Vẻ đẹp đặc biệt của Hà Giang chính là ở cái tên mà người ta đã đặt cho nó - cao nguyên đá.
Hà Giang từ lâu vốn là điểm đến đầy hấp dẫn với các phượt thủ nhiều thế hệ. Lũng Cú, Mã Pì Lèng, Cổng trời Quản Bạ, các bản làng người Mông là những danh thắng thường xuyên được gợi ý khi có ai đó dừng chân ở vùng đất cao nguyên đá này.
Thế hệ phượt thủ đời đầu đặt biệt danh cho Du Già là 'phượt thủ số 1 Việt Nam' có lẽ vì anh là người từng đặt chân tới những nơi thậm chí còn chưa có tên trên bản đồ du lịch và là người hiếm hoi thích 'xê dịch' suốt 40 năm qua.
Anh Lê Triều Dương (biệt danh Du Già) từng chia sẻ: ‘Bản thân tôi và nhiều người khác rất mê đắm Hà Giang’. Đó là lý do mà suốt 40 năm ‘xê dịch’ khắp mọi miền đất nước, Hà Giang là nơi anh đã đến không biết bao nhiêu lần.
‘Biệt danh Du Già mà tôi sử dụng 20 năm qua cũng xuất phát từ tình yêu với Hà Giang’ - anh nói.
Du Già là tên một xã anh từng đi qua trên đường khám phá Hà Giang khi mà thời đó chưa mấy người biết đến nó. 'Tôi lấy cái tên Du Già với mong muốn nhiều người biết đến Hà Giang hơn, biết đến những địa danh ít đặt chân đến hơn là những nơi đã nổi tiếng như Mã Pì Lèng ngày ấy. Thế hệ phượt thủ 8x, 9x có một câu nói là ‘Bất đáo Du Già phi phượt thủ’ (tức là: Chưa đi qua Du Già thì chưa thành phượt thủ)'.
Cũng giống như phượt thủ Du Già, vì tình yêu với cao nguyên đá và đam mê nhiếp ảnh, nhiếp ảnh gia Hoàng Thế Nhiệm đã từng đặt chân tới Hà Giang trên dưới 20 lần, ‘trung bình mỗi năm 1 lần’ theo lời anh nói.
Với anh, vẻ đẹp đặc biệt của Hà Giang chính là ở cái tên mà người ta đã đặt tên cho nó – cao nguyên đá. ‘Cái đẹp của Hà Giang là ở những núi đá, vách đá tai mèo. Đó chính là đặc thù, là thương hiệu của mảnh đất này mà hiếm nơi nào trên thế giới có được. Đó cũng chính là lý do vì sao UNESCO công nhận cao nguyên đá Đồng Văn là công viên địa chất toàn cầu’.
‘Đá, thế núi và cuộc sống của người Mông đã tạo thành một nơi đặc biệt về cảnh quan, địa chất mặc dù Hà Giang rặt là đá’.
Nhớ lại những kỷ niệm xưa cũ với Hà Giang, nhiếp ảnh gia Hoàng Thế Nhiệm kể: ‘Ngày xưa, khi đường sá còn chưa làm, tôi đi từ Hà Giang lên Núi Đôi mất gần 1 ngày, từ Núi Đôi lên Đồng Văn mất 1 ngày nữa. Ngày xưa đường xấu nhưng văn hóa thì rất hay. Bây giờ càng hiện đại thì văn hóa càng thay đổi’.
Với một người trẻ như phượt thủ Trịnh Thanh Tùng, ấn tượng lần đầu tiên khi anh đặt chân tới Hà Giang là sự hùng vĩ, mênh mông của núi đá, không gian.
‘Năm 2011 là lần đầu tiên tôi đến Hà Giang. Tôi thực sự ấn tượng bởi sự hoang vắng, cô liêu của nó - một cảm giác rất ngút ngàn và con người vô cùng nhỏ bé trong không gian ấy’.
Với những trải nghiệm hiếm có suốt 40 năm, phượt thủ Du Già đã ghi lại những hình ảnh ấn tượng của Hà Giang, từ những danh thắng ai cũng biết đến tới những vùng đất sâu xa ít người đặt chân.
VietNamNet xin giới thiệu bộ ảnh của tác giả Lê Triều Dương (biệt danh Du Già):
Ảnh: Lưu Anh Tuấn |
Ngắm Mã Pì Lèng không cần sàn bê tông, đừng ngụy biện với Panorama
'Nếu muốn đời sống người dân khấm khá hơn thì phải ưu tiên cho sự phát triển của người dân tộc, chứ không phải người Kinh lên đó đầu tư, thu tiền và người Mông chỉ đi làm thuê'.
Nguyễn Thảo
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét