Các món ăn chỉ nấu theo một công thức duy nhất là cho vào nồi một chút dầu, sau đó cho tiếp những thứ cần chín trước như cua, ếch hay cá…
Tốt nghiệp ĐH Kiến trúc Hà Nội, sau nhiều năm làm việc ở Hà Nội và Sài Gòn, Kiều Đức Thắng (SN1992) chuyển tới thôn Dốc Bầu, xã Ba Cụm Bắc, huyện Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hoà để xây nhà, làm rẫy, sống cuộc sống của một nông dân đích thực.
Trên mảnh đất 1.700 m2 mà cậu mua được, Thắng xây một ngôi nhà nhỏ đủ cho mình và chú chó tên TuTu sinh sống. Mảnh vườn được cậu trồng đủ các loại cây trái, vừa phục vụ nhu cầu của bản thân, vừa gửi về cho người thân sử dụng.
Thắng đã sống như thế 1 năm nay. Những trải nghiệm đặc biệt ở ngôi làng có 20 hộ dân người Raglay được cậu ghi lại qua những dòng chia sẻ trên Facebook cá nhân, nhận được nhiều chú ý của cộng đồng mạng.
VietNamNet xin trích đăng nhật ký ở rừng, ăn rừng của Thắng dưới đây.
Kiều Đức Thắng và chú chó TuTu |
Mùa Phát rẫy
Mùa phát rẫy từ tháng 2 tới tháng 4 âm lịch hằng năm, cả làng gần như vắng bóng người hơn, chỉ còn lại người già yếu, phụ nữ mang bầu, nuôi con nhỏ.
Lần này phát rẫy cùng tôi có 4 người: 1 phụ nữ, 3 đàn ông và thêm con Tutu. Theo tiếng Raglay, tôi gọi người phụ nữ là Away, đàn ông gọi là Ama.
Chúng tôi khởi hành từ khi Mặt Trời chưa lên đến đỉnh núi. Mọi dụng cụ, hành trang được chuẩn bị đầy đủ trong những chiếc gùi và balo.
Khi tôi còn chưa hết mệt sau 1 tiếng đi bộ từ nhà tới rẫy thì đã bị choáng ngợp bởi khung cảnh diễn ra trước mắt. Không phải cảnh của thiên nhiên hùng vĩ, không phải tiếng chim hót líu lo mà chính là hoạt động của những con người xứ Thượng.
Cùng nhau lên rẫy |
Các Ama và Away gần như chỉ ngồi một vài phút nghỉ ngơi sau khi tới rẫy, rồi mọi người tự động chia nhau ra mỗi người một hướng.
Những người đàn ông đã chọn được một vị trí đẹp đẽ để dựng lều trại nằm phía dưới những tán cây to và gần nước để tiện cho sinh hoạt. Hai người đàn ông đã kịp hạ vài ba cây rừng để làm khung căng bạt ngay sau đó, trong khi người đàn ông còn lại đã kéo từ đâu về những sợi dây rừng chắc chắn và đang ngồi chẻ bên cạnh một tảng đá. Sợi dây sẽ dùng để buộc khung và kéo căng bạt làm mái.
Trong khi tôi còn chưa biết mình phải làm gì thì một bếp lửa đã được nhóm cháy bập bùng, một nắm lá rau rừng đã được hái trên tay người phụ nữ.
Lều trại, bếp lửa xuất hiện trước mắt tôi chỉ trong tích tắc. Người phụ nữ nhanh chóng tới đầu nguồn lấy nước nấu cơm. Một người đàn ông vác những hòn đá về kê bếp, hai người còn lại lật một tảng đá xuống làm bàn uống trà. Mọi thứ hoàn thành nhanh tới mức tôi chưa kịp làm gì, chỉ kịp đứng để sững sờ trước những kỹ năng ở rừng của người dân Raglay.
Người Raglay dựng lều trại để ăn ngủ luôn tại rẫy. |
Tôi ăn Rừng
Cho đến ngày hôm nay tôi mới được trải nghiệm cuộc sống ở rừng, tắm rừng, ăn rừng. Nó ở ngay đây, ngay lúc này, không phải chỉ có trong các cuốn sách của những nhà sử học.
Mỗi người tự chuẩn bị cho mình một cái bát, một chiếc thìa, một ly uống trà, đũa ăn cơm thường được vót từ những cây như lồ ô, tre, nứa. Trong rẫy của tôi không có những cây đó nên mỗi người tự chặt cho mình những cành cây rừng khác và thường ngồi vót đũa trong lúc đợi cơm chín.
Những đồ nấu ăn chung gồm có 2 chiếc nồi, một dùng để nấu cơm, một dùng để nấu đồ ăn. Có thêm một ấm đun nước và một bình pha trà tôi đã về nhà lấy bổ sung vào mấy ngày sau đó.
Vật dụng dùng cho sinh hoạt nấu nướng chỉ có vậy nhưng trong quá trình ở đó tôi nhận thấy gần như chẳng thiếu cũng chẳng thừa một thứ gì. Một cái thớt, một cái chảo, hay một cái rổ nào đó ở đây có vẻ cũng không cần thiết. Có thể môi trường sống và cách sinh hoạt tự khiến mình có nhu cầu tối giản mọi thứ.
Vót đũa trong lúc đợi cơm chín |
Mỗi người một việc tự phân công nhau |
Uống cà phê, trà sau bữa sáng |
Góp gạo thổi cơm chung
Khi đi phát rẫy thuê, mỗi người sẽ tự mang theo 3-4 kg gạo tùy vào việc ở rẫy bao nhiêu ngày. Trước khi nấu cơm sẽ múc mỗi người một bát gạo vào nồi nấu chung. Gia vị như muối, dầu ăn mỗi người cũng mang theo một ít, ai có trà mang trà, ai có cà phê mang cà phê, ai có gì thì mang theo đó. Đồ ăn ở rừng cũng do mỗi người hái lượm hoặc săn bẫy rồi góp lại ăn chung.
Tôi nhìn thấy trong mỗi cá nhân đều có sự tự thức về hành động cũng như công việc mình làm, không ai ỷ lại hay giao phó trách nghiệm cho một thành viên nào cụ thể. Có lẽ vì tính tự giác của mỗi cá nhân nên mới có một tập thể đoàn kết như vậy.
Tôi biết sự khó khăn của những người dân nơi đây nên lần này tôi chuẩn bị luôn 1 bao gạo 25kg, các gia vị cần thiết, chút đồ ăn khô, trà và café cho mọi người. Không ai phải mang theo những đồ ăn đó nữa, mọi người chỉ việc chia nhau rồi gùi lên rẫy.
Ngoài những thực phẩm cơ bản mang theo sẽ có thêm những sản vật từ rừng nên tôi rất hào hứng chờ đợi mỗi ngày mình sẽ được ăn gì.
Vì ngày đầu mới lên rẫy để ổn định chỗ ăn ở nên bữa ăn đầu tiên có canh rau rịa nấu với cá khô tôi mang theo. Khi đã bắt đầu ổn định nơi sinh hoạt và làm việc rồi thì các bữa ăn cũng thay đổi hàng ngày.
Chỉ có 2 chiếc nồi - một cái nấu cơm, một cái nấu canh |
Dân bản có thói quen hái rau rừng bất kể khi đi đâu, đang làm gì. |
Bữa sáng thường được ăn cua đá hay ếch bắt từ đêm hôm trước nấu với rau rừng. Loại cua và ếch của rừng rất ngon và ngọt.
Tôi không phải là người hay ăn mấy con đó nhưng quả thật lần này tôi hút lấy hút để từng cái càng cua, nhai hết phần bụng, nhể hết phần gạch, chỉ bỏ cái vỏ cứng lại cho con TuTu. Tôi được nếm những cái đùi ếch thơm ngon chắc nịch đã được nấu nhừ từ đêm hôm trước. Tôi không biết là loại ếch gì nhưng nghe nói những loại ếch trên rừng ngon hơn ếch ở rưới ruộng rất nhiều.
Ngoài những loại rau rừng nấu cùng những con vật soi bắt được còn có thêm đu đủ xanh, hoa chuối, mít non có sẵn quanh đó.
Các món ăn chỉ nấu theo một công thức duy nhất là cho vào nồi một chút dầu, sau đó cho tiếp những thứ cần chín trước như cua, ếch hay cá… Tiếp đến là các loại rau, hoa chuối, đu đủ hoặc mít non, sau cùng là nước và muối đun tới khi mềm thì ăn. Cùng một kiểu nấu canh nhưng mỗi ngày tôi đều thấy vị nó khác nhau khi được nấu từ những thực phẩm khác nhau.
Vào một buổi sáng, khi đang phát những bụi cây rậm rạp, một người đàn ông bị mấy con kiến rơi từ trên cây xuống đốt vào cổ, ngẩng lên thấy hai tổ kiến vàng to đùng. Vài phút sau, tổ kiến đã được chặt xuống, hơ lửa trên tảng đá lớn cạnh đó. Vậy là chúng tôi mang về được đầy một cái mũ những con kiến vàng cho bữa trưa.
Tôi từng được nghe có nơi ăn kiến vàng hay dùng kiến vàng làm nhân bánh. Nhưng đây là lần đầu tiên tôi được thưởng thức món đó. Con non màu trắng thì ăn như nhộng ong, con có cánh đang mọc thì ăn như nhộng tằm nhưng có vị chua chua. Tóm lại món kiến này ăn thơm, béo và có vị chua, mùi giống như quả tai chua hay dùng để nấu canh.
Ở rừng mỗi mùa sẽ có những sản vật khác nhau, mỗi mùa một loại. Tôi đã từng gặp những người già sống cả cuộc đời ở trên rẫy, ăn những thứ từ rừng và không xuống làng bản bao giờ.
Ăn Rừng là tôi được ăn những thứ hoàn toàn từ tự nhiên, không có bàn tay chăm sóc của con người. Tôi chế biến và ăn nó ngay tại rừng. Tôi sẽ còn tiếp tục ăn rừng nhiều lần nữa…
Tổ kiến rừng |
Hái mít non để nấu canh |
Canh mít non |
Cơm trắng với kiến rừng và mít non |
Kỳ 1: 9x từng đi bar tới sáng, từ Sài Gòn về Khánh Hòa xây nhà, làm vườn
Từ Sài Gòn, chuyển về sống trong căn nhà nhỏ giữa bản làng cùng chú chó tên Tu Tu, thỉnh thoảng Thắng lại nghe tiếng gọi í ới của hàng xóm.
N. Thảo (ghi)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét