Thứ Hai, 27 tháng 9, 2021

Chuyện tình éo le của cựu tù nhân Nhật và người phụ nữ Nga

Sau 40 năm chung sống với người vợ Nga, ông nhận được tin người vợ đầu vẫn còn sống và đã chờ đợi ông suốt 51 năm ở Nhật Bản. 

{keywords}
Bà Klavdia Novikova và ông Yasaburo Hachiya thời trẻ.

Bà Klavdia Novikova (người Siberia) gặp ông Yasaburo Hachiya (người Nhật) trong khu tái định cư dành cho các tù nhân của trại cải tạo GULAG.

Khi đó, cả hai vừa được trả tự do khỏi các bản án thực thi dưới thời Stalin. Tuy nhiên, do nhầm lẫn, ông Yasaburo Hachiya không được đưa trở lại quê hương. Ông phải lấy một cái tên Nga để che giấu nguồn gốc của mình, tiếp tục sống ở đất nước này.

Cặp đôi đã kết hôn và cùng nhau chung sống 37 năm trước khi bà Klavdia Novikova nhất quyết đòi ly dị để ông trở về với người vợ đầu ở Nhật Bản - người mà ông nghĩ rằng đã chết từ lâu.

Khi bà Klavida Novikova qua đời, sự ra đi của bà hầu như không được chú ý ở Nga, nhưng đối với người dân Nhật Bản, đây là một sự kiện quan trọng.

Người phụ nữ Nga này được người Nhật xem là biểu tượng cuối cùng của tình yêu và đức hi sinh của người phụ nữ. Bà đã hi sinh hạnh phúc của mình để đề nghị chồng quay trở lại với người vợ đầu đã chờ đợi ông 51 năm. Và cũng chỉ khi quay trở lại Nhật Bản, ông mới lấy lại được “phẩm giá” mà ông xứng đáng có được, thay vì sống như một cựu tù binh ở Nga.

“Vợ ông ấy cần được ôm ông ấy một lần trước khi cả hai qua đời. Tôi cảm thấy tim mình như xé làm đôi khi để ông ấy ra đi. Nhưng đó chẳng phải là lỗi của ai cả. Chỉ là do số phận mà thôi. Điều quan trọng là ông ấy sẽ được sống tốt hơn ở Nhật Bản. Ông ấy đã phải trải qua nhiều chuyện, và có thể sẽ không sống sót được ở đây” - bà Klavdia Novikova nói trước khi qua đời.

Sự sắp đặt của số phận

{keywords}
Ông Yasaburo và người vợ đầu

Mọi chuyện bắt đầu từ trước Thế chiến thứ 2, khi ông Yasaburo, con trai của một gia đình giàu có, cùng với người vợ Nhật Hisako chuyển đến Hàn Quốc định cư, nhằm tìm kiếm một cuộc sống tốt đẹp hơn. Ở Hàn Quốc, hai người có với nhau 2 đứa con, một trai, một gái.

Khi Hồng quân Liên Xô tiến vào năm 1945, nhiều người Nhật bị bắt và buộc tội gián điệp. Ông Yasaburo bị đưa đến một trại cải tạo khét tiếng của Stalin ở cực đông Siberia với bản án 10 năm.

Bà Klavdia lúc đó cũng đã kết hôn và có 1 cậu con trai. Bà cũng bị giam giữ trong một thập kỷ ở vùng này sau khi bị kết án oan. Người phụ nữ kiên cường này nói: “Tôi đã trải qua cảnh địa ngục, nhưng tôi không suy sụp, thậm chí không thốt ra một lời tục tĩu. Khu trại này đã làm hỏng nhiều phụ nữ. Thật đáng sợ khi nhớ tới những điều ấy. Điều quan trọng nhất với tôi là giữ được tâm hồn mình”.

Sau khi được ra khỏi trại, bà phát hiện ra người chồng đã bỏ rơi mình và có gia đình mới. Cùng lúc đó, các tù nhân người Nhật được thả ra khỏi trại và các cán bộ đã quên ghi tên ông Yasaburo vào danh sách tù nhân được trở về nước. Lúc này, ông Yasaburo nghĩ rằng vợ con mình đã chết. Ông cũng lo sợ khi nghĩ đến chuyện mình sẽ được tiếp nhận như thế nào sau quá nhiều năm ở Liên Xô. Vì thế, ông quyết định trở thành một công dân Liên Xô dưới cái tên Yakov (Yasha) Ivanovich.

“Chúng tôi gặp nhau ở khu Bryansk, trong một trại tái định cư. Tôi nhìn thấy Yasha có khuôn mặt không phải của người Nga. Anh ấy gầy gò, bị đè nén và trong mắt anh ấy là nỗi đau. Hình ảnh đó khiến trái tim tôi đau đớn”.

Tuy nhiên, họ không bắt đầu ngay mối quan hệ vì bà e ngại chuyện tình cảm với một người bị bỏ tù vì tội làm gián điệp chống Liên Xô, mặc dù đó là bản án oan. Cho mãi đến đầu những năm 1960, khi bà chuyển đến ngôi làng Progress ở vùng viễn đông của Nga, ông mới viết cho bà một lá thư ngỏ ý muốn đi cùng bà. Nhưng bà đã từ chối vì e sợ. “Tôi chỉ kể với một người bạn thân rằng tôi đang trao đổi thư từ với một cựu tù binh”.

Không nản lòng, ông Yasaburo đã vượt qua 6 múi giờ của Nga để đến bên bà. Bà mủi lòng, sau đó họ kết hôn, khởi đầu cho một cuộc sống hạnh phúc và đầy yêu thương. Ông trở thành thợ cắt tóc, làm nhiếp ảnh gia, đồng thời thực hành châm cứu. Họ trồng cà chua, dưa chuột, nuôi một con dê và một đàn ong. Họ sống giản dị nhưng hạnh phúc, mặc dù không có con chung.

{keywords}
Bà Klavdia và ông Yasha sống hạnh phúc bên nhau suốt nhiều năm.

“Không có người đàn ông nào giống như Yasha. Các chị em trong làng ghen tị với tôi vì anh ấy không uống rượu, không hút thuốc” - bà kể.

Cả hai yêu thương nhau và gắn bó đến mức họ hẹn thề sẽ chết cùng nhau vì không thể xa nhau. Ông Yasaburo thậm chí còn mua 2 chiếc quan tài cất sẵn trên gác mái.

Sau khi Liên Xô sụp đổ, một người dân địa phương đã kể với đối tác kinh doanh người Nhật của mình về người đàn ông Nhật đã sống rất lâu ở đây. Câu chuyện này đã giúp lần ra manh mối về em trai của ông Yasaburo, sau đó phát hiện ra vợ và con gái ông vẫn còn sống. Họ đã sống sót sau chiến tranh Triều Tiên và trở về Nhật Bản, trong khi cậu con trai thì đã chết ở Nam Triều Tiên.

Lúc này, ông biết rằng người vợ đầu vẫn chung thuỷ chờ đợi ông 51 năm. Trở về quê hương, bà làm việc như một y tá, tiết kiệm tiền để xây một ngôi nhà mà bà nói là để dành cho người chồng mất tích của mình.

Cuộc sống của ông bắt đầu đảo lộn khi con gái ông, lúc đó đã 51 tuổi, và người em trai đã đến tận ngôi làng Progress để thuyết phục ông trở về Nhật Bản. 

Ông đã từ chối và nói với bà Klavdia rằng: “Tôi không thể xa rời bà. Bà là tất cả đối với tôi”. Nhưng bà Klavdia đã hi sinh hạnh phúc của mình và khăng khăng bảo ông nên trở về với người vợ đầu, người đã chờ đợi ông quá lâu. Bà cũng cho rằng vì sức khoẻ của ông đã kém nên ông sẽ được điều trị tốt hơn ở Nhật.

Bất chấp sự phản đối của ông, bà làm hộ chiếu, đổi tiền tiết kiệm của họ sang tiền đô rồi ly hôn ông. Nếu bà không làm vậy, ông sẽ không đủ điều kiện nhận lương hưu, nhận quyền thừa kế và sở hữu tài sản.

{keywords}
Bà Klavdia hôn tạm biệt chồng, tiễn ông về Nhật Bản. 

Tháng 3/1997, bà hôn tạm biệt người chồng yêu dấu của mình, chuẩn bị sẵn sàng cho viễn cảnh sẽ không bao giờ gặp lại ông nữa. Nhưng bà thấy rằng đó là việc phải làm sau khi số phận vô tình đưa bà vào một mối tình tay ba.

Từ Nhật Bản, ông Yasa liên tục gửi cho bà những món quà nhỏ. Mỗi thứ 7, ông đều gọi cho bà và cầu xin bà sang thăm ông. Câu chuyện của cặp đôi già trở nên nổi tiếng ở Nhật Bản. Một nhà văn nổi tiếng đã viết một cuốn sách dựa trên câu chuyện này. Câu chuyện của họ cũng được làm thành một bộ phim. 

Bà Klavdia được người dân Nhật Bản vô cùng kính trọng vì hành động hi sinh dành cho người đàn ông mà mình yêu thương. Thậm chí, người dân của quận Tattori, ngoại ô Tokyo còn quyên góp tiền để bà Klavdia có thể tới Nhật Bản. Lúc đó, bà đã 80 tuổi và quyết định bay sang Nhật.

Cuối cùng, hai người vợ đã được gặp nhau. Họ vừa ôm nhau vừa khóc, và không cần đến phiên dịch cũng có thể hiểu được những cảm xúc sâu kín trong lòng nhau.

{keywords}
Ông Yasha gặp lại người vợ đầu - người đã chờ đợi ông suốt 51 năm.

Bà Klavdia sau đó lại quay lại Nga tiếp tục cuộc sống độc thân. Sau khi người vợ đầu qua đời, ông Yasa đã nài nỉ bà Klavdia chuyển tới Nhật Bản sống cùng ông. Ông cũng tính đến chuyện trở về làng Progress để sống cùng bà. 

Tuy nhiên, bà Klavdia đã từ chối vì muốn ông hãy “sống với phẩm giá” vào những năm cuối đời ở Nhật - nơi mà ông được chăm sóc sức khoẻ tốt hơn. Bà nói rằng, nhu cầu của bản thân rất giản dị và bà nên sống ở quê hương.

Không lâu sau đó, bà qua đời. Sau khi nhận tin buồn, ông Yasaburo đã viết cho bà một bức thư rất cảm động như thể bà vẫn còn sống.

“Klavdia, tôi biết rằng em đã ra đi, để lại nỗi đau buồn bao trùm lấy tôi. Tôi đã cố gắng gọi cho em hôm 30/8 - ngày sinh nhật lần thứ 96 của tôi, nhưng không được. 40 năm sống cùng nhau ở Nga, em đã luôn ở bên tôi, luôn ủng hộ tôi. Cảm ơn em về tất cả.

Tôi được trở về Nhật Bản, tất cả là nhờ những nỗ lực của em, và tôi vô cùng biết ơn về điều đó. Tôi nhớ việc chúng ta đã chuẩn bị 2 chiếc quan tài cho nhau như thế nào. Nếu tôi có thể, tôi sẽ chạy ngay đến và ôm chặt em vào lòng. Nhưng bây giờ tôi hoàn toàn bất lực… Hãy yên nghỉ nhé Klavdia yêu dấu. Yasaburo của em”.

{keywords}
{keywords}
Hai người gọi cho nhau lúc còn sống.

Đăng Dương (Theo The Siberian Times)

Chuyện tình ngọt ngào của cặp 9X yêu nhau qua hàng trăm lá thư tay

Chuyện tình ngọt ngào của cặp 9X yêu nhau qua hàng trăm lá thư tay

Dù gặp mặt thường xuyên, nhưng Phong và Chi vẫn viết cho nhau 2-3 lá thư tay một tuần. Có phong thư chỉ bé tẹo bằng hai đầu ngón tay nhưng chứa chan tình cảm.


Blog được phát triển bởi https://chamsocnhacuahiendai.blogspot.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét