Thứ Ba, 31 tháng 8, 2021

Thư gửi Sài Gòn ngày tôi chia xa

Tôi biết rằng dù bệnh tật bao quanh tứ phía, dù mọi người phải tạm thời xa cách nhau vì Covid-19, nhưng người Sài Gòn chưa bao giờ thôi tốt bụng, nhiệt tình.

Sài Gòn thân mến!

Khi tôi gõ những dòng này trên laptop thì thành phố của tôi vẫn đang say giấc, chỉ còn nghe tiếng mưa tí tách trên mái nhà và tiếng chổi của cô lao công dưới lòng đường.

Ánh sáng từ các căn hộ xung quanh và tòa chung cư đều tối hơn một phần vì đa số người sống ở đấy đã phải chuyển vào bệnh viện. Đã gần nửa tháng nay, khu vực nơi tôi đang sống vắng hẳn tiếng cười nói rôm rả của mọi người vì rất nhiều người hàng xóm là F0 hoặc F1 đang phải điều trị tại bệnh viện hoặc cách ly tại nhà.

Đúng thời điểm này mười năm trước, lần đầu tiên tôi đến Sài Gòn và bắt đầu hành trình gắn bó với thành phố này. Tôi vẫn nhớ rất rõ cảm giác lo âu và trống rỗng của mình trong những ngày đó, khi phải rời khỏi gia đình và không gian thân thuộc.

Rất may mắn Sài Gòn đã đón nhận, bao dung và trìu mến đối đãi với những người xa xứ như tôi. Suốt mười năm sống ở thành phố hoa lệ này, tôi đã đón nhận được biết bao tình cảm yêu thương, sự quan tâm trìu mến và cả những nghĩa cử tốt đẹp của mọi người dành cho nhau.

{keywords}

Tôi nhớ cô hàng xóm tốt tính thường đem cho mình nhiều thức ăn cô tự nấu trong suốt đợt giãn cách, đến độ khi cả gia đình cô bị F0 phải vào viện vẫn nhắn tin bảo tôi ráng giữ sức khỏe và ăn rau nhiều hơn.

Tôi nhớ chú bảo vệ chung cư hào sảng thường giúp tôi dắt xe mỗi sáng đi làm, khi vào đợt giãn cách đã xung phong vào đội dân phòng canh gác các chốt điểm của khu phố. Thật không may, chú cũng bị nhiễm bệnh.

Ngày vào viện, mọi người động viên chú rất nhiều trên zalo, chú vẫn lạc quan trả lời từng người, thậm chí còn bày trò trêu đùa chúng tôi. Chú nhắn với tôi: “Chú sẽ ráng khỏe, để còn về dắt xe giúp con mỗi sáng nữa chứ”.

Nhìn những dòng tin nhắn của các cô chú mà khóe mắt tôi cay cay. Hơn bất kỳ ai, tôi biết rằng dù bệnh tật bao quanh tứ phía, dù mọi người phải tạm thời xa cách nhau vì Covid-19, nhưng người Sài Gòn chưa bao giờ thôi tốt bụng nhiệt tình, cũng chẳng khi nào chịu bỏ rơi bất kỳ ai trong những ngày tháng trước và sau dịch.

Nhưng giờ đây, sau gần mười năm, khi đã quen thuộc với việc chấp nhận mọi thay đổi và không còn suy nghĩ về nó thì bản thân lại đối diện với một trải nghiệm khác trong chuyến đi dài lần thứ hai của cuộc đời.

Đây là chuyến đi mà mãi cho đến khi bản thân cầm kết quả xét nghiệm âm tính Covid-19 trước giờ bay vài tiếng đồng hồ, tôi mới bàng hoàng nhận ra: Mình sắp phải rời xa Sài Gòn rồi đấy.

Covid-19 đã làm đảo lộn trật tự mọi thứ trong cuộc sống của chúng ta, khiến cho những chuyến đi không còn trở nên chắc chắn, cũng đồng thời khiến những lời tạm biệt trở nên xa xỉ hơn bao giờ hết.

Suốt hai tháng qua, tôi tiến hành làm hồ sơ trong tình trạng “bật”, “tắt” của các thủ tục hành chính vì lệnh giãn cách, tâm trạng luôn căng thẳng vì chuyến đi có thể bị trì hoãn bất kỳ lúc nào.

Cũng trong khoảng thời gian qua, tuân thủ yêu cầu giãn cách xã hội, thế giới của tôi dường như chỉ có chiếc laptop, chuỗi ngày đi ra ban công rồi về phòng ngủ. Thi thoảng, tôi cũng ra ngoài mua chút thực phẩm nhưng rồi cũng vội vàng trở về.

Những ngày gần đây, khi nghe tiếng máy phun khử khuẩn ở các tầng lầu chung cư, thấy một vài gia đình mặc đồ bảo hộ xanh lên xe đi vào bệnh viện dã chiến, tôi biết tình hình dịch ở Sài Gòn đang rất căng thẳng. Covid-19 không còn ở đâu đó xa xôi nữa, nó đã chạm đến rất gần đời sống của mỗi người dân tại nơi này.

Sài Gòn của tôi trước ngày tạm biệt là một Sài Gòn chưa từng có trong ký ức, một thành phố với những sợi dây bảo hộ giăng chằng chịt khắp các con đường lớn nhỏ, một thành phố khép chặt từng cánh cửa và vắng vẻ đến đau lòng. Sài Gòn của tôi trước khi lên đường còn là những thẫn thờ khi nghe tin gia đình người thân của mình dương tính với Covid-19 dù đã tiêm đủ hai liều vắc xin và thường xuyên rửa tay, đeo khẩu trang, sử dụng nước sát khuẩn.

Có lẽ Sài Gòn đang bị ốm, chỉ một đợt ốm khe khẽ thôi để dưỡng thương và hồi phục tích cực trong nay mai. Bản thân đã tự nhủ với lòng như vậy để không cảm thấy buồn lòng vì rời xa Sài Gòn, bắt đầu chuyến đi lặng lẽ lần này.

Do lệnh giãn cách kéo dài, tôi không thể về quê để chào ba mẹ, để tâm tình cùng những người thân yêu một vài hôm trước chuyến đi dài ngày. Tôi cũng không thể theo chân nhóm bạn thân đi từ thiện ở Đông Bắc, cùng đến thăm các em bé ở dự án Nuôi em và dự đám cưới của người H’Mông.

Tôi từ bỏ luôn thói quen mừng sinh nhật cùng với những người bạn thân từ thời đại học như bản thân vẫn luôn làm mỗi năm. Bản thân cũng chẳng thể nhận lời đi cafe, xem phim, xem kịch… của nhiều người bạn, đồng nghiệp đã hẹn hò trước mùa dịch. Tôi cứ thế âm thầm rời khỏi Sài Gòn trong một ngày mưa như trút nước, bỏ lại phía sau lưng biết bao những hẹn ước dang dở.

Mặc dù thế, tôi vẫn tin tưởng vào ngày mai tươi sáng ở Sài Gòn. Dù khoảng cách địa lý sẽ xa xôi hơn rất nhiều, nhưng tôi vẫn có thể liên lạc với những người thân yêu qua mạng internet mỗi ngày, có thể cập nhật tình hình cho nhau bằng tin nhắn, bằng video call.

Và điều quan trọng nhất, chúng tôi vẫn còn nợ nhau một lời hẹn hò, chỉ là thời điểm hơi khác đi một chút, khi Sài Gòn thật khoẻ mạnh và Việt Nam trở lại nhịp sống bình thường như xưa nhé.

Mong tất cả chúng ta đều bình an trong mùa dịch, bởi sức khỏe và bình an của riêng chúng ta cũng là sức khoẻ của cộng đồng. Hẹn gặp lại những người thương yêu của tôi vào một thời điểm gần nhất giữa Sài Gòn.

Độc giả An Nhiên

Bức thư cảm động của cụ ông gửi người hàng xóm nấu cơm cho mình

Bức thư cảm động của cụ ông gửi người hàng xóm nấu cơm cho mình

Thương ông côi cút trong căn nhà vắng lặng, bà Sen tình nguyện nấu, gửi cơm cho người hàng xóm. Cảm động, cụ ông liên tiếp viết thư nói lời cám ơn khiến người xem xúc động, thích thú.


Blog được phát triển bởi https://chamsocnhacuahiendai.blogspot.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét