Thứ Năm, 31 tháng 12, 2020

Cha đẻ 'ATM gạo': Chân thành là giải thưởng danh giá, tôi không dám nghĩ tới

Anh Hoàng Tuấn Anh, người phát minh ra ATM gạo chia sẻ những cảm nghĩ của mình khi nhìn lại hành trình làm từ thiện trong cuộc phỏng vấn mới đây cùng VietNamNet.

{keywords}

Hoàng Tuấn Anh được ban biên tập và độc giả báo VietNamNet bình chọn là một trong 4 Nhân vật truyền cảm hứng năm 2020. Lễ vinh danh đã diễn ra vào tối ngày 18/12 tại Hà Nội nhân dịp kỷ niệm 23 năm ngày thành lập báo.

Cảm xúc của anh khi trở thành một trong 4 nhân vật truyền cảm hứng năm 2020 của báo VietNamNet?

Tôi bất ngờ vì chương trình ATM gạo cũng đã qua 5, 6 tháng. Có những người ở huyện Nhà Bè, đạp xe mười mấy, hai mươi cây số chỉ để nhận túi gạo trị giá chỉ 20 nghìn đồng. Mỗi khi nhắc lại, tôi nhớ những lúc mỗi ngày phát đến cả chục nghìn lượt gạo và rất phấn khởi. Đó chính là động lực thúc đẩy tôi làm việc để hoàn thành mục tiêu phát hơn 1 triệu lượt người. Khi đạt được mốc 1 triệu lượt người cũng là lúc mùa Covid lần 1 kết thúc.

Các mạnh thường quân có người chạy những chiếc xe 5 tỷ, 10 tỷ để chở hàng tấn gạo trong đó, nhét từ băng ghế sau, ghế tài xế, cho tới kéo ghế sát vô lăng để chứa gạo. Đối với họ, trong thời điểm khó khăn, chiếc xe không có ý nghĩa gì nữa, chỉ mong giúp được người khác. Khi nhìn hình ảnh một đoàn xe chở gạo, từ xe đạp, xe máy, xe tải,... hay thậm chí có người ở nước ngoài đặt gạo qua ứng dựng mà tiền gửi nhiều hơn giá trị gạo, tôi trân quý những việc làm đó.

ATM gạo đã đi sâu vào những con người khó khăn nhất, kết nối được một khoảng lặng, một đoạn đường ngắn trong mùa Covid, để họ có thể vượt qua và trở lại với cuộc sống bình thường. Giống như trên đường đời, bỗng xuất hiện cái hố "dịch Covid", nếu mình không lấp đầy nó bằng những túi gạo, có thể đó sẽ là những vực sâu khó lường. Họ có thể làm những việc sai trái như cướp giật, người già có khả năng sẽ không có đủ lương thực,...

Những túi gạo này "lát phẳng" những con đường, "lát phẳng" vực sâu trên đường đời và "ăn sâu" vào rất nhiều người trong xã hội. Được nghe những câu chuyện như thế, tôi luôn dâng trào cảm xúc và sự thành công của cây ATM gạo là rất có ý nghĩa.

{keywords}

Áp lực của anh khi được nhận và phân phát một lượng gạo rất lớn là gì?

Trong 5 tấn gạo đầu tiên, tôi chỉ bỏ ra 1 tấn còn lại mình nhờ bạn bè và các đối tác giúp đỡ. Nhưng khi nhận được thêm sự đóng góp của vài ngàn người là sự thay đổi lớn hơn. Những người biết mình họ tin tưởng, nhưng đối với những người không biết, làm sao để họ tin tưởng là một áp lực lớn.

Trong khoảng mười mấy ngày, công ty nhận đến 300 tấn gạo. Nhân viên toàn làm kỹ thuật, văn phòng ban ngày mang vác các bao 25, 50 ký gạo, ban đêm thì chế tạo máy ATM gạo, những thời điểm khác thì phải vận hành máy để phát gạo là một sự nỗ lực rất lớn.

Áp lực phân chia công bằng cũng rất khó dù máy ATM gạo đã giúp đỡ một phần. Mọi thứ đều phải minh bạch, từ khi nhập tới phân phát, các mạnh thường quân đều sẽ biết ai được nhận gạo. Vào chiều tối, các mạnh thường quân còn đứng bên kia đường để giám sát hoạt động phát và nhận gạo. ATM gạo nhận được sự tin tưởng chính bởi sự minh bạch khi phân phát.

Sau ATM gạo, anh còn phát triển ATM khẩu trang, những cây ATM đó đang hoạt động ra sao?

Về ATM khẩu trang, tôi hơi tiếc vì chưa hoàn thành được mục tiêu phát được 1 triệu khẩu trang. Tiếc không phải vì con số đó mà tiếc vì bản thân đã nhìn thấy được vấn đề mà không ngăn chặn được. Hiện tại, Covid đã là mùa thứ 3, nhưng vẫn còn một số người không chịu đeo khẩu trang, dễ có nguy cơ lây nhiễm.

Việc đeo khẩu trang rất quan trọng và chi phí cho một chiếc khẩu trang rất rẻ so với một cái máy thở vài triệu, vài chục triệu, thậm chí là cả tính mạng. Người dân Việt Nam cần thay đổi sự chủ quan đó. 

{keywords}

Với cây ATM gạo, anh đã gặp sự cố và chịu không ít sức ép từ dư luận, điều gì là mấu chốt hay động lực nào đã giúp anh kiên cường tiếp tục hoạt động?

Khi gặp sự cố đó, tôi cũng hơi bất ngờ vì giúp đỡ mà lại bị chửi bới, tạo áp lực, hăm doạ và cũng không có kinh nghiệm để giải quyết. Điều này cũng ảnh hưởng tới việc kinh doanh, Facebook của công ty không thể sử dụng vì bị nhiều đơn vị khác tấn công. Nhưng sau đó, tôi nhận thấy nhiều đơn vị khác còn gặp các vấn đề lớn hơn mình rất nhiều.

Đối với tôi, lời hứa rất quan trọng, khi đã hứa rằng sẽ triển khai một trăm máy và giúp đỡ 1 triệu lượt người mà chỉ giúp được khoảng vài trăm ngàn người rồi ngưng là thất hứa. Tôi không muốn điều đó vì với tôi, lời hứa quan trọng hơn tiền bạc và rất nhiều thứ. Tôi nhận thấy, đa số những người tạo áp lực hay hăm dọa không phải là những người góp gạo. Tôi chịu trách nhiệm đối với những người đã đóng góp gạo cho mình, làm sai thì sẽ sửa.

Khi tôi thực hiện chương trình, nhân viên tự nguyện là chủ yếu. Một ngày bình thường, họ làm 8 tiếng nhưng bây giờ lên đến 20 tiếng nhưng không ai than phiền. Tuy nhiên, khi sự cố xảy ra, có nhiều thành viên vẫn còn rất trẻ 18, 20  tuổi, chưa từng trải qua những đợt khủng hoảng đã suy nghĩ tại sao mình cố gắng làm việc tốt mà suốt ngày bị chửi bới, thậm chí có người bị chặn đường hăm dọa, và nhiều lúc trở nên nản chí.

Động lực của tôi đến từ các mạnh thường quân, những người cùng làm và tôi đã nhận được cả ngàn lời ủng hộ. Khi sự cố đó diễn ra, càng nhiều người đến nhận và góp gạo hơn. Tôi đứng lên và nhận hết tất cả trách nhiệm, động viên nhân viên để có tinh thần tốt để làm việc, càng nhiều người ủng hộ, tôi càng lại phải cố gắng để làm tốt hơn. Tôi có xin lỗi trên báo chí để sự việc trôi qua một cách êm đẹp và tiếp tục làm để hoàn thành sứ mệnh của mình.

{keywords}

Có bao giờ anh cảm thấy muốn gục ngã trước những khó khăn đó?

Thật sự, lúc đó tôi dường như gục ngã rồi. Tôi cũng nói với nhân viên còn bao nhiêu gạo thì phát rồi chuyển sang đơn vị khác gom gọn lại và ngưng vào ngày mai. Đêm hôm đó, tôi trằn trọc, còn đến nhà của một anh bạn để suy nghĩ hành trình của mình liệu có nên tiếp tục hay không.

Tôi cũng tìm hiểu về một số bên có những bài viết không hay, hay một số đơn vị có bán máy ATM gạo công kích mình. Thiết kế của máy, cách vận hành tôi cho không, không hề bắt phải trả tiền bản quyền, không biết vì lý do gì mà họ trở nên ganh ghét.

Tất cả khiến tôi không cam tâm. Tôi tạo ra cây ATM gạo là đúng nhưng có những lỗi nhỏ lại bị xé ra to hoặc đẩy đi quá xa, một số công ty đối thủ bơm tiền vào để công kích mình. Nếu tôi gục ngã là mình đã chấp nhận những việc sai, những điều không đúng, chấp nhận thua đối thủ. Tôi không chấp nhận điều đó, lý lẽ đúng sẽ luôn chiến thắng.

{keywords}

Anh tự hào về người bố đã dành 17 năm giúp đỡ những người bị bệnh phong, đây chắc hẳn là một lý do khiến anh tâm huyết việc làm từ thiện?

Việc làm ATM gạo chỉ trong khoảng thời gian vài tháng nên so với công việc của cha tôi thì rất nhỏ nhoi. Hồi xưa, tôi từng ghé khoa phong nơi cha làm việc và thấy nhiều người bị phong lở loét, cụt tay, chân nhìn rất sợ. Tôi suy nghĩ sao cha có thể kiên trì làm trong vòng 17 năm vì đó là công việc có khả năng lây nhiễm cao. Hầu như những người bệnh phong hay bị xã hội xa lánh, nhưng cha mình vẫn chọn đảm nhận trông coi khoa phong.

Tôi cảm giác, là 1 đứa con của cha, nếu không bằng 1/10 thì cũng nên bằng 1/100. Vậy nên, tôi nghĩ cần làm điều gì đó để cha mình tự hào. Cha đã giúp được nhiều người như vậy, mình cũng cố gắng làm công việc nào đó ý nghĩa.

{keywords}

Anh có nhiều năm sống ở nước ngoài, nhưng qua cách anh nói chuyện, tôi thấy anh khá hiền, khác nhiều với sự quảng giao, năng động của các du học sinh khi trở về?

Những người đi du học về thường rất sôi nổi, tự tin. Có thể nói, ở nước ngoài, mình sẽ học kiến thức, khi trở về Việt Nam phải nhập gia tùy tục, học cách thích nghi. Nhiều người ở nước ngoài trở về Việt Nam không sống được vì quen lối suy nghĩ khác.

Tuy nhiên, tôi thấy cần có sự thích nghi để có thể phát triển. Như ATM gạo, mình phải hiểu được cách vận hành giữa các doanh nghiệp Việt Nam mới có thể kết nối được. Mình luôn nhìn nhận rằng ATM như một cầu nối, các doanh nghiệp họ có tài chính, cơ quan nhà nước có địa điểm, nguồn nhân lực, mình sẽ dựa trên những yếu tố đó rồi hợp lực lại với nhau tạo nên chương trình này. Mình phải hiểu vấn đề mới thích nghi và thực hiện được, còn nếu cứ suy nghĩ như bên nước ngoài, phải có điều kiện thì khó có thể thành công ở Việt Nam.

{keywords}

Sau tất cả, chữ "truyền cảm hứng" trong anh có ý nghĩa ra sao?

Điều tôi tâm huyết nhất khi làm cây ATM gạo là có được rất nhiều các mối quan hệ thân thương, sự chân thành và cảm mến của rất nhiều người. Các lãnh đạo thành phố, tỉnh và Trung Ương hoặc là các cô chú lớn tuổi khi gặp có một sự trìu mến, sự cảm phục dành cho một người nhỏ tuổi làm tôi rất hạnh phúc.

Khi mọi người gặp tôi tay bắt mặt mừng, cảm ơn vì đã làm được chương trình ý nghĩa, đó là một điều hạnh phúc, giống như tôi như nhận được một giải thưởng gì đó rất là danh giá, có nằm mơ cũng không nghĩ tới được. 

VietNamNet vinh danh 4 nhân vật truyền cảm hứng năm 2020

VietNamNet vinh danh 4 nhân vật truyền cảm hứng năm 2020

Bốn nhân vật truyền cảm hứng của năm 2020 do độc giả VietNamNet bình chọn đã được vinh danh vào tối nay (ngày 18/12) tại lễ kỷ niệm 23 năm thành lập báo.

Đình Tuyến - Thúy Vy - Mỹ Huyền - Minh Dũng

Thiết kế: Hằng Trần - Video: Đình Tuyến

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét