Đã có 4 đời làm nghề dát vàng bạc, gia đình nghệ nhân Lê Bá Chung từng thực hiện những sản phẩm lên tới vài cân vàng.
Sát thời điểm Tết Nguyên đán, về tới thôn Kiêu Kỵ, xã Kiêu Kỵ, huyện Gia Lâm, Hà Nội đã nghe tiếng búa đập trên đe đá vang lên từ đầu thôn. Nghệ nhân Lê Bá Chung - ông chủ cơ sở quỳ vàng, quỳ bạc có tiếng nhất làng nghề Kiêu Kỵ cho biết, giáp Tết là thời điểm tất bật nhất của những người làm nghề này.
Gia đình ông Chung là một trong những gia đình làm nghề quỳ vàng, quỳ bạc lâu đời nhất của xã. Ông nói, bây giờ không tính theo năm nữa, mà tính theo đời. ‘Nếu tính cả thế hệ con tôi thì gia đình làm nghề đã được 4 đời’.
Nghệ nhân Lê Bá Chung - chủ một cơ sở làm quỳ vàng bạc. Ảnh: N. Thảo |
Ông nói, nếu như trước đây các cụ làm nghề hoàn toàn thủ công thì bây giờ các quy trình đã bán công nghệ. Một số khâu như đập diệp (tán mỏng, kéo dài cây vàng thành sợi to bằng đầu đũa), trước kia làm bằng tay, mỗi ngày gia đình ông chỉ làm được 1 cây vàng. ‘Nhưng bây giờ đã có máy, mỗi ngày đập diệp 10 cây cũng được’.
Hay khâu làm mực cũng được cải tiến bằng cách lướt cả tờ to, giúp giảm ngày công lao động. Để làm ra được sản phẩm là lá vàng mỏng dính, nhỏ bằng nửa bao diêm, người thợ phải làm tất cả 20 công đoạn. Trong đó, khâu đánh quỳ là công đoạn khó và vất vả nhất.
Trung bình, trong khoảng 1 giờ, người thợ phải đập liên tục 1.400 nhát búa để lá vàng được tán mỏng. Nếu đập không đủ số lượng hoặc dừng lại quá lâu, độ nóng trên lá vàng sẽ không đủ và không tán mỏng ra được.
Không những thế, thợ đánh quỳ cũng phải là những người thạo nghề. Chỉ cần sơ sẩy một chút thôi là búa đập vào tay. Những thợ mới vào nghề, bị búa đập dập tay là chuyện không hiếm.
Thợ đánh quỳ ở cơ sở của nghệ nhân Lê Bá Chung. Ảnh: N. Thảo |
Thành phẩm lá quỳ được coi là đạt chất lượng phải có độ mỏng đều, mịn, gỡ ra không bị rách. Khi lá quỳ được dát vào tượng, lau đi phải bóng đều, đẹp mắt.
Hiện tại, 2 con trai ông cũng theo nghề của tổ tiên để lại. Cơ sở của gia đình ông hiện tạo công ăn việc làm cho khoảng 30 thợ ở tất cả các khâu: làm mâm, đánh quỳ, sơn thếp…
Công việc nhẹ nhàng, chỉ cần ngồi một chỗ như làm mâm (tách các lá quỳ) thường dành cho phụ nữ với mức thu nhập 4-5 triệu/ tháng. Thợ đánh quỳ có mức thu nhập cao hơn - 8-9 triệu/tháng.
Công việc bóc tách các lá vàng được gọi là 'làm mâm'. Ảnh: N. Thảo |
Công việc này hầu như chỉ dành cho phụ nữ vì đòi hỏi sự tỉ mẩn và không cần dùng nhiều sức. Ảnh: N. Thảo |
Ngoài việc làm quỳ để giao cho khách, từ năm 2014, ông Chung bắt đầu khôi phục lại nghề sơn thếp vàng bạc mà trước kia cha ông đã từng làm nhưng sau đó bị mai một.
Từ thời điểm đó, gia đình ông nhận các sản phẩm như tượng, bàn thờ, chai lọ, bàn ghế… về sơn thếp. Ông cũng có các đội thợ thường xuyên đi khắp các tỉnh trên cả nước để sơn thếp cho các đình, đền, chùa, nhà riêng…
Chỉ vào bộ bàn ghế đã được dát màu vàng óng đặt giữa sân, ông Chung kể, bộ bàn ghế này do một vị khách quen đặt ông. Đội thợ của ông gồm 5-6 người đã làm cả tháng nay, chuẩn bị giao cho khách.
‘Bộ bàn ghế này riêng trị giá của nó đã là 1,1 tỷ đồng. Chi phí dát vàng là 380 triệu, mất khoảng 8 cây vàng để làm’.
Ông cũng cho biết, chủ yếu là mất nhiều thời gian lót sơn, còn công đoạn dát vàng chỉ mất khoảng 3 ngày. 'Sản phẩm hoàn thiện, nếu bảo quản tốt thì trăm năm vẫn đẹp', ông khẳng định.
Kể về con trai út đang làm công trình tận trong Huế, ông bảo đội thợ nhà ông cũng đi khắp trong nam ngoài bắc để sơn thếp cho khách. Một trong những công trình có giá trị nhất mà cơ sở của ông từng làm là một ngôi chùa ở Đà Nẵng. ‘Họ sơn từ trong ra ngoài mất khoảng 1,8 cân vàng - tương đương gần 50 cây’, ông nói.
Những lá quỳ nhỏ này còn được đánh thêm một lần nữa mới ra được thành phẩm cuối cùng. Ảnh: N. Thảo |
Trò chuyện với chị Nguyễn Ngọc Quỳnh - con dâu ông Chung, chị cho biết, từ khi về làm dâu, chị mới biết đến nghề này. Trước kia, khi còn ở nhà với bố mẹ, gia đình chị làm nghề da - cũng là một nghề truyền thống ở xã Kiêu Kỵ.
‘Làm da thì nhanh giàu hơn nhưng mạo hiểm, nhiều biến động. Chỉ cần 1 mẫu túi không đúng mốt là coi như mất. Còn nghề làm quỳ thì ổn định hơn.
Ưu điểm của nghề da là có thể dễ dàng đi tìm đầu ra, nhưng làm nghề quỳ thì không thể mang hàng đi chào bán ở đâu được. Hầu hết khách hàng đều tự tìm về làng, xem xét, nghiên cứu rồi mới đặt hàng’.
Chị Quỳnh kể, mấy năm nay rộ lên phong trào dát vàng tượng cá nhân. ‘Có những người tự đúc tượng mình với kích cỡ nhỏ rồi thuê chúng tôi dát vàng. Mới đây, cũng có một thầy giáo về hưu đặt làm một bức tượng như thế, để khi nào chết đi thì đặt trên bàn thờ’.
‘Hoặc có dịp cận Tết, người ta sẽ đặt dát vàng con giáp của năm ấy. Năm ngoái có sản phẩm lợn vàng, còn năm nay là chuột vàng’ - chị Quỳnh kể.
Những bức tượng dát vàng được trưng bày ở phòng khách gia đình nghệ nhân Lê Bá Chung. Ảnh: N. Thảo |
Nghệ nhân Lê Bá Chung cũng chia sẻ, trước đây khi còn ở thời kỳ hoàng kim, cả xã Kiêu Kỵ có hàng trăm hộ làm nghề, nhưng đến nay chỉ còn khoảng 20 hộ. Nguyên nhân là do hàng Trung Quốc được nhập vào ồ ạt, giá thành rẻ hơn nên các sản phẩm của làng bị cạnh tranh, dẫn đến mai một dần. ‘Bây giờ số lượng sản phẩm bán được chỉ bằng 1/3 so với ngày xưa’ - ông nói.
Tuy nhiên, có một số ít như gia đình ông vẫn còn một lượng khách ổn định. Ông tiết lộ, bí quyết duy nhất để giữ nghề, giữ được uy tín với khách là ‘nói thật, làm thật’.
‘Tôi thường nói với khách là tôi làm thật đã đủ ăn rồi, tại sao tôi lại phải làm trò gian dối. Việc ấy không chỉ làm chúng tôi mất uy tín, mà những sản phẩm chúng tôi làm ra còn liên quan đến chuyện tâm linh nữa’.
‘Những sản phẩm hỏng, lỗi, khách chưa vừa lòng, chúng tôi cũng sẵn sàng bỏ ra một vài lá vàng dát lại để khách cảm thấy thoải mái’.
Chính nhờ quan điểm làm việc ấy mà cơ sở của gia đình ông vẫn tồn tại được đến ngày nay, trong khi rất nhiều cơ sở khác đã phải bỏ nghề.
Để bảo tồn nghề truyền thống của cha ông, ông Chung cũng cùng với các thợ làm quỳ trong Hiệp hội Dát vàng bạc quỳ mở hàng chục lớp dạy nghề tại các tỉnh Hải Dương, Bắc Giang, Ba Vì (Hà Nội) cho hơn 1.000 lao động nông thôn và nhiều phạm nhân đang trong thời gian cải tạo, giam giữ.
Năm 2004, ông Lê Bá Chung được UBND TP. Hà Nội trao tặng danh hiệu Nghệ nhân Hà Nội. Năm 2016, ông được Chủ tịch nước trao tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú. Gần nhất, ông được tặng thưởng danh hiệu “Công dân Thủ đô ưu tú” năm 2017.
Ông Đinh Văn Giảng - Chủ tịch xã Kiêu Kỵ cho biết, nghề dát vàng bạc quỳ là một trong 2 nghề truyền thống của địa phương. Mặc dù hiện nay nhu cầu sản phẩm của nghề làm quỳ, sơn son thếp vàng đã giảm so với trước kia nhưng vẫn còn khoảng 20 hộ dân trong xã vẫn đang lấy nghề này làm kinh tế chính trong gia đình. ‘Chính quyền địa phương vẫn hết sức khuyến khích người dân bảo tồn nghề truyền thống. Năm 2008, nhà thờ tổ nghề đã được xây dựng tại thôn Kiêu Kỵ với sự hỗ trợ phần lớn của ngân sách nhà nước’. |
Gia đình nặng lòng với nghề đan quạt ở Tây Ninh
Chiếc quạt có hình trái tim. Màu lá trắng tươi và khi khe phẩy, mùi thơm của lá quyện trong gió...
Nguyễn Thảo - Ngọc Trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét