Thứ Tư, 7 tháng 10, 2020

Chuyện của 3 cô dâu bị bán ở Ấn Độ

Điều đặc biệt là các nạn nhân thường đồng ý với những cuộc hôn nhân nhằm mong thoát khỏi cảnh nghèo đói và gánh nặng của hồi môn.

{keywords}

“Tôi đã cố trốn thoát vào nửa đêm” - Mahira nhớ lại. “Với một chiếc túi nhỏ đã đóng gói, tôi rón rén tiến lại phía cửa vì nghĩ rằng anh ta đang ngủ. Đột nhiên, anh ta túm lấy tôi từ phía sau và tấn công tôi bằng một mảnh kính vỡ”. Tôi ngồi xuống, sững sờ khi cô kéo chiếc áo lên và để lộ một vết sẹo to dưới đầu gối.

Miền Bắc Ấn Độ là nơi có lịch sử đặc biệt về nạn mua cô dâu từ các bang khác do có quá nhiều nam giới nhưng không có đủ phụ nữ đến tuổi kết hôn. Nguyên nhân là do sự mất cân bằng giới tính - hậu quả của việc phá thai để chọn lọc giới tính.

Một nghiên cứu gần đây cho thấy phá thai để chọn lọc giới tính có thể khiến trẻ em gái được sinh ra ít hơn 6,8 triệu người vào năm 2030, trong đó miền Bắc nước này có tỷ lệ con trai cao nhất cả nước. Sự mất cân bằng giới tính này đã làm gia tăng hôn nhân giữa các nền văn hóa và giữa các khu vực, từ đó làm trầm trọng thêm nạn buôn bán cô dâu ở Ấn Độ.

Nhưng điều đặc biệt là các nạn nhân thường đồng ý với những cuộc hôn nhân nhằm mong thoát khỏi cảnh nghèo đói và gánh nặng của hồi môn. Bất chấp những thách thức và nhiều khó khăn khác nhau, họ thường chấp nhận ở lại cuộc hôn nhân vì con cái và lý do vật chất, xã hội hay văn hóa.

Mahira là một trong những người vợ như vậy. Cô không phải là người duy nhất phải trải qua sự bóc lột, bị cô lập xã hội, lạm dụng và thiếu các quyền cơ bản của con người.

Tôi gặp Mahira vào một buổi chiều ấm áp tháng 11 năm 2016 trong chuyến thăm đầu tiên của tôi tới ngôi làng có tên là Kherli ở huyện Mewat, Haryana.

Cô kể lại những ký ức mơ hồ khi rời khỏi nhà năm 14 tuổi, sau đó bị ép kết hôn với một người đàn ông ở Haryana gấp 3 lần tuổi cô. Một người họ hàng dẫn cô đi với lý do tham quan thành phố Delhi - nơi cô bị bán cho một người môi giới.

Người ta cho rằng người họ hàng của Mahira và kẻ môi giới đã nhận được tiền cho thỏa thuận này, nhưng trong nhiều trường hợp, cha mẹ của cô gái - người bán con gái - cũng không nhận được bất kỳ khoản tiền nào mặc dù đã được hứa. Thường thì chỉ có “đại lý hôn nhân” mới kiếm được lợi nhuận từ việc buôn bán.

Mahira được một người đàn ông 45 tuổi theo đạo Sikh mua với giá 104 USD (hơn 2 triệu đồng). Anh ta sống trong một ngôi làng nhỏ ở Haryana, làm nghề lái xe và làm thuê trên cánh đồng. Năm 28 tuổi, Mahira là mẹ của 3 đứa con và kiếm được 2 rupee (chưa đến 1 nghìn đồng) cho mỗi giờ làm việc trên cánh đồng.

Cuộc sống của cô trở thành một cuộc vật lộn khi phải đối mặt với người chồng nghiện rượu, trong khi vẫn phải làm việc nhà và làm việc ngoài đồng. Với nhiều phụ nữ mà tôi gặp, thật khó để họ nhớ được tuổi của mình bởi vì họ còn quá trẻ lúc kết hôn (hầu như 14-17 tuổi). Vì thế, không thể xác định được tuổi chính xác của Mahira. Nhưng chỉ biết là cô kém chồng hơn 30 tuổi.

Chồng Mahira qua đời năm 2014. Kể từ khi trở thành góa phụ, Mahira sống một mình cùng các con trong một ngôi làng nhỏ ở Mewat, Haryana. Cô đứng dậy lấy bức ảnh nhỏ của người chồng quá cố - một người đàn ông trông như đã ngoài 60 tuổi với bộ râu dài và vẻ mặt vô hồn.

15 năm sau, Empower People, một tổ chức tiên phong về việc thực hiện chiến dịch chống buôn bán hôn nhân, đã giúp Mahira đoàn tụ với gia đình ở Assam. Khi họ khuyên cô rời Mewat để về nhà, Mahira đã nói rằng cô vẫn sẽ ở đây. “Tôi sẽ chịu đựng bất cứ điều gì được viết trong số phận của mình” - cô nói.

Còn nhiều người phụ nữ khác có hành trình hôn nhân giống như Mahira. Hầu hết họ hạn chế hoặc không liên lạc với gia đình. Trong nhiều trường hợp, những phụ nữ này bị coi là “mất tích” hoặc bị gia đình bỏ rơi do xấu hổ và kỳ thị.

{keywords}
Một ngôi nhà trong làng ở Mewat, Haryana

“Anh ta từng dùng giày đánh tôi”

Một lý do khiến việc thống kê chính xác số lượng cô dâu bị buôn bán rất khó khăn là vì họ thường bị gia đình mới và “đại lý” khai là người giúp việc. Câu chuyện của Sahar là một ví dụ.

Sahar mới 14 tuổi khi cô bị ép kết hôn với một người đàn ông 50 tuổi. Sinh ra và lớn lên trong một ngôi làng nhỏ ở Bihar, cô là con út trong 12 anh chị em. Kẻ môi giới hôn nhân của cô chính là chồng của người chị họ. Chồng mới của Sahar là một người đàn ông góa vợ và đang tìm vợ hai để nuôi 3 đứa con của anh ta và làm việc nhà.

Sahar kể, ban đầu bố mẹ cô khá do dự vì họ muốn các anh chị của cô kết hôn trước. Để thuyết phục họ, kẻ môi giới đã nói rằng chú rể sống ở Delhi và Sahar sẽ không phải sống quá xa nhà. Anh ta cũng cung cấp sai tuổi của chú rể và nói rằng anh ta mới chỉ có 1 đứa con từ cuộc hôn nhân trước.

Suốt 3 tháng đầu sau khi lấy chồng, Sahar chỉ khóc và cô lập mình với những người xung quanh. Sau đó, cô phát hiện ra rằng bố mẹ cô đã được cho sai địa chỉ của nhà chồng để họ không thể liên lạc với cô được nữa. Nếu họ tìm thấy cô, cô sẽ nói rằng cô muốn về nhà. Nhưng điều đó không xảy ra và cô không còn cách nào khác là thích nghi với nơi này.

Sau khi cầu xin chồng, cô được phép về thăm bố mẹ 1 lần dưới sự giám sát của người môi giới.

Chồng của Sahar qua đời khi con gái út của họ chào đời (cô bé không may cũng qua đời lúc 2 tuổi). Một mình cô nuôi 3 đứa con bằng việc làm ruộng.

Khi được hỏi liệu chồng cô có yêu cô không, cô đã trả lời: “Anh ấy thường nói rằng anh ấy không bắt cóc hay đánh cắp tôi từ bất cứ ai. Anh ấy đã kết hôn với tôi… Anh ấy từng đánh tôi bằng giày và làm gãy những chiếc vòng tay của tôi. Anh ta tức giận khi tôi nói rằng không muốn sống ở đây nữa…

Bây giờ tôi đã có điện thoại nhưng hồi ấy, chúng tôi chỉ có thư từ để liên lạc. Tôi phải làm thế nào để chạy trốn? Tôi sẽ đi đâu và làm thế nào để liên lạc với người khác?”.

An toàn và tác hại

{keywords}
Một căn phòng trong nhà của anh trai Mahira

Trong những trường hợp bé gái bị bắt cóc hoặc lừa lấy chồng ở ngoài bang, trải nghiệm của họ về sự cô lập, khác biệt có nhiều sắc thái hơn. Bất chấp những ràng buộc khác nhau, một số “chọn” ở lại và tiếp tục cuộc hôn nhân như một chiến lược sống còn.

Amreen mới 15 tuổi khi cô bé bị bắt cóc trên đường đi học về. Cô sống cùng mẹ và 3 em trai. Kể từ khi bố cô bỏ rơi gia đình, bà Mahnoor phải nuôi 4 đứa con và nộp học phí cho Amreen. Đầu tiên, Amreen được đưa tới Ambala ở Haryana - cách nhà hơn 2.000km. Sau đó, cô được đưa tới một ngôi làng khác - nơi cô kết hôn với một người đàn ông lớn hơn 12 tuổi.

Nhớ lại chuyện này, mẹ của Amreen kể: “Tôi không biết. Tôi từ nhà một người họ hàng về thì thấy con bé biến mất. Một tháng sau, tôi nhận được cuộc gọi từ con bé. Con bé nói rằng đã kết hôn với một ai đó và đang sống ở Haryana.

Sau đó, chồng con bé cầm máy và chúng tôi trò chuyện một lúc mặc dù chúng tôi không nói cùng một ngôn ngữ. Tôi tới thăm con bé một lần và bảo nó về nhà, nhưng nó từ chối về mà không có chồng đi cùng”.

Khoảng 5 năm sau - năm 2015, Empower People đã giúp tái hợp Amreen và mẹ. Tổ chức này và cảnh sát đã bắt đầu một nỗ lực giải cứu nhưng Amreen từ chối về nhà với mẹ. Cô nói với mẹ rằng, có 2 người đàn ông đã bắt cô lên xe ô tô, rồi đưa tới Haryana. Lúc ấy, chồng cô khẳng định đã thấy cô ở ga tàu và tìm cách giải cứu cô khỏi những kẻ bắt cóc. Sau đó, họ quyết định kết hôn.

Câu chuyện cuộc đời của 3 người phụ nữ này cho thấy vấn đề buôn bán cô dâu không thể được đánh đồng với các hình thức buôn bán người khác đã được pháp luật công nhận. Đó là một hình thức bóc lột được gắn trong thể chế hôn nhân.

Lắng nghe những người phụ nữ này tâm sự, tôi hiểu và nhận ra mong muốn và quan điểm của họ. Họ nói về những mục tiêu, những ký ức thời thơ ấu, những suy nghĩ về tình yêu, hôn nhân và sự phân công lao động theo giới tính. Câu chuyện của họ tiết lộ rằng, ngay cả khi phải đối mặt với sự áp bức và bị lạm dụng thường xuyên, họ vẫn thương lượng về quyền của mình và “mặc cả” với chế độ gia trưởng hằng ngày.

Với sự hỗ trợ của các tổ chức cơ sở và các nhà hoạt động địa phương, một số phụ nữ đã trở thành những người lãnh đạo và cố vấn cộng đồng.

Nhiều người trong số đó không muốn được “giải cứu”. Họ vẫn tin tưởng một cách mạnh mẽ rằng nạn buôn bán cô dâu và bất bình đẳng giới cần phải chấm dứt. Nhưng đồng thời, họ cũng mong muốn được ghi nhận những đóng góp của mình với tư cách là một người vợ, người mẹ, một phụ nữ góa bụa, chứ không chỉ là một “cô dâu bị bán”.

* Tên của các nhân vật trong bài viết đã được thay đổi để bảo vệ thông tin cá nhân.

Bài viết của tác giả Sreya Banerjea, nghiên cứu sinh của ĐH London (Anh).

Thiếu nữ Ấn Độ đổi đời sau khi đạp xe 1.200 km chở cha về nhà

Thiếu nữ Ấn Độ đổi đời sau khi đạp xe 1.200 km chở cha về nhà

Bốn tháng sau khi nổi tiếng nhờ câu chuyện đạp xe 1.200 km để đưa cha bị thương về quê, Jyoti Kamuri (Ấn Độ) được nhiều người giúp đỡ tiền bạc, vật chất.

Nguyễn Thảo (Theo The Conversation)  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét