Một người dân trong lúc xúc động đã thốt lên một câu khiến cả đoàn lặng người: “Nếu thôn chú có máy phát điện, dân làng ra quỳ lạy luôn”.
Nước lũ cuốn trôi mọi thứ. Ảnh: NVCC |
Gọi cho chị Yến sáng ngày 20/10, cuộc gọi không được nhấc máy. Nhưng ngay lập tức, chị nhắn lại: “Tôi đang nguy hiểm, sẽ gọi lại khi xuống xuồng”.
Những chiến binh
Đã 7 ngày nay, chị Giang Thị Kim Yến và đoàn thiện nguyện của mình lăn lộn trên đất Quảng Bình, Quảng Trị để tìm cách cứu người, trao tặng nhu yếu phẩm cho bà con vùng lũ.
Tính đến thời điểm hiện tại, đoàn của chị đã trao tặng 4 chiếc xuồng, 8 chiếc đang trên đường tới và gần chục chiếc nữa vẫn đang được đặt hàng tiếp. 10 ngàn chiếc áo phao được mang theo nhưng theo lời chị, đây là con số quá nhỏ so với hàng triệu người dân đang bị mắc kẹt trong biển nước.
Chia sẻ với PV khi đang đi xuồng trên sông Thạch Hãn (Quảng Trị), trời còn mưa rất to, chị Yến cho biết nhóm chị đang vào một khu vực thuộc huyện Triệu Phong đã bị cô lập 10-15 ngày nay, chưa đoàn cứu trợ nào vào tới được.
“Nhiều khi mọi thứ đã sẵn sàng nhưng điều kiện thời tiết không cho phép, ví dụ như đường sạt lở, xe không qua được, hay nước dâng lên nửa xe… Vì thế, mình biết còn rất nhiều nơi bị cách ly hoàn toàn”.
Nhóm thiện nguyện của chị Yến gồm 13 người đã tận tay tới hỗ trợ người dân miền Trung. Ảnh: NVCC |
Sáng nào, họ cũng ngồi họp để phân công hôm nay ai làm việc gì, đi đâu. Ảnh: NVCC |
Ngay từ những ngày đầu, nhóm thiện nguyện gồm 13 người của chị đã lên kế hoạch phải ưu tiên việc cứu mạng trước khi cứu đói. Vì thế, 10 ngàn chiếc áo phao đã được mua và chuyển tới miền Trung. Nhưng khi có áo phao rồi, bước chân vào rốn lũ, chị mới nhận ra “không thể thiếu xuồng”. “Một xã rất rộng, mà cả làng chỉ có 1 chiếc xuồng thì cứu mạng còn không đủ, chứ chưa nói cứu trợ”.
Ngay lập tức, chị tìm đặt mua xuồng. “Đi qua một tiệm thấy bán xuồng, mình thấy một chiếc bự quá, xuống hỏi giá thì người ta bảo 380 triệu đồng. Tụi mình đâu có nhiều tiền đến vậy. Cuối cùng, đành đặt 10 chiếc nhỏ xíu, giá 29 triệu đồng/ chiếc. Nhưng ngay ngày hôm sau, người ta lên giá 56 triệu đồng, thậm chí cũng không làm cho mình luôn. Đặt 10 chiếc mà người ta giao có 4 chiếc”.
Chị kể, phải vào tận nơi mới biết tình hình khẩn cấp và kinh khủng đến nhường nào. “Nó không giống như những gì mình tưởng tượng hay xem trên tivi. Nó khủng khiếp hơn rất nhiều”.
“Ngày thứ 2, cả nhóm đi xuồng suýt bị lật, lúc ấy tất cả mọi người chỉ biết cầu nguyện. Bình thường chỉ là con sông nhỏ, nhưng khi nước lên thì giống như mình đang đi giữa biển” - chị Yến nhớ lại những khoảnh khắc nguy hiểm trong những ngày qua.
Người dân làm bè bằng cây chuối. Ảnh: NVCC |
Thấy mình thật bé nhỏ trước mẹ thiên nhiên
Suốt một tuần vật lộn với sóng nước, có những hình ảnh đã khiến tim chị nhói đau. “Cách đây 2 ngày, khi mình đang đi trên sông Thạch Hãn, vừa vào tới đầu nguồn của dòng sông thì thấy một người mẹ có con nhỏ đập cửa quá trời, kêu cứu. Chị ấy muốn xin đồ cứu trợ, mà kế hoạch của nhóm mình là đi vô trong xã sâu hơn mới phát quà, chứ chưa phát quà ở ngoài thị trấn. Nhưng mới đi có 100-200 mét thôi mà phải chứng kiến cảnh tượng đau lòng như vậy. Lúc ấy, mình cảm thấy sức của mình thật nhỏ bé”.
“Khi đi sâu hơn nữa thì mình chứng kiến rất nhiều người phải lên nóc nhà, làm bè chuối… Nhiều cụ già không di chuyển được, trẻ con không có áo phao, động vật cũng bơ vơ, lội nước, chết chóc… Thương vô cùng”.
“Mình chứng kiến những đứa con nít lạnh run, ăn cơm với muối, người già không ai chăm sóc... Thương vô cùng". Ảnh: NVCC |
Hôm nay, nhóm chị cử người đi đám tang của một người dân ở Thạch Hoá (Tuyên Hoá, Quảng Bình) đã chết cách đây 10 ngày trên đồi nhưng không ai phát hiện ra. “Mình chứng kiến những đứa con nít lạnh run, ăn cơm với muối, người già bệnh tật không chăm sóc được cho bản thân… Nhiều nơi chỉ còn 1-2 mét nữa thôi là không còn cả nóc nhà mà leo. Trước những cảnh tượng ấy, mình thấy đau lòng, thấy mình nhỏ bé trước mẹ thiên nhiên. Rồi mình lại ước mình có trực thăng…”.
Chị bảo, nhiều người đang rất muốn vào tận nơi để cứu trợ cho bà con. Nhưng đường vào rất gian nan.
“Vào được đến đây là đã rất nguy hiểm. Nhưng khó hơn là làm thế nào để tiếp cận được người dân ở những khu vực sâu hơn khi mà xuồng bè thì ít, lại nhỏ. “Áo phao, xuồng là những thứ quan trọng nhất bây giờ. Thậm chí, hôm qua mình có hỏi thuê trực thăng nhưng hỏi 3 chỗ đều không được”.
“Thực ra, ban đầu mình chỉ có ý tưởng, chứ đâu có tiền thuê trực thăng. Nhưng một mạnh thường quân nói với mình ‘em đừng có lo. Em hỏi đi, chị sẽ kiếm người trả tiền cho em’. Nghe vậy mình vui lắm. Nhưng ý tưởng cũng không thành”.
Chị Giang Thị Kim Yến phát quà cho người dân vùng lũ. Ảnh: NVCC |
13 chiếc máy phát điện đầu tiên được trao cho 13 thôn xã của tỉnh Quảng Trị. Ảnh: NVCC |
Chị bảo, nhóm của chị có tất cả 13 thành viên, hội tụ từ 3 nhóm thiện nguyện khác nhau. Nhưng bây giờ không phải là lúc phân biệt nhóm này, nhóm kia, mà là lúc cần phải hợp sức lại.
“Những ngày này, mình thấy tụi mình giống như là những chiến binh, và đây chính là chiến trường, chứ không còn là việc đi trao mấy phần quà nho nhỏ như những chuyến đi thiện nguyện khác”.
Hôm nay, sau khi đi trao 13 chiếc máy phát điện cho 13 thôn xã đầu tiên của Quảng Trị, chị Yến chia sẻ dòng trạng thái trên trang Facebook cá nhân: “Chưa khi nào đi phát quà mà cảm động và khóc như hôm nay”.
Đã nửa tháng nay người dân ở 13 thôn xã này phải sống trong đêm tối. Không có điện đồng nghĩa với đói thông tin, đói ánh sáng, đói năng lượng: điện thoại hết pin, không thể kêu cứu; người dân thiếu thông tin, bão vào dồn dập, không biết; không thể nấu ăn…
Một người dân trong lúc xúc động đã thốt lên một câu khiến cả đoàn lặng người: “Nếu thôn chú có máy phát điện, dân làng ra quỳ lạy luôn”.
Ngủ trên ca nô, ăn lương khô giải cứu người trong lũ dữ
Thượng tá Trần Đức Tới, Trưởng Công an huyện Lệ Thủy, Quảng Bình cho biết, hơn 200 chiến sĩ tham gia cứu hộ người dân còn mắc kẹt trong vùng lũ.
Nguyễn Thảo
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét