc đó bị bỏng nặng.

Hải được bố mẹ đưa đi khắp các bệnh viện lớn, nhỏ chạy chữa. Nhưng tổn thương quá nặng khiến khuôn mặt cậu bé sinh năm 1994 biến dạng. Phần da mặt Hải trùm lấy đôi mắt, chiếc mũi và đôi môi không còn hình dáng vốn có. Cả khuôn mặt cậu bị dính liền vào phần da cổ khiến cái đầu luôn chúc xuống dưới. Bất cứ ai nhìn vào Hải cũng đều cảm thấy xót xa.

Giống như một đứa trẻ bị khuyết tật bẩm sinh, Hải lớn lên trong sự tự ti, sợ hãi và mông lung về cuộc đời mình. Nhiều lần, Hải nghĩ tới cái chết. Cũng có khi Hải thầm trách ba mẹ - những người đã lơ là trong phút chốc để rồi cả cuộc đời cậu phải gánh bi kịch.

“Nhưng đó chỉ là suy nghĩ của một đứa trẻ. Sau này khi trưởng thành hơn, tôi nghĩ rằng cuộc đời ai rồi cũng sẽ gặp những điều mình không mong muốn. Có thể ông trời muốn tôi làm một người khác thường. Có thể, nếu không gặp tai nạn, sẽ không có tôi của ngày hôm nay”.

{keywords}
Năm 2017, Hải được học nghề bếp ở Hà Nội.

Không đến trường, Hải lớn lên cùng với nỗi cô đơn. Người bạn thân duy nhất của Hải là một cậu bé câm, điếc gần nhà. Họ cùng nhau thả diều, bắt dế suốt tuổi thơ không một ngày đến trường.

Một ngày, hai đứa trẻ nghèo được lên thành phố chơi. Cả hai đi qua và trầm trồ trước một tiệm bánh ngọt đầy những chiếc bánh đẹp đẽ và ngon mắt - thứ quà xa lạ với 2 cậu bé quê ngày ấy. Cậu bạn câm điếc dành dụm mãi số tiền để đến ngày sinh nhật của mình, rủ bạn thân ra tiệm bánh mua một chiếc bánh kem.

Nhưng khi cả hai bước vào cửa hàng sang trọng kia, nhìn trang phục và bộ dạng của 2 đứa trẻ, chủ tiệm đã đuổi chúng đi ngay tức khắc. Họ nghĩ chúng là những đứa trẻ ăn xin.

Một đứa trẻ câm điếc, một đứa trẻ có khuôn mặt dị dạng - không ai kịp lên tiếng thanh minh. Hình ảnh chiếc bánh kem ở mãi trong tâm trí Hải từ đó. Cậu ước, một ngày nào đó cậu có cả một tiệm bánh ngọt để mời bạn mình.

Năm 2016 - năm Hải 22 tuổi, thông qua một tổ chức từ thiện, Hải được chọn sang Đức thực hiện ca đại phẫu. Ở Bad Kreuznach, Hải được đùm bọc và yêu thương bởi những người Đức gốc Việt, được chăm sóc tận tình bởi các y bác sĩ. Sáu tháng ở đây là quãng đời mà có lẽ cậu sẽ không bao giờ quên.

Sau ca đại phẫu đầu tiên, Hải hôn mê suốt 21 ngày. Đổi lại, sự tận tình của các y bác sĩ người Đức đã giúp cậu vơi bớt nỗi sợ hãi và cô đơn.

Nước Đức cách Kon Tum của Hải hơn 9.000km, nhưng ở đó có cả những bản nhạc Việt mà các y tá bật cho cậu nghe khi nhớ nhà, có những câu tiếng Việt vụng về mà mọi người cố gắng học theo để nói cho cậu vui… Ở đó cũng có mẹ Mỹ Nga - người mà Hải nói rằng nếu không có mẹ, sẽ không có Hải ngày hôm nay. Tất cả khiến chàng trai 22 tuổi hiếm khi bước chân ra khỏi nhà bỗng dưng thấy mình không hề bị cuộc đời hắt hủi.

Trải qua hơn chục ca phẫu thuật trong suốt 6 tháng, Hải quay về Việt Nam với khuôn mặt đã được tách ra khỏi phần da ngực. Nói về sự khác biệt sau những chuyến đi này, Hải tổng kết: “Nhiều lắm, trước kia nó dính hết vào với nhau không à”.

{keywords}
Sau ca phẫu thuật đầu tiên ở Đức, Hải tỉnh dậy sau 21 ngày hôn mê.

Đến năm 2017, một lần nữa cuộc đời Hải như lật sang một trang mới. Cậu được giới thiệu đến với KOTO - một tổ chức phi lợi nhuận chuyên nhận dạy nghề cho các bạn trẻ có hoàn cảnh khó khăn.

Trong 2 năm ở Hà Nội, Hải được dạy nghề bếp và nhiều kỹ năng sống xa lạ với một đứa trẻ không được đến trường. Đây cũng là nơi cậu bắt đầu được học viết chữ sau 17 năm chỉ biết đọc. “Có những hôm tôi tập viết đến 1-2 giờ sáng”.

Nhớ về những ngày tháng đó, Hải thấy biết ơn và tràn đầy hạnh phúc. Lần đầu tiên, cậu được sống giữa nhiều người đến vậy, nhất lại là những người giống mình.

“Họ không có khuôn mặt khác thường giống như tôi, nhưng họ cũng có những bất hạnh riêng giống tôi. Tôi không cảm thấy mình bị kỳ thị hay lạc lõng khi ở đây”.

Sau 2 năm vừa học vừa thực hành, Hải tốt nghiệp và làm bếp 2 năm nữa cho một nhà hàng ở TP.HCM. Hiện tại, chàng trai 27 tuổi đã về Kon Tum được khoảng 6 tháng. Hải mở một tiệm bánh ngọt kết hợp đồ uống ở con phố nhỏ quê mình. Cậu nói, tiệm bánh của cậu sẽ là một món quà mới mẻ cho những đứa trẻ quê.

{keywords}
Tiệm bánh của Hải - nơi cậu vừa là nhân viên phục vụ vừa là ông chủ.  

Với nhiều người, nó có thể không phải là thứ gì ghê gớm, nhưng với một người khác thường như Hải tự nhận, đó là một nỗ lực vươn lên phi thường. Hải đặt tên cho nó là Sunhouse, nghĩa là Ngôi nhà Mặt trời, nghĩa là bất cứ ai đến đây cũng được chào đón nồng ấm như ở nhà mình.

Nguyễn Thảo 

Ảnh: Nhân vật cung cấp

Chàng trai tật nguyền dùng mạng xã hội để giúp người nghèo

Chàng trai tật nguyền dùng mạng xã hội để giúp người nghèo

Năm Phi mới 3 tuổi, một người đàn ông tâm thần xông vào nhà chém loạn xạ. Mẹ và chị gái bị thương, riêng Phi bị chém đứt lìa chân trái.


Blog được phát triển bởi https://chamsocnhacuahiendai.blogspot.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét