Năm 2019, Trung Quốc có ít nhất 80.000 đứa trẻ bị "bắt cóc" bởi chính bàn tay của bố mẹ chúng.
Khi Dai Xiao Lei bước chân vào căn hộ ở Bắc Kinh cùng chồng và con trai sau chuyến bay dài từ Canada trở về Trung Quốc, mẹ chồng và chị chồng cô đã ngồi đợi sẵn bên trong.
Họ muốn đưa cậu con trai mới 16 tháng tuổi của cô về nhà họ ở Gaoyang - cách đó vài giờ lái xe. Chồng Dai không hề ngạc nhiên và giải thích với cô rằng có lẽ anh đã quên nói trước với vợ.
“Chúng tôi chưa từng bàn bạc về chuyện này và không đưa ra thoả thuận nào trước đó cả” - cô nói. “Đây không phải là điều mà tôi đã đồng ý. Họ không quan tâm”.
Dai tìm cách từ chối, nhốt con trai trong phòng ngủ. Nhưng chồng cô (bây giờ đã là chồng cũ) đã động tay động chân khiến cô sợ hãi. Không bạn bè, người thân, hay hàng xóm ở gần, một vài giờ sau đó Dai phải nhượng bộ.
Trong những tháng tiếp theo, chồng cô đã từ chối đề nghị được gặp con của Dai. Anh ta đệ đơn ly hôn, cho rằng cô “vô trách nhiệm” và “không có thời gian chăm sóc con trai vì bận công việc”.
Dai, một công dân Canada, đã đến gặp cảnh sát Bắc Kinh và lãnh sự quán Canada, nhưng các nhà chức trách nói rằng đó là chuyện riêng của gia đình và họ không thể làm gì được.
Sau đó, một đòn tồi tệ nhất được giáng xuống: toà xử ly hôn, trao quyền nuôi con cho chồng cô với lý do “tốt nhất cho sự phát triển về thể chất và tinh thần của đứa trẻ. Ở Trung Quốc, các toà án thường trao quyền giám hộ cho người đang nuôi dưỡng đứa trẻ.
Dai đã mất 5 năm sau đó để kháng cáo phán quyết của toà và đấu tranh đòi quyền thăm nom.
Dai không phải là trường hợp hiếm hoi. Ở Trung Quốc, ước tính có gần 80.000 đứa trẻ bị “cuỗm đi” trong các vụ ly hôn vào năm 2019, theo báo cáo của Zhang Jing, phó giám đốc một công ty luật ở Bắc Kinh, giáo sư tại ĐH Khoa học Chính trị và Luật Trung Quốc. Những vụ “cuỗm đi” này chủ yếu liên quan tới các bé trai dưới 6 tuổi.
Để đưa ra được con số này, Zhang Jing và nhóm nghiên cứu của bà đã phân tích 749 vụ kiện liên quan đến quyền nuôi con và quyền thăm nom từ cơ sở dữ liệu pháp lý quốc gia, kéo dài từ năm 2007 đến năm 2020.
Dù vậy, các chuyên gia pháp lý cho rằng con số thực tế có thể cao hơn nhiều, vì nhiều trường hợp có thể không công khai hoặc tự giải quyết.
Tháng 10/2020, một đạo luật mới sửa đổi đã được cơ quan lập pháp nước này thông qua nhằm chấm dứt tình trạng này, trong đó khẳng định hành động “chộp giật và giấu giếm” con cái để giành quyền nuôi con là bất hợp pháp.
Các sửa đổi sẽ có hiệu lực từ ngày 1/6, được một bộ phận cha mẹ ca ngợi là bước quan trọng trong việc bảo vệ trẻ em và phụ nữ. Tuy nhiên, theo các chuyên gia về luật gia đình và bắt cóc, những quy định lỏng lẻo trong nhiều năm nay đã làm dấy lên nghi ngờ về việc liệu luật sửa đổi có thay đổi được điều gì hay không.
Khoảng trống luật pháp
Chị Dai Xiao Lei và con trai ở Bắc Kinh, Trung Quốc |
Mặc dù chi tiết và hoàn cảnh các vụ “bắt cóc” là khác nhau nhưng kết quả thường giống nhau. Theo các nhà hoạt động như Dai và Zhang Jing - những người từng tiếp xúc với các vụ việc tương tự, “kẻ bắt cóc” thường di chuyển và giấu đứa trẻ, điển hình với sự giúp đỡ của người thân trong gia đình họ. Người còn lại - thường là người mẹ - sẽ bị ngăn cản gặp con, thậm chí không biết con mình đang ở đâu.
Trong một số trường hợp, người kia tiếp tục giấu đứa trẻ một thời gian dài sau khi đã giành được quyền nuôi con.
Các cuộc chiến pháp lý giành lại quyền nuôi và thăm nom con thường vô ích, trừ khi đứa trẻ bị ngược đãi hoặc gặp nguy hiểm. Quyền thăm con của người còn lại cũng thường khó thực thi. Thông thường, không có hậu quả nào cho những “kẻ bắt cóc”.
Trong ít nhất một nửa các vụ tranh chấp ly hôn liên quan đến quyền nuôi con, cha hoặc mẹ là người “giấu đứa trẻ đi vì nhiều lý do khác nhau”, Chen Haiyi - Trưởng phòng Gia đình và trẻ vị thành niên của Toà án nhân dân Quảng Châu cho biết trong một báo cáo năm 2019.
Cốt lõi của vấn đề là hệ thống pháp lý của Trung Quốc có xu hướng có lợi cho “kẻ bắt cóc”, chỉ có một số cách hỗ trợ phía bên kia.
Theo Jeremy D. Morley, người đứng đầu một công ty luật gia đình quốc tế ở New York, Mỹ, ở Trung Quốc, khái niệm “quyền nuôi con chung” là rất hiếm. Thông thường khi cặp vợ chồng ly hôn, đứa trẻ sẽ đi theo một bên.
“Truyền thống một người phải sống xa con cái khi ly hôn đã tồn tại từ rất lâu. Rất khó để thu hút sự quan tâm của toà án, cảnh sát hay các cơ quan nhà nước khác trong việc khắc phục những vấn đề đó”.
Luật hôn nhân của Trung Quốc quy định, sau khi ly hôn, cả cha và mẹ “vẫn có quyền và nghĩa vụ nuôi dưỡng và giáo dục con cái”, và nếu một trong hai mất quyền nuôi con thì vẫn có quyền thăm nom trừ khi điều đó gây bất lợi cho đứa trẻ.
Nhưng luật này thường được thực thi kém và không có gì hợp pháp ngăn một trong hai “bắt cóc” đứa trẻ trước khi vụ ly hôn được hoàn tất.
Trong khi đó, theo luật hôn nhân, các điều khoản nói rằng vì lợi ích tốt nhất của đứa trẻ, hãy để chúng ở cùng với người mà chúng đang sống cùng nhằm bảo vệ trạng thái tâm lý của trẻ. “Ngay sau khi thẩm phán tuyên bố đứa trẻ được ở với cha, sẽ có rất ít cơ hội để bạn giành lại quyền nuôi con” - bà Zhang nói.
Thực tế này phổ biến đến mức nó thường được coi là điều hợp lý. Thậm chí, khi tìm đến công ty luật để được tư vấn, các luật sư rất có thể sẽ “bảo bạn bắt cóc con”.
Dai đã từng 2 lần kháng cáo phán quyết của toà về quyền nuôi con nhưng cả hai lần, thẩm phán đều giữ nguyên phán quyết ban đầu.
“Một khi bạn nhận được phán quyết đầu tiên, gần như bạn không thể lật ngược lại nó. Càng đi xa càng khó” - cô nói.
Dù vậy, Dai vẫn tiếp tục chiến đấu. Vài năm sau khi ly hôn, cô mới được quyền thăm nuôi con 2 lần/ tháng. Nhưng cô cho biết chồng cũ cô không xuất hiện trong các chuyến thăm đã thoả thuận và không nhận cuộc gọi của cô.
“Con trai tôi thực sự không biết đến sự tồn tại của tôi trong nhiều năm. Tôi là một người xa lạ. Ngay cả bây giờ, thằng bé cũng chưa bao giờ gọi tôi là mẹ”.
Nguyễn Thảo (Theo The Sixth Tone)
Blog được phát triển bởi https://chamsocnhacuahiendai.blogspot.com/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét