“Một đại gia đình gồm 7 người lớn, 7 trẻ em mắc kẹt trong biển nước. Họ gọi cho tôi cháy máy từ 5 giờ sáng, vừa gọi vừa khóc. Đến sáng ngày hôm sau thì họ được cứu”.
Một trong số những hình ảnh anh Linh nhận được từ người dân kêu cứu. Ảnh: NVCC |
Đó chỉ là một trong những cuộc điện thoại kêu cứu không kể ngày đêm được gọi tới số máy của anh Trần Huyền Linh (Thạch Trung, TP. Hà Tĩnh). Mấy ngày nay, anh Linh không ngủ được vì những cuộc gọi như thế. Đến trưa nay, anh đã phải lên phương án mở thêm 5 số điện thoại “hotline” để nhận những cuộc gọi cầu cứu, “chứ mình tôi làm không xuể”.
Trực tiếp chứng kiến những cảnh tượng đau thương mấy ngày qua của người dân ngay sát tâm lũ, anh Linh ấp ủ muốn mua một chiếc cano để chung tay với chính quyền địa phương, bộ đội biên phòng trực tiếp đưa người dân thoát khỏi cảnh bị mắc kẹt. Nhưng đến khi chia sẻ mong muốn của mình lên mạng xã hội, anh bất ngờ khi nhận được sự góp sức của nhiều người thân, bạn bè, học trò cũ. “Bây giờ, số tiền quyên góp được đã đủ để mua 5 chiếc cano, giá trị xấp xỉ 100 triệu”.
Những chiếc cano mà nhóm của anh Trần Huyền Linh chuẩn bị gửi vào miền Trung trong đêm ngày 20/10. Ảnh: NVCC |
Anh nói: “Khi nước lên, điều đầu tiên tôi nghĩ tới là con thuyền. Thực phẩm thì nhà tôi bây giờ không còn chỗ chứa, mà có chứa được cũng không có phương án nào tiếp cận bà con nếu không có thuyền. Việc cần ưu tiên đầu tiên là cứu người, sau đó mới nghĩ đến lương thực”.
Với kinh nghiệm nhiều năm từng mua thuyền hỗ trợ người dân mỗi mùa lũ lên, anh cho biết hiện tại thứ cần nhất là thuyền. “Có quá nhiều người còn đang bị mắc kẹt. Chính quyền làm không xuể nên rất cần tới sự trợ giúp của các cá nhân, tổ chức”.
Trao đổi với PV trưa ngày 20/10, anh Linh cho biết, chỉ ít phút nữa anh sẽ có một cuộc họp cùng với đội của mình để chuẩn bị cho công tác chuyển 5 chiếc cano từ Quảng Ninh vào điểm xa nhất có thể của vùng lũ.
Một đội gồm 10 người cũng được tuyển chọn từ dân đi biển, đủ sức khoẻ, có kỹ năng bơi lội tốt để điều khiển 5 chiếc cano. “Theo dự kiến, đêm nay cano sẽ vào đến nơi. Bà con đang ngóng cano về từng phút. Mỗi cano chở được 6 người lớn. Mỗi chiếc sẽ có 1 người điều khiển, 1 người cầm điện thoại để liên lạc, cùng một chút đồ ăn nhẹ khi cứu được người lên”.
“Chúng tôi sẽ chọn những địa bàn nguy hiểm nhất để đi trước, tất nhiên là dưới sự hướng dẫn của chính quyền địa phương”, anh Linh chia sẻ.
55 chiếc thuyền sắt đã được anh Thanh đặt mua sẽ được chuyển vào vùng lũ trong tối 20/10. Ảnh: NVCC |
Cũng giống như anh Trần Huyền Linh, anh Nguyễn Văn Thanh (SN 1984, Phú Thọ) cũng là một trong số những cá nhân bỏ tiền túi để mua 55 chiếc thuyền sắt gửi vào miền Trung.
Chưa từng tham gia các hoạt động thiện nguyện tương tự, nhưng theo chia sẻ của anh Thanh, qua các phương tiện truyền thông, “tôi thấy năm nay bà con thiệt hại nặng nề quá nên muốn đóng góp chút công sức của mình giúp đỡ bà con”.
Anh kể, sau khi tìm hiểu, anh chọn áo phao hoặc xuồng để hỗ trợ bà con trong thời điểm này. “Nhưng sau 2 ngày không tìm được nơi bán áo phao, tôi chuyển sang tìm xuồng. 1h đêm hôm qua (19/10), tôi tìm thấy một địa chỉ ở Thường Tín, Hà Nội có bán. Sáng nay, 6h sáng tôi từ Phú Thọ xuống Thường Tín để xem hàng và quyết định đặt mua luôn 55 chiếc, mỗi chiếc trị giá 500 nghìn đồng”.
“Chiếc thuyền này có kích cỡ nhỏ, chỉ phù hợp sử dụng cho khoảng 2 người lớn. Tôi hi vọng rằng nó sẽ hữu ích cho bà con dùng để di chuyển hằng ngày khi nước chưa kịp rút xuống”.
Anh Thanh cũng chia sẻ, 55 chiếc thuyền sẽ được chuyển tới 2 địa điểm, mỗi điểm sẽ nhận một nửa số thuyền. “Loại thuyền này phù hợp dùng cho hộ gia đình, nên con số 55 chiếc vẫn còn quá nhỏ bé so với số lượng hộ dân đang phải sống chung với nước lũ”.
Chính vì thế, anh hi vọng rằng sẽ có thêm thật nhiều mạnh thường quân cùng chung tay hỗ trợ miền Trung trong những ngày tới.
Điều đặc biệt hơn cả là 5 chiếc cano của anh Linh và 55 chiếc thuyền sắt của anh Thanh đều đã tìm được các lái xe tải nhận chở miễn phí vào vùng lũ.
Theo chia sẻ của anh Thanh, sau khi đăng thông tin lên mạng xã hội, cuối cùng đã có một bác tài mà anh không hề quen biết gọi tới anh và nhận sẽ chở 55 chiếc thuyền từ Thường Tín vào Hà Tĩnh, Quảng Bình ngay trong tối 20/10 để kịp hỗ trợ bà con.
Còn 5 chiếc cano của anh Linh, nhờ sự kết nối của anh Nhâm Quang Văn (Thái Bình) - Chủ tịch Hiệp hội cứu hộ giao thông Việt Nam, cũng đã có “bác tài” nhận chở miễn phí, bao gồm cả xăng xe, chi phí cầu đường để an toàn vào tới miền Trung.
Những chuyến xe cứu trợ chở miễn phí cano vào cho đồng bào miền Trung. Ảnh: NVCC |
Hàng chục chuyến xe đã đi từ Quảng Ninh vào Huế, Đà Nẵng, Quảng Bình... trong 2 ngày qua. Ảnh: NVCC |
Những chiếc cano đang có mặt ở Hà Tĩnh và tiếp tục được chở về Quảng Bình, Quảng Trị. Ảnh: NVCC |
Anh Văn cho biết, trong 2 - 3 ngày nay, anh đã giúp kết nối khoảng 20-30 chuyến xe chở cano từ Quảng Ninh vào miền Trung. “Cụ thể, sáng hôm qua (19/10) anh em chở 10-12 chiếc cano, hôm nay khoảng 40-50 chiếc và vẫn còn thêm nữa trong những ngày tới. Mỗi chuyến đi mất khoảng 15-16 tiếng, đi thông đêm để ứng cứu bà con nhanh nhất có thể. Chi phí xăng xe, cầu đường, hoàn toàn là tiền túi của anh em bỏ ra”.
Anh Văn cũng chia sẻ, Hiệp hội cũng đứng ra kêu gọi được một khoản tiền nhưng hiện chưa dùng đến. “Chúng tôi muốn đợi khi bà con ổn định lại cuộc sống mới đi sau. Đến lúc ấy, bà con sẽ cần rất nhiều thứ. Còn trước mắt, theo quan sát của tôi thì gạo và mỳ tôm ủng hộ quá nhiều, bà con cũng không ăn được, bởi vì không có chỗ để, không có nước sạch, không có bếp nấu ăn. Những nhu yếu phẩm cần nhất bây giờ là quần áo, nước, đồ ăn sẵn”.
Những dòng tin nhắn xót xa liên tục được gửi tới số điện thoại của anh Thắng. Ảnh: NVCC |
Đồng quan điểm với anh Văn, anh Trần Quyết Thắng - một người dân đang sống và làm việc ở Hà Tĩnh, cũng là người rất tích cực chung tay hỗ trợ các hoạt động cứu trợ bà con miền Trung nhiều năm nay cho biết: “Mấy năm nay đi đến các vùng rốn lũ ở Quảng Bình, mình có để ý nhiều nhà luôn có những chiếc thuyền gỗ dựng ở vách. Trong trường hợp nước dâng cao, họ sẽ lên thuyền đi nơi khác. Còn những vùng ít bị mưa lũ, không phải nơi rốn lũ thì ít có sự chuẩn bị về ghe, xuồng như vậy. Những dòng tin, hình ảnh ở Quảng Trị đã cho mình thấy rõ, họ đang bấu víu vào cửa sổ, mái nhà… để hi vọng giữ lấy mạng sống.
Nhiều người đi trợ giúp, theo thói quen, người trước đi đâu, mua gì, người sau cứ thế làm theo. Vì thế mà sự phân bổ không đồng đều. Trong khi, nhu cầu thực sự của người vùng lũ có những thứ cấp bách hơn, ví dụ như: áo phao, thuyền hơi, nước sạch, các loại thuốc, đèn pin, nến, bếp mini…
Mình cũng đã thấy có người nhắn ‘đừng mua mỳ cho người dân vùng lũ nữa’. Đúng đấy, nhiều quá, họ không ăn hết đâu. 10 thùng mỳ có thể mua 1 cái thuyền hơi cho 2-4 người, thùng mỳ mua được 2 cái áo phao” - anh Thắng gửi đi thông điệp tới các nhà hảo tâm trên khắp cả nước đang hướng về miền Trung ruột thịt.
Những hình ảnh được bà con vùng lũ ghi lại. |
Lũ lụt khiến bà con miền Trung chất chồng gian nan. |
Những phụ nữ nửa đêm vào vùng lũ: ‘Chúng tôi dành 20/10 cho miền Trung’
"Xem tin tức vùng lũ, tôi xót xa và không thể ngủ nổi. Hoa và quà có thể dành lại những ngày sau lũ, chúng tôi muốn làm điều gì đó để giúp người dân miền Trung", chị Hà Phương nói.
Nguyễn Thảo
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét