Thứ Ba, 21 tháng 1, 2020

Ngày cuối năm ở nghĩa trang có 85 tấm bia mộ vô danh

 Mấy chục năm qua, cứ Tết đến, anh Cường và người dân ở xã Tây Hòa lại đến nghĩa trang thắp hương cho những ngôi mộ vô danh.

Anh thanh niên còn rất trẻ tay cầm bó nhang nghi ngút khói đến cắm trước từng tấm bia trong nghĩa trang. Xong phần nhang khói, anh đi từ đầu đến cuối lượm từng mảnh giấy, chiếc lá gom lại thành đống và nổi lửa ...

Hình ảnh này chúng tôi ghi nhận được vào một buổi sáng cuối năm ở nghĩa trang thuộc ấp Lộc Hòa, xã Tây Hòa, H. Trảng Bom, Đồng Nai. Đây là nghĩa trang mà theo thời gian, các nấm mồ đã bị san phẳng, hiện chỉ còn 85 tấm bia nhỏ với dòng chữ 'Mộ vô danh'.

Nghĩa trang rộng chừng 1000 m2 xa khu dân cư. Nằm cạnh đường sắt Bắc Nam, mỗi chuyến tàu đi ngang qua đều kéo một hồi còi để tưởng niệm những người yên nghỉ dưới lòng đất lạnh.

Toàn nghĩa trang có 4 hàng bia gỗ. Bia nào cũng có một cụm hoa, một bát nhang. Đất trong nghĩa trang thuộc loại đất đỏ, thổ nhưỡng của vùng Đồng Nai thích hợp cho nhiều loại cây trồng. Vậy mà ở đây không một cọng cỏ...

{keywords}
Nghĩa trang 17/3/1982.

38 năm trôi qua, người dân Trảng Bom không tài nào quên được cái đêm hôm ấy.

5h sáng ngày 17/3/1982, đoàn tàu mang số hiệu 183 xuất phát từ ga Nha Trang đến Km1668+500 (gần ga Bàu Cá) bị lật. 10 trong số 13 toa xe đã văng ra khỏi đường ray. Riêng đầu máy văng lên một gò đất cao cách đường ray vài chục mét.

Lái tàu Đậu Trường Tỏa, phụ lái Phạm Duy Hanh, nhân viên thực tập Trần Giao Chi và hàng chục nhân viên theo tàu thương vong. Tổng số hành khách và nhân viên bị chết lên đến 160 người. Số nạn nhân tìm thấy danh tính và có người nhà nhận diện được đưa về. Còn lại 85 người vô thừa nhận được an táng tại khu đất cách hiện trường khoảng 4km. Sau này, nơi chôn cất 85 nạn nhân được người dân quen gọi là nghĩa trang Đường Sắt.

Tai nạn thảm khốc nhưng mãi đến giữa năm 2019 ngành đường sắt mới cho làm một tấm bia kể lại thảm họa dựng ngay trước cổng nghĩa trang đồng thời đặt tên nơi đây là 'Nghĩa trang ngày 17/3/1982'.

Anh thanh niên vẫn cặm cụi với công việc. Bó nhang trên tay anh đã hết. Bát nhang nào cũng có nhang đang bốc khói... 'Tết mà không ai tảo mộ, người chết buồn lắm chú ơi. Mà chú biết đó, 85 con người nằm ở đây đều là vô danh không người thân thích. Thôi thì, năm hết Tết đến, mình bỏ chút thời gian để vui với họ cũng là điều nên làm?', anh nói.

Chúng tôi đồng ý với anh. Anh là Trương Tấn Cường, 34 tuổi. Nhà Cường ở Bàu Hàm cách nghĩa trang gần 20km. Thế mà, Cường cho biết một năm cũng vài lần anh tìm đến với những người cõi âm.

{keywords}
Những năm qua, mỗi khi Tết đến, Cường lại lặng lẽ đến nghĩa trang thắp hương cho những ngôi mộ vô danh.

Tai nạn xảy ra khi Cường chưa sinh. Cường không thể hiểu được những tổn thất về tinh thần và vật chất khi một đoàn tàu bị tai nạn. Chỉ có những người nằm xuống còn lại nơi đây đã làm cho Cường cũng như bà con Tây Hòa luôn trăn trở.

Ông Nguyễn Kim Hoạt, 84 tuổi - một người dân Lộc Hòa từng tham gia cứu hộ khi tai nạn xảy ra đã kêu gọi xây tường rào cho nghĩa trang. Ông thường xuyên phát quang cây cỏ và cũng chính ông là người đã làm 85 bia gỗ gắn ở những vị trí trước đây là những nấm mồ.

Ông Hoạt cho biết, có vài trường hợp thân nhân người bị nạn tìm đến nghĩa trang tảo mộ vào dịp cuối năm. Vì không biết chính xác mộ nào, họ thắp nhang và khấn vái cho cả 85 mộ. Riêng bà con Lộc Hòa mỗi năm có đến 4 ngày gồm mùng 2/11, mùng 2 Tết, ngày giỗ (ngày xảy ra tai nạn 17/3) và ngày xá tội vong nhân đã tề tựu tại nghĩa trang. Họ đọc kinh cầu nguyện và thắp nhang viếng vong linh những người đã khuất.

Ngoài ra, ông nói, thỉnh thoảng vẫn có những người từ Trảng Bom, từ TPHCM đến viếng mặc dù họ không hề có thân nhân bị nạn. Những nén hương như thế, tôi nghĩ đã làm ấm lòng những mảnh đời xấu số ngã xuống nơi đất khách quê người.

Ông Hoạt trải lòng với chúng tôi cũng vừa lúc tiếng còi tàu vang lên. Một đoàn tàu mang khách về quê ăn Tết.

Huyền thoại về ba cây thị hơn 200 năm tuổi ở Côn Đảo

Huyền thoại về ba cây thị hơn 200 năm tuổi ở Côn Đảo

 Người dân mang ba cây thị từ rừng về trồng ở miếu để tưởng nhớ bà Phi Yến (vợ chúa Nguyễn Ánh) từ hơn 200 năm trước. Ngày nay, ba cây thị được công nhận là cây di sản Việt Nam. 

Trần Chánh Nghĩa

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét