Mâm cỗ cúng tất niên luôn được các gia đình coi trọng. Đây cũng là dịp cả gia đình sum họp quanh mâm cơm đậm chất Việt.
Theo truyền thống, mâm cơm cúng tất niên không cần quá cầu kỳ, chủ yếu thể hiện được tấm lòng của người cúng để tri ân đất, trời, thần linh đã phù hộ gia đình trong năm qua.
Những năm gần đây, một số gia đình có thay đổi ngày cúng tất niên, có thể sớm hơn 1-2 ngày để có thể đến được nhà nhau chung vui, chúc mừng cho một năm mới may mắn, bình an.
Theo ông Nguyễn Mạnh Linh, Trưởng Phòng Phong thủy Kiến trúc, Viện Quy hoạch & Kiến trúc Đô thị, tùy từng vùng miền mà cỗ cúng có những đặc trưng riêng.
Ở miền Bắc, một mâm cúng tất niên truyền thống thường gồm những món sau:
- Bánh chưng/ bánh tét
- Giò lụa
- Gà luộc
- Thịt đông
- Nem rán
- Miến xào lòng gà
- Canh măng
- Xôi
Ngoài các món mặn, bạn cần mua thêm hoa quả, hoa tươi, giấy tiền, vàng mã, hương, đèn, trầu cau, trà rượu.
Mâm ngũ quả: Nên chọn các loại hoa quả thông dụng, ăn được, đẹp mắt và phải là hoa quả vừa đủ chín. Có thể chọn chuối, bưởi, dưa hấu, cam, quýt, phật thủ, táo… Không nên dùng quả xanh, quả giả để cúng gia tiên. Hoa bày bàn thờ có thể là một cành đào nhỏ.
Cách bày mâm cúng:
Mâm cúng mặn sẽ được đặt ở một chiếc bàn con, bên dưới bàn thờ chính. Mâm ngũ quả, hoa tươi, vàng mã sẽ được đặt ở trên bàn thờ. Cũng có thể đặt bánh chưng, xôi lên bàn thờ.
Ở miền Trung và miền Nam, mâm cúng có thể khác biệt một chút. Mâm cúng ở miền Trung thường gồm: bánh chưng, bánh tét, đĩa dưa món, đĩa giò lụa Huế, đĩa gà bóp rau răm, đĩa thịt đông, đĩa chả Huế, đĩa thịt heo luộc, giá chua, bát ninh măng khô, bát miến Huế, đĩa cá chiên, hay đĩa ram.
Mâm cúng tất niên miền Nam gồm các món: bánh tét kèm đĩa củ cải ngâm nước mắm; canh măng nấu (dùng măng tươi thay cho măng khô), thêm bát canh khổ qua nhồi thịt, thịt kho tàu (thịt heo, trứng với nước dừa); đĩa thịt heo luộc, đĩa gỏi tôm thịt, nem rán, chả giò, dưa giá, củ kiệu.
Sau khi hoàn thành mâm cỗ cúng, người lớn tuổi trong nhà sẽ thắp hương và đọc văn khấn, rồi các thành viên khác làm lễ vái. Nội dung chính là mời thần linh, gia tiên về ăn Tết cùng gia đình.
Bài cúng tất niên chiều 30 Tết theo 'Văn khấn cổ truyền Việt Nam'
Thông thường, lễ tất niên hay được tiến hành vào chiều 30 Tết. Song có những gia đình vì điều kiện thời gian, công việc đã tổ chức vào các ngày trước đó (29, 28 âm lịch…).
Đăng Dương
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét