32 năm qua, ngày nào bà Dư cũng đợi con ở nhà ga phía Bắc. Bà hi vọng, ngày nào đó, con trai có thể nhớ lại nơi này từ trong ký ức để trở về tìm bà giữa dòng người hối hả ngược xuôi.
Bà Dư dành gần nửa đời người chờ con ở ga tàu. |
Ánh mắt của người cha trước khi lìa đời
Năm 1989, Dư Chính Quỳnh vô tình bị lạc mất đứa con trai 4 tuổi Mã Kế Minh tại nhà ga phía Bắc của ga tàu Thành Đô (Tứ Xuyên, Trung Quốc). Như tất cả những người mẹ bị mất con, bà Dư tìm mọi cách để dò la tung tích của con trai. Tuy nhiên, mọi nỗ lực của người mẹ này đều không đem lại kết quả.
Con gái bà Dư - Mã Kế Anh cũng mãi không thể nào quên buổi chiều tại nhà ga năm đó. Chỉ trong tích tắc không chú ý, cô đã lạc mất em trai. “Hôm đó, tôi cùng em trai theo bố mẹ ra ga tàu phía Bắc để nhặt ve chai. Hai chị em tha thẩn chơi dưới một gốc cây. Được một lúc, tôi thấy khát nên nhờ em đi lấy cho mình chai nước. Tuy nhiên, quay đi quay lại, tôi đã không thấy em ấy đâu nữa”, Kế Anh nhớ lại.
Các thành viên trong gia đình Kế Anh chia nhau lùng sục từng ngóc ngách trong ga tàu nhưng vẫn không thấy Kế Minh đâu. Suốt 32 năm, Kế Anh luôn ôm nỗi ân hận và day dứt trong lòng. Ánh mắt u buồn của người cha trước lúc qua đời càng khiến cô quyết tâm phải cùng mẹ tìm bằng được em trai.
Mã Kế Minh mất tích khiến cuộc sống cả gia đình hoàn toàn đảo lộn.Thời gian ấy, ngoài gánh lo cơm áo đời thường, gia đình bà Dư còn phải đối mặt với hành trình tìm con đầy gian nan. Họ đăng báo, tìm khắp các nhà ga, bến xe. Cứ nghe ở đâu có manh mối là cả nhà lại lập tức lao đi. Tuy nhiên, lần nào họ cũng trở về trong tuyệt vọng.
Việc tìm kiếm lâu năm không có kết quả không chỉ khiến kinh tế gia đình kiệt quệ mà còn bào mòn tinh thần của các thành viên. Chồng của bà Dư đành trút sầu muộn vào những chén rượu. Mỗi lần say xỉn, ông lại chửi bới, trách cứ vợ con không trông giữ Mã Kế Minh cẩn thận.
Suốt hàng chục năm, bà Dư chỉ biết nuôi dưỡng một hi vọng mong manh rằng, khi lớn lên, con trai có thể nhớ lại địa điểm ga tàu để tìm đường trở về.
Suốt 32 năm, ngày nào, bà Dư cũng đến ga tàu phía Bắc để nhặt rác và làm các công việc lặt vặt. Ánh mắt bà không ngừng tìm kiếm con trai giữa biển người mênh mông. Nhiều năm trôi qua, không ít ký ức đã mai một, nhiều thói quen đã thay đổi nhưng bà Dư chưa bao giờ từ bỏ việc chờ con ở ga tàu. Bà Dư từng nói với con gái rằng, nếu không tìm thấy Mã Kế Minh, đến lúc chết bà sẽ không thể nhắm mắt.
Bà Dư nắm chặt tay con sau 32 năm xa cách. |
Năm 2016, bà Dư cùng con gái đến Công an quận Tân Đô, thành phố Thành Đô trình báo về vụ mất tích, đồng thời cung cấp mẫu máu của gia đình.
Sau khi tiếp nhận trình báo của bà Dư, Công an quận Tân Đô đã thành lập một tổ công tác đặc biệt tiến hành xác minh thông tin một cách toàn diện. Cảnh sát thu thập mẫu máu của các thành viên trong gia đình bà Dư để đối chiếu với Cơ sở dữ liệu ADN. Họ cũng sử dụng bức ảnh duy nhất chụp Mã Kế Minh được gia đình cung cấp để làm căn cứ đối chiếu khuôn mặt.
Tháng 8/2021, cảnh sát Tân Đô bất ngờ nhận được tin vui. Dựa vào dự liệu ADN, họ tìm ra Trương Minh Viễn đang sống ở thành phố Thừa Đức, tỉnh Hà Bắc chính là Mã Kế Minh, người đã mất tích cách đây 32 năm.
Để đảm bảo thông tin trên là chính xác, một cảnh sát đã lập tức lên đường đến Hà Bắc để xác minh.
Hạnh phúc vì có hai gia đình
Kế Minh trong vòng tay người thân. |
Thực ra từ khi hơn 10 tuổi, Mã Kế Minh đã biết được thân phận của mình. Cha mẹ nuôi của anh không hề giấu giếm chuyện anh là con nuôi. Họ cho anh biết sự thực với mong muốn sau này lớn lên, Kế Minh có thể tìm gặp được những người đã sinh ra anh. Chính điều này đã khiến Kế Minh càng yêu quý cha mẹ nuôi hơn. “Cha nuôi luôn đối tốt với tôi. Tôi chưa bao giờ cảm thấy mình là người ngoài trong ngôi nhà này cả”, Kế Minh chia sẻ.
Khi trưởng thành, Kế Minh cũng bắt đầu tìm cách để tìm cha mẹ ruột của mình. Vì thất lạc cha mẹ khi còn quá nhỏ nên những ký ức về gia đình của anh rất mơ hồ. Anh chỉ nhớ rằng, trước nhà mình có một con mương nhỏ. Thi thoảng, anh thường theo người lớn trong nhà ra đó bắt cua.
Kế Minh còn đăng ký thông tin qua các tình nguyện viên tìm kiếm trẻ mất tích, đồng thời cung cấp mẫu máu của mình. Khi cảnh sát Tân Đô tìm thấy anh và nói cho anh biết về gia đình của mình, anh cảm thấy rất bất ngờ. Dù đã mong chờ giây phút này từ lâu nhưng anh cũng không tránh khỏi bối rối, không biết nên đón nhận chuyện này thế nào.
Khi ấy, người cha nuôi đã nói với anh: “Còn gì quan trọng hơn việc được gặp lại cha mẹ ruột”. Nghe cha nuôi nói vậy, anh nhanh chóng lên đường đến Tứ Xuyên.
Sau nhiều năm xa cách, bà Dư cuối cùng cũng được gặp lại đứa con mà mình đã khóc cạn nước mắt vì thương nhớ. Ngày 23/9, bà có mặt sớm cở Công an quận Tân Đô. Khuôn mặt con trai đã có nhiều thay đổi nhưng khi vừa gặp mặt, dù chưa được giới thiệu, bà Dư cũng đã nhận ngay ra con mình. Những người có mặt hôm ấy cũng đều nhận ra nét tương đồng giữa họ, đặc biệt là đôi lông mày rất giống nhau.
Điều khiến Mã Kế Minh tiếc nuối nhất đó là anh không có cơ hội gặp lại cha mình. Tuy nhiên, thấy mẹ vẫn khỏe mạnh, bình an, anh cũng yên tâm phần nào. “Cha mẹ đẻ có ơn sinh thành, cha mẹ nuôi có công nuôi dưỡng. Họ đều là gia đình của tôi”, Kế Minh xúc động nói.
Kế Minh đang sống tốt với người cha nuôi ở Hà Bắc. Anh hiện đã lập gia đình và có hai cô con gái. Trong buổi gặp mặt, cả hai gia đình đồng ý để Kế Minh tiếp tục sống ở Hà Bắc và thường xuyên qua lại cả hai bên.
Với bà Dư, dù không muốn xa con thêm một phút giây nào nhưng bà vẫn tôn trọng quyết định của con, không đòi hỏi Kế Minh phải trở về bên mình. Bởi, hơn ai hết, bà mong anh có được cuộc sống thoải mái và hạnh phúc nhất.
Hồng Hạnh (Theo Sina, QQ)
Gặp lại gia đình sau 30 năm bị bắt cóc, con trai ôm bố khóc không ngừng
“Sau 30 năm tìm kiếm, chờ đợi, cuối cùng bố cũng gặp được con...”, Peng Xinghui, 69 tuổi vừa khóc vừa ôm chặt con trai. Vậy là, giấc mơ đoàn tụ mà ông mong đợi suốt 30 năm cuối cùng cũng được hiện thực hóa.
Blog được phát triển bởi https://chamsocnhacuahiendai.blogspot.com/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét