Lần đầu tiên lấy mẫu xét nghiệm nCoV, chị Hoa sợ và căng thẳng. Nhìn lực lượng y tế áo ướt đẫm mồ hôi, kiên trì lấy mẫu cho từng người từ sáng đến trưa, chị vô cùng biết ơn.
Những trải nghiệm khó quên
Chị Việt Hoa (quê Hà Tĩnh, đang ở phường 3, quận Gò Vấp, TP.HCM) cho biết, chung cư của gia đình chị gần với điểm sinh hoạt của nhóm truyền giáo Phục Hưng. Vì vậy nơi đây bị phong tỏa.
Chị Việt Hoa. Ảnh: Nhân vật cung cấp. |
Ngày 30/5, chung cư này trở thành điểm xét nghiệm nCoV cho người dân ở một số khu vực của phường 3. Từ sáng sớm, rất nhiều người đến xếp hàng, đeo khẩu trang, đứng giãn cách 2m chờ nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm.
Sống một mình trong căn hộ chung cư, khi biết nơi ở bị phong tỏa, chị Hoa không bất ngờ hay hoang mang. Chị viết trên trang cá nhân: “Gần một năm TP.HCM bình yên. Dịch bệnh Covid-19 bùng phát trở lại, giãn cách toàn thành phố. Phong tỏa quận Gò Vấp từ 0h ngày 1/6. TP.HCM lại rơi vào những ngày không bình yên.
Chung cư mình ở gần ổ dịch truyền giáo Phục Hưng. Từ hôm qua đến nay, lấy mẫu xét nghiệm toàn phường ngay tại chung cư. Có lẽ đây sẽ là những hình ảnh, những câu chuyện, những trải nghiệm lạ kỳ nhất trong mấy chục năm qua đối với tất cả mọi người.
Mình cũng thế. Mình sẽ khó quên cảm giác tăm bông xỏ vào mũi để lấy mẫu xét nghiệm nó "mùi vị" ra sao, mình căng thẳng thế nào. Những bác sĩ với bộ đồ bảo bộ kín mít, kiên nhẫn đứng lấy mẫu từ sáng đến trưa, bảo vệ, ban quản lý tòa nhà áo ướt dẫm mồ hôi phân luồng cả ngày để đảm bảo khoảng cách an toàn...
Chị Hoa đang được nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm. Ảnh: Nhân vật cung cấp. |
Trưa, nghe tin giãn cách xã hội, nơi mình ở chính thức có quyết định phong tỏa. Mọi người nhắn tin hỏi han. Chị đồng nghiệp ở báo nhắn cả tháng nay chị cũng không dám đi đâu nhiều.
Bạn đọc phải làm việc qua email hoặc gửi hồ sơ qua tòa soạn để đảm bảo an toàn cho mình và mọi người. "Cẩn thận nha, có gì cần thì cứ gọi", chị nhắn vậy khi nhà chị không thuộc khu vực phải phong tỏa.
Hai tuần phong tỏa, mình sẽ ngồi yên và hồi hộp chờ đợi những thông tin mới mỗi ngày. Hai tuần ở nhà một mình, không đi đâu cũng là thử thách cho một đứa "chân chạy" như mình. Chỉ mong, sẽ không có thêm những khu vực bị phong tỏa, sẽ không có thêm nhiều ca dương tính để TP.HCM sớm được trở lại nhịp sống bình thường. Chưa bao giờ thấy cuộc sống chỉ cần bình thường thôi, là đủ".
14 ngày trôi qua nhanh thôi
Chị Bích Huệ (SN 1985, quê Quảng Nam) đang thuê trọ trong con hẻm có lối đi vào không đến 2m ở đường Quang Trung, phường 11, quận Gò Vấp. "Trong con hẻm tôi ở có nhiều hẻm nhỏ khác nhau. Mấy ngày qua, lực lượng chức năng đã lập rào chắn ở một số hẻm. Hẻm tôi ở vẫn đang an toàn. Cả nhà tôi vẫn chưa phải lấy mẫu xét nghiệm", chị Huệ chia sẻ.
Là giáo viên, mấy ngày qua, chị Huệ chuyển sang dạy online. Chồng chị là kỹ sư xây dựng nên công ty cho nghỉ việc. Sống trong vùng có nguy cơ cao vì vậy từ đầu tuần, chị Huệ đã đi chợ chuẩn bị đầy đủ thực phẩm cho cả nhà ăn trong hai tuần.
Các vật dụng cần thiết, chị cũng sắm đầy đủ, gói gọn trong thời gian 14 ngày Gò Vấp bị phong tỏa. "Chỗ tôi, chợ vẫn còn bán, các cửa hàng tạp hóa vẫn mở. Nhưng tôi nghĩ, mình cẩn thận vẫn hơn", chị Huệ chia sẻ.
Một con hẻm ở Gò Vấp bị phong tỏa do có ca mắc Covid-19. Ảnh: HCDC. |
Từ ngày 30/5 đến nay, 4 người trong nhà chị không dám đi ra khỏi nhà, ngay cả việc nói chuyện với hàng xóm cũng hạn chế hết sức. "Chúng tôi ở nhà cả ngày cũng bức bối, khó chịu và cuồng chân lắm. Nhưng 14 ngày sẽ trôi qua nhanh. Khó khăn của mình chỉ là phần nhỏ so với lực lượng chức năng, các y bác sĩ đang làm nhiệm vụ phòng chống dịch ngoài kia", người phụ nữ sinh năm 1985 nói.
Vợ chồng chị Nguyễn Hiền (SN 1986), sống trong căn hộ chung cư ở phương 7, quận Gò Vấp cho biết, chỗ chị ở vẫn đang an toàn. "Chung cư tôi ở cách địa điểm sinh hoạt của nhóm truyền giáo Phục Hưng 3km. Cả chung cư chưa phải lấy mẫu xét nghiệm", chị Hiền nói.
Tuy nhiên, từ ngày 1/6, cả gia đình chị không ra khỏi nhà. Chị được cơ quan cho chuyển sang chế độ làm việc online. Chồng chị xin phép công ty nghỉ việc không lương một tháng. Ở nhà những ngày dịch, anh giúp vợ nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa, chăm sóc hai con trai và thiết kế lại ban công để trồng hoa, rau, cây cảnh.
Quê chị Hiền ở Long An. Nghe tin quận Gò Vấp bị phong tỏa, mẹ chị ở quê mua gạo, thịt, cá, rau, đồ ăn vặt gửi lên cho con gái. "Ngoài đồ ăn mẹ gửi, tôi cũng chuẩn bị thực phẩm đủ 14 ngày. Giờ thì mình thực hiện: "Ai ở đâu ở yên tại đó" và tuân thủ quy tắc 5K của Bộ Y tế", chị Hiền nói.
Ổ dịch nhóm truyền giáo Phục hưng được TP.HCM phát hiện ngày 27/5, khi có 3 hội viên đến Bệnh viện Gia Định khám do có biểu hiện ho, sốt, mất khứu giác. Họ được chuyển sang khám sàng lọc, lấy mẫu xét nghiệm nCoV và cho kết quả dương tính.
Ông Nguyễn Xuân Bình, Chủ tịch UBND phường 3, quận Gò Vấp cho biết, ngày 31/5, ngành y tế thành phố lấy mẫu xét nghiệm nCoV cho hơn 25.000 người dân cư trú tại phường.
Do phường là nơi có điểm sinh hoạt nhóm truyền giáo vì vậy những ngày qua, Ủy ban phường luôn nhắc nhở người dân tuân thủ quy tắc 5K của Bộ Y tế, khai báo y tế thành thật và không hoang mang, lo lắng.
Tú Anh
Gõ cửa từng nhà tặng khẩu trang, chung tay phát cơm 0 đồng
Chung tay hỗ trợ người nghèo bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhiều cá nhân, tổ chức tại TP.HCM liên tục thực hiện các hoạt động tặng khẩu trang, dung dịch sát khuẩn, phát cơm, sữa 0 đồng…
Blog được phát triển bởi https://chamsocnhacuahiendai.blogspot.com/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét