Trong lần về Nam Định, ông Thành gặp chậu cây chẳng khác nào khúc củi tươi nhưng ông vẫn bỏ vài triệu đồng mua. Chẳng ngờ, 2 năm sau, người ta trả giá lên tới cả bạc tỷ.
Thú chơi cây cảnh của một kẻ tay ngang
Sinh năm 1964, ông Nguyễn Trọng Thành (Yên Sở, Hoàng Mai) được biết đến là một trong những tay chơi cây cảnh có tiếng.
Người đàn ông này hiện sở hữu vườn cây rộng hơn 2000 m2 với hơn 200 cây cảnh nghệ thuật thuộc hàng quý hiếm ở Việt Nam. Ông từng khiến giới chơi cây phải kiềng nể khi sẵn sàng bán cả căn nhà để mua được chậu cây ưa thích.
Ông Nguyễn Trọng Thành. |
Theo lời ông Thành, bố mẹ ông làm nghề giáo, anh chị em trong gia đình đều làm công nhân viên chức nhà nước. Bản thân ông có thời gian tham gia quân ngũ. Năm 1988, ông ra quân, về công tác tại một cơ quan hành chính nhà nước cho đến nay.
Kể về thú chơi cây cảnh, chủ khu vườn rộng hơn 2000m2 cho hay, ông thích trồng cây cảnh từ lúc còn thanh niên nhưng mãi đến năm 1995, sau khi quen biết một người bạn - vốn là dân sành sỏi về cây, ông mới bắt đầu theo đuổi đam mê này.
‘Lần đó, tôi mua một số phôi cây, trong đó có cây sanh khoảng 80 tuổi, giá 2,5 triệu đồng. Hai năm sau, tôi bỏ tiếp 100 triệu ra mua thêm 1 cây sanh và 2 cây du.
Người ta bảo tôi ném tiền qua cửa sổ. Vì với số tiền này, thời bấy giờ, tôi có thể mua được một mảnh đất’, ông Thành nhớ lại.
Ông Thành bộc bạch, ông đến với nghề cây cảnh hoàn toàn tay ngang. Phần lớn ông nghiên cứu cách trồng, chăm sóc cây qua sách báo và học hỏi từ bạn bè trong giới.
Khi được hỏi đến chủng loại cây nào, ông cũng say sưa chia sẻ cách nuôi dưỡng, chăm sóc, chẳng khác nào một kỹ sư nông nghiệp thực thụ.
Ông khẳng định, người chơi cây cảnh cũng cần đến kiến thức và kỹ thuật nông nghiệp chuyên sâu, để biết mùa nào chăm chủng loại gì, bón phân, bón thuốc ra sao là phù hợp…
‘Ta muốn có một tác phẩm đẹp, việc chọn phôi cây ban đầu rất quan trọng, phải căn cứ vào chủng loại cây, số thân trên một gốc, dáng cây, bệ cây, khả năng sống…’, nghệ nhân cây cảnh Trọng Thành giảng giải.
Vườn cây đẹp như tranh của ông Thành. |
Giai đoạn mới chơi, ông Thành chủ yếu tập trung vào kỹ thuật tạo thế, dáng, chưa chú tâm đến việc chăm sóc cây. Điều đó khiến ông phải nếm mùi thất bại.
‘Thời điểm đầu, tôi bị chết nhiều phôi cây quý (cây cảnh nguyên liệu, mới được ươm - pv), có giá lên tới vài trăm triệu đồng/phôi. Tôi tiếc của nhưng chỉ vài hôm, lại lao vào nghiền ngẫm, đến các nhà vườn học ‘mót’ cách họ nuôi phôi. Đến nay vườn cây của tôi phát triển rất tốt’, ông chủ sinh năm 1964 tự hào nói.
Bỏ tiền triệu mua khúc củi tươi, 4 năm sau thành cây bạc tỷ
Nổi tiếng nhờ cây cảnh nhưng ông Nguyễn Trọng Thành lại phất lên nhờ kinh doanh bất động sản, nắm trong tay nhiều mảnh đất, ngôi nhà có vị trí đẹp.
Ông hài hước ví von: ‘Người ta thường nói ‘Nhất thổ, nhì mộc, nếu không chơi cây và đam mê tột cùng như vậy, chưa chắc tôi có cơ ngơi như bây giờ. Đất và cây gắn liền với nhau, mang lại vượng khí, tài lộc cho gia chủ’.
Bởi vậy, kiếm ra được đồng nào, ông Thành dốc vào mua cây, chỉ cần thấy vừa mắt, ông sẵn sàng trả giá cao. Hơn 20 năm qua, không ít lần, người đàn ông này chơi ngông, mua cây trong tình huống bất ngờ.
‘Năm 2004, tôi đang đi Nam Định, gặp người chở cây sanh bằng xe máy. Tôi xuống hỏi thăm, gạ bán. Sau một hồi, họ đồng ý để lại với giá vài triệu đồng.
Bạn bè đi cùng khuyên đừng mua, vì cây trụi lá, xơ xác, trông chẳng khác khúc củi tươi. Mặc kệ lời góp ý của bạn bè, tôi mang cây về.
Tối đến, một người hỏi mua lại với giá 40 triệu đồng, rồi tăng lên 60 triệu đồng nhưng tôi từ chối. Lần này, người ta bảo tôi bị điên, chỉ bỏ vài triệu mua cây, bán lại giá gấp chục lần mà không muốn.
Năm 2008, cây đó được tôi tạo tác, chăm sóc và đưa đi tham gia triển lãm do Hội Sinh vật cảnh Hà Nội tổ chức tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Sau triển lãm, có người gạ tôi để lại với giá lên tới tiền tỷ. Tôi ‘chê’ tiền, mang cây về vườn trưng bày’, ông Thành vui vẻ nhớ lại.
Trước đó, năm 2006, nghe tin có cây tùng la hán ở Hà Đông (Hà Nội), tuổi đời hơn 300 năm (nguồn gốc từ Nhật Bản), ông liền tìm đến xem. Chứng kiến gốc cây vỏ bong tróc hết, vè bạnh gân guốc, rêu mốc, dáng thế tuyệt mĩ, ông quyết tâm mua bằng được.
Cây tùng La Hán có thế 'Thanh tùng ngạo tuyết'. |
Chủ nhân cây tùng la hán đó cũng là tay chơi cá tính, quyết không bán. Ông Thành đi lại, thuyết phục gần chục lần. Cuối cùng, chủ nhân đành nhượng bộ.
Tuy nhiên, để mang được cây quý về, ông Thành phải bán một ngôi nhà trên phố Lò Đúc (Hai Bà Trưng, Hà Nội) mới đủ tiền mua.
Cây tùng la hán đó được ông đặt cái tên: ‘Thanh tùng ngạo tuyết’. Chậu cây này đang được đánh giá là một trong những cây tùng la hán đẹp ở Việt Nam.
‘Khi bán nhà mua cây, tôi nhận được sự đồng thuận của vợ. Tôi cũng phải cảm ơn vụ mua cây tùng. Nhờ vậy, gia đình tôi có bước ngoặt lớn, đó là bán nhà ở Lò Đúc, chuyển hoàn toàn về Yên Sở - nơi tôi sinh ra và lớn lên, xây dựng vườn cây như hiện nay’, ông Thành bộc bạch.
Làng sản xuất bánh chưng Hà Nội tất bật ngày cuối năm
Vào dịp cận Tết Nguyên đán, mỗi ngày làng Tranh Khúc (Duyên Hà, Thanh Trì, Hà Nội) sản xuất hàng nghìn chiếc bánh chưng, doanh thu hàng tỷ đồng.
Huy Hùng - Thanh Tâm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét