Chỉ trong vòng 5 tháng, nhóm sinh viên năm thứ 3 Trường ĐH Bách khoa TP.HCM đã nghiên cứu và chế tạo thành công những viên gạch nhẹ làm từ nhựa phế thải.
Gạch nhẹ sản xuất từ rác thải nhựa của các sinh viên Trường ĐH Bách khoa TP.HCM. Ảnh: NVCC |
Lạc Dân Hy - trưởng nhóm Octoplastic cho biết, ý tưởng của nhóm xuất phát từ thực tế: Hằng năm có khoảng 8 triệu tấn rác thải nhựa đổ ra biển. Riêng ở Việt Nam, hằng năm thải ra đại dương 0,28 đến 0,73 triệu tấn rác thải nhựa - chiếm 6% và đứng thứ 4 toàn thế giới - theo đại diện Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc công bố.
“Những sản phẩm bằng nhựa ngày nay rất được ưa chuộng vì tính tiện ích và gọn nhẹ. Tuy nhiên, tính khó phân hủy của chúng đã gây tác động nặng nề đến môi trường, đặc biệt là môi trường biển. Lượng rác thải từ nhựa, trong đó có nhựa PS, thải ra biển làm cho việc thu gom và xử lý trở nên khó khăn, gây mất mỹ quan đô thị đồng thời ảnh hưởng tiêu cực đến hệ sinh thái biển”.
Ngoài ra, với những rác thải nhựa được xử lý, phần lớn sẽ được đem vào lò đốt hoặc chôn lấp mà không được phân loại dẫn đến hiện tượng quá tải.
“Việc sử dụng lại những vật liệu nhựa không được tái chế sẽ giúp giảm thiểu được tình trạng quá tải đó, cũng như hạn chế ô nhiễm đất do xử lý rác không đúng cách mang lại” - Nguyễn Lê Nguyên Phương, một thành viên của nhóm giải thích.
Đó là lý do nhóm Octoplastic đã lên ý tưởng thực hiện mô hình sản xuất gạch nhẹ từ vật liệu thải với mong muốn có thể giải quyết được vấn đề này, nữ sinh sinh năm 2000 cho biết.
5 thành viên của nhóm Octoplastic với sản phẩm Gạch nhẹ từ rác thải nhựa. Ảnh: Nguyễn Thảo |
Quy trình sản xuất gạch nhẹ của nhóm trong phòng thí nghiệm gồm 3 công đoạn chính: Rửa, cắt hộp, ly nhựa và nghiền nhỏ theo dạng hạt; Cho xi-măng và nước vào cùng với hạt PS và trộn đều hỗn hợp; Đổ hỗn hợp vào khuôn và phơi khô hoặc sấy trong vòng 24 giờ.
Phương cho biết, lượng nước thải ra khi qua giai đoạn tiền xử lý, phần lớn là từ rác nhựa sinh hoạt. Vì thế, loại nước thải này gần như không độc hại, không chứa kim loại nặng và dễ phân hủy hữu cơ. Đồng thời, nước thải có thể được trung hòa và sử dụng lại cho các quy trình tiếp theo dẫn đến việc xử lý dễ dàng hơn cho đơn vị xử lý nước thải.
Năm thành viên đến từ khoa Kỹ thuật Hoá học, Trường ĐH Bách khoa TP.HCM cho biết, sau khi sản phẩm được “cho ra lò” từ phòng thí nghiệm, đã được chuyển sang các khoa Cơ khí và Xây dựng để kiểm tra khả năng chịu lực, độ cứng. Sản phẩm được đánh giá là đạt các tiêu chuẩn của Việt Nam và có thể đưa vào sử dụng trong thực tiễn.
“Gạch nhẹ có thể dùng để lót sân, lót nhà trên biển hay tường cách âm ở phòng thu, khách sạn… Tùy vào từng ứng dụng và đặc tính mà sản phẩm có nhiều hình dạng khác nhau - vuông, tròn, lục giác... cũng như các tỷ lệ trộn tương ứng”.
Ngoài ra, trong thời gian tới, nhóm cũng sẽ phát triển thêm một số ứng dụng khác như làm vật dụng sinh hoạt, đồ lưu niệm...
Sản phẩm có thể được sử dụng làm gạch lót sàn, tường cách âm, đồ lưu niệm... Ảnh: Nguyễn Thảo |
Lạc Dân Hy cho biết, hiện tại 1 viên gạch hoàn thiện của nhóm đang sử dụng 40-50% là chất liệu nhựa, còn lại là xi-măng và các vật liệu khác. Sở dĩ, sản phẩm có cái tên gạch nhẹ là vì chất liệu nhựa khiến viên gạch nhẹ hơn thông thường.
“Thời gian đầu, bọn em gặp khá nhiều khó khăn, ví dụ như trộn tỷ lệ các nguyên liệu không đạt chuẩn. Sau khi điều chỉnh, viên gạch đã đạt được độ cứng, độ chịu lực phù hợp”.
Nhóm cũng đã thực hiện khảo sát tại Hà Nội về tiềm năng sử dụng sản phẩm của nhóm thay thế các sản phẩm trên thị trường, thì có khoảng 86,7% người được hỏi cho biết muốn sử dụng sản phẩm.
Các thành viên của nhóm chia sẻ, với quy trình sản xuất đơn giản, nhiều hộ gia đình cũng có thể tự làm gạch nhẹ để xây dựng các công trình nhỏ mà không cần thiết bị phức tạp. Các nhà máy có thể đưa vào sản xuất quy mô công nghiệp với chi phí thuê nhân công thấp do không yêu cầu nguồn lực lớn.
Nhóm cũng cho biết, giá thành sản xuất của 1 viên gạch nhẹ đang khá cạnh tranh so với giá thành của gạch bán trên thị trường. Tuy nhiên, để có thể sản xuất với số lượng lớn, nhóm cần thêm sự hỗ trợ từ các chuyên gia và nhà đầu tư.
Cậu bé 8 tuổi gây chú ý khi sáng tác bài hát về môi trường
Với thông điệp nhân văn về việc bảo vệ môi trường, bài hát của Frankie Morland khiến nhiều người xúc động.
Nguyễn Thảo
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét