Thời gian đầu ôm đứa con mắc bệnh bẩm sinh của chủ cũ về nuôi, gia đình chị Hồng phải bán con bò lấy tiền chạy chữa cho cậu bé.
Bài 1: Thảm kịch hôn nhân và vết trượt dài của thầy giáo cấp 3 ở Bắc Giang
Những ngày này, căn nhà nhỏ của gia đình ông Phùng Văn Bắc ở thôn Quyết Tâm (Yên Sơn, Lục Nam, Bắc Giang) trở nên yên ắng hơn. Bao trùm là sự lo lắng, bất an cho sức khỏe của đứa cháu không phải ruột già, máu mủ sinh năm 2007.
Bán bò nuôi con người dưng
13 năm trước, đứa trẻ tên L.C.L đến với gia đình ông như một định mệnh. Chỉ trong một đêm, L mất mẹ, bố bị bắt, tổ ấm tan nát.
Dẫu gia cảnh nghèo túng nhưng khi cô con gái tên Phùng Thị Hồng (SN 1988) ôm đứa nhỏ mới mấy tháng tuổi (con của chủ nhà - nơi Hồng làm giúp việc) về nhà, vợ chồng ông Bắc vẫn dang rộng vòng tay đón nhận.
Giọng buồn bã, ông Bắc thở dài nói: ‘Thiếu vật chất đã đành, cháu L thiếu cả tình thương. Tôi nhắc các con, rau cháo cũng được nhưng phải quan tâm, coi cháu như ruột thịt’.
Thời điểm mới đưa L về nuôi dưỡng, vợ chồng ông Bắc phải bán tài sản quý nhất trong nhà lấy tiền chữa bệnh, nuôi cậu bé.
Căn nhà lợp mái fibro xi măng của gia đình ông Bắc. |
‘Giai đoạn đó rất khó khăn, thầy trò trường THPT Phương Sơn quyên góp, ủng hộ cháu được một chút nhưng vài tháng là cạn kiệt. Thằng bé quặt quẹo, ốm liên miên, bà Tám - vợ tôi gọi người vào bán rẻ con bò...’, ông Bắc nhớ lại.
Cuộc sống khó khăn là vậy nhưng gia đình ông Bắc không muốn L phải chịu thêm thiệt thòi.
Ngoài mấy sào ruộng, ông Bắc làm bảo vệ cho trường cấp 1 gần nhà, bà Tám - vợ ông bán thêm hàng tạp hóa, lấy tiền trang trải, bù đắp cho L. Những mảnh đời ấy, cứ thế mà nương tựa, cùng chèo chống, bao bọc bé L hơn 10 năm qua.
‘Năm 2008, có người tìm hiểu, ban đầu Hồng không muốn lấy chồng, sợ thằng bé côi cút, bơ vơ.
Tôi động viên con xây dựng tổ ấm, hai vợ chồng tôi sẽ chăm cháu đến khi nào còn có thể. May mắn con rể tôi cũng thương cháu L, ngỏ ý muốn đưa cả cháu về nhưng thằng bé thích ở với vợ chồng tôi.
Nhà tôi thuộc diện hộ nghèo, thêm tiền trợ cấp của cháu L. Mỗi tháng tổng thu nhập được khoảng 1 triệu đồng’, người đàn ông khắc khổ chia sẻ.
Chị Hồng đi lấy chồng, sinh được 3 đứa con. Nhà chồng cách nhà mẹ đẻ hàng chục cây số nhưng cuối tuần, vợ chồng chị lại đưa các con về thăm ông bà ngoại và cậu con nuôi.
Cuộc sống bên nhà chồng làm nông nghiệp cũng chẳng khấm khá hơn. Chồng chị, anh Bùi Văn Tín làm công nhân hầm mỏ ở Quảng Ninh gặp tai nạn lao động. Sức khỏe giảm sút, anh về quê, chuyển sang nghề hàn xì, kiếm tiền đỡ đần vợ.
‘Dường như mặc cảm về bản thân, bây giờ L ít trò chuyện với mọi người. Ai hỏi cũng không nói, ngoại trừ bà và mẹ Hồng. Tôi lo cháu bị trầm cảm. Người bạn duy nhất của cháu là chiếc ti vi và điện thoại.
Trước tôi cũng xin cho cháu đi học chữ nhưng hết 2 năm cháu nghỉ, vì sức khỏe kém, không tiếp thu được.
Nhiều gia đình giàu có, hiếm muộn, lên đây xin cháu làm con nuôi nhưng tôi từ chối. Dẫu sao cháu ở với tôi bao nhiêu năm, có tình cảm gắn bó…’, ông Bắc nói thêm.
Số mệnh nghiệt ngã
Nhắc đến cậu con nuôi tội nghiệp, chị Phùng Thị Hồng nghèn nghẹn thổ lộ: ‘Ngày đó, người ta đàm tiếu tôi còn trẻ, chưa chồng mà dám nuôi con cho người khác. Tôi nghĩ mình làm phúc, sợ gì miệng lưỡi thiên hạ’.
Chị Hồng cho hay, L mắc căn bệnh u xơ thần kinh. Đây là căn bệnh bẩm sinh, các khối u mọc lan trên dây thần kinh, gây đau đớn, càng lớn, da thịt càng sùi to. Nếu không may mắn, u có thể mọc trên dây thần kinh não, tính mạng nguy kịch.
Ngay từ lúc ra đời, trên đùi L. có lớp da màu đen loang lổ, sau phát triển thành khối u, chèn giữa hai chân khiến cậu bé gặp khó khăn khi di chuyển.
Cháu L. và bà Tám (vợ ông Bắc). |
Suốt từ năm 2009 đến nay, chị Hồng và bố mẹ đưa cháu L đi khắp các bệnh viện, từ bệnh viện Nhi Trung ương, bệnh viện Trung ương Quân đội 108, bệnh viện Xanh-Pôn…chạy chữa nhưng tình trạng không khả quan.
Đợt cấp cứu gần đây, chị và mẹ đẻ tiếp tục lặn lội đưa L xuống bệnh viện Việt Đức. Các bác sĩ tư vấn cho cháu mổ nhưng phải đợi chuyên gia nước ngoài về phẫu thuật.
Nhìn đứa con nuôi đau đớn, khóc thét khi trái gió, trở trời, lòng chị đau như cắt. Mẹ con đành xin thuốc, về quê chờ đợi.
‘Năm xảy ra biến cố, bà ngoại ruột cháu vừa tỉnh lại sau cơn thập tử nhất sinh thì nhận hung tin về con gái. Bà đón cháu lớn về nuôi, cháu nhỏ sợ sức khỏe yếu, khó chăm sóc chu toàn nên cậy nhờ nhà tôi. Mỗi năm, bà lên thăm cháu đôi lần.
Hiện bà sống ở Hà Nội cùng con trai. Mấy hôm vừa rồi bà cũng qua gặp cháu chốc lát’, chị Hồng kể.
Suốt thời gian trò chuyện, chị Hồng và ông Bắc đều hi vọng, sau này bố bé L ra tù, sớm hoàn lương, cho bé L được hưởng tình cảm gia đình đúng nghĩa.
'Tôi và bà Tám cũng lớn tuổi, chẳng biết sống đến bao giờ, chỉ mong cháu khỏe mạnh, lớn khôn, sống cuộc đời thật bình an là đủ', giọng xúc động, ông Bắc chia sẻ.
Người phụ nữ Bắc Giang mất tích 28 năm về được nhà nhờ chàng trai tốt bụng
28 năm mất tích, bà Nguyễn Thị Biên may mắn trở về nhà nhờ những người xa lạ giúp đỡ và lời kêu gọi trên mạng xã hội.
Diệu Bình - Ngọc Trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét