Những người theo đạo Hindu ở quốc gia Nam Á tin rằng nếu ra đi trong khu nhà nghỉ ẩn chứa nhiều giai thoại tại thành phố Kashi, họ có thể kết thúc vòng luân hồi sinh tử.
Bà Parvati Devi đã tới được thành phố Kashi (Ấn Độ).
Nằm trên chiếc giường gỗ, cụ bà 85 tuổi trông rất yếu ớt với gương mặt hốc hác lộ cả phần xương. Đôi mắt trũng sâu của bà đang mở và quan sát quanh căn phòng.
Bà Devi đang chờ đợi thời khắc trút hơi thở cuối cùng trong khu nhà nghỉ ngắn ngày dành riêng cho người sắp chết tại Kashi. Gần đó con trai bà, Sudir Singh, đang cặm cụi nấu ăn trên bếp lò di động.
“Mẹ tôi không bị bệnh gì cả, chỉ là đã già rồi. Mong muốn của bà là được chết tại nơi này”, Singh (45 tuổi), luật sư sống tại ngôi làng bé nhỏ Kapuri thuộc bang Madhya Pradesh, đã đưa người mẹ già yếu vượt 650 km tới Kashi, nói.
Singh nói mẹ anh vẫn có thể nói nhưng chẳng còn nghe thấy gì nữa.
Được coi là nơi linh thiêng nhất của Hindu giáo, Kashi (còn có tên gọi khác là Varanasi hoặc Benares), thành phố cổ bên bờ sông Hằng, thu hút hàng nghìn khách hành hương từ khắp mọi miền đổ về đây mỗi năm trong hơn 3 thiên niên kỷ qua.
|
Một lễ hỏa táng truyền thống của người Hindu diễn ra bên sông Hằng ở thành phố thánh Kashi của Ấn Độ. |
Người dân ở đây tương truyền rằng ở ngoại ô Kashi, vùng Sarnath, Đức Phật đã thuyết giảng bài giảng đầu tiên vào thế kỷ thứ sáu TCN.
Cũng chính tại Kashi, nhà thơ Goswami Tulsidas đã viết nên bản anh hùng ca Ramcharitmanas - một trong những tác phẩm vĩ đại của văn học Ấn Độ - vào thế kỷ 16.
Những người theo đạo Hindu ở Ấn độ tin rằng nếu ra đi tại vùng đất thánh, ẩn chứa nhiều giai thoại này, họ có thể kết thúc vòng luân hồi sinh tử.
Nhà nghỉ "chờ chết"
Với hàng trăm ngôi đền nằm rải rác, khu phố cổ đông đúc chiếm một quãng dài khoảng 5 km dọc theo bờ phía tây của sông Hằng. Con sông nổi tiếng với những bờ kè, bãi hỏa thiêu được tạo nên từ các phiến đá.
Ngã tư Godaulia có lẽ là một trong những giao lộ nhộn nhịp nhất ở Kashi. Các loại xe đạp, máy kéo, xe máy và ôtô bấm còi đan xen nhau trong khi cả người và những đàn bò đang đi bộ trên đường.
Xe cộ, con người và động vật dường như đang tham gia vào một điệu nhảy hỗn loạn, tranh giành và không có bất kỳ quy tắc nào.
Cách đó khoảng 100 m, là một ngôi nhà 2 tầng lớn, màu xanh lá cây và có phần cũ kỹ, bỏ xa sự hối hả, nhộn nhịp của ngã tư, khuất sau những con hẻm đan xen như mê cung.
Tấm biển đề tên khu nhà với nét chữ in lớn và đậm - Kashi Labh Mukti Bhawan.
Vẻ ngoài có phần tươi tắn của khu nhà khiến nó trông chẳng giống một nơi dành riêng cho những người già và bệnh nhân sắp từ giã cõi đời.
|
Bà Parvati Devi, 85 tuổi, được gia đình đưa đến nhà nghỉ Labh Mukti Bhawan ở Kashi trong những ngày cuối đời. |
“Hầu hết khách của chúng tôi đều được ‘giải phóng’ trong vòng 2 tuần. Nếu họ không chết trong khoảng thời gian đó, sẽ được đưa trở về nhà. Tuy nhiên, nếu thể trạng xấu đi, họ được cho thêm một thời gian ân hạn”, ông Anurag Hari Shukla, người quản lý của Mukti Bhawan nói.
Lớn lên trong chính khu nhà này, ông Shukla tiếp quản vai trò quản lý từ cha mình, cụ Bhairav Nath Shukla - người đã qua đời vào năm 2018 sau hơn 4 thập niên điều hành nhà nghỉ.
Ông Shukla tin chắc rằng việc chết ở Kashi là một đặc ân phải được tôn vinh, không cần thương tiếc.
“14.835 khách đã được 'giải phóng' tại Mukti Bhawan trong hơn 60 năm qua”, ông nói với niềm tự hào.
Theo ông Shukla, có hai loại người "chờ chết" ở thành phố Kashi. Đầu tiên, đó là những người khỏe mạnh nhưng muốn biến Kashi thành ngôi nhà thứ 2 của mình cho đến khi chết.
Tiếp đến, đó là những người đến đây khi đã gần đất xa trời. Họ nắm chắc cái chết. Và Mukti Bhawan chỉ dành cho loại khách thứ 2, những người có ít thời gian hơn.
Những giai thoại truyền miệng
Rajeev Ranjan Sinha (72 tuổi), giáo sư Phạn ngữ đã nghỉ hưu ở ĐH Hindu Benares, cho biết trong thần thoại Hindu giáo, thành phố Kashi là ngôi nhà trần gian của vị thần vĩ đại Shiva.
“Người theo đạo Hindu tin rằng chết ở Kashi sẽ phá vỡ vòng luân hồi sinh tử, tái sinh, mang lại cho họ sự giải thoát, cứu rỗi”, giáo sư Sinha nói thêm.
Mukti Bhawan được thành lập vào năm 1958 và điều hành bởi tổ chức từ thiện Dalmia của doanh nhân Jaidayal Dalmia. Doanh nhân này thành lập khu nhà để tưởng nhớ người mẹ đã sống những tháng cuối đời ở Kashi.
Giá thuê phòng chỉ khoảng 20 rupee (0,3 USD) mỗi ngày. “Khoản tiền này được dùng để trả hóa đơn điện. Chúng tôi cung cấp một bếp lò trong mỗi phòng để khách nấu ăn. Mỗi khách phải có 2 người chăm sóc”, ông Shukla nói.
|
“Người theo đạo Hindu tin rằng chết ở Kashi sẽ phá vỡ vòng luân hồi sinh tử, tái sinh, mang lại cho họ sự giải thoát, cứu rỗi”, giáo sư Sinha nói. |
Bước vào Mukti Bhawan, du khách sẽ được đưa đến một văn phòng hành chính nhỏ. Các bức tường được sơn màu xanh lá, trên trần nhà cao là những tấm áp phích đầy màu sắc về các vị thần Hindu Shiva, Rama và Hanuman.
Trên các bức tường là kệ sách chất đầy những cuốn sách tâm linh và một chiếc tủ gỗ, được sử dụng từ khi khu nhà mới thành lập, lưu giữ hồ sơ của tất cả những người chết tại đây.
Phía trước là một căn phòng thờ các vị thần. Việc thờ cúng được tổ chức 3 lần một ngày, có các linh mục tụng kinh thánh Hindu. Qua cánh cửa là sân trong và các phòng nơi khách và người chăm sóc họ sinh sống.
Không có bác sĩ, y tá hoặc tủ thuốc. Cứ sau vài giờ, các vị khách ốm yếu được tặng lá cây tulsi và một vài thìa nước thánh từ sông Hằng, mà người theo đạo Hindu tin là loại thuốc tốt nhất vào lúc chết.
Ông Shukla cho rằng Mukti Bhawan ngày càng phổ biến là nhờ truyền miệng.
“Kashi không phải là một nơi chốn bình thường, mà là một trạng thái tâm linh nơi bạn luôn nghĩ về thần Shiva và thoát khỏi những ham muốn ràng buộc chúng ta với thế giới vật chất”, ông Swamini Supriyananda - thuộc tổ chức tôn giáo Chinmaya Mission - nói.
Gia đình Sài Gòn nuôi gà trên 10 ngôi mộ người thân trước cửa nhà
Đàn gà của cha con ông Sỹ (TP.HCM) vô tư đi lại, mổ thức ăn trên 10 ngôi mộ xây tạm bằng gạch, che bằng tấm lưới xanh.
Theo Zing (lược dịch)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét