Thứ Sáu, 24 tháng 1, 2020

Điều đặc biệt trong gia đình GS Dương Quảng Hàm sáng mùng 1 Tết

Mùng 1 Tết luôn là ngày đặc biệt, được mong chờ nhất trong năm với các con của Giáo sư Dương Quảng Hàm.

Giáo sư Dương Quảng Hàm (1898 - 1946) và vợ Trần Thị Vân đến với nhau từ sự mai mối của hai dòng họ, nhưng họ đã có cuộc hôn nhân viên mãn với 8 người con.

Trong gia đình, cụ bà Vân luôn là người lặng lẽ đứng sau, gánh vác mọi việc để chồng chuyên tâm với sự nghiệp giáo dục và nghiên cứu.

Sau khi mua và xây dựng ngôi nhà ở Hàng Bông (Hoàn Kiếm, Hà Nội), cụ bà thôi sạp hàng ở chợ Đồng Xuân, mở cửa hàng ngay tại nhà, chuyên bán vải và quần áo may sẵn, đặt tên cửa hàng là: Đông Phú. Đông là huyện Đông Yên, Phú là làng Phú Thị - quê hương của vợ chồng Giáo sư Hàm.

Chồng làm công chức, vợ buôn bán vải vóc, vì thế, cuộc sống gia đình Giáo sư Hàm tuy không giàu nhưng khá sung túc, phong lưu.

{keywords}
Ông Dương Tự Minh trong căn nhà cũ của gia đình.

Với ông Dương Tự Minh (SN 1935) - con trai út Giáo sư Hàm, Tết giai đoạn 1941 - 1944, khi cha mẹ còn mạnh khỏe, 8 anh chị em quây quần bên nhau đã trở thành ký ức đẹp đẽ nhất trong thời niên thiếu.

Giọng chậm rãi, ông Minh chia sẻ: ‘Mẹ tôi thuộc mẫu phụ nữ cổ điển, hết lòng vì chồng con, chu đáo trong việc cúng lễ theo tập tục cổ truyền.

Các ngày rằm, mồng 1 hàng tháng bà đều có hoa quả thắp hương trên bàn thờ. Mùng 3 tháng 3 cúng bánh trôi bánh chay, ngày 5 tháng 5 - Tết Đoan Ngọ bà cúng bánh tro, rượu nếp... Nghi lễ nào bà cũng làm một cách cẩn trọng, đầy đủ. Nhưng ấn tượng với tôi là những ngày Tết Nguyên đán bởi vì đó là ngày họp mặt gia đình đầy ấm cúng’.

{keywords}
Vợ chồng Giáo sư Hàm cùng 8 người con trong dịp Tết.

Theo lời ông Tự Minh, sau ngày 23 tháng Chạp cúng ông Công ông Táo, không khí chuẩn bị Tết đã bắt đầu sôi động. Mẹ ông cho đóng cửa hàng tới tận mùng 8 hoặc mùng 10 tháng Giêng mới mở cửa trở lại.

Cụ bà Trần Thị Vân đôn đốc việc quét dọn nhà cửa, lau chùi bàn thờ tổ tiên. Cụ cũng lo mua sắm chuẩn bị cho mâm cỗ ngày Tết có đầy đủ bánh chưng, giò chả, canh bóng bì, canh măng, thịt nấu đông, cá kho và các loại hoa quả, mứt kẹo. Khi được nghỉ học, các con gái lớn sẽ xắn tay vào phụ giúp mẹ.

Trong trí nhớ con trai út Giáo sư Hàm, ngày xưa mọi người đều dùng chữ ‘ăn Tết’. ‘Tôi nghĩ nó rất đúng với thời đại đó. Nghĩ đến Tết là nghĩ đến việc được ăn ngon, mặc đẹp.

Gia đình tôi thuộc loại khá giả nhưng đông con. Mỗi bữa cơm, thức ăn cũng có hạn, cha mẹ dạy chị em tôi, thấy món gì ngon, không được gắp liên hồi. Tuy nhiên, ngày Tết chị em tôi được ăn thoải mái nhiều món ngon, trong đó có giò chả.

Tết cũng là dịp chị em tôi được cha mẹ cho mua quần áo mới. Các chị lớn trong nhà được may thêm một bộ áo dài’, ông Minh nói.

Trong các khâu chuẩn bị 'ăn Tết', khâu gói bánh chưng cũng để lại cho ông Minh nhiều kỷ niệm sâu sắc. ‘Mẹ tôi chủ trì, các chị tôi cùng người giúp việc ra sức gói bánh rồi chất vào cái nồi tôn cao đến ngực tôi - lúc đó khoảng 10 tuổi.

Cả nhà ngồi quây quần, đun nồi bánh chưng suốt đêm nhưng tôi bị bắt đi ngủ sớm. Sáng hôm sau, khi vừa dậy, tôi chạy ra đòi chiếc bánh chưng nhỏ bằng bàn tay mà mẹ tôi ưu tiên gói cho. Những chiếc bánh chưng lớn thì đã được xếp trên nửa tấm phản. Mẹ tôi lấy nửa tấm phản còn lại ép lên để nước trong bánh chưng chảy ra hết’, người đàn ông sinh năm 1935 xúc động nhớ lại.

{keywords}
Hai người con gái của Giáo sư Hàm - bà Dương Thị Ngân (phải) và
Dương Thị Thoa (trái).

Ngày 30 Tết, sau khi việc chuẩn bị đã hoàn tất, các đồ thờ đã được lau chùi sáng choang, vợ Giáo sư Hàm đun nước nóng cùng các loại lá thơm để mọi người tắm tất niên. 

‘Đêm 30 Tết, 8 anh chị em chúng tôi cùng nhau quây quần vui chơi đợi lúc đón giao thừa.

Mẹ tôi mua một ít pháo hoa cho các con chơi. Anh cả tôi dẫn các em lên sân thượng đốt pháo, sau đó kéo nhau xuống nhà chơi tam cúc.

Thời khắc giao thừa, không khí đón năm mới lạc quan, tràn đầy khắp nơi, các tràng pháo thi nhau nổ râm ran. Lúc này, ngoài đường bắt đầu có người đi lễ chùa’, ông Minh rưng rưng kể.

Sáng mồng 1 Tết là khoảnh khắc được các con Giáo sư Hàm chờ mong nhất năm. Ông Minh kể thêm: ‘Sau khi ra cúng tại ban thờ, chúng tôi xếp hàng, chúc sức khỏe cha mẹ và đón chờ tiền mừng tuổi.

Theo nề nếp gia đình tôi, quanh năm cha mẹ không bao giờ cho chúng tôi tiền để tiêu pha, cần gì thì nói với cha mẹ. Riêng ngày mồng 1, cha mẹ mới mừng tuổi tiền mặt cho các con, tuy ít nhưng với chúng tôi đó là niềm vui lớn. 

Sau đó, cha mẹ tôi đi chúc Tết họ hàng, người quen và đến chùa Quán Sứ cầu may mắn cho gia đình. Tôi được các chị dẫn đi chơi bằng tàu điện. Ngoài đường lúc này rất tấp nập. Chỉ số ít những người lớn tuổi mới mặc áo dài đen còn lớp trẻ như các anh tôi đều đã chuyển sang mặc âu phục, các chị tôi mặc áo dài. Mấy ngày Tết trôi qua luôn đầy ắp niềm vui…’.

Đến nay, những hình ảnh đầm ấm của cái Tết cổ truyền với cha mẹ và 8 người con của gia đình Giáo sư Dương Quảng Hàm chỉ còn là dĩ vãng nhưng luôn được ông Minh trân trọng, lưu giữ trong tâm khảm.

Cuộc hôn nhân của bà chủ buôn vải và hiệu trưởng trường Bưởi

Cuộc hôn nhân của bà chủ buôn vải và hiệu trưởng trường Bưởi

 Đến với nhau nhờ mai mối nhưng vợ chồng giáo sư Dương Quảng Hàm đã có cuộc hôn nhân đầy hạnh phúc.

Diệu Bình

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét