Thông minh không biểu hiện ở việc bạn có giải được Định lý cuối cùng của Fermat hay không, mà có thể biểu hiện ở nhiều cách thức khác nhau.
Dưới đây là những đặc điểm của người thông minh, có thể bạn sẽ tìm thấy mình trong đó.
Thích nghi
Thông minh hay thiên tài không thể hiện ở khả năng tích lũy một lượng lớn thông tin hay khả năng ghi nhớ, học thuộc lòng. Người thông minh là người có khả năng thích nghi tốt với những thay đổi của môi trường.
Khả năng thích nghi với một tình huống hay môi trường đòi hỏi nhiều quá trình nhận thức như học tập, ghi nhớ, giải quyết vấn đề. Vì mọi thứ luôn thay đổi nên khả năng thực hiện thành công quá trình nhận thức này chính là biểu hiện của trí thông minh.
Đặt câu hỏi với mọi thứ
Sự tò mò không chỉ là dấu hiệu của trí thông minh mà còn là chìa khóa của thành công. Theo một bài viết trên tờ Harvard Review, CQ - hay còn gọi là chỉ số tò mò, cùng với EQ và IQ là những yếu tố xác định khả năng xử lý sự phức tạp và quá tải thông tin.
Các nhà nghiên cứu tại ĐH Toronto (Canada) và Viện Nghiên cứu Samuel Lunenfeld (Ai Cập) đã tìm thấy mối liên hệ giữa trí thông minh và sự tò mò.
Tố chất tò mò thường tương đồng với sự thành công trong công việc. Các nhà tuyển dụng cũng thường đặt mục tiêu tuyển dụng những ứng viên có tố chất tò mò vì họ tin rằng những người này có khả năng đóng góp nhiều hơn. Niềm tin này trước hết xuất phát từ suy nghĩ những người tò mò bẩm sinh luôn đi tìm kiếm câu trả lời, muốn học hỏi nhiều hơn, và vì thế họ tích lũy được nhiều kiến thức hơn trong suốt cuộc đời mình hơn là chỉ dựa vào trí thông minh.
Hiểu rằng mình không biết mọi thứ
Người thông minh thường bị cho là quá tự tin, nhưng những người thực sự thông minh biết rằng họ không biết mọi thứ. Việc thừa nhận sự thiếu hiểu biết hoặc thiếu kiến thức trong một lĩnh vực biểu thị mức độ cao về sự tự nhận thức bản thân. Những người thông minh cũng biết điểm mạnh, điểm yếu của mình và cảm thấy muốn được học hỏi nhiều hơn.
Tìm kiếm tri thức
Sự tò mò và tự nhận thức thường khiến những người thông minh muốn đi tìm kiến thức. Mối tương quan giữa việc học tập và thông minh được giải thích là do sự linh hoạt của thần kinh - hay khả năng tự tái cấu trúc của bộ não.
Cảm thấy nhàm chán
Người thông minh thì hay cảm thấy buồn chán. Sự buồn chán này không nhất thiết phải là về một chủ đề cụ thể mà là với những gì hay lặp đi lặp lại.
Sự buồn chán nảy sinh bởi vì bạn chỉ cảm thấy hứng khởi khi được ở trong một môi trường mới lạ. Mặc dù buồn chán là cảm xúc gây khó chịu, nhưng nó thực sự cần thiết cho sự sáng tạo và thông minh. Buồn chán đóng vai trò là chất kích thích cho sự thay đổi bởi vì bản thân quá trình này là một cuộc tìm kiếm sự kích thích thần kinh.
Vẽ nguệch ngoạc
Hãy tưởng tượng bạn đang tham dự một cuộc họp bắt buộc hoặc một bài giảng rất dài. Vì lý do nào đó, nội dung này bạn đã được nghe trước đó. Dù vậy, bạn vẫn ghi chép đầy đủ. Nhưng chỉ được khoảng nửa trang giấy, tay bạn lại đang vẽ đầy những hình vẽ nguệch ngoạc.
Đừng lo. Trái với suy nghĩ thông thường, có thể bạn đang chú ý hơn cả những người khác.
Một nghiên cứu được tiến hành bởi Jackie Andrade của ĐH Plymouth (Anh) cho thấy, những người vẽ nguệch ngoạc nhớ được nhiều hơn những người khác 29% thông tin trong thử nghiệm.
Vẽ nguệch ngoạc là cách mà bộ não của bạn cố gắng tập trung và xử lý thông tin. Các nhà khoa học đã xem xét bộ não của những người vẽ nguệch ngoạc và tìm thấy hoạt động ở vỏ não trước trán. Vùng não này liên quan đến tư duy phân tích, trí nhớ, giải quyết vấn đề và logic.
Tự kiểm tra và phản ánh
Khi nói về trí thông minh, chúng ta hay nghĩ tới IQ, nhưng thực ra trí thông minh biểu hiện ở rất nhiều mặt. Một trong số đó là trí tuệ cảm xúc - hay còn gọi là EQ.
Những người có EQ cao là những người có ý thức rõ ràng về việc mình là ai - cảm xúc, nhu cầu và mong muốn của mình. Do đó, họ có khả năng thiết lập các mối quan hệ có ý nghĩa và đạt được mục tiêu của mình.
Luôn cởi mở
Những người có trí thông minh cao là những người cởi mở. Có nhiều nghiên cứu khác nhau đã tìm hiểu mối tương quan giữa 2 đặc tính này.
Tuy nhiên, sự phát triển của sự cởi mở dễ dàng được đo lường ở người lớn hơn là trẻ em, do đó nó tác động nhiều hơn đến sự phát triển trí thông minh sau này.
Cởi mở cũng là dấu hiệu của khả năng thích ứng/ linh hoạt trong nhận thức, giúp bạn luôn tò mò và sẵn sàng học hỏi.
Sự thông minh của bé khiến người lớn phải kinh ngạc
Để phát huy tính sáng tạo và giải quyết linh hoạt mọi vấn đề, suy nghĩ vượt ra khỏi phạm vi quen thuộc chính là bài học mà bọn trẻ dạy cho mỗi người lớn chúng ta.
Đăng Dương (Theo Psych2go)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét