Chủ Nhật, 20 tháng 2, 2022

Nỗi oan khó giải của người nằm dưới ngôi mộ đá ở chùa TP.HCM

Ngôi mộ nằm trên khu đất khá rộng, trong khuôn viên ngôi chùa cổ có tuổi đời trên 300 năm. 

Một lần chết 3 lần chôn

{keywords}
Khu mộ Ngô Nhân Tịnh dưới bóng cây

Mộ không lớn. Kiến trúc mộ theo kiểu xưa nhưng vật liệu hoàn toàn mới. Dấu ấn của thời gian không đọng lại nơi đây để cho chúng ta có thể biết được người trong ngôi mộ. Cũng may, ngoài bia đá bằng chữ Hán, còn có tấm bia ghi tiểu sử người mất và phía sau bức bình phong có ghi lại lai lịch của mộ phần.

Người mất là một quan thượng thư triều Nguyễn. Ông là Ngô Nhân Tịnh. Cha mẹ ông gốc gác người Hoa, sang nước Nam, đến đất Gia Định và sinh ra ông vào năm 1761.

Cùng học với thầy Võ Trường Toản, ông kết bạn với Trịnh Hoài Đức và Lê Quang Định thành Gia Định tam gia. Ngoài ra, ông còn là đồng môn với Ngô Tùng Châu và thiền sư Viên Quang (sơ tổ chùa Giác Lâm).

Ông mất năm 1813 được an táng tại làng Chí Hòa, tổng Dương Hòa Thượng, H.Bình Dương, phủ Tân Bình, tỉnh Gia Định. Phải đến năm 1820 vua Minh Mạng mới truy cấp cho mộ phu coi mộ. Mãi đến triều Tự Đức (1853) ông được thờ tại miếu Trung Hưng Công thần.

Ngày 1/10/1936, hội đình Minh Hương Gia Thạnh di dời phần mộ của ông về làng Tân Hóa, tổng Tân Phong Trung, huyện Tân Long, tỉnh Gia Định (nay là đường Lũy Bán Bích, phường Hiệp Tân, quận Tân Phú, TP.HCM).

{keywords}
Khu mộ Ngô Nhân Tịnh trong khuôn viên chùa Giác Lâm.

Theo nhiều tài liệu ghi nhận, cuộc khai quật ngôi mộ Ngô Nhân Tịnh vào năm 1936 cho thấy đây là một lăng mộ có kiến trúc kiên cố. Phải tốn rất nhiều công sức để đào bới trong nhiều giờ liền mới đem được quan tài của ông lên mặt đất.

Khó khăn lắm mới mở được nắp áo quan. Thi hài ông Ngô Nhân Tịnh được phủ một tấm vải còn rất mới với dòng chữ Hán có nội dung: “Linh cữu Tịnh Viễn hầu Khâm sai Thượng thư Bộ Công, Hiệp tổng trấn thành Gia Định Ngô Nhân Tịnh, tên thụy là Túc Gian".

Nằm tại khu vực đường Lũy Bán Bích gần 70 năm, mộ của ông không có người trông coi, hương tàn khói lạnh và có nguy cơ xuống cấp. Năm 2004, UBND TP.HCM đã cho di dời và cải táng lăng mộ Ngô Nhân Tịnh tại vị trí trong khuôn viên chùa Giác Lâm (565 Lạc Long Quân, Phường 10, Tân Bình, TP.HCM).

Ngôi mộ mới có diện tích 5m x 12m được bao bọc xung quanh bởi một lớp tường thành. Phía trước là bình phong rồi đến sân tế, bệ thờ, bia mộ, nấm mộ.

Tấm bia trước mộ mang dòng chữ Hán. Có lẽ đây là di vật duy nhất còn sót lại có nội dung được tạm dịch: “Mộ của người họ Ngô, giữ chức Khâm sai, Công bộ Thượng thư, Hiệp tổng trấn thành Gia Định, thụy là Túc Gian, ban tước Tịnh Viễn hầu". Ngoài ra, còn có bia ghi tiểu sử và bia ghi lại hành trình của mộ phần qua 3 giai đoạn chôn cất.

Được an nghỉ trên đất của một ngôi chùa được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia – vốn do người bạn của mình, thiền sư Viên Quang trù trì – có lẽ ông sẽ vui hơn với tình bạn và tình người.

Nỗi oan khó giải 

{keywords}
Tấm bia ghi lại “hành trình” di chuyển ngôi mộ được gắn phía sau bình phong.

Con đường làm quan của Ngô Nhân Tịnh tương đối suôn sẻ. Chỉ có đến cuối đời, một chút muộn phiền đã làm ông bi lụy.

Ông bắt đầu tham gia giúp chúa Nguyễn với chức Thị độc viện Hàn lâm. Năm 1798, ông được thăng Hữu Tham tri bộ binh và được cử sang Quảng Đông để trình quốc thư cho nhà Thanh với mục đích hợp tác đánh Tây Sơn và tìm hiểu tin tức về Lê Chiêu Thống. Vừa đến Quảng Đông hay tin Lê Chiêu Thống chết nên ông trở về. Ông cũng từng hộ giá chúa Nguyễn đi cứu Quy Nhơn.

Hai năm sau, chúa Nguyễn lên ngôi lấy niên hiệu là Gia Long, ông lần lượt được cử sang Trung Quốc trình quốc thư, mang ấn sang Chân Lạp phong Nặc Chăn làm Cao Miên quốc vương.

Năm Gia Long thứ 10, ông làm Hiệp trấn Nghệ An. Ông làm quan rất thanh liêm hết lòng lo cho cuộc sống người dân. Ông thẳng tay trừng trị những kẻ tham lam bòn rút khiến dân tình khổ sở. Những lúc thiên tai dịch bệnh, cuộc sống của bà con vô vàn khó khăn ông đã dâng sớ về kinh xin được hoãn nộp thuế và được vua chuẩn y ngay.

{keywords}
Trước ngôi mộ của ông là tấm bia ghi bằng chữ Hán – cổ vật duy nhất được bảo tồn.

Năm 1812, ông được thăng làm Thượng thư Bộ Công kiêm Hiệp hành Tổng trấn Gia Định, mang tước hiệu Tinh Viễn hầu. Một năm sau ông cùng Tổng trấn Gia Định Lê Văn Duyệt đem 13.000 quân hộ tống Nặc Chân về Chân Lạp.

Trong một lần hội đàm với Xiêm La về vấn đề Chân Lạp, ông bị một thế lực ganh ghét vu cho ông tội tham ô. Ông bị tố cáo đã ăn của đút lót của Xiêm La và Chân Lạp.

Vụ việc được Lê Văn Duyệt trình báo lên Gia Long nhưng cũng nhờ uy tín sẵn có, nhà vua không hề tin và không có một hình thức kỷ luật nào đối với ông. Nhưng cũng từ đó, niềm tin của nhà vua đối với ông giảm sút. Ông không còn được tin dùng và lui về ẩn dật. Sống với một tâm trạng u uất, một nỗi day dứt triền miên khiến ông lặng lẽ ra đi sau một thời gian ngắn.

{keywords}
Chùa Giác Lâm

Vốn là người học rộng, ông rất đam mê thi phú. Ông đã cùng Trịnh Hoài Đức và Lê Quang Định lập nên Bình Dương thi xã vang danh một thời.

Ngoài những tác phẩm văn thơ, đặc biệt là Gia Định tam gia thi tập, ông còn cùng Lê Quang Định soạn Nhất thống dư địa chí. Đặc biệt, khi làm Hiệp trấn Nghệ An ông cùng Đốc học Nghệ An là Bùi Dương Lịch soạn ra tập Nghệ An phong thổ ký. Đây là quyển địa phương chí đầu tiên của vùng đất Nghệ An.

Hiện nay, tại khu vực gần chợ Bình Tây (Q.6, TP.HCM), có đường Ngô Nhân Tịnh như một biểu tượng ghi nhớ những gì ông đã đóng góp cho văn học và cho cuộc sống người dân.

Trần Chánh Nghĩa

Cảnh xót xa ở di tích quốc gia đền thờ Nguyễn Tri Phương

Cảnh xót xa ở di tích quốc gia đền thờ Nguyễn Tri Phương

Nơi đây, những vật dụng thờ cúng bằng đồng, những cổ vật trưng bày đã hoàn toàn biến mất. Trên nóc chánh điện của đền thờ, lưỡng long tranh châu cũng đã không còn.


Blog được phát triển bởi https://chamsocnhacuahiendai.blogspot.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét