Thứ Ba, 28 tháng 9, 2021

Cuộc trò chuyện từ tầng điều trị cuối cùng dành cho bệnh nhân Covid-19

Bác sĩ Phan Vũ Anh Minh và các đồng nghiệp đã trải qua nhiều cung bậc cảm xúc, có lúc trái tim nhói đau và bất lực, nhưng có lúc lại vỡ òa hạnh phúc khi bệnh nhân chiến thắng Covid.

Bác sĩ Phan Vũ Anh Minh đang làm việc Trung tâm Hồi sức người bệnh Covid-19 trực thuộc Bệnh viện Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Anh và đồng nghiệp đã trải qua nhiều cung bậc cảm xúc, có lúc trái tim nhói đau và bất lực vì không thể cứu một sinh mệnh, nhưng có lúc lại vỡ òa hạnh phúc khi bệnh nhân chiến thắng Covid. 

Nhận điện thoại báo tin buồn, chỉ mong bác sĩ nhầm

- Trực chiến ở tẩng điều trị cuối cho bệnh nhân Covid-19, là một bác sĩ hồi sức, anh chịu áp lực như thế nào?

Môi trường hồi sức từ xưa đến nay đã luôn áp lực. Bệnh nhân đều ở tình trạng nặng, phải đặt nội khí quản, thở máy… nhưng không dồn dập như bây giờ. Trước đây, khi chưa có dịch bệnh, Khoa Hồi sức điều trị cho khoảng 30-35 bệnh nhân và lâu lâu mới có một ca diễn biến nặng hoặc trở tay không kịp. Vài ba ngày mới có ca tử vong. Nhưng giờ đây, ngày nào, chúng tôi cũng phải đối mặt với các ca nguy kịch, nhiều hôm phải bất lực nhìn bệnh nhân ra đi.

Thậm chí, có những ca chúng tôi cứ nghĩ là cứu được bệnh nhân rồi. Nhưng cuối cùng trong phút chốc trở nặng, bệnh nhân lại rời xa chúng tôi. Vậy nên, áp lực tâm lý đối với các y bác sĩ điều trị cho các ca F0 nặng thực sự rất lớn. Nặng nề nhất là khi đặt bút ký giấy báo tử và gọi điện thông báo cho thân nhân sau đó. Nhiều hôm, sau khi thông báo ba bốn ca tử vong, cầm đến hộp cơm, tôi gần như chẳng nuốt nổi...

Việc thông báo tin tử vong thực sự rất khó khăn và là điều tôi cảm thấy khó đối diện nhất. Trong ca trực của mình, nếu có bệnh nhân qua đời, tôi luôn đảm nhận công việc này, phần vì là trưởng tua, phần vì tôi muốn giữ tinh thần cho đồng nghiệp, đặc biệt là các bác sĩ trẻ.

- Anh đã có 7 năm làm bác sĩ hồi sức, sát cánh cùng các ca bệnh ở giữa ranh giới của sự sống và cái chết. Việc thông báo tin buồn tới gia đình bệnh nhân cũng không xa lạ với anh, nhưng lần này vì sao lại năng nề đến vậy ?

Trước đây, ở Khoa Hồi sức, mỗi ngày bác sĩ sẽ gặp gia đình để thông báo tình hình của bệnh nhân. Nếu bệnh nhân bị nặng lên thì thân nhân cũng có sự chuẩn bị tâm lý. Tuy nhiên, tại Trung tâm Hồi sức thì người nhà không được vào. Bệnh nhân quá đông nên bác sĩ không có thời gian gọi điện giải thích cặn kẽ, chi tiết cho từng gia đình.

Mấy ngày đầu, khi bệnh nhân qua đời, chúng tôi mới gọi điện báo cho thân nhân. Nhận được điện thoại, họ sốc lắm. Dù chỉ qua điện thoại nhưng tôi cảm nhận được sự đau đớn, hụt hẫng trong họ. Đặc biệt là những gia đình mà người thân của họ còn quá trẻ. Nhiều gia đình đưa người thân vào viện rồi không biết tin tức gì. Đến khi nhận được điện thoại thì nghe tin người thân không còn nữa nên đương nhiên họ thấy khó chấp nhận sự thật đau lòng.

Sau này, với những ca tiên lượng nặng, chúng tôi cố gắng bớt chút thời gian gọi điện báo trước cho gia đình 1-2 ngày. Qua đó người nhà nắm được tình hình, chuẩn bị tinh thần nếu chuyện xấu nhất xảy ra.

{keywords}
Bác sĩ Minh cùng đồng nghiệp đang làm ECMO cho bệnh nhân.

- Cuộc gọi nào khiến anh ám ảnh nhất?

Đó là cuộc gọi mà người nhận là một người đàn ông còn khá trẻ. Vợ anh ấy là sản phụ nhiễm Covid-19 mới sinh con, bị trở nặng, phải chuyển vào trung tâm. Đứa trẻ may mắn khỏe mạnh nhưng người mẹ chỉ cầm cự được 1-2 ngày. Khi nhận điện thoại của tôi, anh chồng lặng người, không tin nổi vợ đã qua đời.

Vì tên của người vợ hơi khó phát âm nên anh chồng cứ hỏi đi hỏi lại tôi xem liệu có đúng tên vợ anh ấy không. Liệu bác sĩ có nhầm lẫn vợ anh ấy với ai không. Như thể cố vớt vát chút hi vọng cuối cùng. Sau đó, anh ấy khóc trong điện thoại. Đứa bé con anh mới chào đời đã mồ côi mẹ. Rất xót xa. Cũng là một người chồng, một người cha nên tôi hiểu anh ấy đang cảm thấy đau đớn thế nào.

Một cuộc gọi khác người nhận là thành viên còn lại duy nhất trong gia đình có bố, mẹ và anh (hay chị em tôi không rõ lắm) bị mất vì Covid-19. Người bố và người anh (em) của cô này mất trước đó ở một bệnh viện khác. Người mẹ chuyển qua Trung tâm Hồi sức, vất vả chiến đấu 3-4 tuần nhưng cũng không qua khỏi. Gia đình chỉ còn lại cô gái ấy. Khi tôi gọi điện, cô con gái nghe tin mà hoàn toàn ngã quỵ. Chỉ một thời gian ngắn, ba người thân yêu của cô ấy đã ra đi không một lời từ biệt.

Hi vọng cho người mẹ hiếm muộn 10 năm

{keywords}

“Nặng nề nhất là khi đặt bút ký giấy báo tử và gọi điện thông báo cho thân nhân sau đó. Nhiều hôm, sau khi thông báo ba bốn ca tử vong, cầm đến hộp cơm, tôi gần như chẳng nuốt nổi...”, bác sĩ Minh chia sẻ.

- Cuộc chiến có nhiều mất mát, xót xa, nhưng chắc hẳn cũng có những niềm vui. Chuyện vui nào mà anh nhớ nhất?

Những ca phải đặt nội khí quản thì tỷ lệ tử vong rất cao. Cho nên cứu được ca nào trong số đó, chúng tôi rất vui. Tôi nhớ mãi về ca bệnh sống sót đầu tiên sau khi rút được nội khí quản tại trung tâm.

Chị này có hoàn cảnh khá đặc biệt, hiếm muộn 10 năm nay. Đầu năm vừa rồi chị mang thai và khi thai nhi 28 tuần thì bị nhiễm Covid-19. Thường ngày, chị ấy có một khu nhà trọ cho sinh viên thuê. Một ngày, một nữ sinh viên trong khu trọ không may bị mắc Covid-19. Chị chủ nhà tận tình chăm sóc, thuốc thang cho nữ sinh kia nên không may bị nhiễm Covid-19.

Bệnh diễn biến khá nặng và các bác sĩ Bệnh viện Hùng Vương phải mổ lấy đứa bé ra. Thời điểm ấy, không ai nghĩ thai phụ có thể qua khỏi nhưng vẫn chuyển qua trung tâm với hi vọng còn nước còn tát.

Tiếp nhận bệnh nhân, chúng tôi đã nỗ lực hết sức. May mắn là sau khi rút được nội khí quản và trải qua những ngày vô cùng vất vả, chị ấy đã phục hồi ngoạn mục. Chỉ có điều đáng tiếc rằng, đứa con của chị ấy vì quá ít ngày tuổi nên không thể ở lại được với đời.

Một người phụ nữ lương thiện, hi sinh vì người khác nhưng phải đón nhận mất mát quá lớn. Nghe hoàn cảnh ấy chúng tôi tự nhủ phải cố gắng hết sức để giành lại mạng sống cho bệnh nhân. Bởi còn người là còn hi vọng!

“Tấm vé” hạnh phúc của người đàn ông chỉ còn một chân

{keywords}

“Khi trải qua vô vàn gian nan, cứu được cả hai vợ chồng và trao cho họ tấm giấy ra viện, chúng tôi vô cùng hạnh phúc. Vì ít nhất, chúng tôi đã giữ được một mái ấm”.

- Được biết, thời gian qua, Trung tâm Hồi sức có những cuộc “tiếp đón” đặc biệt khi nhiều thành viên trong một gia đình không hẹn mà gặp đều được đưa tới đây. Nhiều người mê man nằm đó mà không biết rằng, vợ hay chồng của mình cũng đang khó nhọc giành giật từng hơi thở. Anh có thể kể cho độc giả nghe về những trường hợp này được không?

Có hai vợ chồng nhà nọ cùng bị nhiễm Covid-19. Người vợ trở nặng trước nên được chuyển vào trung tâm thở máy. Trong khi người vợ đang hôn mê thì người chồng (62 tuổi) cũng được đưa đến trung tâm.

Người chồng sau đó gặp phải biến chứng huyết khối tắc mạch ở chân. Trung tâm liền chuyển qua Bệnh viện Đại học Y Dược để mổ, hút huyết khối. Tuy nhiên 1 ngày sau, huyết khối lại xuất hiện, làm tắc mạch máu nuôi chân khiến chân bị hoại tử. Các bác sĩ đành phải cắt cụt chân từ đầu gối trở xuống. Dù rất đáng tiếc nhưng đó là giải pháp tốt nhất để giữ được mạng sống cho bệnh nhân.

Tôi vẫn nhớ, câu đầu tiên bệnh nhân này hỏi khi tỉnh dậy là: “Chân tôi đâu?”. Bệnh nhân vô cùng hoang mang vì trước khi hôn mê vẫn đầy đủ hai chân. Lúc ấy, chúng tôi phải giải thích việc mất chân là do Covid-19 gây ra. Cuối cùng, bệnh nhân cũng chấp nhận sự thật và hiểu rằng, thà mất một phần cơ thể còn hơn mất cả tính mạng.

Người chồng đã được xuất viện hôm 8/9 còn người vợ đang chờ bỏ oxy, vài hôm tới cũng sẽ ra viện. Dịch Covid-19 khiến nhiều gia đình ly tán, có trường hợp hai vợ chồng cùng được đưa đến nhưng rồi cùng không qua khỏi. Vậy nên khi trải qua vô vàn gian nan, cứu được cả hai và trao cho họ tấm giấy ra viện, chúng tôi vô cùng hạnh phúc. Vì ít nhất, chúng tôi đã giữ được một mái ấm.

- Lo cho mái ấm của các bệnh nhân là vậy, còn mái ấm của anh hiện giờ ra sao?

Từ ngày đi chống dịch đến giờ cũng gần 2 tháng rồi tôi chưa về nhà. Bé nhà tôi sinh hồi đầu năm, chỉ mới 8 tháng tuổi. Ba mẹ tôi đều là bác sĩ tham gia chống dịch nên không dám ở chung với cháu. Thành ra mọi việc chăm con chỉ có vợ ở nhà. Về sau, tôi phải nhờ cô em họ qua ở chung để phụ giúp vợ. Dù rất nhớ và thương hai mẹ con nhưng tôi đành nén lòng mình chờ ngày dịch bệnh được kiểm soát.

Vợ tôi rất hiểu và chia sẻ với công việc của tôi. Cô ấy thường quay phim, chụp hình con gái gửi cho tôi kèm dòng tin nhắn: “Ba Minh cố lên! Bé Pore ở nhà chờ ba”. Chỉ bấy nhiêu thôi nhưng đã tiếp thêm cho tôi rất nhiều động lực.

Câu đầu tiên F0 nói khi được rút ống thở

{keywords}

Các ca F0 nặng điều trị tại Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh Covid-19 trực thuộc Bệnh viện Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh.

- Nhiều người rất muốn biết, khi tiếp nhận một ca F0 nặng, các anh sẽ làm những gì để cứu bệnh nhân?

Đối tượng F0 nặng chuyển đến trung tâm có nhiều mức độ. Bệnh nhân mới suy hô hấp, chúng tôi sẽ cho thở oxy qua canulla, nặng hơn thì thở qua mask có túi dự trữ hoặc thở khí oxy lưu lượng cao. Trường hợp nặng nhất phải đặt nội khí quản, thở máy.

Khi điều trị Covid-19, phòng không được mở máy lạnh, thời tiết khá nóng nên cơ thể bệnh nhân ra nhiều mồ hôi. Cứ 2-4 tiếng bệnh nhân sẽ được xoay trở, thay đổi tư thế nằm để tránh loét da. Ngoài ra, họ còn được thường xuyên hút đàm để khai thông đường thở, chích và truyền thuốc theo giờ, tắm rửa, lau người... Hàng ngày, bệnh nhân được ăn sữa qua ống thông dạ dày để đảm bảo dinh dưỡng.

Một bệnh nhân hồi sức sẽ được chăm sóc toàn diện như vậy. Trước đây, một điều dưỡng chăm tối đa 3 bệnh nhân hồi sức là đã đuối rồi. Nhưng trong điều kiện bệnh nhân quá đông như hiện nay, một điều dưỡng phải phụ trách tới 4-5 bệnh nhân. Nhiều khi nhìn các em ấy lọt thỏm trong bộ đồ bảo hộ kín mít, trở mình cho các bệnh nhân thừa cân 90-100kg mà thấy rất thương.

Thời tiết nóng nực, hơi nước làm mờ kính bảo hộ, kính mắt khiến các y bác sĩ cũng bị hạn chế tầm nhìn. Nhiều khi làm thủ thuật đặt nội khí quản, đặt các đường truyền tĩnh mạch trung tâm, chúng tôi nhìn qua kính bảo hộ thấy rất mờ nhưng cũng phải cố làm cho được. 

- Để vượt qua Covid-19, ngoài sự trợ giúp đắc lực của các y bác sĩ, điều dưỡng, mỗi bệnh nhân còn cần có sự nỗ lực của riêng mình, phối hợp với bác sĩ để vượt qua giai đoạn khó khăn. Vậy có khi nào, anh gặp phải thái độ bất hợp tác từ phía người bệnh?

Bệnh nhân khi được chuyển đến đây hầu hết trong tình trạng mê man không biết gì. Vì vậy, nhiều ca bệnh sau khi rút được ống nội khí quản giống như từ cõi chết trở về vậy. Lúc mới tỉnh dậy họ rất hoảng sợ, không biết đây là đâu, tại sao mình lại ở đây, sao nhiều máy móc dậy nhợ chằng chịt như thế. Nhiều người còn đạp chân, giơ tay đòi gỡ dây truyền, ống thở ra…

Lúc ấy, các bác sĩ và điều dưỡng phải trấn an và giải thích để họ bình tĩnh, cố gắng hợp tác, tập thở... Sau khi biết được mình đã nằm ở đây bao lâu, phổi của mình như thế nào, máy móc có tác dụng hỗ trợ ra sao thì họ cũng bình tĩnh hơn. Họ phối hợp với chúng tôi và làm theo các hướng dẫn để sớm phục hồi.

- Vậy sau khi rút được ống thở, bệnh nhân thường nói gì với các anh?

Câu đầu tiên bệnh nhân thường nói với chúng tôi sau khi rút ống thở là: “Cảm ơn bác sĩ và các điều dưỡng rất nhiều”. Lúc ấy chúng tôi vui lắm, vui không phải vì được cảm ơn mà vui vì bệnh nhân đã tỉnh táo và có thể trò chuyện được.

- Covid-19 đã đem đến cho con người những điều nằm ngoài sức tưởng tượng. Là một bác sĩ, trước đây, có bao giờ anh hình dung sẽ có một dịch bệnh khiến cả thế giới chao đảo như thế?

Tôi đã xem một số bộ phim nói về các dịch bệnh siêu lây nhiễm, nhưng chưa bao giờ tưởng tượng có một lúc nào đó hình ảnh tương tự lại xảy ra trong thực tế. 

Trước đây, chúng ta từng phải đối diện với dịch MERS hoặc SARS . Tuy nhiên, những dịch bệnh này được khống chế rất nhanh. Còn Covid-19 lại lây lan với tốc độ chóng mặt, gần như tất cả các quốc gia trên thế giới đều bị ảnh hưởng. Vậy nên, tôi thấy nó thực sự khủng khiếp.

- Tham gia một cuộc chiến căng thẳng như vậy, có khi nào anh cảm thấy nao núng hay lo sợ?

 Vì đã có nhiều năm làm bác sĩ hồi sức nên tôi khá tự tin. Trước đó, tôi cũng đã nắm rõ các quy định về phòng hộ, được chích ngừa 2 mũi nên tôi biết, khả năng mình trở thành F0 rất thấp. Nếu không may bị mắc thì triệu chứng cũng nhẹ thôi.

Tôi chỉ thấy một điều rằng, lúc này nhu cầu của người bệnh quá lớn, các y bác sĩ không thể không làm gì. Mà cho dù mình có làm hết sức cũng chưa chắc đã giữ được tính mạng bệnh nhân. Vậy nên cứ tới ca là anh em nhảy vô làm thôi. Không đắn đo, nao núng gì.

Tôi chỉ lo lắng khi nghĩ đến gia đình. Bởi dịch bệnh quá khốc liệt, không biết người thân của mình ngoài kia có an toàn không. Còn khi ở trong “chiến địa” rồi thì cứ dốc hết sức thôi.

Cuộc sống trong “chiến địa”

{keywords}

- Cuộc sống sinh hoạt trong “chiến địa” của anh diễn ra như thế nào?

Chúng tôi được chăm sóc đầy đủ từ bữa ăn đến chỗ nghỉ ngơi, sinh hoạt. Đa số các bạn tan ca là về khách sạn nghỉ ngơi. Nhưng tôi thuộc lực lượng trực chiến nên ở lại trung tâm luôn. Ngoài giờ, tôi tranh thủ giải quyết các công việc khác còn dang dở, tìm hiểu thêm tài liệu về dịch bệnh. Tôi cũng thường nghe nhạc, lên sân thượng ngắm nhìn cảnh vật để thư giãn trước khi vào ca trực. 

Mỗi ngày trung tâm chia ra ba ca trực: Từ 8h-15h, từ 15h-22h và từ 22h-8h sáng hôm sau. Mấy anh em thường ăn uống theo giờ giấc ca trực. Thông thường, các anh chị em sẽ ăn sáng no một chút để 8h vào làm, 15h nghỉ xong mới ăn trưa kiêm bữa chiều luôn. Làm như vậy để không phải tốn một bộ đồ bảo hộ. Cuộc chiến này còn dài, tiết kiệm được bao nhiêu hay bấy nhiêu. Tuy nhiên, vì sức chịu đựng của mỗi người mỗi khác nên khi anh chị em nào mệt, tôi sẽ động viên họ tranh thủ nghỉ ngơi, nạp thêm năng lượng. 

- Nhiều bác sĩ, nhân viên y tế tuyến đầu dù bất chấp hiểm nguy lao vào trận chiến Covid-19 nhưng vẫn canh cánh tròng lòng gánh lo cơm áo đời thường. Thực sự rất chạnh lòng. Anh có gặp khó khăn nào không và có nguyện vọng đề xuất gì không?

Tôi và các đồng nghiệp của mình may mắn được ban giám đốc quan tâm, chăm sóc cả về vật chất lẫn tinh thần. Nhưng qua một số kênh thông tin, tôi được biết đồng nghiệp tham gia chống dịch ở nhiều nơi còn rất vất vả, khó khăn.

Đứng trước dịch bệnh, bất cứ y bác sĩ nào cũng sẵn sàng chiến đấu hết mình. Họ chỉ có hai nỗi lo. Một là lo lắng cho gia đình, lo người thân ở nhà có thể bị nhiễm bệnh, lo người thân vắng mình thì vất vả hơn. Vậy nên, nếu người thân của các y bác sĩ được quan tâm, hỗ trợ thì họ sẽ an tâm cống hiến hơn.

Một nỗi lo nữa là lo cho người bệnh, lo không cứu được bệnh nhân vì thiếu vật tư, trang thiết bị và máy móc. Bởi khi số lượng bệnh nhân nhập viện nhiều. Thiết bị, vật tư y tế trang bị không kịp thì nhiều khi bác sĩ muốn làm nhưng không thể làm được trọn vẹn nhất. Vậy nên nguyện vọng của tôi là các bệnh viện được trang bị đầy đủ các máy móc, vật tư cần thiết để các bác sĩ có cơ hội phát huy hết năng lực, cứu được nhiều bệnh nhân nhất có thể.

{keywords}

Hồng Hạnh

Trở về từ căn phòng sinh tử, bố chạy giật lùi tránh con

Trở về từ căn phòng sinh tử, bố chạy giật lùi tránh con

Xe của bệnh viện chở anh về tận cổng nhà. Nhìn thấy bố, thằng út chạy ào ra đòi bế. Anh phải chạy giật lùi để tránh con. Vợ anh chạy ra vừa ôm con vừa khóc.


Blog được phát triển bởi https://chamsocnhacuahiendai.blogspot.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét