Hơn 30 năm nay, nghĩa trang liệt sĩ xã Nhật Tựu (Kim Bảng, Hà Nam) được 2 thế hệ trong một gia đình trông coi, chăm sóc.
Gia đình 2 thế hệ trông coi nghĩa trang liệt sĩ
Từ nhiều năm nay, nghĩa trang liệt sĩ xã Nhật Tựu (Kim Bảng, Hà Nam) được vợ chồng ông Hoàng Đình Huynh (SN 1955 - thôn Văn Bối, xã Nhật Tựu) trông coi.
Đặc biệt, hai thế hệ nhà ông Huynh đều tự nguyện làm quản trang ở đây, không đòi hỏi hay yêu cầu đãi ngộ nào.
Nghĩa trang liệt sĩ xã Nhật Tựu (Kim Bảng, Hà Nam) |
Bà Vũ Thị Tâm (SN 1953) - vợ ông Huynh chia sẻ: ‘Tôi về đây làm dâu từ năm 1978. Năm 1986, xã xây dựng nghĩa trang liệt sĩ. Bố chồng tôi bắt đầu ra làm quản trang. Khi đó, nghĩa trang còn chật hẹp, cỏ dại mọc um tùm, chưa có tường rào bao quanh.
Hàng ngày cụ ra nhổ cỏ, thắp hương, huy động con cái vác đất san đường đi, lối lại cho bằng phẳng, trồng thêm chậu hoa, cây cảnh cho khang trang’.
Làm quản trang hơn 20 năm, bố chồng bà Tâm già yếu rồi qua đời, vợ chồng bà tiếp quản công việc thầm lặng này.
‘Bố chồng tôi tự nguyện trông coi linh hồn cho các liệt sĩ xuất phát từ nỗi niềm thương nhớ con trai.
Anh cả Hoàng Đình Chinh (SN 1947) của chồng tôi nhập ngũ, tham gia chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh, năm 1971 anh mãi mãi nằm lại nơi chiến trường ở độ tuổi 24.
Hòa bình lập lại, bố chồng tôi nhiều lần rong ruổi đi tìm hài cốt con trai, mong đón anh trở về quê nhà nhưng không có kết quả. Hiện nay trong nghĩa trang xã cũng có mộ gió của anh’, bà Tâm xúc động nói.
Bà Vũ Thị Tâm |
Bà Tâm cho hay, lúc còn sống, bố chồng bà ra nghĩa trang quét dọn như một cách bày tỏ sự thương tiếc với người con đã khuất.
Vài năm trở lại đây, được sự quan tâm của các cấp chính quyền và người dân, nghĩa trang được quy hoạch, cải tạo và xây dựng ngày càng sạch sẽ, văn minh.
Hôm nào ông Huynh bận, bà Tâm thay chồng ra phun nước, tưới cây, nhặt cỏ và quét lá khô quanh khu vực mộ, chỉnh trang lại vài khóm hoa.
Đến nay, nghhĩa trang có 80 ngôi mộ liệt sỹ, trong đó 28 mộ có hài cốt, còn lại là mộ vô danh, mộ không có hài cốt.
‘Gia đình tôi làm việc này cũng vì cái tâm với người đã khuất. Trước xã cho chế độ là 10 nghìn sau tăng lên 20 nghìn đồng/1 tháng. Vài năm nay, xã tăng số tiền trông coi là 300 nghìn đồng/1 tháng.
Số tiền đó là khoản động viên, vợ chồng tôi không đòi hỏi. Tháng nào nhận được, tôi gom lại, mua thêm vật liệu sửa chữa chỗ hỏng hóc hay mua nến, hoa quả, thắp hương thêm vào các ngày rằm, mồng một. Coi như nghĩa cử với vong linh các anh’, người phụ nữ lớn tuổi nói.
Truyền thống cách mạng
Tiếp nối công việc của bố, vợ chồng bà Tâm chăm sóc các phần mộ liệt sỹ tại nghĩa trang thắm thoắt đã tròn 10 năm. Theo lời bà Tâm, bố chồng bà sinh được 5 người con trai, trong đó có 3 người tham gia quân đội.
Bản thân bố chồng bà Tâm tham gia kháng chiến chống Pháp còn chồng bà - ông Hoàng Đình Huynh nhập ngũ tháng 9/1979, chiến đấu ở biên giới Tây Nam, là quân tình nguyện giúp nước bạn Campuchia.
Ông Hoàng Đình Huynh - chồng bà Tâm nhổ cỏ trong khuôn viên nghĩa trang. Ảnh: Báo Hà Nam |
‘Chúng tôi kết hôn năm 1978, một năm sau ông nhà lên đường, tôi ở địa phương tham gia công tác thủy lợi. Năm năm sau ông ấy về, chúng tôi mới được trọn vẹn hạnh phúc gia đình, sinh con đầu lòng’, bà Tâm nhớ lại.
Trở về quê hương, thân thể ông Huynh mang nhiều vết thương chiến tranh. Mặc dù là thương bệnh binh, mất 61% sức khỏe nhưng ông tham gia nhiệt tình vào các hoạt động địa phương, góp phần lao động sản xuất, phát triển kinh tế gia đình.
Bà Tâm bộc bạch: ‘Làm công việc quản trang, trước hết tôi xác định đây là việc làm phúc đức. Nếu vì tư lợi bản thân, chắc chẳng ai gắn bó được đến hàng chục năm như gia đình tôi.
Giờ tuổi cao, sức yếu nhưng vợ chồng tôi vẫn cố gắng làm, đến bao giờ không còn sức lực nữa mới nghỉ’.
Thi thoảng, có vài hài cốt liệt sĩ được các gia đình, địa phương quy tập, an táng về nghĩa trang, vợ chồng bà Tâm tham gia hỗ trợ làm lễ truy điệu, đào mộ, xây sửa mộ phần.
Tấm bằng tổ quốc ghi công của liệt sĩ Hoàng Đình Chinh - anh trai chồng bà Tâm |
Sau hơn 30 năm tồn tại, nghĩa trang liệt sĩ xã Nhật Tựu trở thành địa chỉ được người dân và các đoàn thể quan tâm, thường xuyên thăm viếng. Hằng năm vào các dịp 27/7, 22/12 hay ngày Quốc khánh 2/9… nhiều đoàn công tác về đây thắp nén tâm nhang, tri ân những anh hùng liệt sĩ đã xả thân vì đất nước.
Khoảng sân trước nghĩa trang lát gạch đỏ sạch bóng. Khuôn viên nghĩa trang được tô điểm bằng những bồn hoa đủ màu sắc.
‘Tâm nguyện của gia đình tôi là ngày nào đó quy tập được nhiều hài cốt liệt sĩ về đây, trong đó có hài cốt anh Chinh. Nhiều người ngỏ ý muốn biếu tiền, nhờ vợ chồng tôi chăm sóc chu đáo hơn cho phần mộ người thân nhưng chúng tôi từ chối. Vì ở đây, mộ nào tôi cũng chăm sóc như ruột thịt của mình’, bà Tâm tâm sự.
Bác sĩ 20 năm lấy lương hưu mở phòng khám miễn phí
Hơn 20 năm nay, phòng khám miễn phí nằm trong UBND phường Giáp Bát (Hoàng Mai, Hà Nội) trở thành điểm đến quen thuộc của nhiều người dân.
Diệu Bình - Ngọc Trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét