Mười năm trước chúng tôi kết hôn. Khi đó cả hai vừa tốt nghiệp đại học, đi làm. Hai bên gia đình đều khó khăn, chúng tôi lấy nhau, tiền mua đôi nhẫn cưới cũng nhờ đi vay mà có.
Hồi đó, vào mỗi ngày lễ, hai vợ chồng thường chở nhau trên chiếc xe máy cà tàng ra chợ cùng chọn thịt, chọn rau tự làm cho mình một bữa thịnh soạn nhất có thể.
Ngày đó, mỗi khi đi ngang qua những nhà hàng sang trọng, thấy người ta từng đôi từng đôi váy áo dập dình, tôi nói với chồng: "Sau này mình có tiền, anh đưa em vào nhà hàng đó nhé".
Lúc đó trong đầu tôi hình dung ra cảnh chồng mình ăn mặc thanh lịch, còn mình váy áo sang trọng, có thêm hai đứa con nữa ngồi đàng hoàng ở trong nhà hàng, đọc menu, gọi món và có phục vụ chu đáo tận bàn chứ không phải hai vợ chồng hì hục đi chợ, hì hục nấu ăn trong căn bếp nhỏ nghèo nàn thiếu thốn.
Mỗi lần nghe tôi nói như vậy, chồng tôi sẽ nói: "Anh nhất định sẽ đưa em đi khắp các nhà hàng sang trọng nhất ở thành phố này". Chúng tôi cười thật tươi, hăm hở về nhà, cùng nhau ngồi bên bữa cơm đạm bạc.
Thấm thoắt như vừa mới đó mà đã mười năm chúng tôi sống bên nhau. Chúng tôi đã không còn nghèo khổ, đã sung túc hơn xưa. Những bữa cơm xa xỉ ở các nhà hàng không phải nằm trong ước mơ xa xôi nữa.
Công việc làm ăn của chồng ngày càng phát triển nhưng đồng thời cũng khiến anh vắng nhiều hơn những bữa cơm gia đình. Những ngày lễ, hội hè, nhiều khi là những bó hoa tặng muộn, là những lời chúc tụng vội vàng. Để cùng nhau ăn một bữa cơm đàng hoàng thong thả đôi khi cũng phải chờ đợi rất lâu, đừng nói chuyện cùng nhau đi chợ và vào bếp cùng nhau nữa.
Cuộc đời, cái gì cũng có cái giá của nó. Cái giá của một người chồng giỏi giang, biết kiếm tiền chính là ở ngoài thì nhiều còn thời gian dành cho gia đình sẽ dần ngắn hẹp lại. Không phải tôi không biết điều đó, không phải tôi không hiểu. Chỉ là, có một vài lần nào đó, chờ anh về với nồng nặc hơi men, tôi đã ước giá như cuộc sống của chúng tôi có thể quay lại mười năm trước. Khi đó chúng tôi còn nghèo nhưng quấn quýt, nghèo nhưng không bao giờ cảm thấy mình cô đơn.
Còn bây giờ, nhiều khi tôi cảm tưởng như gia đình không còn quá quan trọng với chồng. Những hợp đồng làm ăn, những mối quan hệ xã giao bên ngoài quan trọng hơn niềm vui của con, nụ cười của vợ. Là người ta luôn thèm muốn những gì mình không còn có được, hay là vì tôi quá tham lam.
Một tối, chồng nói với tôi: “Sắp tới kỉ niệm mười năm ngày cưới của vợ chồng mình. Em xem muốn tổ chức ở đâu?”. Tôi im lặng, cố nén tiếng thở dài, định nói: “Em muốn cùng anh đi chợ, cùng nhau nấu cơm, cả nhà sẽ cùng nhau quây quần”. Nhưng rồi tôi đã không nói, vì tôi biết anh sẽ nói: Anh không có thời gian, hoặc là sẽ bảo tôi đừng tự đày đọa hành xác mình nữa.
Rồi ngày kỉ niệm cũng đến, nhưng chẳng thấy chồng tôi nói gì cả. Tối qua anh nói ngày mai anh có một hợp đồng quan trọng, là cơ hội khó khăn lắm mới nắm bắt được. Có lẽ anh đã quên rồi, như bao lần anh đã vì bận bịu mà quên đi những ngày đáng nhớ.
Vậy nên tan làm tôi không vội về nhà. Tôi lang thang siêu thị, ngồi ở một góc nhỏ nhìn ngắm người người đi lại ngược xuôi. Con gái nhắn tin: “Hôm nay mẹ về muộn thế. Mẹ về đi. Con cắm cơm cho mẹ rồi”.
Tôi bước vào nhà, cảnh tượng hiện ra khiến tôi không tin nổi. Là chồng tôi, anh ấy đang cởi trần, mặc quần ngố, đứng trong bếp, tay xào tay nấu, mồ hôi túa ra nhễ nhại trên vầng lưng rộng. Hai cô con gái lăng xăng đứng chờ bố sai vặt, thỉnh thoảng lại dùng vài lợi nịnh hót khen bố hết lời. Cả ba bố con như bước ra từ một bức tranh gia đình siêu thực nào đó.
- A, vợ về rồi. Hôm nay kỉ niệm ngày cưới mà không thèm về sớm cùng anh đi chợ nhé. Đây đây, món cá bống kho rau răm sở trường của anh. Còn đây là món mề gà rán ngày xưa em rất thích. Còn đây nữa, rau lang xào tỏi đặc sản quê mình. Còn cánh gà chiên mắm cho hai cô con gái. Sao em lại cứ tần ngần ra thế, phụ ba bố con đi nào.
Tôi đã khóc, thực sự là tôi đã khóc. Nước mắt cứ thế tuôn rơi không cách nào kìm lại được. Hai cô con gái ngơ ngác không hiểu nhưng có lẽ chồng tôi biết. Anh lại gần, vòng tay ôm qua bờ vai tôi, khẽ thủ thỉ: "Anh xin lỗi vì những bữa cơm vắng mặt hoặc để mấy mẹ con em phải chờ. Anh biết, tiền có thể cho em những bữa ăn đắt tiền trong những nhà hàng sang trọng nhưng không cho em được không khí ấm cũng gia đình. Không cần phải xúc động đến như vậy, anh dù thế nào đi nữa vẫn từng là người chồng nghèo khổ của em".
Ngày xưa, khi thấy những người đàn ông ăn mặc lịch lãm, ô tô sang trọng dẫn vợ đi ăn tôi thường ước một ngày có thể thấy chồng mình trong bộ dạng như vậy. Nhưng giờ tôi mới nhận ra: Chẳng cần anh mặc vest lịch lãm, bóng bẩy, cái cảm giác được thấy chồng cởi trần đứng trong bếp, giản dị xuề xòa tự tay nấu một bữa cơm mới tuyệt vời biết bao nhiêu.
Chồng đi làm về là ôm máy tính thay vì ôm vợ: 6 cách giúp bạn giải tỏa ức chế
Đi làm về, anh ấy đi thẳng vào phòng làm việc mở máy tính xách tay và ở lại cho đến khi ăn tối. Ăn tối xong anh ấy chẳng đoái hoài gì đến tôi, lại quay vào phòng làm việc.
Theo Dân trí
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét