Kiều Anh cho biết, từ lúc còn nhỏ em đã được dạy bảo không tham của rơi. Thế nên, ngày nhặt được số tiền lớn, em cũng không thông báo, hỏi ý kiến gia đình về việc mang đi trả lại.
Không tham của rơi
Phải khó khăn lắm Bùi Thị Kiều Anh (21 tuổi, sinh viên trường Đại học Công nghệ Hutech) mới tranh thủ giờ giải lao để trò chuyện cùng chúng tôi. Kiều Anh nói, em không muốn được nhiều người biết đến sau khi trả lại khoảng 200 triệu đồng nhặt được trước cổng nhà trọ.
“Em thấy việc trả lại số tiền trên không phải là chuyện gì to tát. Bởi, em tin chắc rằng, đa số mọi người khi nhặt được số tiền ấy cũng sẽ hành động như em”, Kiều Anh chia sẻ.
Nữ sinh 21 tuổi cho biết, trưa 11/10, khi đi làm về đến cổng nhà trọ trên đường Trần Văn Kỷ (phường 14, quận Bình Thạnh, TP.HCM), Kiều Anh nhìn thấy vật lạ màu xanh. Đến gần quan sát, cô gái phát hiện vật màu xanh này là nhiều cọc tiền có mệnh giá lớn.
Khu vực Kiều Anh nhặt được số tiền 200 triệu đồng. (Ảnh nhân vật cung cấp). |
Nữ sinh chia sẻ: “Ban đầu, em cũng tưởng đây chỉ là tiền giả thôi. Sau đó, nhìn kỹ lại, em biết đây là tiền thật. Biết là người khác đánh rơi, em nhìn xung quanh xem có ai đang tìm kiếm không nhưng không thấy ai có biểu hiện ấy cả”.
Cầm số tiền lớn trên tay, thay vì nổi lòng tham, tâm trí cô gái trẻ lại ngổn ngang nỗi lo lắng, sợ hãi. “Em sợ ai đó nhìn thấy mình nhặt được tiền sẽ tìm đến nhận vơ. Em cũng sợ người ta không chịu cho em trả lại số tiền này. Lúc đó, em sẽ rất khó xử. Cầm tiền mà lòng em rối bời”, cô gái kể.
Để đảm bảo an toàn cho số tiền và việc trả lại cho người bị mất, Kiều Anh nhanh trí ném các cọc tiền vào trong sân nhà trọ rồi mới dắt xe vào sau. Sau đó, cô gái đem số tiền này lên phòng trọ và nghĩ cách trả cho khổ chủ.
Cô gái kể: “Lúc nhặt được tiền, em chỉ muốn trả ngay cho người bị mất vì tin rằng chắc họ đang rất buồn. Tuy nhiên, em không biết ai đánh rơi. Ban đầu em định sẽ đăng thông tin mình nhặt được tiền lên các trang mạng xã hội nhưng nhận thấy như vậy sẽ nguy hiểm cho mình vì số tiền này rất lớn”.
“Cuối cùng, em nghĩ nên đem đến nhờ cơ quan công an tìm người bị mất để trả lại cho họ. Thế là em đội mưa, chạy ngay đến trụ sở công an gần nhà trọ để nhờ họ tìm người bị mất giúp. Trên đường đi, em rất sợ và run vì đang cầm một số tiền lớn. Chỉ khi bàn giao xong, em mới thấy nhẹ nhàng, thoải mái”, Kiều Anh kể.
Kiều Anh lúc đến trụ sở công an bàn giao số tiền khoảng 200 triệu đồng mà em nhặt được. (Ảnh: Báo Công an TP.HCM). |
Luôn đặt mình vào hoàn cảnh người khác
Trò chuyện một lúc, Kiều Anh xin phép chúng tôi để trở lại quán làm việc. Theo tìm hiểu của chúng tôi, cô gái đã đi làm thêm từ năm 2 đại học dù gia cảnh không thuộc diện khó khăn.
Kiều Anh chia sẻ, nhà chỉ có 2 anh em và ba mẹ còn trẻ, có việc làm đem lại thu nhập nên kinh tế gia đình ổn định. Hàng tháng, em đều được gia đình chu cấp tiền ăn học đầy đủ. Tuy vậy, cô gái vẫn xin phép cha mẹ đi làm thêm từ khá sớm.
Em nói, việc đi làm thêm giúp em tích lũy kinh nghiệm sống, có thêm nhiều trải nghiệm, bạn bè. Và, những trải nghiệm ấy khiến em tin rằng, người đánh rơi số tiền mà em nhặt được đang rất buồn, thậm chí hoang mang cực độ.
Kiều Anh phân tích: “Em cũng đi làm để kiếm tiền nên em biết để làm ra đồng tiền không hề dễ dàng huống chi là một số tiền lớn đến vậy. Em nghĩ, nếu người ta để cả trăm triệu đồng trong người lúc đi ra ngoài như thế chứng tỏ họ đang có việc gấp và đang rất cần số tiền này”.
“Với lại, em đặt lại trường hợp gia đình bạn bè mình làm rơi một số tiền lớn như vậy thì em cũng rất buồn, lo lắng. Em cũng rất mong có người nhặt được và trả lại cho mình. Nghĩ vậy, em nôn nóng tìm được người đánh rơi để trả lại số tiền”, cô gái trẻ nói thêm.
Hơn thế, Kiều Anh quả quyết, từ lúc còn nhỏ em đã được gia đình, nhà trường dạy bảo không tham của rơi. Thế nên, ngày nhặt được số tiền lớn, em cũng không thông báo, hỏi ý kiến gia đình việc mình sẽ đem đến trụ sở công an nhờ cơ quan chức năng trả lại cho người bị mất. Bởi, em biết gia đình sẽ luôn đồng ý với cách làm của mình.
Em kể: “Sau khi bàn giao số tiền nhặt được cho công an, trên đường về phòng trọ, em mới gọi điện thoại, kể cho mẹ nghe. Nghe xong mẹ nói em làm như vậy là đúng. Bởi, đây là số tiền lớn và không phải do mình làm ra nên không thể chiếm giữ, sử dụng”.
Trao đổi thêm với chúng tôi xung quanh hành động đáng trân trọng trên, Kiều Anh cho biết, điều em quan tâm nhất trong bây giờ là người đánh rơi sẽ biết tin và đến trụ sở công an nhận lại số tiền. “Em chỉ mong người đánh rơi sớm biết tin để đến nhận lại số tiền. Với em đó là điều quan trọng nhất lúc này”, cô gái nói.
Chàng trai 25 tuổi được châu Âu vinh danh: Làm an toàn thông tin để luôn theo kịp công nghệ
Sơn không thích nói những chuyện to tát mà chỉ khẳng định rằng cậu thích việc mình đang làm và sẽ cố gắng làm nó tốt nhất có thể.
Nguyễn Sơn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét