Nhân ngày đầu tiên của Tháng hành động vì trẻ em năm 2021, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 830/QĐ-TTg ngày 01/6/2021 phê duyệt Chương trình Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021-2025.
Đây là lần đầu tiên Việt Nam ban hành một chương trình ở cấp quốc gia về riêng vấn đề bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.
Chương trình có "mục tiêu kép” gồm: Bảo vệ bí mật đời sống riêng tư và ngăn chặn, xử lý các hành vi lợi dụng môi trường mạng để xâm hại trẻ em, trong đó đặc biệt chú trọng đến việc trang bị cho trẻ em kiến thức, kỹ năng phù hợp theo từng lứa tuổi (hệ miễn dịch số) để trẻ em tự nhận biết và có khả năng tự bảo vệ mình trên môi trường mạng.
Mục tiêu thứ hai, chương trình duy trì một môi trường mạng lành mạnh, phát triển hệ sinh thái các sản phẩm, ứng dụng Việt cho trẻ em học tập, kết nối, giải trí một cách sáng tạo.
Chương trình Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021-2025 được nhận định có tính liên ngành cao khi có sự vào cuộc của Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Công an.
Ngoài ra, chương trình cũng nhận được sự phối hợp của các tổ chức chính trị - xã hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.
Các doanh nghiệp thông tin và truyền thông, các cơ quan báo chí cũng tham gia, triển khai chương trình. Chương trình cũng đưa ra nhiều sáng kiến, nhiệm vụ, giải pháp đột phá.
Một trong số đó là triển khai các giải pháp công nghệ mới (trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn…) để tự động thu thập, phân tích cảnh báo sớm, ngăn chặn/xử lý nội dung vi phạm pháp luật về trẻ em, nội dung không phù hợp đối với trẻ em.
Chương trình thành lập và tổ chức hoạt động của Mạng lưới ứng cứu, bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng với các nhiệm vụ chính gồm nâng cao nhận thức, chia sẻ kinh nghiệm bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng; tiếp nhận, phân loại, chuyển xử lý kịp thời các phản ánh, vấn đề phát sinh đối với trẻ em trên môi trường mạng.
Xây dựng và triển khai các chương trình, hoạt động hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp phát triển sáng kiến, cung cấp các giải pháp kỹ thuật an toàn thông tin bảo vệ trẻ em tương tác an toàn trên môi trường mạng; đề xuất cơ chế thí điểm đặt hàng doanh nghiệp cung cấp sản phẩm, dịch vụ do các doanh nghiệp Việt Nam phát triển để hỗ trợ trẻ em tương tác sáng tạo trên môi trường mạng.
Tích hợp các kênh thông báo trực tuyến về các vấn đề liên quan đến trẻ em trên môi trường mạng với Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em số 111; hướng tới hình thành một ứng dụng duy nhất trên môi trường mạng để phản ánh, chia sẻ các vấn đề liên quan tới trẻ em.
Xây dựng và lồng ghép vào chương trình giáo dục việc đào tạo “bộ kỹ năng số” cho trẻ em theo độ tuổi gồm một số nội dung, kỹ năng như: kiến thức về mạng Internet, mạng xã hội; kỹ năng bảo đảm an toàn thông tin tối thiểu; bảo vệ thông tin cá nhân trên mạng; cách thức nhận biết khi bị lợi dụng, xâm hại trên môi trường mạng và nơi cần thông tin, phản ánh…
Triển khai các giải pháp kỹ thuật tại trường học nhằm giám sát, chặn lọc truy cập các nội dung vi phạm pháp luật, các nội dung không phù hợp với học sinh theo từng lứa tuổi.
Việc ban hành chương trình nói trên là cụ thể hóa một bước việc thực hiện Nghị quyết số 121/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội về tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em.
Động thái này cũng là thông điệp mạnh mẽ, thể hiện sự quyết tâm của Chính phủ bảo vệ thế hệ công dân số tương lai, hướng tới xây dựng, duy trì một môi trường mạng an toàn, lành mạnh cho trẻ em thỏa sức sáng tạo.
Nguyễn Sơn
Ngày càng nhiều trẻ em bị xâm hại, người thân cũng trở thành 'yêu râu xanh'
Hiện nay, độ tuổi trẻ bị xâm hại ngày càng nhỏ, người thân cũng dễ dàng trở thành “yêu râu xanh”, nơi tưởng chừng an toàn lại là chốn tội phạm xâm hại trẻ em ẩn náu.
Blog được phát triển bởi https://chamsocnhacuahiendai.blogspot.com/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét