Thứ Sáu, 7 tháng 5, 2021

Người quyết định ai được sống, ai phải chết trong bệnh viện Ấn Độ

26 tuổi, còn chưa hoàn thành xong chương trình đào tạo y khoa nhưng bác sĩ Aggarwal phải đưa ra quyết định ai được sống, ai phải chết - việc mà anh cho rằng nên là trách nhiệm của Chúa.

Bác sĩ Rohan Aggarwal năm nay 26 tuổi. Năm sau, anh mới hoàn thành chương trình đào tạo y khoa của mình.

Nhưng ở một trong những bệnh viện tốt nhất của Ấn Độ, anh là người phải quyết định ai được sống và ai phải chết khi mà tất cả bệnh nhân đều đến bệnh viện trong tình trạng thở hổn hển, còn người nhà của họ thì quỳ xuống van xin được nhập viện.

Khi hệ thống chăm sóc sức khoẻ của Ấn Độ đang đứng trước bờ vực sụp đổ của làn sóng Covid tàn bạo lần thứ 2, tiến sĩ Aggarwal phải đưa ra những quyết định như thế trong 1 ca làm việc kéo dài 27 giờ của mình tại phòng cấp cứu của bệnh viện.

{keywords}
Bác sĩ Aggarwal, 26 tuổi phải quyết định ai được sống, ai phải chết khi bệnh nhân kéo đến bệnh viện, van xin để được nhập viện. 

Tất cả mọi người ở Bệnh viện Thánh Gia – các bệnh nhân, người nhà bệnh nhân và nhân viên y tế - đều biết rằng không có đủ giường bệnh, không có đủ bình oxy và quạt điện để giữ cho tất cả bước chân ra khỏi cổng trong tình trạng vẫn sống sót.

“Ai được cứu, ai không được cứu nên là việc do Chúa quyết định” – bác sĩ Aggarwal nói.

“Chúng tôi không được tạo ra để làm việc đó. Chúng tôi chỉ là những con người. Nhưng tại thời điểm này, chúng tôi phải làm việc đó”.

Ấn Độ đã lập kỷ lục toàn cầu khi báo cáo hơn 300.000 ca nhiễm mỗi ngày trong 2 tuần qua. Bệnh nhân vội vã chạy từ bệnh viện này sang bệnh viện khác, chết trên đường phố hoặc tại nhà, trong khi xe tải chở bình oxy phải di chuyển dưới sự bảo vệ của lực lượng có vũ trang để đến các cơ sở y tế có lượng dự trữ thấp. 

Các lò hoả táng hoạt động suốt ngày đêm, khói bốc lên nghi ngút khi cứ vài phút lại một thi thể được đưa tới.

Trong suốt ca trực như cuộc đua marathon của mình, bác sĩ Aggarwal nói rằng anh cũng lo sợ nếu mình bị nhiễm bệnh. Anh biết rằng ngay cả ở chính bệnh viện này cũng không có giường cho anh nằm.

Vị bác sĩ trẻ cũng chưa được tiêm vắc-xin vì hồi tháng Giêng khi các chuyên gia y tế được tiêm vắc-xin thì anh bị ốm. Đến tháng 2 thì anh nghĩ rằng tình hình đã bớt căng thẳng.

“Tất cả chúng tôi đều nhầm tưởng rằng virus đã biến mất” – anh nói.

{keywords}
Cùng với 1 đồng nghiệp, bác sĩ Aggarwal phải chịu trách nhiệm cho 65 bệnh nhân.

Khi bác sĩ Aggarwal bắt đầu ca trực của mình vào khoảng 9 giờ sáng, 4 thi thể đã được đưa tới nằm ở một trong những khu vực mà đội ngũ y tế được phép tháo các thiết bị bảo hộ của mình.

Trong phòng cấp cứu, điều kiện thậm chí còn chật chội hơn.

Các bệnh nhân và người nhà chen chúc nhau ở mọi chỗ trống. Người người không có gì bảo vệ ngoài chiếc khẩu trang vải đơn giản. Các bác sĩ và y tá cũng không trang bị đầy đủ đồ bảo hộ nữa. Đơn giản là vì như thế quá khó để làm việc.

Các xe đẩy sát nhau đến mức bệnh nhân có thể chạm vào nhau.

Một người đàn ông thậm chí còn nằm ở khu vực mà xung quanh là thùng rác y tế. Một người thân của ông đang kéo theo một bình oxy mới khi bình cũ sắp hết.

Bác sĩ trực trong phòng cấp cứu hiện là một trong những người quan trọng nhất của bệnh viện.

Trước khi bắt đầu ca trực của mình trong phòng cấp cứu, bác sĩ Aggarwal đi một vòng các phòng bệnh Covid-19 nói chung. Cùng với một đồng nghiệp lâu năm hơn, anh chịu trách nhiệm cho 65 bệnh nhân. Điều đó có nghĩa là anh có tối đa 3-4 phút để thăm khám cho mỗi người trước khi có bất cứ trường hợp khẩn cấp nào xảy ra.

Vừa đi khám được vài phút thì anh nhận được cuộc gọi khẩn cấp – một bệnh nhân của anh gặp vấn đề. Anh chạy xuống cầu thang, đi dọc theo hàng lang thiếu ánh sáng để đến phòng 323 – nơi một người đàn ông lớn tuổi hầu như không còn tỉnh táo.

“Tình hình ông ấy đang xấu đi” – anh giải thích cho người con trai.

Người con trai ngồi ôm đầu trong phòng chăm sóc đặc biệt. Đây là một trong những bệnh nhân may mắn. Ông được nhận vào khoa Covid-19, không giống như những người phải cầu xin để được vào đây, nên ông được tiếp cận với dịch vụ chăm sóc đặc biệt.

Một nhân viên bảo vệ được bố trí bên ngoài cửa phòng cấp cứu để đảm bảo người nhà bệnh nhân không dùng vũ lực để tranh giành giường bệnh.

Tháng trước, một người nhà bệnh nhân ở một bệnh viện khác của thủ đô đã tấn công nhân viên y tế bằng dao sau khi người thân của họ tử vong. Toà án cấp cao nhất của thành phố đã cảnh báo rằng các vấn đề về trật tự ở bệnh viện có thể xảy ra nếu tình trạng thiếu hụt tiếp tục kéo dài.

Đôi khi bác sĩ Aggarwal phải cầu xin các gia đình tìm nơi chữa trị khác.

Khi ca trực buổi sáng của anh sắp kết thúc sau khoảng 3 giờ, mắt anh đã đỏ bừng vì mệt mỏi.

Bác sĩ Aggarwal – người lớn lên ở Delhi – muốn trở thành bác sĩ từ năm 6 tuổi. Đây là một công việc rất được tôn trọng ở Ấn Độ.

Vượt qua những kỳ thi đầu tiên năm 19 tuổi, anh theo học trường y thuộc một bệnh viện công ở thủ đô.

Nhưng đây không phải là điều anh mong muốn khi chuyển tới Bệnh viện Thánh Gia – nơi có những hình vẽ Chúa ở khắp mọi nơi.

Bất kể đang ở đâu, bác sĩ Aggarwal cũng vẫn nghe thấy âm thanh của máy đo nhịp tim dù anh đang cố ngủ.

Nhưng anh còn nghe thấy cả tiếng máy móc đang chạy ngay trên chính chiếc giường nhà mình, khiến anh không thể nào quên được những cái chết dưới sự chăm sóc của anh – không phải do thiếu sự cố gắng mà do thiếu nguồn lực.

Bác sĩ Aggarwal thường ăn trưa trong bệnh viện, nhưng vào những ngày này, những âm thanh xung quanh quá sức chịu đựng của anh.

Anh chuyển sang ăn trưa trong một cửa hàng tiện lợi gần đó, với máy điều hoà mát rượi, ngũ cốc nhập khẩu và giọng hát nữ ca sĩ Selena Gomez nhẹ nhàng phát ra.

{keywords}
Bác sĩ Aggarwal chọn ăn trưa ở ngoài bệnh viện - nơi anh có thể thoát ra khỏi bầu không khí căng thẳng và ảm đảm trong ít phút.

“Thực sự là một bầu không khí buồn bã” – anh nói về bệnh viện khi ngồi ăn ở ngoài. “Tôi chỉ muốn nghỉ 1 tiếng hoặc ra khỏi bệnh viện một lúc để tái tạo lại năng lượng trước khi bắt đầu ca làm việc mới”.

Trước 3 giờ chiều một chút, bác sĩ Aggarwal quay lại ca trực của mình trong phòng cấp cứu. Anh ngồi sau bàn làm việc khi người nhà bệnh nhân vây quanh anh, cầu xin được nhập viện.

Anh đưa ra quyết định nghe có vẻ đơn giản.

“Nếu bệnh nhân bị sốt và tôi biết anh ta bị nhiễm bệnh nhưng chưa cần thở oxy, tôi không thể nhận anh ta” – anh nói.

“Đó là tiêu chí. Mọi người đang chết trên đường phố vì không có oxy. Vì thế những người không cần oxy, kể cả là bị bệnh, cũng thường không được nhập viện”. Đó là một sự lựa chọn.

“Một sự lựa chọn khác là khi tôi có một bệnh nhân lớn tuổi và một chàng trai trẻ. Cả hai đều đang cần oxy lưu lượng cao và tôi chỉ có 1 chiếc giường trong đơn vị chăm sóc đặc biệt. Tôi không thể để mình bị xúc động vào lúc đó, rằng ông ấy là cha của một ai đó. Bệnh nhân trẻ sẽ được cứu”.

Trong khi làm việc ở đơn vị chăm sóc đặc biệt, bác sĩ Aggarwal gặp một đồng nghiệp lớn tuổi hơn. Cả hai đều có bố từng bị nhiễm bệnh và gần đây đã bình phục. Họ đùa nhau, Aggarwal nhận ra suốt nhiều tuần nay mình không cười.

Cuối cùng, sau 27 giờ làm việc, ca của anh đã kết thúc. Anh kiệt sức đến mức chỉ muốn ngủ một giấc cho hết ngày hôm đó và cho cả ca làm việc tiếp theo.

Nhưng anh vẫn còn một cuộc gọi cuối cùng. Bố của một người bạn nhiễm bệnh, muốn nhờ anh giúp đỡ. Anh nhận được rất nhiều cuộc gọi như vậy mỗi ngày. 9 trong số 10 lần, anh không thể làm được gì dù người đầu dây bên kia có nài nỉ thế nào.

Anh lại đeo lại chiếc khẩu trang và quay vào bên trong.

{keywords}
Một ca làm việc của bác sĩ Aggarwal kéo dài 27 tiếng.

Nguyễn Thảo (Theo Reuters)

Tiêm vắc-xin Covid-19 xong, người già Mỹ bắt đầu 'ăn chơi' trong thận trọng

Tiêm vắc-xin Covid-19 xong, người già Mỹ bắt đầu 'ăn chơi' trong thận trọng

Đúng 2 tuần sau mũi tiêm vắc-xin Covid-19 lần 2, bà Sylvia Baer đã dành nguyên 1 ngày để đi khám mắt, làm móng và đi siêu thị - một lịch trình mà nếu là 12 tháng trước sẽ hoàn toàn không có gì đặc biệt.


Blog được phát triển bởi https://chamsocnhacuahiendai.blogspot.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét