Được mệnh danh là "công dân Liên Xô cuối cùng", Sergei Krikalev đã lập một kỷ lục thế giới mà không ai mong muốn.
Được bay vào vũ trụ là giấc mơ của rất nhiều người trong số chúng ta, trong đó có những người sẵn sàng trả hàng chục triệu USD để được tận hưởng cảm giác này.
Thế nhưng khi giấc mơ vũ trụ không còn, mà bản thân lại đang bị mắc kẹt ngoài không gian và không thể trở về Trái đất, thì đó ắt hẳn là một cảm xúc vô cùng tồi tệ.
Đó là điều mà Sergei Krikalev - nhà du hành vũ trụ được mệnh danh "công dân cuối cùng của Liên Xô" đã phải nếm trải khi sứ mệnh của ông rẽ theo một hướng khó lường và thực sự nguy hiểm.
Người đàn ông bị "bỏ quên" ngoài vũ trụ
Ba thập kỷ sau chuyến bay đầu tiên vào vũ trụ của loài người do phi hành gia người Nga Yuri Gagarin (1934 - 1968) thực hiện ngày 12/4/1961 trên con tàu Phương Đông, Sergei Krikalev và Anatoly Artsebarsky tiếp bước dấu chân của người đàn ông vĩ đại.
Khi ấy, Krikalev - một kỹ sư 33 tuổi, là một người hoàn toàn vô danh, đã khởi hành chuyến đi lên trạm vũ trụ Mir từ sân bay vũ trụ Baikonur của Liên Xô.
Nhiệm vụ của Krikalev dự kiến kéo dài 5 tháng. Tuy nhiên khi chỉ còn 1 tháng nữa là kết thúc sứ mệnh, ông nhận tin "sét đánh" khi không thể trở về nhà vì đất nước hứa hẹn đưa ông về đã không còn tồn tại nữa.
Đó là thời điểm tháng 12/1991, khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, Liên Xô giải thể, và 15 quốc gia (bao gồm cả Nga) tuyên bố độc lập. Thế nhưng Krikalev vì trách nhiệm cao cả, đã không thể có mặt tại quê hương để có cơ hội lưu giữ những kỷ niệm cuối về một thời hào hùng.
Thực tế, quá trình huấn luyện của Krikalev không chuẩn bị cho việc ở trên vũ trụ lâu hơn thế. Tuy nhiên, ông tiếp tục nhận được yêu cầu ở lại vũ trụ nhiều tháng sau đó do không đủ kinh phí để thực hiện một chuyến bay khác.
"Tôi tự hỏi liệu mình có sống sót nổi hay không. Tôi không dám chắc. Teo cơ, phóng xạ, nguy cơ ung thư và hệ thống miễn dịch suy giảm sau mỗi ngày. Đó là một số hệ lụy có thể xuất phát từ việc ở ngoài không gian quá lâu", tạp chí Discover dẫn lời kể của Krikalev.
"Họ nói rằng, dù rất khó khăn cho tôi, không tốt cho sức khỏe của tôi, nhưng đất nước giờ đây đang lâm nguy, ưu tiên hàng đầu là phải tiết kiệm tiền".
Khi sứ mệnh được bay vào vũ trụ rẽ theo một hướng khó lường và thực sự nguy hiểm, thậm chí có nguy cơ bỏ mạng, Krikalev vẫn quyết định sẽ bám trụ ở trạm vũ trụ Mir, dù ông hoàn toàn có thể đi ngược lại mệnh lệnh để cứu lấy bản thân.
Theo các ghi chép, trạm Mir luôn có sẵn thiết bị phóng được thiết kế để phi hành gia sử dụng trong trường hợp khẩn cấp.
Nhưng nếu không có Krikalev ở lại, trạm Mir sẽ không có ai điều khiển, bảo dưỡng, và đối mặt nguy cơ bị hỏng hóc - khiến nó không thể tiếp tục đón các chuyến bay trong tương lai.
"Tôi nghĩ đến việc phải bảo vệ nơi này, công trình nghiên cứu này", Krikalev kể lại, đồng thời cho rằng lòng yêu nước đã tạo động lực cho ông tiếp tục ở lại để cống hiến.
Hành trình trở về
Krikalev cuối cùng cũng được quay về Trái đất vào ngày 25/3/1992, sau khi Đức trả 24 triệu USD để đưa kỹ sư Klaus-Dietrich Flade của nước này lên trạm Mir, qua đó gián tiếp giải phóng trách nhiệm cho Krikalev.
Như vậy, Krikalev đã có 311 ngày, tức 10 tháng, ở trên vũ trụ - lâu hơn gấp đôi so với dự kiến ban đầu.
Một bài báo mô tả bộ dạng của Krikalev khi trở về Trái đất "như một tảng bột nhào" và có tới 4 người đã phải giúp ông đứng vững, hỗ trợ ông khi ông đặt chân xuống mặt đất.
Từ một người vô danh, cả thế giới khi ấy mới biết đến ông như một "nạn nhân của vũ trụ". Ông cũng chính thức được tôn vinh là Anh hùng của nước Nga.
Câu chuyện của Sergei Krikalev có lẽ khiến chính anh nhớ mãi khi một năm trước đó còn là công dân Liên Xô, nhưng khi trở về Trái Đất đã mang một quốc tịch khác.
Trải qua biến cố đáng sợ khi bị bỏ quên ngoài không gian, song Krikalev vẫn tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp khám phá vũ trụ.
2 năm sau đó, ông lại lên đường thực hiện một nhiệm vụ khác trên vũ trụ. Lần này, ông trở thành nhà du hành người Nga đầu tiên bay trên tàu con thoi của NASA. Hai năm sau đó nữa, ông là người đầu tiên lên Trạm vũ trụ quốc tế (ISS).
Tính đến tháng 4/2015, phi hành gia Sergei Krikalev là người sinh sống ngoài vũ trụ lâu nhất trên thế giới với tổng thời gian là 803 ngày, 9 giờ, 39 phút.
Nhà du hành kiệm lời và khiêm tốn ấy đã khiến cả thế giới phải khâm phục bằng chính niềm đam mê với sự nghiệp khám phá vũ trụ của mình.
Không hào nhoáng, không đình đám, anh chinh phục mình, chinh phục vũ trụ và thế giới bằng những cống hiến đầy âm thầm, lặng lẽ.
Theo Dân Trí
Cô gái đánh bại ung thư sắp bay vào vũ trụ cùng tỷ phú
Sau khi đánh bại căn bệnh ung thư xương, Hayley Arceneaux tiếp tục chinh phục thử thách bay vào vũ trụ trên chuyến bay riêng đầu tiên của công ty SpaceX.
Blog được phát triển bởi https://chamsocnhacuahiendai.blogspot.com/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét