Thứ Năm, 22 tháng 10, 2020

Ngôi chùa có 80 lớp học ngoại ngữ miễn phí ở Sài Gòn

Nằm sâu trong con hẻm nhỏ đường Quang Trung, phường 14, quận Gò Vấp, TP.HCM, Trung tâm ngoại ngữ và bồi dưỡng văn hoá miễn phí Thiện Nhơn do chùa Lá mở ra đã hoạt động được hơn 10 năm nay.

{keywords}
Các lớp học ngoại ngữ miễn phí của chùa Lá đã hoạt động hơn 10 năm nay. Ảnh: NVCC

Trung tâm ngoại ngữ miễn phí Thiện Nhơn tiền thân là những lớp học ngoại ngữ do thầy trụ trì chùa Lá - Thích Nhuận Tâm sáng lập.

Vốn là cựu sinh viên khoa Ngữ văn, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM, thầy Tâm chia sẻ, cách đây 10 năm, khi đất nước bắt đầu hội nhập, thầy trăn trở một điều rằng, đất nước muốn phát triển, đầu tiên phải có ngoại ngữ.

Trong khi đó, các em sinh viên ở quê lên Sài Gòn trọ học, tốn kém bao nhiêu thứ tiền, tới trung tâm học ngoại ngữ thì đắt đỏ. Nghĩ vậy, thầy quyết định mở lớp dạy ngoại ngữ miễn phí với đối tượng chính nhắm đến là sinh viên, những mong được đóng góp một phần nhỏ công sức của mình cho sự phát triển của đất nước.

Ngày đó và cho cả đến bây giờ, diện tích chùa Lá rất nhỏ bé, cơ sở vật chất đơn sơ. Thầy Tâm chia sẻ nguyện vọng của mình với một người bạn và được nhà hảo tâm này đóng góp 100 triệu để bắt tay vào thực hiện.

Lớp học đầu tiên của chùa chỉ có 30 học viên. Rồi tiếng lành đồn xa, số lượng học viên ngày càng đông. Đến nay, Trung tâm đã có 80 lớp học với 3.000 học viên, dạy 6 ngoại ngữ: Anh, Hoa, Nhật, Đức, Pháp, Hàn, mỗi khoá học kéo dài 3 tháng.

Thầy Tâm kể, ngày đó thầy trả lương cho giáo viên 3-4 triệu đồng/tháng. Sau đó, được nhiều người biết đến, các thầy cô tự nguyện đến dạy miễn phí cho trung tâm. “Bây giờ, thầy chỉ gửi mỗi thầy cô 1-1,5 triệu đồng/tháng gọi là tiền xăng xe, đi lại”.

Trung tâm hiện có 80 lớp học thì được các giáo viên hỗ trợ 50% số lớp, tức là mỗi tháng chùa vẫn phải hỗ trợ tiền đi lại cho các giáo viên lên tới 40-50 triệu đồng.

Để thu hút được đông đảo giáo viên tới dạy như bây giờ, những ngày đầu, thầy Tâm phải đi đến từng trường đại học, cao đẳng mời giảng viên về dạy cho chùa. Nhiều giảng viên khác thông qua bạn bè, người quen tự tìm đến trung tâm và nhiều người đã gắn bó tới tận bây giờ.

Thầy Tâm nói, chùa may mắn được các mạnh thường quân quan tâm và các doanh nghiệp chung tay góp sức. Bản thân thầy Tâm cũng là Phó Chủ tịch Hội Đá cảnh, Đá phong thuỷ Việt Nam, nên như lời thầy nói, “thầy cũng có chút tài lẻ” về lĩnh vực này. “Thầy đi viết thư pháp, sưu tầm đá cảnh, đá phong thuỷ bán lại cho các doanh nghiệp để có tiền về lo cho trung tâm”.

Những ngày đầu, chùa nhỏ, mặc dù đã dành hầu hết không gian của chùa cho các lớp học nhưng cũng chỉ sắp được 3 phòng học. Đến nay, sau khi mua thêm một ngôi nhà nhỏ cạnh chùa, trung tâm đã có 7 phòng học, mỗi phòng có sức chứa từ 30-40 học viên.

Để 80 lớp học được tổ chức trong 7 phòng học, ban điều hành trung tâm phải sắp xếp các lớp từ 7h30 phút sáng cho tới 9h30 phút tối, học cả các ngày cuối tuần và không có nghỉ hè.

Ngoài các lớp ngoại ngữ, trung tâm còn tổ chức cả lớp học đồ hoạ, guitar và tin học cho các em.

Mặc dù là học miễn phí nhưng trung tâm luôn đưa ra những quy chế rất nghiêm với các học viên: Nghỉ học phải có đơn xin phép, vắng 3 buổi trở lên không có lý do chính đáng thì có thể cho nghỉ học luôn để nhường chỗ cho bạn khác. Ngoài ra, trung tâm cũng biểu dương các bạn đi học đầy đủ, tích cực tham gia các hoạt động xã hội của chùa.

{keywords}
Thầy Thích Nhuận Tâm (giữa) trong một hoạt động thiện nguyện của chùa. Ảnh: NVCC

Thầy Tâm chia sẻ, niềm vui lớn nhất của trung tâm là sự giao lưu, trao đổi văn hoá giữa các bạn sinh viên Việt Nam và các giáo viên nước ngoài đến với chùa. Những giáo viên này sang Việt Nam theo các chương trình trao đổi văn hoá và được các tổ chức giới thiệu tới chùa Lá để dạy học, để được ăn ngủ tại chùa và giao lưu văn hoá với người bản địa.

“Nhiều thời điểm, nhà chùa quy tụ rất nhiều bạn trẻ tới từ các quốc gia, ăn ngủ, ngồi thiền, học tập cùng nhau, không phân biệt màu da, tôn giáo. Đó là điều thầy vui và đánh giá cao”.

Chính vì quan điểm đó mà nhiều sơ của các nhà thờ cũng đến chùa học ngoại ngữ. Thầy Tâm cho biết: “Trong chùa, thầy chưa bao giờ nói giáo lý cho các học viên. Lý do là gì? Mình mở lớp ra dạy, bây giờ nói giáo lý, các bạn lại nói thầy mở lớp để truyền đạo. Nó làm các bạn hiểu sai mục đích của mình đi”.

Nhưng thầy Tâm kể, đôi khi rảnh, thầy lại tập hợp 5-7 lớp lại để nói chuyện giáo lý bằng ngôn ngữ đời thường, từ những câu chuyện giản dị trước mắt cho tới giá trị sống, mục đích sống.

Theo thầy, học ngoại ngữ không chỉ là để phục vụ những mục đích trước mắt như đi du học, xin việc làm… mà quan trọng hơn, học ngoại ngữ là để học những cái hay, cái tốt của nước bạn để mang về Việt Nam áp dụng. “Thầy luôn nhấn mạnh điều đó trong những buổi chia sẻ với các học viên”.

Sư trụ trì ở Sóc Trăng nấu sữa bắp bán, nuôi trẻ mồ côi

Sư trụ trì ở Sóc Trăng nấu sữa bắp bán, nuôi trẻ mồ côi

Trước cổng chùa Phước Sơn (P6, TP Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng), sư thầy Thích Từ Minh bán sữa bắp, sữa hạt sen, nước nha đam, lấy kinh phí nuôi các trẻ mồ côi.  

Đăng Dương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét