Trong giai đoạn dịch bệnh ai cũng mệt mỏi, dễ tổn thương nên cần lắm những yêu thương, sự rộng lượng.
Hôm trước tôi nói chuyện với một anh bạn đang ở Hà Nội. Anh kể, vì dịch bệnh nên vợ chồng anh gửi con gái 5 tuổi về ông bà ngoại để hai vợ chồng đi làm.
Con gái anh gọi điện bảo ông ngoại hay mắng, con muốn bố mẹ cơ. Anh nói thương con rồi trách ông ngoại, "nó còn bé, đã biết gì đâu, sao ông lại hay mắng cháu...".
Tôi không đồng ý với anh lắm. Đẻ con ra thì phải có trách nhiệm chăm lo cho con mình, giờ không chăm được con mà gửi ông bà thì nếu có gặp chuyện cũng là bình thường.
Tầm tuổi này, lẽ ra ông bà phải được nghỉ ngơi nhưng lại phải trông cháu thì nghỉ ngơi sao được. Nhưng thiệt thòi nhất ở đây là cháu nhỏ. Tuổi này cháu cần bố mẹ nhất để được dạy dỗ, để được yêu thương rồi hình thành nhân cách. Bé không được gần bố mẹ trong giai đoạn này thì còn gì thiệt thòi hơn.
Cháu tôi cũng vậy, 6 tuổi mà đã ở với bà ngoại và bác được 4 năm để mẹ đi xuất khẩu lao động. Mẹ cháu là mẹ đơn thân. Dù nhận được sự yêu thương của bà, bác nhưng cũng không thể bằng bố mẹ. Nếu hẳn không có bố mẹ thì không nói làm gì, có bố mẹ mà lại không được bố mẹ chăm sóc thì tội lắm.
Ông giáo cạnh nhà tôi có nói với tôi rằng: "Nếu ở nhà mà có công việc, kiếm được tạm đủ sống thì nên ở nhà để con cái có được tình thương. Bố mẹ cho con nhiều tình thương sẽ tạo nên nền tảng vững chắc để con mình có cuộc sống hạnh phúc. Không phải cứ cho con đầy đủ vật chất mà đã đủ, tình thương quan trọng hơn".
Tôi cũng nói vậy nhưng mẹ cháu không nghe, lại ký hợp đồng tiếp. Thế là cháu tôi lại phải xa mẹ ít nhất vài năm nữa.
May mắn là vẫn có những đứa trẻ không bị bố mẹ bỏ rơi. Tôi có biết một chị là con của một người mẹ đơn thân. Cả hai mẹ con ở với ông bà ngoại nhưng ông bà ngoại rất khắc nghiệt. Mẹ chị lo chị bị trầm cảm. May mắn là dù khó khăn mẹ con chị cũng không gục ngã.
Học hết phổ thông, chị lấy chồng ngay. Chồng chị là người yêu tuổi học trò. Cưới xong do gia đình nhà chồng có điều kiện nên hai vợ chồng chị đi du học Mỹ. Chị học kinh tế.
Sau mấy năm ở Mỹ, hai vợ chồng chị có được...3 thiên thần nhỏ. Con út của anh chị ngày mai được sinh ra nhưng hôm nay mẹ vẫn đi thi hết môn. Khi học xong, đứng trước sự lựa chọn là ở lại hay về nước thì hai anh chị đã quyết định về nước.
Trải qua những vất vả ban đầu, giờ đây cuộc sống của gia đình anh chị đã khá ổn định. Chị dù còn trẻ nhưng đã là đại diện cho một hãng nước ngoài tại Việt Nam, anh thì làm việc ở nhà nên có trách nhiệm trông con.
Quan điểm của anh chị là: "Những người đẻ con ra mà không trông nom con để con khổ sở, thiệt thòi thì đẻ con làm gì". Anh chị cho rằng, những người như vậy thì không nên đẻ con. Việc chăm sóc con cái là một nhiệm vụ quan trọng, vợ đã đi làm thì chồng ở nhà trông con, không được giao con cho người giúp việc, nhiệm vụ được phân rõ ràng như vậy.
Chị cũng bảo, con mình đẻ ra thì mình phải chăm, không thể giao phó cho ai. Chị bị ám ảnh bởi tuổi thơ vất vả nên giờ đây chị cố gắng để các con mình không bị thiệt thòi do thiếu thốn tình cảm. May cho chị là có chồng thấu hiểu điều này.
Dù rất có điều kiện nhưng anh chị không thuê osin là điều thể hiện tình yêu vô bờ bến với các con mình. Ngoài ra cách nuôi dạy các con của anh chị có nhiều điểm tích cực mà qua đó có thể thấy được tình yêu của anh chị dành cho con mình.
Dù các con rất xinh xắn, đáng yêu nhưng anh chị rất ít khoe chúng trên mạng xã hội. Anh chị cho rằng cần phải tôn trọng các con dù chúng còn nhỏ, không thể tùy ý đăng ảnh chúng được.
Một điều đáng học hỏi nữa là anh chị luôn giữ lời hứa trước các con mình - một điều cực kỳ quan trọng trong sự hình thành nhân cách con người nhưng rất nhiều bậc phụ huynh hiện nay lại không chú trọng.
Chính vì cách nuôi dạy khoa học, cộng với tình yêu vô bờ bến với các con nên các con của anh chị phát triển rất tốt, rất đáng yêu.
Bố mẹ đừng nghĩ rằng cứ cho tiền con là được. Chúng ta cần phải bỏ ngay tư tưởng yêu cho roi cho vọt. Cũng đừng nghĩ rằng cho con ăn uống rồi muốn làm gì thì làm: đánh mắng, chửi bới...
Các nước văn minh phương Tây họ có luật cấm dùng bạo lực với trẻ em. Tâm lý học có chỉ ra rằng, những bạo hành về thể xác và tinh thần đối với trẻ em sẽ tạo thành "vết" trong não bộ. Vết này sẽ hiện ra khi có cơ hội.
Giờ đây nhiều đêm tôi vẫn giật mình thức giấc khi mơ thấy những lời chửi rủa của mẹ mình. Với người thân của tôi hay đánh mắng trẻ em thì xin thú thực là tôi chỉ sống với họ vì nghĩa, chẳng thể có tình được.
Nhiều năm đi dạy học tôi để ý thấy những học sinh vui vẻ, hạnh phúc thường là những đứa có gia đình hạnh phúc chứ chưa hẳn là có gia đình giàu có. Với tôi, giáo dục trong gia đình, tình thương yêu của các thành viên trong gia đình là những điều cực kỳ quan trọng.
Gần nhà tôi có một cháu gái năm nay vào lớp 12, cháu có khả năng nhưng mỗi khi bực mình mẹ cháu lại mắng kiểu: "tao ân hận khi đẻ ra mày, người đâu mà đần độn thế...".
Cháu đi suốt, không hay ở nhà, mẹ cháu bảo "sao kì vậy, sao không ở nhà...". Mẹ cháu không hiểu là bố mẹ không là nơi để cháu tâm sự, chút bỏ muộn phiền thì cháu về nhà làm gì.
Tôi chẳng nhắc cháu học nhiều vì tôi nghĩ cháu khó đỗ đạt được, sau này cũng rất khó phai mờ những "vết" đen do những lời cay nghiệt của chính mẹ mình.
Trong tình yêu đôi lứa chúng ta hay được nghe nói câu: "Sao anh/em lại làm tất cả những điều tốt nhất cho em vậy?". Sở dĩ có thể làm được như vậy vì khi yêu bằng cả trái tim mình thì ai cũng muốn làm những điều tốt nhất cho người mình yêu. Ngoài tình yêu đôi lứa thì tình yêu ở đây có thể là tình yêu với con trẻ, có thể là tình yêu giữa con người với nhau, giữa con người với thiên nhiên…
Không bỏ con một mình, không nói lời cay nghiệt, không dùng bạo lực, không dạy con kiểu 'yêu cho roi cho vọt”; không phán xét, không chỉ trích, không áp đặt, tôn trọng lẫn nhau; không phá hoại môi trường... là những hành động thể hiện tình yêu thương giữa cha mẹ với con cái, giữa vợ chồng, giữa con người với con người; giữa con người với thiên nhiên.
Trong thời điểm dịch bệnh này, ai cũng mệt mỏi, dễ tổn thương nên cần lắm những yêu thương, sự rộng lượng. Trong những lúc khó khăn này chúng ta càng thấy được giá trị của yêu thương.
Khi được sống trong tình yêu thương thì con người sẽ vượt qua mọi giông bão cuộc đời để có cuộc sống hạnh phúc - điều mà con người luôn kiếm tìm. Yêu thương chính là vắc xin hạnh phúc của cuộc đời.
Độc giả Anh Phạm
Ở nhà 'mùa giãn cách': Lấy đâu ra thời gian để buồn
Nhiều người than thở ở nhà mùa giãn cách tẻ nhạt, buồn chán, dễ stress nhưng thật ra, có vô vàn cách để hâm nóng cuộc sống ở trong nhà... tới mức chẳng còn thời gian để buồn!
Blog được phát triển bởi https://chamsocnhacuahiendai.blogspot.com/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét